VNHN - Với xu thế phát triển và hội nhập như hiện nay, vị trí và vai trò của báo chí trong đời sống xã hội ngày càng được nâng lên, nó trở thành một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Ở một khía cạnh nào đó, báo chí còn tham gia vào tiến trình lịch sử của thời đại, cùng lúc có thể tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Chính vì vậy, những người làm nghề này, trong mỗi tác phẩm của mình, phải nhận thức sâu sắc từng nội dung, cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét cẩn trọng những hậu quả có thể xảy ra khi nó đến với người đọc, người xem. Chỉ cần một chút thiếu thận trọng của nhà báo, xã hội có thể phải bỏ ra gấp trăm ngàn lần công sức viết bài báo đó để khắc phục hậu quả.
Ảnh minh họa - Internet
Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp. Hiện nay, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo còn được gọi là đạo đức nghề báo, đạo đức nhà báo, đạo đức báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo...
Cũng giống như đạo đức, bên cạnh những chuẩn mực đạo đức nghề báo chung cho tất cả nhà báo ở tất cả các quốc gia, thì còn có những chuẩn mực đạo đức nghề báo riêng của từng quốc gia, từng cơ quan báo chí, phụ thuộc vào từng thời kỳ phát triển lịch sử của từng quốc gia, của cơ quan báo chí đó. So với các quy ước về đạo đức nghề báo của các quốc gia và tổ chức báo chí quốc tế, thì Quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam có những điểm tương đồng và một số nét mang tính đặc thù.
Trong nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng rất coi trọng việc bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà báo, như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII, Nghị quyết số 197 của Bộ Chính trị (khoá III) năm 1972, Chỉ thị 15, ngày 21-9-1987 của Ban Bí thư, Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII)… Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các thời kỳ khác nhau cũng đều quan tâm nhắc nhở cán bộ báo chí phải rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Và gần đây nhất, khi Luật Báo chí được Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 11 thông qua (05/4/2016) và có hiệu lực vào ngày 01-01-2017, đã quy định một số nội dung mới so với Luật Báo chí hiện hành. 1 trong 9 nội dung được thay đổi trong Luật Báo chí mới, là nhấn mạnh đến đạo đức nhà báo. Cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo trong Luật, để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật Báo chí mới còn bổ sung, luật hóa những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; trong đó, quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Phải khẳng định rằng, đại bộ phận nhà báo Việt Nam đã thực hiện tốt những nội dung cơ bản nhất của các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam. Trong những năm qua, những người làm báo việt Nam đã thực sự trở thành những con chim báo bão, góp phần dự báo, đón đầu các sự kiện và xu thế phát triển của xã hội. Điều này được thể hiện rõ nét qua chất lượng nội dung thông tin báo chí hàng ngày, hàng giờ đăng tải trên các loại hình báo chí. Báo chí phản ánh, bám sát toàn diện mọi mặt của cuộc sống và đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nhận thấy những tiêu cực trong đạo đức nghề báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và sự tha hóa trong một bộ phận nhà báo Việt Nam. Đó là: hiện tượng nhà báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan, thổi phồng hay bóp méo sự thật vì vụ lợi cá nhân; hiện tượng thương mại hoá tờ báo bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, kích động, thiếu văn hoá, thiếu tính thẩm mỹ và phản giáo dục; biểu hiện thiếu tính nhân văn trên báo chí;… Có thể nói, trên mặt báo hiện nay la liệt các vụ án khiến cho người đọc xem đâu cũng thấy bi kịch, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, làm cho họ có ấn tượng nặng nề, bi quan về xã hội. Thậm chí, họ còn rút tít, miêu tả một cách chi tiết, rõ ràng khiến người đọc ớn lạnh, sởn gai gà và tạo cho dư luận một thái độ không đúng về tình hình an ninh trật tự của đất nước. Rỏ ràng và cụ thể nhất là trên nhiều trang báo mạng, chúng ta thử truy cập vào internet, chỉ cần gõ vào mục “giết người” hay “hiếp dâm”… thì vô số các tin, bài có liên quan, cũng cùng một nội dung, nhưng có rất nhiều trang mạng khác đăng lại với cách viết khác nhau. Một số tờ báo, tạp chí lạm dụng đưa tin, bài về đề tài giới tính, tình yêu, hôn nhân, tình dục nhằm câu khách, khêu gợi trí tò mò, thông tin dung tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, phần nào làm ảnh hưởng tới lối sống của xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Trong biểu hiện này nổi lên là việc đi sâu khai thác vào đời tư, tình cảm của những người nổi tiếng, của giới nghệ sỹ, những chuyện hậu trường, đời tư của các chính khách nước ngoài. Bên cạnh, có không ít những bài báo phản ánh thiên lệch xã hội, nhìn xã hội toàn một màu đen gây ra tâm lý bi quan, hoài nghi; mô tả chi tiết, tỉ mỉ những hành vi tội ác, dâm ô, “bạo lực”, làm ô nhiễm tâm hồn lớp trẻ, làm tội phạm có thể bắt chước; nhìn xã hội một cách hằn học, thiếu tính xây dựng; cổ vũ cho thị hiếu không lành mạnh, khuyến khích bệnh “sùng ngoại”, nô lệ “mốt”, khuyến khích tiêu dùng quá mức, xa xỉ khi đất nước còn nghèo nàn, Nhân dân còn khổ… Một số nhà báo có tư tưởng “phang cho một đòn chết tươi” khi viết về các cá nhân trong các vụ việc tiêu cực. Các bệnh như “ăn theo nói leo”, “đục nước béo cò”, “dậu đổ bìm leo”, “té nước theo mưa”... xuất hiện ngày một nhiều trong làng báo.
Nguyên nhân của những vi phạm đạo đức nhà báo có thể kể ra như: trước tiên là vấn đề nhận thức của bản thân nhà báo. Một số nhà báo nắm chưa vững Luật Báo chí và đạo đức nghề báo. Việc nắm bắt thông tin, các văn bản liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của nhà báo chưa vững. Thiếu bản lĩnh chính trị cũng được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp; thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức thường xuyên là nguyên nhân chủ quan thúc đẩy nhà báo lặn sâu hơn vào còn đường sai lầm.
Bên cạnh đó là tính chuyên nghiệp, kỹ năng và trình độ nghề nghiệp của một số nhà báo còn hạn chế. Đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến một số nhà báo vi phạm đạo đức nghề báo, khi đứng trước áp lực thời gian và tiến độ thực hiện bài vở. Hành lang pháp lý còn nhiều kẽ hở cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất, tạo điều kiện cho sự gia tăng của các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Việc xử lý (khen thưởng và kỷ luật) nhiều khi chưa kịp thời, chưa công minh dẫn đến hiện tượng "nhờn thuốc" ở một bộ phận các nhà báo…
Thiết nghỉ, để hạn chế những thiếu xót nói trên và thực hiện tốt quy định về nghề nghiệp nhà báo, tránh vi phạm đạo đức nhà báo, các ngành chức năng có liên quan, cần tiếp tục công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về đạo đức, trách nhiệm xã hội, nâng cao về trình độ của nhà báo. Cần thật sự coi trọng, đề cao công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí cả về nhận thức và bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị trong các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần rà soát quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, tòa soạn để chủ động ngăn ngừa, tránh các sai sót không đáng có.
Bản thân các nhà báo, phải nắm vững và hiểu được tầm quan trọng của Luật Báo chí và đạo đức nghề nghiệp. Minh bạch, công minh, kịp thời trong việc khen thưởng cũng như xử lý kỷ luật những vấn đề có liên quan đến thi hành Luật Báo chí và đạo đức nghề báo. Nâng cao đời sống vật chất cho đội ngũ những người làm báo bằng lao động nghề nghiệp chân chính của mình, đó sẽ là điều kiện tốt để họ phát triển tài năng; đồng thời, cũng là một điều cần thiết để ngăn ngừa sự vi phạm đạo đức, hạn chế những tiêu cực ngoài ý muốn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là từ chính bản thân các nhà báo. Nếu nhà báo tuân thủ luật pháp và đạo đức nghề nghiệp, thì những sai phạm chắc chắn sẽ giảm và bớt nghiêm trọng hơn. Riêng đối với bạn đọc, nên tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc và kỹ lưỡng, tham khảo nhiều nguồn thông tin với các khía cạnh khác nhau, để có cái nhìn khách quan, không phiến diện, một chiều.