23/01/2025 lúc 08:13 (GMT+7)
Breaking News

Người Ấn Độ ở Trung Quốc đối mặt thù địch từ quê nhà

VNHN - Khi căng thẳng nổ ra ở biên giới, những người Ấn Độ đang ở Trung Quốc cũng trở thành mục tiêu công kích của chủ nghĩa dân tộc trên mạng xã hội.

VNHN - Khi căng thẳng nổ ra ở biên giới, những người Ấn Độ đang ở Trung Quốc cũng trở thành mục tiêu công kích của chủ nghĩa dân tộc trên mạng xã hội.

Hàng nghìn chuyên gia phần mềm, nhà xuất khẩu hàng may mặc và doanh nhân đã sinh sống nhiều năm qua ở các thành phố của Trung Quốc như Đại Liên, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu bất ngờ bị kéo vào cuộc khủng hoảng biên giới và bị chỉ trích là những người phản bội đất nước.


Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối Trung Quốc ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ nhiều lần trong những tháng qua trên khu vực Ladakh, dọc theo LAC, đường biên giới chưa được phân định rõ ràng giữa hai nước. Ấn Độ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau vượt qua biên giới và làm bùng phát giao tranh tại khu vực cao hàng nghìn mét ở phía tây dãy Himalaya.

Đỉnh điểm hôm 15/6, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ suốt nhiều giờ tại thung lũng Galwan ở Ladakh, dùng đá và gậy để đánh nhau, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và ít nhất 76 người bị thương. Trung Quốc không công bố thương vong từ phía nước này và gọi thông tin của Ấn Độ nói 40 lính Trung Quốc thiệt mạng là "tin giả".

Đây là cuộc đụng độ đẫm máu nhất ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc trong 45 năm qua. Hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau nhưng đồng thời cũng đưa ra những phát ngôn làm dịu tình hình.

Trong bối cảnh đó, những người Ấn Độ ở Trung Quốc, trong đó có một số người kết hôn với phụ nữ địa phương, đang phải chịu đựng cảm giác tội lỗi, bị mỉa mai vì từ chối quay về nước. Nhưng ngay cả khi họ mắc kẹt giữa các chiến dịch từ khóa như #Indiansunitedagainstchina (Người Ấn Độ đoàn kết chống Trung Quốc) hay #Indianswillcrushchina (Ấn Độ sẽ đè nát Trung Quốc), hầu hết người Ấn Độ vẫn có lý do chính đáng để tiếp tục ở lại Trung Quốc.

Đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc không còn đáng lo ngại. Chỉ 490 người Ấn Độ bị mất việc ở Trung Quốc lên chuyến bay về nước hôm 20 và 29/6 tới. Không giống như nhiều quốc gia khác nơi hàng nghìn người Ấn mong được hồi hương, tại thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc, Shashi Shiraguppi cùng vợ anh, Li Lan, và hai con, cảm thấy cuộc sống vẫn diễn ra bình thường.

"Không có sự hoảng loạn. Chúng tôi hoàn toàn tự do và không có vấn đề gì với chính quyền địa phương. Hàng xóm rất thân thiện và quan tâm đến sức khỏe của chúng tôi. Tại sao chúng tôi lại muốn quay về Ấn Độ?", Shashi, người quê ở thành phố Bengaluru, nói.

Shashi đến thành phố miền nam Trung Quốc 17 năm trước, thành lập kênh YouTube "Shashi4x". Với gia đình anh, bất kể người Trung Quốc hay người Ấn Độ thắng hay thua trong cuộc xung đột biên giới thì cũng không ai được gì.

"Hãy giữ hòa bình trong thời gian đại dịch", Li Lan, người vợ Trung Quốc của Shashi, nói.

Theo điều tra dân số năm 2010 tại Trung Quốc, có 600.000 người nước ngoài sinh sống ở nước này, trong đó người Ấn Độ chiếm 3%. Ngoại trừ căng thẳng biên giới, A Kumar, một chuyên gia phần mềm, cho hay "98% cuộc sống bình thường" đã trở lại thành phố cảng Đại Liên của tỉnh Liêu Ninh.

"Chúng tôi đang theo dõi các kênh tin tức ở đây về cuộc giao tranh tại biên giới. Sau khi xung đột nổ ra, tôi không thể đọc được tờ báo Ấn Độ mình hay đọc nữa", Kumar nói.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc lại đổ lỗi cho Ấn Độ về "cuộc tấn công vô cớ" ở biên giới.

"Thông tin ở đây hoàn toàn khác. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đang cố biện minh cho hành động của mình", Kumar, người lớn lên ở New Delhi và đến Đại Liên làm việc năm 2008, nói.

Về cuộc sống của người Ấn Độ ở Trung Quốc, Kumar cho biết chợ vẫn mở cửa, hệ thống giao thông công cộng đã hoạt động trở lại và đại dịch đã được kiểm soát. "Với chúng tôi, ở Trung Quốc là an toàn nhất khi Covid-19 đang lây lan khắp toàn cầu", anh nói thêm.

Trung tâm công nghệ thông tin của Đại Liên có tới 15.000 chuyên gia phần mềm Ấn Độ.

"Đó là sự cường điệu không cần thiết trên phương tiện truyền thông xã hội. Người dân địa phương rất thân thiện và họ rất tôn trọng người Ấn Độ", V Vijay, làm việc cho một công ty phần mềm của Mỹ tại Đại Liên, cho hay.

S A Oviya, người đang theo học tại đại học Y khoa Đại Liên, đã trở về quê nhà Tirupur ở Ấn Độ từ tháng 12/2019. Cha cô, trợ lý nhãn khoa tại một trung tâm y tế công cộng, rất muốn con gái quay lại Đại Liên để hoàn thành khóa học trước khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp.

Cô khẳng định việc háo hức được làm việc ở Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng với Ấn Độ leo thang không làm cô trở thành một người phản bội đất nước.

"Điều đó không khiến cho tình yêu nước của chúng tôi giảm đi", Vijay nói.