28/12/2024 lúc 01:23 (GMT+7)
Breaking News

Nhà báo lão thành Hà Đăng: Đừng bao giờ nghĩ hiểu biết của mình là đủ

VNHNO - "Hai trung, hai đại, hai tổng, hai trưởng, hai trợ" là cách tổng kết vui của nhà báo lão thành Hà Đăng khi nói về cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt thành, bền bỉ của mình.

VNHN - "Hai trung, hai đại, hai tổng, hai trưởng, hai trợ" là cách tổng kết vui của nhà báo lão thành Hà Đăng khi nói về cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt thành, bền bỉ của mình.

"Hai trung" là hai nhiệm kỳ Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI và VII. "Hai đại" là đại biểu Quốc hội hai khóa VIII và IX. "Hai tổng" là Tổng biên tập Báo Nhân Dân và Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. "Hai trưởng" là Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Trưởng ban chỉ đạo xây dựng bản thảo Văn kiện Đảng toàn tập. "Hai trợ" là Trợ lý Tổng Bí thư Lê Duẩn và Trợ lý Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Trò chuyện với chúng tôi về truyền thống của ngành tuyên giáo (1/8/1930) tại nhà riêng trên phố Đốc Ngữ (Hà Nội), với giọng nói nhỏ nhẹ, phong thái giản dị, hiền hậu, ông cuốn hút người xung quanh bằng những chia sẻ rất chân thành, tự nhiên, thể hiện trí tuệ minh mẫn tuyệt vời của người bước vào độ tuổi 90.

"Có duyên" với công tác tuyên giáo

Phóng viên (PV): Thưa nhà báo lão thành Hà Đăng, cái "duyên" với công tác tuyên giáo của ông được bắt đầu như thế nào?

Nhà báo Hà Đăng: Tôi "có duyên" với nghề tuyên giáo từ khi 18 tuổi, năm 1947. Đến nay, tôi vẫn gọi đó là "dấu ấn 1947" với 3 sự kiện lớn trong đời. Đó là năm tôi được kết nạp vào Đảng và được phân công làm Trưởng ban Tuyên truyền xã. Cũng năm đó, tôi viết bài báo đầu tiên trong cuộc đời, bài "Tâm sự đồng bạc trong két sắt" đăng trên Báo Phấn đấu của tỉnh Phú Yên. Ở quê tôi lúc đó có một đại phú gia tính tình ki bo, hay tích trữ tiền bạc trong két sắt. Trong khi phong trào quyên góp, ủng hộ kháng chiến lại đang phát triển mạnh, những gia đình nông dân rất nghèo cũng chắt chiu từng hào bạc lẻ để ủng hộ kháng chiến. Những đồng bạc lẻ ấy được chuyển thành lương thực, vũ khí, đạn dược giúp cho bộ đội kháng chiến, còn đồng bạc nằm yên trong két sắt thì cảm thấy mình thật tủi thân, vô dụng. Ý tứ của bài báo là vậy.

Cái "duyên" gắn với nghề tuyên giáo và báo chí bắt đầu từ đó. Ba năm sau, năm 1950, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Bình dân do đồng chí Phạm Văn Đồng sáng lập, tôi được phân công về Ban đại diện Văn hóa Cứu quốc miền Nam Trung Bộ, được cử làm thư ký tòa soạn Tạp chí Miền Nam, cơ quan của Ban đại diện. Năm 1951, tôi sang làm Báo Văn nghệ Liên khu 5. Năm 1952 thì về Báo Nhân Dân Liên khu 5. Đến năm 1955, tập kết ra Bắc, học tập rồi được cử về Báo Nhân Dân.

Năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường Đảng cao cấp Liên Xô về nước, tôi lại về Báo Nhân Dân. Năm 1968 thì được cử tham gia phái đoàn của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam đi Paris đàm phán hòa bình. Sau giải phóng, tháng 6-1975, tôi về nước, về lại Báo Nhân Dân, làm Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân. Sau Đại hội V của Đảng, tôi làm Phó tổng biên tập. Đến cuối năm 1984, đầu năm 1985, được điều lên làm Trợ lý Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đầu năm 1986, tôi tham gia tổ biên tập văn kiện Đại hội VI và tại Đại hội VI, được bầu vào Trung ương. 

Tháng 1/1987, tôi lại được Đảng phân công làm Tổng biên tập Báo Nhân Dân, là Tổng biên tập đầu tiên của báo thời đổi mới. Tháng 7/1991, sau Đại hội VII, Trung ương phân công làm Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương. Cuối năm 1996, sau Đại hội VIII, được Trung ương quyết định làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Đến năm 2001, lại được phân công làm Trợ lý Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Đầu năm 2007, tôi mới được nghỉ hưu. Về hưu nhưng chưa nghỉ việc, anh em ở Tạp chí Cộng sản và Báo Nhân Dân mời cộng tác viên và tư vấn... Mấy năm gần đây, có thêm Báo Quân đội nhân dân của các đồng chí mời cộng tác liên tục… (Ông nở nụ cười rất tươi khi kể chuyện làm cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân-PV).

PV: Ông từng giữ nhiều cương vị và trọng trách, chắc là ở mỗi cương vị có yêu cầu riêng?

Nhà báo Hà Đăng: Tôi giữ cương vị người đứng đầu ở ba cơ quan của Đảng là Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản. Tuy làm ở ba cơ quan, nhưng có thể gói gọn vào công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Như làm báo, ngoài nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, cổ vũ điển hình thì cũng tham gia tổ chức phong trào hành động cách mạng, xây dựng điển hình tiên tiến. Trong xây dựng Đảng và trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế-xã hội đến quốc phòng, an ninh, vai trò của báo chí rất quan trọng, là lực lượng xung kích.

Còn Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, cơ quan có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng. Đồng chí Lê Duẩn từng nói, trong các ngành xây dựng Đảng của Trung ương, Ban Tuyên huấn là ban có tuổi đời già nhất. Chúng ta tự hào có ngày 1/8/1930 là ngày truyền thống của ngành tuyên giáo. Nhưng nếu tính từ Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, tổ chức tiền thân của Đảng, với tờ Thanh Niên (ra ngày 21/6/1925) thì Đảng ta đã sớm có một cơ quan báo chí có chức năng tuyên truyền, cổ động, tổ chức cho sự ra đời của Đảng ta sau này. Nên truyền thống của ngành tuyên giáo, có thể tính từ năm 1925 cũng được.

Dù công tác ở các cơ quan khác nhau, mỗi cơ quan có nét đặc thù riêng, nhưng yêu cầu chung đối với người làm công tác tuyên truyền, báo chí là phải có bản lĩnh chính trị, lập trường, quan điểm rất vững vàng. Hồi làm Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (1992-1996), tôi cùng các đồng chí trong ban xây dựng một vài tiêu chí giản đơn cho người làm công tác tư tưởng, như nghĩ được, nói được, viết được và làm được. Thế mà cuối nhiệm kỳ, kiểm điểm lại, thấy việc thực hiện mấy tiêu chí giản đơn đó cũng không dễ.

Tôi cũng có lúc sai…

PV: Công tác trong ngành tuyên giáo thường phải chịu áp lực cao vì dễ mắc sai sót. Bản thân ông thấy áp lực của nghề này như thế nào?

Nhà báo Hà Đăng: Người làm tuyên giáo phải phấn đấu đúng, nhưng cuộc sống thì mấy ai hoàn toàn đúng, hoặc đúng ở mọi nơi, mọi lúc. Đây là thực tế khách quan. Trong nhận thức, Đảng ta cũng luôn khẳng định điều này. Cho nên, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, bao giờ Đảng cũng suy nghĩ đến những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, kể cả những thiếu sót chủ quan. Trong quá trình công tác, tôi luôn cố gắng tu dưỡng, thường xuyên học tập, nghiên cứu để nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng, đặc biệt là tính khách quan, trung thực.

Như thế nhưng không phải lúc nào nhận thức của mình cũng đúng hết. Từ Đại hội VI đến Đại hội X của Đảng, 5 kỳ đại hội tôi đều tham gia tổ biên tập văn kiện, nhận thức của tôi cũng từng bước được nâng lên qua nhận thức chung của Đảng. Ví dụ về nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), lúc đầu tôi hiểu là chệch hướng theo kinh tế thị trường mà quên định hướng XHCN. Thời gian đầu đổi mới, ta không công nhận nước ta là kinh tế thị trường mà chỉ gọi là cơ chế thị trường, lúc đó nhận thức của tôi chỉ từng đó. Về sau, mới thấy kinh tế thị trường không phải là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản (CNTB), nó có trước CNTB, phát triển trong CNTB và sau này vẫn sẽ có kinh tế thị trường. Nhưng cũng phải thấy kinh tế thị trường phát triển ở mức rất cao trong CNTB và từ đó nó cũng bộc lộ những mặt trái của nó. Vì vậy, kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Đó là quá trình nhận thức. Cho nên, với mỗi người làm nghề tuyên giáo, mình đừng bao giờ nghĩ hiểu biết của mình là đủ, cũng không hoang mang dao động khi mắc sai lầm. Phải luôn luôn tin, dù biết có những khó khăn khó khắc phục nhưng Đảng mình sẽ vượt qua được.

Nhà báo Hà Đăng

Thành tựu công tác xây dựng Đảng từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay cho chúng ta bài học lớn về lòng tin. Phải nói rằng, nhân dân nhìn Đảng bây giờ rất khác. Trước đây, tiêu cực, tham nhũng làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Nhưng với sự quyết liệt của Đảng ta trong cả xây và chống, nhất là việc chống tiêu cực, tham nhũng có kết quả, lòng tin của nhân dân vào Đảng đã lấy lại rất nhiều. Tình hình hiện nay, phần tốt là cơ bản, các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng rất đáng ghi nhận. Nhưng người cán bộ tuyên giáo cũng phải thấy, tình hình không chỉ có diễn biến thuận lợi, còn rất nhiều khó khăn trước mặt, đòi hỏi ta phải cố gắng nhiều hơn nữa, lớn hơn nữa.

Trong khó khăn có cơ hội và tính năng động của công tác tuyên giáo

PV: Đúng là công tác tư tưởng hiện nay còn gặp rất nhiều cái khó. Chẳng hạn, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta rất cao, nhưng vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên vội vã, dưới thư thả"?

Nhà báo Hà Đăng: Đúng là còn rất nhiều vấn đề không chỉ ở cấp cơ sở. Như trên tôi nói, Đảng đã lấy lại niềm tin trong nhân dân, nhưng nhân dân muốn Đảng làm mạnh hơn nữa. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, chúng ta rất quyết tâm và không chùn tay trong chống tham nhũng. Việc chống tham nhũng không làm ngày một, ngày hai mà hết được. Phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì; chúng ta tuyệt nhiên không được tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.

Người làm công tác tuyên giáo phải nắm chắc phương châm và giải pháp của Đảng trong phòng, chống tham nhũng. Bám sát cơ sở, lắng nghe quần chúng, nắm chắc những bức xúc của quần chúng nhưng không được theo đuôi mà phải kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng tham gia phòng, chống tham nhũng đúng quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, công tác tuyên giáo phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, "làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp" như lời Bác Hồ đã căn dặn.

Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ đi đến những hồi quyết liệt, người làm công tác tuyên giáo cũng phải sốt sắng, quyết liệt, không được kê gối ngủ yên nhưng cũng phải tỉnh táo, khéo léo.

Có một điều tưởng như nghịch lý lại hóa thành logic là, công tác tư tưởng của Đảng ta thường được mùa không phải vào lúc cách mạng phát triển thuận lợi mà trái lại, vào lúc cách mạng ở tình thế khó khăn. Ví dụ, trong "đêm trước đổi mới", chúng ta gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong nước thì kinh tế khủng hoảng, lạm phát phi mã, lòng dân không yên, bên ngoài thì hệ thống XHCN bên bờ vực đổ vỡ… Nhưng chính khó khăn đó khiến Đảng ta dứt khoát đổi mới tư duy, kiên định con đường XHCN. Thành công của đổi mới là minh chứng sống động về bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng ta và về tính năng động của công tác tư tưởng.

Cho nên, những khó khăn, thử thách rất lớn của Đảng, của đất nước hiện nay là môi trường, là điều kiện để những người làm công tác tuyên giáo được thử thách, tôi rèn và phát huy vai trò xung kích của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Xin chân thành cảm ơn nhà báo lão thành Hà Đăng về cuộc trò chuyện lý thú và bổ ích!                                                                                          

Theo Qdnd.vn