Trong bài viết nhân dịp Tết Tân Sửu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ, căn cơ của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao độ của tất cả các cấp, các ngành và một chiến lược, kế hoạch triển khai bài bản, cụ thể nhằm bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và hiệu quả. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Trong bài viết dành riêng cho TG&VN nhân dịp Tết Tân Sửu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ, căn cơ của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao độ của tất cả các cấp, các ngành và một chiến lược, kế hoạch triển khai bài bản, cụ thể nhằm bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và hiệu quả. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, nền Ngoại giao Việt Nam vô cùng vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, dìu dắt, từng bước trưởng thành và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân.
Lịch sử của nền Ngoại giao Việt Nam gắn liền với những năm tháng hào hùng và gian khổ nhất của lịch sử đất nước. Khi niềm vui trở thành một quốc gia độc lập còn chưa kịp vơi, vận mệnh đất nước đã rơi ngay vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, với cả thù trong lẫn giặc ngoài. Âm mưu của các thế lực đế quốc, thực dân lúc này là, ra sức cấu kết với nhau và cấu kết với bọn phản động trong nước, hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời.
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước ta, Ngoại giao Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược “hòa với Tưởng để đánh Pháp” và “hòa với Pháp để đuổi Tưởng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 2 tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, số 1 Tôn Thất Đàm, năm 1962.
Hiệp định Sơ bộ (ngày 6/3/1946) và Tạm ước (ngày 14/9/1946) với Pháp đã trở thành những sách lược ngoại giao mẫu mực, nhờ đó, chúng ta đã khéo léo đuổi 20 vạn quân Tưởng ra khỏi bờ cõi; đồng thời kéo dài hòa hoãn với Pháp để có thêm thời gian chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ. Đây là các giải pháp ngoại giao sắc bén, tài giỏi và hết sức hiệu quả, góp phần quan trọng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và dành thời gian quý báu để toàn Đảng, đất nước và toàn dân chuẩn bị mọi mặt để đối phó với thực dân Pháp xâm lược.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, dấu ấn của Ngoại giao Việt Nam là vừa tích cực đấu tranh phá vỡ thế bao vây, cô lập của địch, vừa chủ động mở rộng quan hệ với bên ngoài, tranh thủ sự ủng hộ, chi viện của bạn bè quốc tế. Với tinh thần chủ động, nhạy bén, sáng tạo, Ngoại giao Việt Nam đã tận dụng và phát huy thắng lợi to lớn trên chiến trường, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để đẩy mạnh đấu tranh trên bàn hội nghị, buộc các thế lực thù địch, hiếu chiến và các cường quốc trên thế giới phải ký Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, chính thức công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một trang sử chói lọi của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 1954 - 1975, cùng với các mặt đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận, mặt trận ngoại giao có sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc trên tất cả các mặt. Ngành Ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, phát huy cao độ bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của phe xã hội chủ nghĩa, các nước bạn bè và đông đảo nhân dân tiến bộ trên thế giới, hình thành cao trào rộng khắp năm châu ủng hộ, giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Đồng thời, Ngoại giao cũng trở thành mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị trong chiến lược “vừa đánh, vừa đàm”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, thực hiện giành thắng lợi từng bước đến giành thắng lợi hoàn toàn. Trong đó, Hiệp định Paris (năm 1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết là đỉnh cao thắng lợi của nền Ngoại giao Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, buộc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo sự so sánh lực lượng có lợi cho ta trên chiến trường, tiền đề quan trọng để dân tộc ta làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước ra khỏi chiến tranh, vượt lên những khó khăn, trở ngại của tình trạng bao vây, cấm vận từ bên ngoài và khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước, ngành Ngoại giao đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối đổi mới của Đảng, kịp thời đổi mới tư duy và chuyển hướng hoạt động. Qua đó, Ngoại giao đã góp phần quan trọng phá thế bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Đây là một trong những thành tựu nổi bật, có tính chiến lược, nhằm củng cố thế và lực của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đến nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; xây dựng được mạng lưới 17 Đối tác chiến lược và 13 Đối tác toàn diện, trong đó có toàn bộ các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước thành viên ASEAN, mạng lưới bạn bè và đối tác quan trọng ngày càng được mở rộng, hợp tác ngày càng hiệu quả.
Chúng ta đã tổ chức thành công các hoạt động ngoại giao tầm cỡ thế giới như Năm APEC Việt Nam 2017, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội năm 2019; đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Chủ tịch ASEAN 2020…, qua đó góp phần củng cố vững chắc và nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam tổ chức thành công các hoạt động ngoại giao tầm cỡ thế giới như Năm APEC Việt Nam 2017, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ -Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội năm 2019; đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Chủ tịch ASEAN 2020…
Trong quá trình phát triển, ngoại giao ngày càng gắn kết với người dân, các địa phương và doanh nghiệp. Song hành cùng ngoại giao chính trị, nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế thiết thực được triển khai, góp phần mở rộng thị trường, đối tác cho doanh nghiệp. Ngoại giao văn hóa quảng bá hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc, đổi mới thành công; đồng thời vận động để đến nay 39 di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, qua đó vừa đóng góp cho việc bảo vệ các giá trị của nhân loại, vừa tạo nguồn lực cho phát triển ở nhiều địa phương. Ngành ngoại giao cũng triển khai tích cực, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Những thành công đó là lời khẳng định về sự trưởng thành, phát triển của Ngoại giao Việt Nam trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa các binh chủng đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, hình thành nên một nền Ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp. Nền Ngoại giao đó đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cùng với các lực lượng quốc phòng, an ninh, các bộ, ngành, địa phương khác để triển khai công tác đối ngoại của đất nước trong mọi lĩnh vực, phấn đấu vì lợi ích quốc gia – dân tộc, góp phần đạt được những mục tiêu cơ bản là chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, phát triển, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế như lời nhận định được cả thế giới thừa nhận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Lực lượng cán bộ ngoại giao trải qua các thế hệ cũng đã không ngừng lớn mạnh, từ chỗ chỉ có 20 cán bộ trong những ngày đầu thành lập, đến nay đã phát triển thành đội ngũ hàng nghìn cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, ngoại ngữ với nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau, phục vụ đắc lực cho công tác hoạch định và triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Từ chỗ chỉ có 3 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, mạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam hiện đã được mở rộng lên 94 cơ quan, trở thành những “cánh tay nối dài” của đất nước ở khắp các châu lục trên thế giới. Sự trưởng thành của cán bộ ngoại giao Việt Nam còn thể hiện ở phong thái tự tin, đĩnh đạc, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh vững vàng và sự năng động, chủ động thích ứng, đương đầu với mọi thử thách khi tham gia, điều phối và dẫn dắt các cơ chế, diễn đàn quốc tế và khu vực.
Tình hình thế giới và khu vực trong năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ còn tiếp tục khó lường do hệ luỵ của tình trạng suy thoái kinh tế, những thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là đại dịch Covid-19, những điều chỉnh chính sách của các nước lớn và cạnh tranh chiến lược còn tiếp tục phức tạp và khó dự báo, đặt ra yêu cầu phải đổi mới tư duy về nhận định và phát triển đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành đối ngoại trong thời gian tới là “đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”, trong đó chỉ rõ vai trò tiên phong của đối ngoại “trong tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, số 2 Lê Quang Đạo, Mỹ Đình, Hà Nội.
Để hoàn thành được trọng trách đó, ngành đối ngoại cần “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân”. Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm 2018 đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngoại giao trong thời gian tới là “xây dựng nền ngoại giao từng bước hiện đại, chuyên nghiệp, thích ứng năng động trong tình hình mới”.
Trong thời gian tới, ngoại giao Việt Nam cần xác định, làm rõ nội hàm của khái niệm “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” để có thể tham mưu và triển khai hiệu quả hơn nữa đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
“Ngoại giao toàn diện” thể hiện ở lĩnh vực, phương thức hoạt động và chủ thể triển khai các hoạt động ngoại giao. “Ngoại giao hiện đại” thể hiện ở nội dung, phương pháp triển khai, cách thức quản trị của ngoại giao trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh sự thích ứng với các yếu tố như ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại giao số, ngoại giao trực tuyến, ngoại giao thượng đỉnh…
Tuy nhiên, “Ngoại giao hiện đại” không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để thích ứng và phát huy những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà còn là quá trình đổi mới toàn diện, không chỉ ở Bộ Ngoại giao mà còn ở tất cả các cơ quan làm công tác đối ngoại trong hệ thống chính trị, trên 4 trụ cột: (i) nguồn nhân lực - xây dựng đội ngũ cán bộ bản lĩnh, chuyên nghiệp, sáng tạo và kỷ luật; (ii) xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, linh hoạt thích ứng; (iii) chuẩn hóa quy trình, áp dụng các phương thức mới để triển khai công tác đối ngoại (như ngoại giao số, ngoại giao công chúng) và; (iv) xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong nội hàm "ngoại giao hiện đại" đó, khâu “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo" là nhân tố có ý nghĩa quyết định, then chốt của then chốt.
Trong bối cảnh mới, để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế đất nước, ngành ngoại giao cần chủ động, tích cực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, năng động thích ứng những chuyển biến nhanh của tình hình để bảo đảm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao phó.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra yêu cầu “nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, tính chuyên nghiệp, hiện đại, đổi mới sáng tạo của đội ngũ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động thích ứng trước chuyển biến của tình hình quốc tế”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại giao 30.
Năm 2018, phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng căn dặn cán bộ ngành Ngoại giao: “Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao có bản lĩnh chính trị; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp. Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động. Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là đất nước, là nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo”.
Những yêu cầu của Trung ương, dặn dò của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ ngoại giao cũng được xác định là một trong nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Xây dựng ngành đã được Bộ Ngoại giao chú trọng triển khai trong thời gian qua và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới trong chiến lược xây dựng nguồn nhân lực ngoại giao chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh chung cùng Lãnh đạo Bộ Ngoại giao tại lễ Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2020) và Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025.
Thế hệ cán bộ cán bộ ngoại giao mới sẽ tiếp nối truyền thống hơn 75 năm phát triển của ngành Ngoại giao, phải có khát vọng cống hiến cho nền ngoại giao nước nhà, chủ động thích ứng trong mọi tình huống, say mê trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo trong giải quyết công việc, tự tin trong tiếp xúc đối ngoại và quan trọng hơn, phải có tính kỷ luật cao trong thực thi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước tin tưởng, giao phó.
Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ, căn cơ của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao độ của tất cả các cấp, các ngành và một chiến lược, kế hoạch triển khai bài bản, cụ thể nhằm bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và hiệu quả. Với thế và lực mới của đất nước, phát huy truyền thống vẻ vang và thành tựu to lớn trong 75 năm qua, tiếp bước tinh thần ngoại giao đồng hành cùng đất nước, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoại giao Việt Nam tiếp tục vững bước tiến lên, viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao hiện đại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.