19/01/2025 lúc 05:53 (GMT+7)
Breaking News

Nhìn lại loạt điểm nghẽn “kéo lùi” tiến độ cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt

Mặc dù Ban QLDA 6, đại diện Nhà đầu tư, Ngân hàng BIDV đã quyết liệt vào cuộc cùng với sự quyết tâm của cán bộ, người lao động các đơn vị thi công, tuy nhiên Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt vẫn còn những điểm nghẽn trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là 1 trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự án có chiều dài hơn 49km, tổng mức đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai từ ngày 1/6/2021 đến tháng 5/2024. Tuy nhiên, do vướng mắc về nguồn vốn tín dụng, đến tháng 3/2022, công tác thi công gói thầu mới được bắt đầu.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157,8 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn nhà nước tham gia hơn 6.067,7 tỉ đồng. Hợp đồng BOT ký giữa Bộ GTVT với liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - Cienco4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - CTCP Đầu tư và xây dựng Vina2 và CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Trao đổi với Vietnamhoinhap, ông Nguyễn Anh Dũng, Công ty Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho biết: Tính đến ngày báo cáo sau khi điều chỉnh tiến độ lần 3, toàn dự án đã huy động 85/90 mũi thi công, tổng giá trị các Nhà thầu thực hiện được là 2.851,6/2.924,05 tỷ đồng, đạt 97,5% kế hoạch và đạt 33,2% giá trị hợp đồng.

Với kế hoạch giao cả năm 2023 giải ngân 1.859 tỷ. Theo tiến độ điều chỉnh lần 3 theo đó năm 2023 sản lượng toàn dự án đạt khoảng 4.000 tỷ đồng và trên cơ sở tiến độ lập và được duyệt, doanh nghiệp dự án (DNDA) sẽ chỉ đạo các Nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để triển khai thi công đạt giá trị sản lượng nêu trên và quyết tâm giải ngân vốn VGF năm 2023 theo đúng kế hoạch đã đăng ký.

Quyết tâm là vậy, thế nhưng Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) cũng cho biết, quá trình thực hiện, dự án gặp rất nhiều áp lực, trước tiên là việc huy động tín dụng để đảm bảo nguồn vốn theo cam kết hợp đồng BOT.

Ban QLDA6 cho biết mặc dù liên danh NĐT đã tích cực làm việc với BIDV để phê duyệt tín dụng cho dự án. Tuy nhiên, do những tồn tại của các dự án BOT đã triển khai dẫn đến Ngân hàng nhà nước đưa các dự án BOT thuộc đối tượng rủi ro khi cấp tín dụng. Bộ GTVT đã tổ chức các cuộc họp với Ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng cam kết tài trợ vốn cho dự án nhưng kết quả đạt được không mấy khả quan.

Bên cạnh đó, thời gian đàm phán để cung cấp tín dụng cho dự án vào đúng thời điểm dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, các lệnh phong tỏa liên tục được đưa ra khiến liên danh NĐT/DNDA không thể trực tiếp làm việc được với các tổ chức tín dụng làm cho khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Thủ tướng kiểm tra dự án cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt đầu năm nay

Cụ thể, theo quy định tại Điều 9 hợp đồng BOT số 02 ngày 13/05/2021 nêu rõ, trong vòng sáu tháng kể từ ngày hợp đồng này được ký kết, trường hợp Nhà đầu tư không ký kết được hợp đồng vay vốn đáp ứng yêu cầu về mức vốn vay, điều kiện giải ngân theo quy định để giải ngân vốn cho Dự án, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Thế nhưng thực tế đến ngày 12/02/2022 liên danh NĐT/DNDA mới được 4 ngân hàng hợp vốn ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho dự án với số vốn cam kết không quá 3.560 tỷ đồng.

Như vậy, sau 9 tháng kể từ ngày hợp đồng BOT được ký kết, dự án mới huy động được tín dụng và đủ điều kiện tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT. Kể từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng (12/02/2022) đến ngày giải ngân đầu tiên (11/11/2022) phải mất thêm 9 tháng nữa khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.

"Nút thắt dòng tiền"

Một vấn đề khách quan khác nảy sinh ngay cả khi dự án đủ điều kiện giải ngân, đúng thời điểm đó thị trường tài chính có biến động bất lợi, lãi suất huy động tăng cao (hiện nay NĐT phải vay với mức lãi suất 11,7%/9,9% theo hợp đồng BOT).

Đặc biệt, do lãi suất huy động tăng cao trong khi đó lãi suất hợp vốn được tính bằng lãi bình quân của tất cả 4 ngân hàng dẫn đến Ngân hàng Bắc Á bị lỗ do lãi suất huy động cao hơn các ngân hàng nhà nước do vậy Ngân hàng Bắc Á thường xuyên đề nghị tăng lãi suất cho vay.

Điểm nghẽn thứ 2 của dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là khó khăn dòng tiền của chủ sở hữu. Cụ thể, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 11.157 tỷ đồng, gồm nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện khoảng hơn 6.067 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt gồm tổ hợp liên danh 5 doanh nghiệp: Công ty TNHH Hòa Hiệp, Tập đoàn CIENCO4, Công ty TNHH Núi Hồng, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng VINA 2.

Hiện phần vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo Hợp đồng tín dụng là 1.530 tỷ đồng, các nhà thầu đã góp 1.023 tỷ đồng so với hợp đồng BOT và liên danh NĐT phải huy động thêm 507 tỷ đồng để góp vốn chủ sở hữu vào dự án.

Để hợp đồng tín dụng được ký kết, ngoài bổ sung vốn chủ sở hữu thế chấp quyền thu phí của dự án, liên danh NĐT đã phải bổ sung rất nhiều tài sản khác trong đó bao gồm 300 tỷ đồng bằng tiền mặt. Việc tăng vốn chủ sở hữu và các khoản cầm cố bồ sung bằng tiền mặt khiến năng lực tài chính Nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng (NĐT vừa là Nhà thầu), trong khi đó, để đáp ứng điều kiện giải ngân vốn tín dụng phải thực hiện rất nhiều thủ tục, liên danh NĐT bỏ vốn tự có để thực hiện trong khi các nguồn vốn khác chưa thể giải ngân.    

Một nguyên nhân khác cũng khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng là do giá cả vật liệu tăng cao và công tác Quản lý Nhà nước. Cụ thể năm 2021 và 2022 giá đầu vào đối với tất cả các loại nguyên vật liệu chính phục vụ thi công như thép, xi-măng, cát, đá,... tăng đột biến dẫn đến giá các gói thầu tăng khoảng 13% - 15%. Trong khi đó chi phí dự phòng của dự án cho phần giá trị điều chỉnh giá chỉ khoảng 3,8%.

Thời điểm này, cơ quan Quản lý Nhà nước cũng tiến hành siết chặt quản lý về xe quá khổ quá tải; kiểm soát chặt các mỏ vật liệu về công xuất, hóa đơn do đó những tháng cuối năm 2022 hầu như các mỏ cát đã suất hết hóa đơn do đó không cung cấp được cho dự án khiến công trường rơi vào cảnh “đắp chiếu”.

Đặc biệt, năm 2022 trên địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung, trong đó hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nơi dự án đi qua có thời tiết bất thường lượng mưa lớn kéo dài, đặc biệt có ảnh hưởng của cơn bão số 4 (Bão Noru) đã gây có mưa lớn kéo dài và thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến dự án. Bão Noru đã gây ngập diện rộng, ngập toàn bộ hệ thống đường công vụ, tuyến chính và hư hỏng các cầu công vụ thi công, tổng thời gian bị ảnh hưởng không thi công được khoảng gần 1 tháng.

Tăng ca, tăp kíp quyết đưa dự án về đích đúng hẹn

Dù dự án gặp rất nhiều khó khăn, nhưng phía Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) và Công ty Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) đang rất nỗ lực để tìm kiếm các giải pháp đẩy nhanh tiến độ của dự án.

Để đảm bảo tiến độ dự án, một mặt Nhà đầu tư dự án chỉ đạo các nhà thầu tập trung cao độ mọi nguồn lực, huy động thêm máy móc thiết bị, nhân vật lực và tăng ca kíp để triển khai thi công đảm bảo theo tiến độ điều chỉnh lần 3 đã được phê duyệt và đảm bảo theo tiến độ của Hợp đồng với Bộ GTVT.

Thi công dự án cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt

Hàng tuần/tháng các bên tổ chức họp kiểm điểm tiến độ đánh giá mức độ hoàn thành và điều chỉnh tiến độ cho phù hợp đối với từng Nhà thầu, từng gói thầu, trường hợp Nhà thầu thi công nào không đáp ứng tiến độ đề ra mà không có giải pháp cụ thể thì DNDA sẽ điều chuyển khối lượng sang cho các Nhà thầu khác hoặc bổ sung thêm Nhà thầu làm sao đáp ứng tiến độ chung của dự án.

Đối với nguồn vật liệu, CĐT, DNDA yêu cầu các Nhà thầu chủ động tìm kiếm thêm mỏ vật liệu, thêm đối tác cung cấp đặc biệt phối hợp với cơ quan liên quan để đẩy nhanh công tác cấp phép mỏ vật liệu đối với các mỏ NĐT đang làm thủ tục. Phối hợp với địa phương để sớm lấy được vật liệu đất đối với các mỏ đã được cấp phép.

Đồng thời chỉ đạo Nhà thầu bằng mọi cách như huy động thêm cán bộ, làm thêm giờ, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ lập hồ nghiệm thu thanh toán đối với các hạng mục đã thi công hoàn thành, để đảm bảo nguồn vốn cung cấp cho dự án lưu thông kịp thời.

Về nguồn vốn, Ban QLDA 6 cho biết, hiện các nhà đầu tư đang tiếp tục thương thảo với nhau và với Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng VINA 2 để đơn vị này sớm đóng đủ số vốn chủ sở hữu đúng hạn. Có như vậy, dự án mới có thể tăng tốc giải ngân và thi công trong thời gian tới.

 

Đinh Tịnh