VNHN - Đối với thương mại - dịch vụ, tập trung thu hút các dự án đầu tư khu đô thị, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí; dịch vụ logistics; dịch vụ tài chính, y tế, bảo hiểm tại TP. Bắc Giang; các dự án đô thị nghỉ dưỡng trên một số địa bàn có thế mạnh (Lạng Giang, Lục Ngạn, Lục Nam).
Theo Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2020, lĩnh vực công nghiệp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN): Quang Châu, Hòa Phú và cụm công nghiệp (CCN) của TP. Bắc Giang, các huyện: Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên và Hiệp Hòa bao gồm, ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện tử, sản xuất điện; chế biến nông - lâm sản, thực phẩm; dệt may; công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Lĩnh vực năng lượng, ưu tiên nhà đầu tư triển khai đầu tư, mở rộng các dự án nhà máy nhiệt điện trên địa bàn theo quy hoạch vào các huyện: Lục Nam, Sơn Động; thu hút dự án sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vào địa bàn các huyện: Yên Thế, Sơn Động; thu hút dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời vào các KCN: Quang Châu, Hòa Phú. Riêng với lĩnh vực du lịch, ưu tiên thu hút đầu tư thực hiện các dự án: Khu du lịch Suối Mỡ (huyện Lục Nam); khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); khu giải trí, nghỉ dưỡng, tâm linh (Núi Nham Biền, huyện Yên Dũng); các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf: Chu Điện - Khám Lạng (Lục Nam), Trung Sơn (Việt Yên), hồ Hố Cao (Lạng Giang), hồ Khuôn Thần (Lục Ngạn).
Với đầu tư trong nước, ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, DN thuộc Top 500 DN lớn nhất Việt Nam đầu tư dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, khuyến khích DN ngoài tỉnh thành lập DN mới hoặc mở chi nhánh tại Bắc Giang, qua đó góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương; tạo điều kiện cho DN trong tỉnh liên kết với các DN FDI để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.
Bắc Giang có lợi thế về giao thông, cơ sở hạ tầng để thu hút các dự án đầu tư. Ảnh :Internet
Để tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào địa bàn; hỗ trợ nhà đầu tư, DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được chấp thuận đầu tư. Đồng thời, huy động các nguồn lực để đầu tư và chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, quy hoạch và tạo vùng nguyên liệu để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh tại tỉnh.
Lĩnh vực nông nghiệp, thu hút và khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao theo định hướng quy hoạch kết hợp với các biện pháp tổ chức tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông – lâm - thủy sản; đồng thời đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải, bảo vệ môi trường. Để khai thác tối đa về điều kiện của từng địa bàn, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung nghiên cứu, thu hút các dự án đầu tư phù hợp với lợi thế từng vùng.
Cụ thể: Vùng động lực, dọc theo tuyến quốc lộ 1 và TP. Bắc Giang. Đây là nơi tập trung chính để kêu gọi đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, bao gồm các KCN nằm trên tuyến, trung tâm logistics, dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, khách sạn, tài chính ngân hàng. Vùng phía Tây, trung tâm vùng là huyện Hiệp Hòa. Vùng này tập trung phát triển sản xuất, chế biến nông sản, hàng tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, với lợi thế giáp Bắc Ninh và Thái Nguyên, khu vực này sẽ được ưu tiên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực CNHT, đặc biệt là CNHT cho Tập đoàn Samsung. Vùng phía Đông Bắc, với trung tâm là huyện Lục Ngạn.
Đây là vùng miền núi rộng lớn, với tiềm năng phát triển các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu, du lịch. Hướng phát triển của vùng này trong thời gian tới là thu hút vốn FDI phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm sản, các loại hình du lịch sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng. Đối tác ưu tiên thu hút đầu tư, với các dự án FDI, tập trung thu hút đối tác có thương hiệu toàn cầu, năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ; không khuyến khích dự án đầu tư nước ngoài không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh (các dự án nhỏ thuê lại nhà xưởng); không cố định theo quốc gia hay đối tác mà tùy theo lĩnh vực và công nghệ cụ thể dựa vào sự phát triển của lĩnh vực đó trên thế giới, thế mạnh, thị phần của DN trong chuỗi giá trị để nhận định năng lực đầu tư và mở rộng kinh doanh của nhà đầu tư.