VNHN - Khoa học công nghệ được coi là giải pháp trọng yếu, có tính then chốt trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nhà khoa học có vai quan trọng trong quá trình thực hiện liên kết 4 nhà (Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hương phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có lợi thế, có thị trường. Tập trung, ưu tiên hỗ trợ các ngành, hàng chủ lực theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ; ưu tiên mô hình áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, xanh, sạch. Nội dung đó đòi hỏi tính ứng dụng và làm chủ KHCN rất cao.
Theo đó, nhiệm vụ của Nhà khoa học trong mối liên kết là nghiên cứu các giống vật nuôi, cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng của từng vùng, miền; nghiên cứu quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao; công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản. Đây là công đoạn dễ dàng nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông sản, nhưng chính là khâu yếu nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Thời gian qua, nhà khoa học đã làm tương đối tốt vai trò nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi theo nhiệm vụ được giao và theo yêu cầu của nông dân. Tuy nhiên, nhà khoa học còn thiếu thông tin để sản xuất ra giống cây trồng, vật nuôi có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế như: Một số đề tài, mô hình mới chỉ dừng lại ở mức độ xây dựng mô hình mà chưa nhân rộng ra sản xuất; nội dung một số đề tài còn đơn điệu, nghèo nàn; mới chủ yếu tập trung vào khâu giống, kỹ thuật canh tác, mà rất thiếu những đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, chưa có sản phẩm chất lượng cao, chưa tiếp cận nhanh với khoa học công nghệ hiện đại của thế giới và của khu vực…
Vấn đề này luôn cần sự định hướng đúng đắn của Nhà nước và của cả doanh nghiệp. Nên chăng, doanh nghiệp nên tạo một kênh liên kết với nhà khoa học. Doanh nghiệp đặt hàng nhà khoa học sản xuất ra giống vật nuôi, cây trồng theo nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả sản xuất cao cho nông dân và doanh nghiệp(?).
Mặt khác, sở dĩ khoa học công nghệ chưa đi sâu vào sản xuất nông nghiệp được, bên cạnh nỗ lực và tính chủ động, sự nhạy bén chưa cao của nhà khoa học, một phần quan trọng là do công tác xây dựng cơ chế chính sách cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều trở ngại và chậm, chưa đủ sức kích thích và thúc đẩy cả hai phía (nhà khoa học và nhà nông) hăng hái tạo dựng mối liên kết.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao suy giảm cũng là do thiếu chính sách ưu đãi; các nghiên cứu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa được phát triển đúng mức; đầu tư kinh phí cho nghiên cứu còn thấp, lại dàn trải. Kinh tế hộ với ruộng đất manh mún trong nông nghiệp đang là lực cản cho quá trình đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng phát triển; sự hỗ trợ chưa đồng bộ và đủ mạnh…
Vì vậy mà kết quả mối liên kết giữa các nhà khoa học với nhà nông trong sản xuất nông nghiệp hiện nay còn rất hạn chế. Vị trí của nhà khoa học trong liên kết 4 nhà hiện chưa rõ nét, chưa tạo được sự kết dính thực sự cần thiết với nông nghiệp mặc dù tiềm năng là rất lớn. Khoa học nông, lâm nghiệp của nước ta mới chỉ đóng góp khoảng 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến tỷ lệ này thường là 80 - 90%. Về mặt lý thuyết, các nhà nghiên cứu cho rằng: Nếu nông nghiệp vẫn giữ đà phát triển như hiện nay thì phải mất tới…50 năm nữa, Việt Nam mới đuổi kịp các nước tiên tiến về sản xuất nông nghiệp (như trình độ của họ hiện nay).
Vấn đề là phải có một cơ chế, chính sách ưu đãi nhiều hơn, khuyến khích mạnh mẽ hơn, nhằm đẩy mạnh việc liên kết và đưa KHCN vào thực tiễn sản xuất trong nông nghiệp một cách thực chất và thường xuyên, nhất là trong lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ở đây, Nhà nước có vai trò và trách nhiệm mang tính chủ đạo. Không đổi mới một cách thiết thực trong xây dựng cơ chế, chính sách, mối liên kết sẽ không thể phát triển được và sản xuất nông nghiệp sẽ vẫn lạc hậu, manh mún, hiệu quả thấp…