24/01/2025 lúc 07:20 (GMT+7)
Breaking News

Cần nghiêm trị những đối tượng hành hung phóng viên, nhà báo

VNHN - Thời gian qua, quá trình tác nghiệp đã có rất nhiều phóng viên, nhà báo bị hành hung, gây thương tích. Những vụ việc trên không chỉ đe dọa trực tiếp đến sự an toàn, tính mạng của các phóng viên, nhà báo mà còn gây bức xúc trong dư luận…

VNHN - Thời gian qua, quá trình tác nghiệp đã có rất nhiều phóng viên, nhà báo bị hành hung, gây thương tích. Những vụ việc trên không chỉ đe dọa trực tiếp đến sự an toàn, tính mạng của các phóng viên, nhà báo mà còn gây bức xúc trong dư luận…

Hàng loạt phóng viên, nhà báo bị hành hung…

Trong thời gian đây đã xảy ra khá nhiều vụ việc hành hung, đe dọa tính mạng, phá hủy phương tiện tác nghiệp của phóng viên, nhà báo. Thống kê sơ bộ, trong năm 2018 đã có gần chục vụ việc cản trở, gây khó khăn, truy sát, hành hung nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã có ít nhất 4 vụ phóng viên, nhà báo bị hành hung, gây thương tích trong quá trình tác nghiệp báo chí. Điển hình là cuối tháng 1/2019, trong 2 ngày đã xảy ra 2 vụ hành hung, truy sát phóng viên rất nghiêm trọng.

Vụ thứ nhất xảy ra ngày 26/1, phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Tuyên Quang bị truy sát khi đang tác nghiệp phản ánh tình trạng khai thác quặng trái phép tại thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Vụ thứ 2 xảy ra ngày 27/1, nhà báo Hoàng Đình Chiểu của Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại tỉnh Kon Tum đã bị nhóm côn đồ tấn công phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Nhà báo Hoàng Đình Chiểu bị hành hung dẫn tới nhiều thương tích. (Nguồn: VTV)

Đặc biệt, việc hành hung, gây thương tích cho phóng viên, nhà báo còn diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày ngay tại Thủ đô Hà Nội. Cụ thể là ngày 28/2, phóng viên N.D.T công tác tại Tạp chí Thương Trường có lịch làm việc với một công ty ở Tòa nhà Golden Field trên đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Sau đó, trên đường về, phóng viên T đã bị 3 đối tượng lạ mặt đánh liên tiếp vào vùng đầu, cổ, vai và cánh tay của phóng viên T. Các đối tượng còn dùng hung khí (thanh sắt dài khoảng 50cm), vụt mạnh vào bả vai bên trái và vùng đầu. Đúng lúc đó, tổ tuần tra Công an phường Mai Dịch đi qua, hú còi khiến 3 đối tượng vội vàng lên xe bỏ chạy. Ngay sau đó, phóng viên T đến Công an phường Mai Dịch trình báo sự việc.

Nhóm PV báo Tuổi trẻ Thủ đô trình báo tại cơ quan chức năng - Ảnh: kiemsat.vn

Mới đây nhất, sáng ngày 02/7, nhóm phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô có buổi làm việc tại UBND phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội) để xác minh thông tin phản ánh liên quan đến các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại một số khu vực thuộc địa bàn phường Long Biên. Ngay sau khi làm việc, nhóm phóng viên đi đến khu vực phản ánh có sai phạm để ghi nhận thêm. Tuy nhiên, khi quay về đến đoạn Đình Cửa Nghè thuộc địa bàn phường Long Biên thì nhóm phóng viên bất ngờ bị một nhóm đối tượng lạ mặt đeo khẩu trang kín mặt, đi xe máy từ nhiều hướng lao đến bao vây chặn đường. Các đối tượng này hết sức manh động, xông vào đánh tới tấp buộc các phóng viên phải chạy vào nhà dân để bảo đảm an toàn tính mạng; đồng thời gọi điện cho công an đến can thiệp. Sau khi công an và người dân đến giúp đỡ thì các đối tượng mới bỏ đi.

Với những vụ việc điển hình nêu trên có thể thấy, việc hành hung, gây thương tích, cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp đang có những diễn biến phức tạp. Tại từng vụ việc, các đối tượng có hành vi hành hung, tấn công, gây thương tích cho nhà báo, phóng viên đã thể hiện sự manh động, coi thường pháp luật. Những hành vi này đã gây bức xúc trong dư luận; tạo ra sự hoang mang trong quần chúng nhân dân nói chung cũng như đội ngũ phóng viên, nhà báo - những người đang ngày đêm đấu tranh với những sực việc sai trái, tiêu cực trong xã hội.

Cần xử lý nghiêm hành vi hành hung, gây thương tích cho phóng viên, nhà báo

Trao đổi với báo chí, Nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, các ngành chức năng cần vào cuộc để bảo vệ phóng viên bị truy sát, hành hung khi tác nghiệp. Thực tế, trước những vụ việc hành hung, gây thương tích cho phóng viên, nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời gửi văn bản đề nghị các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc để cùng xử lý, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của người làm báo.

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, Luật sư Đỗ Xuân Đang, Công ty Luật TNHH Harvard (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, mọi hành vi xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp thì tùy hành vi vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản… Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, sẽ có thể bị áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số: 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Cũng theo Luật sư Đỗ Xuân Đang, Điều 167, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã ghi nhận “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm” là hành vi phạm tội. Người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là “Cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm”. Mặt khác, Điều 25 Luật Báo chí 2016 cũng đã quy định về quyền của nhà báo: Được hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí… Do vậy, những hành vi hành hung, gây thương tích cho phóng viên, nhà báo cần phải bị xử lý nghiêm minh.

Cùng với đó, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để ban hành những chế tài nghiêm khắc hơn trong việc xử lý các hành vi cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên, nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho những người làm báo. Qua đó, tạo môi trường tác nghiệp an toàn cho mọi phóng viên, nhà báo trong quá trình hoạt động báo chí.