VNHN - Nhân ngày nhà báo, lại ngẫm về nghề, nhìn qua, chắc hẳn ai cũng nghĩ nghề báo là một nghề quyền lực. Thế nhưng, thực tế những người đã từng trải qua mới thấu hiểu nghề báo thật sự hiểm nguy, đầy khó khăn và thách thức.
Là nhà báo, bạn sẽ phải chịu tất cả trách nhiệm về những thông tin bạn đưa. Bởi vậy, bạn phải luôn trung thực với thực tế và giữ vững sự kiên định trước những cám dỗ.
Nhiều người cho rằng: Làm nghề gì cũng chỉ cần có sự đam mê và lòng nhiệt huyết, nhưng riêng với nghề đặc thù như nghề báo thì ngoài đạo đức làm người còn phải có đạo đức làm nghề. Đó là vấn đề sống còn, là nền tảng cốt lõi để phát triển giống cây phải có gốc, sông phải có nguồn.
Có thể dễ dàng nhận thấy, gần đây có một bộ phận nhà báo đang chạy theo cơ chế thị trường, suy thoái về đạo đức, vì những cám dỗ vật chất, vì đồng tiền, vì sự lôi kéo của những kẻ xấu đã đánh mất đi đạo đức nghề nghiệp của mình. Chạy theo thị trường, chạy theo đồng tiền mà bán rẻ lương tâm, đạo đức.
Chính vì thế, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đang trở thành vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là khi ngày càng có nhiều vụ việc liên quan đến nhà báo xảy ra rất đáng tiếc, thậm chí liên quan đến cả pháp luật, chỉ vì ý thức công dân và ý thức trách nhiệm của nhà báo chưa được nâng cao, làm ảnh hưởng đến uy tín xã hội của nhà báo.
Thiết nghĩ, sứ mệnh của những người làm báo là sứ mệnh của những con chữ. Những con chữ phải vì lý tưởng, vì sự thật và vì cộng đồng để hướng tới. Các nhà báo chính là cây cầu, là con thuyền đưa thông tin từ khắp mọi nơi được xã hội và bạn đọc đặt niềm tin vào những thông tin đưa ra một cách trung thực và trách nhiệm nhất.
Suốt 94 năm qua, những người làm báo Việt Nam luôn đồng hành với vận mệnh của dân tộc. Thời chiến, họ là những chiến sỹ trên mặt trận thông tin. Thời bình, bằng chức năng và nhiệm vụ của mình, họ góp phần phấn đấu cho một xã hội công bằng và phồn vinh. Có rất nhiều vấn đề lớn, những sự vụ liên quan đến thân phận con người được báo chí theo sát, phản ánh để rồi, cơ quan chức năng đã đưa ra được những quyết sách phù hợp.
Với tôi, điều quan trọng nhất của một Nhà báo là phải có hai lần đạo đức, ngoài đạo đức làm người còn cần phải có đạo đức làm nghề
Nói vậy để thấy rằng làm báo không dễ, làm báo giỏi lại càng khó, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Trong xã hội hiện đại, đâu đó vẫn xuất hiện những hiện tượng, những hành động đi ngược với tôn chỉ của người làm báo. Và nói một cách thẳng thắn, những tiêu cực của một bộ phận những người làm báo làm tổn thương những nhà báo chân chính.
Khi một thông tin bị hiểu sai lệch hoặc được nhà báo làm cho méo mó đi thì hệ quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến sinh mệnh của một cá nhân mà còn gây hệ lụy cho cả một cộng đồng. Ngược lại, một thông tin chính xác, trung thực của nhà báo, với sự lan tỏa của nó sẽ có tác dụng tích cực đến đời sống của toàn xã hội.
Trên thực tế, đại đa số nhà báo đều hành nghề đúng pháp luật qui định và có đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, báo chí mới phát triển và thu hút được công chúng như hiện nay. Tuy nhiên, thời gian qua, một số người cầm bút, mang danh "nhà báo" nhưng lại vi phạm pháp luật. Chưa bàn đến những nhà báo vì non yếu về mặt nghiệp vụ nên vô tình vi phạm pháp luật thì cũng có người cố ý vi phạm pháp luật để trục lợi cá nhân. Trong đó, có những người bị xử lí vì tham gia chạy án, tống tiền doanh nghiệp, cá nhân…
Mỗi nghề nghiệp cần phải có bộ quy tắc nghề nghiệp cụ thể để hướng những người làm nghề đến con đường đúng đắn, khách quan. Với nghề báo thì quy tắc hay đạo đức nghề nghiệp càng đặc biệt quan trọng, có đảm bảo đúng chuẩn mực đạo đức mới phát huy, thể hiện được vai trò, chức năng của báo chí đối với xã hội.
Với sự bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí - truyền thông là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Nhưng một số nhà báo vì phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thậm chí là câu khách, câu view… mà tác nghiệp sai quy trình, trái đạo đức, tạo ra những sản phẩm đi ngược thuần phong mỹ tục, xâm phạm đời tư, thậm chí sai sự thật... Từ đó, hình ảnh cao quý, tốt đẹp của nghề báo cũng giảm sút, gây mất lòng tin và nguy hiểm cho xã hội.
Đó chính là lý do đòi hỏi các nhà báo phải có dũng khí cũng như trí tuệ, bản lĩnh vững vàng hơn gấp bội để vừa làm nghề giỏi, nuôi dưỡng quan hệ, nắm được nhiều đầu mối thông tin nhưng vẫn đảm bảo được khách quan, trung thực, hấp dẫn và giữ được mình
Vấn đề đạo đức của nhà báo là câu chuyện không mới nhưng nó chưa bao giờ là cũ, đặc biệt là làm báo trong cơ chế thị truờng hiện nay đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh, trình độ và sự quyết tâm và tầm của nhà báo. Nhà báo không chỉ theo pháp luật mà còn có cái tâm của nguời cầm bút, mỗi nhà báo phải tự thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội để giữ gìn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.