16/11/2024 lúc 05:45 (GMT+7)
Breaking News

Nhà báo Phan Quang: Nghề gì cũng phải làm bằng hai tay

VNHNO- Đến với nghề báo không phải do mình lựa chọn nhưng cho đến nay, khi đã 90 tuổi đời-70 tuổi nghề, nhà báo Phan Quang vẫn luôn tâm niệm rằng “đã mang lấy nghiệp vào thân” thì cần có trách nhiệm với nghề, với đời. Mỗi người đóng góp cho đất nước theo cách của mình, chỉ cần dốc hết tâm sức, trí tuệ vào công việc mình làm thì đến khi về già sẽ cảm thấy yên tâm...

VNHNO- Đến với nghề báo không phải do mình lựa chọn nhưng cho đến nay, khi đã 90 tuổi đời-70 tuổi nghề, nhà báo Phan Quang vẫn luôn tâm niệm rằng “đã mang lấy nghiệp vào thân” thì cần có trách nhiệm với nghề, với đời. Mỗi người đóng góp cho đất nước theo cách của mình, chỉ cần dốc hết tâm sức, trí tuệ vào công việc mình làm thì đến khi về già sẽ cảm thấy yên tâm...

Phóng viên (PV): Thưa nhà báo Phan Quang, ông có thể chia sẻ cơ duyên đưa ông đến với nghề báo 70 năm trước?

Nhà báo Phan Quang: Tôi đến với nghề báo không phải từ lựa chọn của mình. Hồi đó tôi đang ở vùng địch hậu Bình-Trị-Thiên, được đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên chọn, chuẩn bị cho đi đào tạo ở nước ngoài. Khi chúng tôi ra vùng tự do, do nhu cầu của Báo Cứu quốc, và thấy tôi có chút khả năng viết văn, Thường vụ Liên khu ủy điều tôi về làm Báo Cứu quốc. Vậy là tôi về làm việc tại tòa soạn báo ấy từ mùa hè năm 1948.

Tôi bắt tay vào việc mà chưa được học gì về nghề báo, như một đứa trẻ bị ném xuống ao phải cố vùng vẫy, ngóc đầu lên bơi lội nếu không muốn bị chết chìm. Hòa bình lập lại, tôi được điều ra Báo Nhân Dân, rồi qua mấy cơ quan nữa, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.

Vậy là tôi đến với nghề báo không phải do mình lựa chọn mà do yêu cầu công tác và quyết định của tổ chức. Nếu gọi là cơ duyên thì cơ duyên của tôi với nghề báo là như vậy. Cơ duyên khởi nguồn từ ý thức tổ chức. Hồi đó giá được ra nước ngoài học thì chắc tôi sẽ là một người trong lớp cán bộ đầu tiên được đào tạo bài bản ở nước ngoài sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong số đó nhiều người có cống hiến cho đất nước. Tôi không buồn về chuyện ấy bởi mỗi người góp công sức cho đất nước theo cách của mình, người ta cống hiến về khoa học, mình cống hiến về báo chí, chỉ cần dốc hết tâm sức, trí tuệ vào công việc mình làm thì đến khi về già sẽ cảm thấy yên tâm.

Nhà báo, nhà văn Phan Quang. Ảnh: Dương Thu

PV: Trong quá trình công tác của mình, những tác phẩm nào mà ông thấy tâm đắc và có ảnh hưởng với ông nhất?

Nhà báo Phan Quang: Nhiều người trước đây, trong đó có nhà báo Hoàng Tùng lãnh đạo của tôi có nói, tôi có thể viết nhiều thể loại. Nhà văn Ngô Thảo bảo: Ông Phan Quang như con dao pha, tổ chức cần việc gì thì giao ông việc đó, báo chí cần thể loại gì ông viết thể loại đó... Tôi nói vui, con dao pha có thể chặt cây, bổ củi, phát cỏ, băm bèo..., nhưng chỉ đến thế mà thôi.

Trong các thể loại báo chí, do yêu cầu công việc tôi viết bút ký nhiều. Đây là thể loại tôi tâm đắc, thường đề cập các vấn đề thời sự. Hòa bình lập lại viết về kinh tế, đất nước bị chia cắt viết về miền Nam trong lòng chúng ta, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trở lại viết về các vùng đất lửa.

Sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất, tôi viết nhiều về miền Nam, đặc biệt say mê. Trong mấy năm xuất bản mấy tập ký: “Đất nước một dải” (1975), “Hạt lúa bông hoa” (1978), “Lâm Đồng-Đà Lạt” (1978)… rồi cuốn “Đồng bằng sông Cửu Long” (1980) đến nay đã tái bản 5 lần. Thể loại ký đòi hỏi người viết kết hợp khéo trải nghiệm của mình với tư liệu đã có. Viết bút ký là viết về thực tế của đất nước, mỗi bài khoanh lại một chủ đề. Khi tiếp cận chủ đề, ta tự đặt câu hỏi vấn đề này từ đâu ra, trong quá khứ nó như thế nào, rồi đây nó sẽ ra sao?…

Những câu hỏi buộc người viết phải đi vào chiều sâu, lật đi lật lại vấn đề, nghiên cứu lịch sử, nâng tầm kiến thức, đầu tư trí tuệ, từ đó viết nên những bài cập nhật thời cuộc nhưng thấm đẫm chiều sâu, gắn thực tế một thời với cuộc sống và con người hôm nay, nói cách khác là đầu tư cả tâm hồn và trí tuệ vào bài ký mà tuyệt đối không bịa đặt, hư cấu.

Tôi cũng được biết tới về thể loại bút ký chân dung. Vừa rồi Nhà xuất bản Văn học có tuyển chọn, tập hợp trong hai tập “Thương nhớ vẫn còn”, phác họa khoảng 60 chân dung những nhà lãnh đạo thế hệ đầu tiên của nước ta mà nhà thơ Vân Long khi viết lời bình từng gọi đó là “những hạt ngọc buổi bình minh đất nước”, như các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng…, rồi những văn nghệ sĩ tên tuổi như: Hải Triều, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Điềm Phùng Thị…

Các anh chị thuộc lớp đàn anh nhưng coi tôi là đồng nghiệp, một người em khi chia sẻ tâm tình, nhờ vậy đến tuổi già, có chút thời gian tôi ghi lại qua hoài niệm, ký ức cảm nhận và tấm lòng của mình về những người hầu hết nay đã đi xa. Viết bút ký chân dung xuất phát từ tình cảm người viết đối với nhân vật qua cái nhìn nhân văn. Con người sống trên đời không ai là thiên thần, không có ai hoàn hảo, vì vậy viết về họ ta chỉ nên nhớ những điều đáng nhớ, viết những gì đáng viết.

Du ký cũng là một thể loại tôi ham thích. “Thơ thẩn Paris”, “Bên mộ vua Tần”… in đi in lại mấy lần. Với tôi, muốn viết du ký tốt phải tìm cho ra đặc trưng văn hóa, lịch sử của con người và cảnh quan nơi mình viết, từ đấy nhận ra những cái khác biệt cùng những cái giống ta, làm nổi bật những nét đặc sắc chứ không nhằm kích thích hiếu kỳ. Du ký là ghi nhận cái tức thì, cái trước mắt ta.

Nhưng muốn những ghi nhận của mình đáng để chia sẻ với người khác, tác giả phải hiểu sâu thực tế trước mắt, đồng thời cũng phải biết ít nhiều về lịch sử, văn hóa nơi và chuyện mình đề cập, chứ chỉ “du”, du ngoạn thôi, rồi thấy gì ghi nấy thì bài viết sẽ khó đạt chiều sâu, gợi rung cảm. Trên đây là quan niệm của riêng tôi, mỗi người viết có cách nhìn và phong cách riêng của mình.

Từ cuộc sống và trải nghiệm, tôi tạm đúc kết: Trong nghề báo, bất kỳ thể hiện dưới dạng nào, người viết phải trải qua quá trình “Đọc-Đi-Nghĩ-Viết”, và khi đã hạ bút thì bài mình viết ra phải đạt “Đúng-Trúng-Nhanh-Hay”. Phải Đọc nhiều để nâng cao vốn kiến thức, phải Đi nhiều để có thêm trải nghiệm, có Nghĩ thường xuyên mới tìm ra những ý tưởng mang dấu ấn cá nhân, rồi phải Viết nhiều, viết luôn tay thì mới thành thạo việc nghề. Và khi đã cầm cây bút trên tay hay ngồi trước bàn máy tính, cần quan tâm ta viết sao cho Đúng, tức chân thực, đồng thời phải Trúng, trúng nhiệm vụ chính trị, trúng ý đồ của tờ báo vào thời điểm nhất định. Và đã làm báo thì thời nào cũng phải Nhanh, có nhanh mới có sức cạnh tranh. Và cuối cùng, hãy gắng viết cho Hay, bởi “Viết báo có hay người ta mới đọc” (lời Bác Hồ).

PV: Vậy với nghiệp văn thì sao, thưa ông?

Nhà báo Phan Quang: Tôi không có nhiều thời gian làm văn học. Tôi say mê văn chương từ khi còn nhỏ, nhưng sau khi đến với nghề báo, công việc hằng ngày cứ cuốn hút mình đi, văn học dù tôi có làm tí chút đấy nhưng không sao tập trung đủ nghị lực, công sức vào. Tôi không có đủ thời gian để làm một nhà văn có ít nhiều tác phẩm tạm đọc được, nhưng tôi cũng không viết văn bằng tay trái. Tôi phản đối khái niệm làm nghề tay phải, nghề tay trái, cho dù viết văn, làm báo hay bất cứ công việc gì thì cũng phải làm bằng hai tay may ra mới tốt, đặc biệt nghề báo, nghiệp văn đòi hỏi ta phải đầu tư công sức, đầu óc và cả tâm hồn nữa vào đấy.

Tôi không có nhiều thời gian sáng tác, nhưng dịch thuật thì có tranh thủ làm được ít nhiều. Bộ truyện cổ Ả Rập “Nghìn lẻ một đêm” tôi chuyển ngữ, anh em đọc cho là tạm được. Bộ truyện này tôi thích từ ngày còn bé. Năm 1973, Nhà xuất bản Văn học đề nghị tôi ký hợp đồng thực hiện, nhưng mãi đến năm 1981 bản dịch toàn bộ “Nghìn lẻ một đêm” mới đến với độc giả, vì người dịch phải đi làm nhiệm vụ ở chiến trường trước và mấy năm sau tháng 4-1975, và hồi đó đất nước ta lại khan hiếm giấy in. Năm 1981, in lần đầu 3 vạn bản, tái bản luôn trong tháng 2 vạn bản nữa, rồi cứ thế 5 vạn những lần tiếp theo, in cùng lúc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ bấy đến nay tái bản 39 lần, đang in lần thứ 40 và thứ 41 tại hai nhà sách.

PV: Vậy là từ khi nghỉ hưu, ông hẳn có nhiều thời gian nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến hết mình?

Nhà báo Phan Quang: Năm 2003, sau hai nhiệm kỳ, tôi thôi làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, và cũng là lúc kết thúc ba nhiệm kỳ Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, lúc này đã 75 tuổi. Dù vậy, do say mê văn học nước ngoài, tôi lao vào dịch bộ truyện cổ Ba Tư “Nghìn lẻ một ngày” dày cả ngàn trang sách với ý nghĩ vui, có đêm thì phải có ngày. Năm nay “Nghìn lẻ một ngày” đang in lần thứ 17. Cũng tại say mê và qua học hỏi, tôi tìm những sử thi hay của nhiều nước, chọn một số và viết lại theo nhận thức của mình, kèm lời bình là vài mươi dòng suy ngẫm riêng tư về câu chuyện ngày xửa ngày xưa….

Tất nhiên, nghỉ hưu thì cũng có chút thời gian hơn khi đang làm việc, dù vậy tôi không bỏ hẳn nghề báo để lao vào làm văn học vì báo là cái nghiệp của mình, mà “đã mang lấy nghiệp vào thân” thì còn có trách nhiệm với nghề, với đời, không thể khước từ.

PV: Ông nghĩ gì về sứ mệnh của người làm báo và văn hiện nay và làm thế nào để làm tốt sứ mệnh đó?

Nhà báo Phan Quang: Câu hỏi rộng quá. Nói đến văn học, báo chí, chúng ta cần ghi lòng các câu nói của Bác Hồ: “Văn hóa là một mặt trận”; “Nhà báo là chiến sĩ, cây bút trang giấy là vũ khí của họ”; “Ngòi bút phải phò chính trừ tà”... Bàn về sứ mệnh của nhà báo, nhà văn, ta phải ý thức là chúng ta đang chiến đấu trên mặt trận văn hóa, lấy cây bút và trang giấy làm vũ khí phục vụ cuộc sống tinh thần. Và một khi đã dùng từ “mặt trận”, thì ta cần rõ đối phương ta là ai, ta phấn đấu vì mục tiêu gì? Theo tôi nghĩ, không có gì ra ngoài nghĩa vụ của người dân đối với đất nước.

Trước năm 1975, nhiệm vụ chính của toàn dân ta là cứu nước, giành độc lập, tự do. Sau năm 1975 là gìn giữ toàn vẹn chủ quyền, là xây dựng, đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế; xây dựng con người mới và nền văn hóa mới; hạn chế sự xuống cấp về đạo đức xã hội... Theo tôi hiểu, đó là sứ mệnh cao cả của những người làm báo, làm văn.

Làm thế nào để làm tốt sứ mệnh ấy? Câu hỏi này càng quá rộng, tôi chỉ có thể nói theo trải nghiệm của mình.

Trước hết, ta phải có bản lĩnh, hiểu theo nghĩa là có quan điểm, lập trường kiên định, có nhân cách để nhận chân ta cần phục vụ ai, ta có đủ vững vàng trước mọi sóng gió, có dễ bị đồng tiền và danh vọng lôi kéo theo chúng hay không?

Thứ đến là nhà văn, nhà báo hay bất kỳ ai cũng cần có đạo đức xã hội, bởi vì ta cũng là một công dân như mọi công dân khác, đã thế ta còn phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Ba là, trong thời đại công nghệ phát triển với nhịp độ nhanh như hiện nay, nhà báo cần phải có tay nghề cao, đặc biệt các bạn trẻ nên phấn đấu nâng cao tính chuyên nghiệp, góp phần làm cho báo chí ta ngày càng hiện đại, vươn lên đạt tầm cao thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Qdnd.vn