VNHN - Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 2 đến 4/11, tại tỉnh Nonthaburi của Thái-lan, các nhà lãnh đạo ASEAN và những nước đối tác đã nhất trí kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Hội nghị trù bị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP tháng 11-2019, tại Thái-lan.
Theo đó, Hội nghị cấp cao Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 3 diễn ra ngày 4/11 và Hội nghị trù bị Bộ trưởng RCEP ngày 1/11 vừa qua, tại tỉnh Nonthaburi của Thái-lan đã nhất trí kết thúc đàm phán. Các nhà lãnh đạo 16 nước tham gia đàm phán RCEP, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN, đã đồng ý trên nguyên tắc về những lời văn trong 20 chương của Hiệp định, đồng thời nhất trí sẽ thúc đẩy ký kết RCEP trong năm 2020.
Trong những hội nghị về Hiệp định RCEP lần này, đoàn Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thảo luận tìm kiếm các giải pháp linh động trong nhiều lĩnh vực, để xử lý vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia, nhằm thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán, hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định này tại Việt Nam trong năm 2020, khi nước ta đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN.
Là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, RCEP khi được ký kết sẽ bao gồm 16 quốc gia trong một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu. Các nước tham gia RCEP có tổng dân số hơn 3,5 tỷ người và có giá trị thương mại hơn 1.000 tỷ USD (tương đương 29% giá trị thương mại toàn cầu).
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn - Ảnh: TTXVN
Bên lề Hội nghị RCEP tại Thái Lan, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã trả lời phỏng vấn phóng viên báo Nhân Dân điện tử. VNHN xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:
Phóng viên: Xin Bộ trưởng đánh giá về ý nghĩa của việc kết thúc đàm phán RCEP.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP đánh dấu một cột mốc hết sức quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng cũng như của tất cả các nước tham gia RCEP nói chung, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên cản trở toàn cầu hóa.
Sau gần bảy năm đàm phán, trong năm 2019 chúng tôi đã chứng kiến sự nỗ lực rất lớn của tất cả các bên, đặc biệt là tại phiên đàm phán lần thứ 28 tại Đà Nẵng vào tháng 9 vừa qua. Tôi rất vui mừng khi ngày hôm nay các nước đã hoàn tất đàm phán toàn bộ lời văn Hiệp định và kết thúc hầu hết tiến trình đàm phán mở cửa thị trường. Riêng Ấn Độ còn một số vấn đề chưa giải quyết được nên sẽ tiếp tục làm việc với các nước để có thể đi đến thống nhất trong năm sau. Các nước cũng nhất trí sẽ sớm tiến hành rà soát pháp lý lời văn Hiệp định để triển khai các thủ tục ký kết trong năm 2020.
Khi Hiệp định RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô hơn 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, Hiệp định này dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch, việc đàm phán thành công Hiệp định sẽ góp phần vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững.
Riêng với Việt Nam, sau khi thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ tháng 1-2018 và ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu (EVFTA) vào tháng 6-2019, việc kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Phóng viên: Trải qua chặng đường gần bảy năm đàm phán Hiệp định RCEP, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đã và đang gặp không ít thách thức. Theo Bộ trưởng, đâu là những thách thức lớn? Vai trò và sự tham gia của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đàm phán RCEP có thể nói là một trong những cuộc đàm phán thương mại phức tạp. Ngay từ trước khi bắt đầu, tất cả các nước đã thống nhất mục tiêu đạt được một hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Trong các đối tác tham gia đàm phán, có những đối tác đã ký kết hiệp định FTA với nhau, nghĩa là đã cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cho nhau ở mức độ nhất định, chẳng hạn ASEAN đã ký kết các FTA với từng đối tác trong số sáu đối tác này, nhưng cũng có nhiều nước chưa ký kết FTA với nhau như Ấn Độ với Trung Quốc, Australia, New Zealand, Nhật Bản với Hàn Quốc. Vì vậy, cả 16 nước cùng đạt được một mức độ mở cửa thị trường chung là điều rất khó.
Ngoài ra, bên cạnh quy mô lớn của Hiệp định thì trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên cũng rất khác biệt, ngay các nước ASEAN cũng có trình độ phát triển khác nhau, chính sách khác nhau về các lĩnh vực đàm phán như: chính sách cạnh tranh, đầu tư, sở hữu trí tuệ. Do vậy, trong quá trình đàm phán, các bên luôn phải tìm các giải pháp xử lý vướng mắc, đồng thời, hài hòa được lợi ích giữa các bên.
Là một thành viên ASEAN, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ các nước trong khối nhằm duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN, vừa thúc đẩy đàm phán vừa bảo vệ tối đa lợi ích của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trong đàm phán Hiệp định RCEP. Với mục tiêu đạt được một hiệp định chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và chủ động đề xuất những giải pháp linh hoạt trong nhiều lĩnh vực, để xử lý những vấn đề vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia.
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết định hướng xây dựng ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều thuận lợi. Bên cạnh hòa bình và hợp tác, tự do hóa thương mại vẫn là xu thế lớn trên thế giới. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP đang được thực thi hoặc chuẩn bị cho việc ký kết. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực cũng có nhiều những thách thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không chỉ do căng thẳng thương mại mà còn bị tác động nhiều bởi các bất ổn chính trị cũng như mức độ tăng trưởng không duy trì được như trước đây. Làn sóng bảo hộ trên thế giới chưa có dấu hiệu suy giảm, làm ảnh hưởng tới hợp tác kinh tế đa phương và khu vực. Sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, như giữa Mỹ và Trung Quốc, gây khó khăn đối với quá trình phát triển của ASEAN.
Trong bối cảnh đó, để đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong Trụ cột Kinh tế, Việt Nam cần có những định hướng ưu tiên phù hợp để tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi, đồng thời vượt qua các khó khăn thách thức. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã đặt ra bốn định hướng ưu tiên trong trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN cho năm 2020: Thứ nhất, thúc đẩy tăng cường hội nhập kinh tế thông qua ủng hộ việc triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 và các thỏa thuận thương mại tự do như Hiệp định RCEP. Thứ hai, thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ ba, thúc đẩy phát triển hiệu quả hướng đến một nền kinh tế ASEAN không chỉ phát triển năng động, sáng tạo mà còn hiệu quả và thích ứng. Cuối cùng là thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại trong ASEAN.
Phù hợp với các định hướng này, là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ phải gánh vác một nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy kết thúc đàm phán những nội dung còn lại trong Hiệp định RCEP. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với sáu nước đối tác, để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP và nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý những nội dung đã thống nhất chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
MINH ĐỨC - TUẤN ANH
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái-lan