VNHN - Nếu cần dành cho thị trường một thứ ngôn ngữ riêng, khái quát được những đặc trưng của nó thì có lẽ không cái gì thỏa đáng hơn ngoài đồng tiền. Mặc nhiên, đồng tiền đã từng là phương tiện trao đổi hàng hóa như một công cụ giao tiếp trong đời sống xã hội từ bao đời nay rồi. Hẳn vậy, sẽ là một “thị trường câm” nếu không có đồng tiền làm “ngôn ngữ” cho nó.
Theo dòng lịch sử, đồng tiền đã ra đời cùng với sự khởi thủy nền sản xuất hàng hóa giản đơn của xã hội loài người. Thoạt đầu, đồng tiền hết sức thô sơ được biến cải chút ít từ hình thức hàng đổi hàng trực tiếp qua những đồ vật làm trung gian như hổ phách, đá, vỏ sò, vỏ ốc. Người ta đã tìm thấy “tổ tiên” đồng tiền từ thời đồ đá cũ cách đây chừng 10.000 đến 35.000 năm. Bước tiếp theo, đồng tiền được sản xuất chuyên dùng làm chức năng vật ngang giá chung để trao đổi như rìu đá, thanh muối, đồ gốm, kim loại…Cũng có vùng đồng tiền xuất hiện dưới dạng đồ trang sức hoặc quà tặng hay cống vật như vòng đeo tay, lông thú, răng thú, áo choàng bằng vỏ cây. Vùng Mexico thì tiền lại “mọc trên cây”. Đó là hạt ca cao, được coi như một thuộc tính của thần linh, sẽ đem lại uy tín và sự giàu có cho những ai dùng nó. Hạt ca cao còn được người Mexico cổ xưa làm nước sôcôla uống theo nghi lễ dành cho giới quí tộc hoặc các dũng sĩ. Đồng tiền từ buổi bình minh của thị trường nói chung đều mang hai thuộc tính của hàng hóa là giá trị và giá trị sử dụng. Những đồng tiền bằng đồ vật ấy, mãi đến sau thời phục hưng vẫn còn “tái hiện”. Năm 1798, khi Napoleon chinh phục Ai Cập, người dân bản xứ rất thích những chiếc khuy áo của lính Pháp và thế là nó được cắt ra để làm “tiền” mua bán. Đồng tiền bằng kim loại được đúc sớm nhất vào thế kỉ thứ 7 trước công nguyên tại Hy Lạp. Sơ khởi là những thỏi kim loại, những thỏi bạc dập mỏng tùy hứng, sau đó dập theo hình cái mai, hình con dao rồi dần dần hoàn thiện. Chính người Hy Lạp đã đóng vai trò trọng yếu trong lịch sử tiền cổ. Nó có ảnh hưởng khắp hành tinh bởi những cuộc chinh phục rộng lớn của Alecxandros Đại đế thường kèm theo việc chiếm kho kim loại để đúc tiền. Tiền giấy ra đời muộn hơn và lần đầu tiên vào thế kỉ 8 tại Trung Quốc khi ở đấy đã biết phát hành những tờ hối phiếu viết tay rồi bản in khắc trên gỗ. Tuy nhiên, tiền giấy thời đó chưa có bảo chứng vững chắc của hàng hóa nên nó rất mong manh và rất dễ lạm phát. Dù vậy, nó cũng được tồn tại vài ba triều đại và đặt nền móng cho việc phát hành tiền giấy sau này.
Ở nước ta, đồng tiền giấy cũng đã được phát hành từ năm 1396 khi Phụ chính Thái sư Hồ Quý Ly dưới triều Trần Thuận Tông đã có manh nha thoán vị để lập nhà Hồ bốn năm sau đó và đổi tên Quốc hiệu từ Đại Việt thành Đại Ngu (1400 - 1407). Hồ Quý Ly là nhà cải cách khá toàn diện trên các mặt xã hội, giáo dục, nông nghiệp, thương mại trong lịch sử nước nhà dưới chế độ quân chủ. Mục đích đổi tiền giấy của ông ngoài việc dành kim loại (đồng) đúc vũ khí còn là để chống lại sự can thiệp của nhà Minh thời bấy giờ nhằm giữ chủ quyền độc lập dân tộc. Tuy nhiên, vì muốn “đốt cháy giai đoạn” chưa hợp thời, chưa hợp lòng dân nên ông đã thất bại.
Bước vào thế kỉ 18 mới thực sự là kỉ nguyên của các ngân hàng giấy bạc. Tờ bảng Anh đã chiếm ưu thế từ đầu và thống trị thế giới suốt trong nửa thế kỉ 19. Từ đầu thế kỉ 20, đồng đô la được ấn định theo bản vị vàng một cách vững chắc cùng với tiềm lực kinh tế hàng hóa hùng hậu của thị trường Mỹ nên nó đã trở thành đồng tiền chủ đạo toàn cầu. Mặc dầu từ đầu năm 2002, đồng tiền chung Liên minh châu Âu Euro ra đời nhằm “đối trọng” nhưng qua thăng trầm hơn một thập kỉ, nó vẫn phải đứng sau đồng đô la.
Vô hình chung, đồng đô la được coi như một thứ “ngôn ngữ” chung của thị trường thế giới. Vậy thì các quốc gia khác có thể xóa bỏ đồng tiền của nước mình để đỡ phiền hà, tốn kém về in ấn, về “phiên dịch” được không? Câu trả lời này cũng hắc búa như một “công án” thiền. Mặc dầu đồng tiền không hàm chứa tính giai cấp hoặc tính dân tộc nhưng nó cũng mang những dấu ấn riêng của quá khứ. Mọi đồng tiền đều ra đời trong những không gian lịch sử trùng hợp với lãnh thổ quốc gia nên khi vượt ra khỏi biên giới đó thì nó được coi như một thứ “quốc kỳ” của mỗi nước. Mặt khác, có những nước đồng tiền lại xuất hiện với những chức năng đầu tiên không phải thương mại mà là chính trị hoặc tôn giáo. Vì những lẽ đó, việc xóa bỏ đồng tiền riêng sẽ đồng nghĩa với xóa bỏ quá khứ mà quá khứ ở đây lại gặp phải “vật cản” Abutalip: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác. Nhưng thực tế đâu chỉ có vậy, đồng tiền còn phức tạp hơn nhiều. Mặt trái và bản chất mang tính nghịch lí của nó vẫn đang là nỗi nhức nhối sâu cay của xã hội loài người. Đồng tiền vốn là sản phẩm của người lao động sáng tạo ra nhưng rồi chính nó đã trở lại làm công cụ bóc lột người lao động. Bên cạnh biểu tượng của giàu sang, thuộc tính của quyền lực, đồng tiền còn là tư bản, là mafia, là tội ác…
Xu hướng phi vật chất hóa đồng tiền nhằm tước bỏ mặt trái của nó, sẽ trở thành hiện thực trong nền văn minh trí tuệ. Hệ thống internet siêu hiện đại có thể dung nạp được toàn bộ mọi giá trị lao động và cân đối mọi quan hệ cung - cầu của từng cá nhân cũng như cả xã hội. Đồng tiền khi đó chỉ còn là ngôn ngữ trừu tượng cất giữ sức mua, sức bán của xã hội trong một thị trường chung thuần nhất mà ở đấy mọi mệnh lệnh “ăn gian” đều bị máy tính thông minh từ chối. Nghĩa là tất cả các khoản thu, chi của mọi thành viên trong xã hội đều phải thông qua ngân hàng điện tử với đầy đủ “tín chấp” mới có hiệu lực. Nếu đến lượt con người lại sợ sự thật tin học kiểm soát cả những hoạt động “thầm kín” của mình thì ý tưởng ấy cũng chỉ là ảo tưởng.
"Đồng tiền vốn là sản phẩm của người lao động sáng tạo ra nhưng rồi chính nó đã trở lại làm công cụ bóc lột người lao động. Bên cạnh biểu tượng của giàu sang, thuộc tính của quyền lực, đồng tiền còn là tư bản, là mafia, là tội ác…. Mặt trái và bản chất mang tính nghịch lí của nó vẫn đang là nỗi nhức nhối sâu cay của xã hội loài người.”." |