Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế từ Trung ương đến địa phương được nâng lên một bước; tổ chức, bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam có bước trưởng thành đáng kể. Hội nhập kinh tế quốc tế đã đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và đưa quan hệ của nước ta với các đối tác, song phương, đa phương đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.Hiện nay, tình hình trong nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, đang diễn biến phức tạp, khó lường. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc, Việt Nam không những phát huy cơ hội, thuận lợi, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà còn tạo ra khả năng bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, phát triển nhanh và bền vững. Việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế. Nước ta cũng có cơ hội tham gia chủ động và sâu hơn vào quá trình định hình và cải cách các định chế, cơ chế, cấu trúc khu vực và quốc tế có lợi cho ta và có điều kiện thuận lợi để đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của các tổ chức, cá nhân; bảo đảm độc lập, tự chủ, củng cố và duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để phát triển mạnh hơn, sáng tạo hơn và có sức cạnh tranh hơn. Người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường.
Tuy nhiên bên cạnh thời cơ trong hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam vẫn còn thách thức sau.
Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế có nơi, có lúc chưa được quán triệt kịp thời, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc. Hội nhập kinh tế quốc tế còn bị tác động bởi cách tiếp cận phiến diện, ngắn hạn và cục bộ; do đó, chưa tận dụng được hết các cơ hội và ứng phó hữu hiệu với các thách thức.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình đổi mới ở trong nước, nhất là đổi mới, hoàn thiện thể chế, trước hết là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hội nhập kinh tế quốc tế chưa được phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với hội nhập trong các lĩnh vực khác. Chưa tạo được sự đan xen chặt chẽ lợi ích chiến lược, lâu dài với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng. Việc ứng phó với những biến động và xử lý những tác động từ môi trường khu vực và quốc tế còn bị động, lúng túng và chưa đồng bộ.
Việc khắc phục những hạn chế, yếu kém, tồn tại và triển khai thực hiện các cam kết quốc tế mới cũng sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức không chỉ về kinh tế mà còn cả về chính trị, xã hội. Sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều ngành, doanh nghiệp và sản phẩm của nước ta sẽ gặp khó khăn hơn. Việc thực hiện các cam kết sâu rộng và cao hơn, nhất là vấn đề lao động, việc làm, bảo vệ môi trường... đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các cam kết nếu không được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, có lộ trình, bước đi phù hợp, sẽ tác động tiêu cực đến quá trình đổi mới, hoàn thiện thể chế, giải quyết những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Việc thực hiện các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đặt ra những thách thức mới không chỉ đối với quản lý của Nhà nước mà còn có thể ảnh hưởng đến ổn định chính trị - xã hội. Những cơ hội và thách thức nêu trên có mối quan hệ qua lại và có thể chuyển hóa lẫn nhau. Cơ hội có thể trở thành thách thức nếu không được tận dụng kịp thời. Thách thức có thể biến thành cơ hội nếu chúng ta chủ động ứng phó thành công./.
Bùi Phụ