15/01/2025 lúc 20:51 (GMT+7)
Breaking News

Nghiên cứu xây mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Tư vấn đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, điện khí hoá, vận tốc thiết kế chạy tàu 160 km/h.

Đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Cục Đường sắt - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi lấy ý kiến các đơn vị, chuyên gia, người dân về Báo cáo đầu kỳ Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, do tư vấn trong nước thực hiện.

Việc nghiên cứu lập Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, giai đoạn phát triển đến 2030 và tầm nhìn 2050 là cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường sắt để làm cơ sở quản lý hành lang đường sắt, xây dựng kế hoạch phát triển, huy động, bố trí nguồn lực đầu tư các dự án giao thông đường sắt; qua đó đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hạn chế ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng, quốc gia.

Nâng khổ tiêu chuẩn 1.435 mm

Tư vấn đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, điện khí hoá, vận tốc thiết kế chạy tàu 160 km/h.

Tuyến đường sắt mới kết nối với Trung Quốc kể trên dự kiến tổng chiều dài hơn 441 km, đi qua 9 tỉnh thành gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (ga Cái Lân).

Trên tuyến có khoảng 56 cầu lớn và 11 hầm xuyên núi. Tuyến đường sắt tương lai dự kiến được quy hoạch 41 ga, trong đó có 5 ga trung tâm để lập tàu, 10 ga trung gian kết hợp phục vụ khách và hàng, 5 ga cảng biển và 22 ga phụ tránh tàu.

Cũng theo tư vấn, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bao gồm toàn bộ tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hiện hữu, một phần tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Cái Lân của dự án đang xây dựng dở dang.

Về phương án chạy tàu, tàu khách và tàu hàng sẽ kết nối với đường sắt Trung Quốc tại ga Lào Cai, sau đó qua Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (tàu khách kết thúc tại ga Hạ Long, tàu hàng kết thúc tại ga Cái Lân). Để kết nối với các cảng biển khu vực Hải Phòng, tàu sẽ từ ga Nam Hải Phòng đi đường nhánh tới cảng Đình Vũ, Lạch Huyện, Đồ Sơn.

Phương án tuyến đường sắt trên kết nối với Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai, với khổ ray 1.435 mm trong tương lai, tàu có thể chạy thẳng vào hệ thống đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc.

Hiện, đường sắt đang khai thác tuyến đường sắt khổ 1.000mm, kết nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Hiện tuyến đường sắt này chiếm gần 50% khối lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa của hệ thống đường sắt Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi đầu tư hoàn thành, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh có thể kết nối với đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) đi Trung Quốc đang khai thác tàu khổ ray lồng giữa 1.000mm và 1.435mm.

Nguyên tắc lập quy hoạch

Việc lập quy hoạch được tuân thủ theo Luật Quy hoạch, các nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, các quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia và các quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng với phương tiện, dịch vụ, công nghiệp; giữa quy hoạch ngành với quy hoạch địa phương.

Bảo đảm tuân thủ quy chuẩn và tương thích về tiêu chuẩn kỹ thuật trong toàn mạng lưới đường sắt (có tham khảo tiêu chuẩn kĩ thuật, quy phạm của đường sắt thế giới).

Bảo đảm tính kế thừa các quy hoạch, dụ án đã và đang nghiên cứu.

Phù hợp xu hướng công nghệ, vật liệu, quản lý, khai thác hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, phù hợp nguồn lực để thực hiện.

Mạng đường sắt quốc gia khu vực phía bắc trên hành lang Đông Tây

Mạng lưới đường sắt quốc gia khu vực phía bắc bao gồm 4 tuyến chính: Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên.

Trong đó tuyến Hà Nội – Thái Nguyên (Đông Anh – Thái Nguyên) mới được xây dựng và đưa vào khai thác sau 1954. Còn 3 tuyến chính Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai đã được định hình xây dựng từ hơn 100 năm nay và luôn là các tuyến vận tải chủ yếu của ngành đường sắt, đặc biệt trục hành lang Đông Tây nối khu vực cảng biển phía Đông tại Hải Phòng lên vùng Tây Bắc (Yên Bái – Lào Cai) với 2 tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Hải Phòng luôn chiếm gần 50% khối lượng vận tải cả hành khách và hàng hoá của hệ thống đường sắt quốc gia.

Trong lịch sử phát triển đường sắt Việt Nam trục tuyến đường sắt Đông Tây: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với đường sắt Trung Quốc tại Lào Cai hình thành tuyến vận tải liên vận quốc tế từ Vân Nam (Trung Quốc) đến Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng của Việt Nam. Ngoài ra ở phía Bắc có 2 tuyến nhánh: Kép – Lưu Xá và Kép.