23/11/2024 lúc 12:47 (GMT+7)
Breaking News

Người làm việc hưởng lương: Bế tắc mùa COVID-19?

VNHN - Diễn biến dịch bệnh COVID-19 hơn 1 tháng qua đã khiến cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn. Trong đó, không ít gia cảnh những người làm việc hưởng lương lâm vào bế tắc mà không hề biết tìm hướng nào để được hỗ trợ.

VNHN - Diễn biến dịch bệnh COVID-19 hơn 1 tháng qua đã khiến cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn. Trong đó, không ít gia cảnh những người làm việc hưởng lương lâm vào bế tắc mà không hề biết tìm hướng nào để được hỗ trợ.

Ngay khi thành phố Đà Nẵng công bố nới lỏng giãn cách xã hội, không ít người bày tỏ lo lắng, bởi theo họ, đây mới là thời điểm căng thẳng nhất của “trận chiến COVID”, đặc biệt là những người làm việc hưởng lương.

Những người làm việc hưởng lương ở đô thị đang chịu rất nhiều áp lực cuộc sống do dịch bệnh.

Khó khăn phải tự xoay xở?

Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc công ty Thương mại và Dịch vụ Du lịch Hải Vân (Đà Nẵng) chia sẻ, suốt nhiều tháng qua, doanh nghiệp ông luôn phải đối diện bài toán tìm chi phí đâu để trang trải đời sống cho cán bộ nhân viên. “Hầu hết nhân viên đã làm việc cho chúng tôi trên 10 năm rồi, không có lý gì bỏ mặc họ được. Quan trọng hơn, là người làm việc hưởng lương, họ chỉ có mỗi thu nhập từ chúng tôi, một khi bị cắt đứt thì không có lối nào duy trì cuộc sống cả”. Ông Nam nhấn mạnh như vậy.

Theo phân tích của ông Nam, nói đến khó khăn thiếu thốn, xã hội nghĩ đến những người lao động phổ thông, lao động tay chân bị mất việc, hay người nông dân trong mùa dịch bệnh lan tràn. Những hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ xã hội cũng chủ yếu nhắm vào các đối tượng này. Nhưng một bộ phận không nhỏ những người làm việc hưởng lương ở đô thị như Đà Nẵng, nằm vào “phân khúc trung lưu” bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ công việc đình trệ, các chế độ thu nhập mất đi hoặc bấp bênh, lại hầu như không ai tính đến.

Sự trái khoáy ở chỗ, nếu người nông dân còn có thể dựa vào đồng ruộng có lương thực, thực phẩm cứu đỡ, người lao động phổ thông có thể làm thuê, chạy việc mướn qua ngày, thì những người làm việc hưởng lương không có cơ hội nào tạo ra thu nhập khi xã hội cách ly. Nếu đợt đầu tiên, họ còn có ít tích lũy tài chính trong nhà, thì đợt quay lại mới đây của dịch bệnh đã tiêu hao hết nguồn dự trữ ấy. Không ít gia đình hầu như không còn nguồn cứu trợ nào để xoay xở, thậm chí phải cậy nhờ chính thân nhân ở quê gởi hỗ trợ lương thực, thực phẩm trong những ngày nằm nhà chờ dịch lắng.

Những căng thẳng này càng gia tăng hơn, khi địa phương công bố nới lỏng giãn cách, đưa mọi hoạt động trở lại bình thường. “Nếu trong đợt dịch, mọi sự đình trệ, thì bây giờ, mọi người quay lại công việc, nghĩa là chi phí xã hội lập tức tăng lên, mà không phải ai cũng có đủ điều kiện ứng phó. Đơn giản phòng vé máy bay chúng tôi, nhân viên quay lại làm việc, nhưng đâu có khách hàng ngay, thu nhập vẫn không có, mà trường lớp đã mở lại, con cái đi học, bản thân phải đầu tư vật dụng trang phục, thì có cách gì xoay xở đây?”. Ông Nam than phiền như vậy.

Chị Trần Song Bình Dương, chủ đầu tư trường Mầm non Selfwing V- Kids (Thanh Khê , Đà Nẵng) chia sẻ trên tường cá nhân mạng xã hội Facebook, hơn 2 tháng qua, chị cùng tập thể giáo viên nhà trường thắt lưng buộc bụng để nhịn qua dịch bệnh, do nhà trường tạm đóng cửa. Nhưng đến nay, hoạt động trở lại, mọi người phải vừa lo hoàn thiện kênh học tập trực tuyến cho học sinh học online, vừa phải trả lời câu hỏi chi phí cuộc sống làm sao tăng thêm. “Tôi đành kết nối các giáo viên với các địa chỉ nhập khẩu hàng hóa Nhật Bản mà tôi quen biết, và các đầu mối cung cấp rau củ quả chất lượng trên thị trường, để các cô giáo bán hàng online. Họ rất ngại ngần nhưng có cách nào khác hơn”. Chị Dương tâm sự như vậy.

Những người làm việc hưởng lương này sẽ xoay xở cuộc sống thế nào khi mọi việc đình trệ?

Tìm đâu cánh cửa hỗ trợ?

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort bày tỏ, dịch bệnh thật sự gia tăng áp lực cho toàn xã hội, và với những người làm việc hưởng lương, hoàn cảnh càng cam go hơn. Bản thân các doanh nghiệp cho đến nay, đều đứng trước nguy cơ kiệt quệ tài chính, chỉ còn co cụm trong những phần chi phí nhất định để duy trì bộ máy, nên không thể hỗ trợ được người lao động như mong muốn. Mà đã như vậy, khó khăn của người làm việc hưởng lương càng tăng lên gấp bội.

Hơn nữa, những người làm việc hưởng lương trong môi trường kinh doanh, dịch vụ đều là người có tri thức văn hóa, vị trí xã hội rõ ràng, luôn vấp phải những định kiến cuộc sống, không thể đơn thuần đi xin việc làm thêm, hay đi nhận quà từ thiện, xin trợ cấp từ những tổ chức từ tâm. Những kênh hỗ trợ từ Nhà nước, lại hầu như không tính đến họ. Ngay chương trình hỗ trợ có liên quan đến doanh nghiệp, công sở, nơi họ làm việc, cũng có rất nhiều rào cản thủ tục, điều kiện cần và đủ mới triển khai được.

Chúng tôi nghĩ rằng, đã đến lúc các nhà làm chính sách, các tổ chức kinh tế cần coi lại, có hướng hỗ trợ, giải cứu cho những người làm việc hưởng lương ở thành phố hiện nay. Thậm chí nếu được, cần có sự ưu tiên giúp họ vượt qua bí bách, vì đa số họ rất tự trọng, không ngồi trông trợ cấp, mà khi vượt khó khăn rồi, họ sẽ quay lại giúp người khác. Cứu một người không biết bơi là cứu một người, nhưng cứu một người biết chèo thuyền là sẽ cứu được nhiều người hơn”. Chị Dương tâm tư như vậy.