Trong đó có việc đẩy mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu… Những nỗ lực đó không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống mà còn tạo nền tảng vững chắc để hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ảnh minh họa - TTXVN
Có thể nói, vấn đề bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững ở Việt Nam được quy định khá rõ ràng qua hệ thống pháp lý và chính sách liên quan. Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Luật Tài nguyên nước (2012) là hai trong số các văn bản pháp lý quan trọng, khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hợp lý. Các quy định trong những luật này yêu cầu các tổ chức và cá nhân phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và khuyến khích các mô hình sản xuất xanh, giảm phát thải. Một minh chứng cụ thể là từ khi Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực, hơn 1.000 dự án đã được cấp giấy phép môi trường, và hơn 200.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.
Không chỉ chủ động tham gia các hiệp định quốc tế về môi trường, Việt Nam còn triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm thực thi cam kết phát triển bền vững. Việc ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đánh dấu bước chuyển quan trọng, thể hiện nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy nền kinh tế xanh. Cùng với đó, tư cách thành viên trong Công ước về Đa dạng sinh học và nhiều hiệp định quốc tế khác cho thấy Việt Nam không ngừng nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với thách thức môi trường toàn cầu. Những cam kết này không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho các chính sách phát triển bền vững trong nước, hướng đến sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái.
Để hiện thực hóa công tác bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, Chính phủ đã triển khai hàng loạt chính sách quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường nói chung và phục hồi hệ sinh thái rừng nói riêng. Trong đó, nhờ những nỗ lực bền bỉ, đến năm 2023, độ che phủ rừng của nước ta đã đạt 42,02%, thuộc nhóm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh" giai đoạn 2021–2025 đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần cải thiện chất lượng rừng, tăng khả năng hấp thụ carbon và bảo vệ đa dạng sinh học. Cùng với đó, các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn cũng được chú trọng, vừa giúp duy trì nguồn nước, giảm thiểu tác hại của thiên tai, vừa hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Không chỉ là vấn đề bảo vệ rừng, Việt Nam còn đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về tài nguyên nước, như khai thác nước ngầm quá mức, ô nhiễm nguồn nước và xâm nhập mặn. Nhằm ứng phó, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc xây dựng hệ thống hồ chứa và trữ nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long để giảm tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô. Bên cạnh đó, các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã áp dụng công nghệ xử lý nước thải hiện đại, góp phần giảm ô nhiễm tại các sông lớn. Chương trình quốc gia về bảo vệ nguồn nước cũng đang phát huy hiệu quả, không chỉ cải thiện chất lượng nước mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cân bằng hệ sinh thái. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc hướng đến một mô hình phát triển bền vững, nơi tài nguyên thiên nhiên được khai thác hợp lý, hài hòa với bảo vệ môi trường.
Một lĩnh vực nữa liên quan nhiều tới môi trường là ngành khai thác khoáng sản; đã và đang đối diện với nhiều thách thức trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Hoạt động khai thác khoáng sản, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, có thể gây ra ô nhiễm không khí, nguồn nước và làm suy giảm chất lượng đất. Tuy nhiên, nhờ các chính sách quản lý nghiêm ngặt và việc ứng dụng công nghệ hiện đại, ngành khai khoáng đang từng bước chuyển đổi theo hướng bền vững hơn. Các mỏ than, dầu khí và khoáng sản kim loại quý hiện nay được khai thác với mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Nhiều doanh nghiệp lớn đã tiên phong áp dụng công nghệ khai thác xanh, đặc biệt là công nghệ khai thác than hầm lò hiện đại, giúp giảm thiểu bụi, nước thải và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Cũng liên quan đến môi trường, trước sức ép của quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp, Việt Nam đang đẩy mạnh các giải pháp quy hoạch bền vững nhằm cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo vệ tài nguyên đất. Các thành phố như Đà Nẵng, Huế và Hà Nội đã tích cực triển khai mô hình đô thị xanh, tăng cường diện tích cây xanh và công viên sinh thái nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống. Đồng thời, các dự án cải tạo đất tại miền Trung và Tây Nguyên cũng được triển khai mạnh mẽ, giúp chống xói mòn, sa mạc hóa và phục hồi đất canh tác. Những nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Gắn với hoạt động quản lý về môi trường, công tác giám sát và thực thi pháp luật về môi trường được tăng cường đáng kể. Công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, được tăng cường. Các hành vi khai thác tài nguyên quá mức, xả thải ô nhiễm đều bị xử phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó, việc minh bạch hóa thông tin môi trường cũng được đặc biệt chú trọng. Các chỉ số về ô nhiễm không khí, chất lượng nước và hoạt động khai thác tài nguyên được công khai trên các nền tảng số như cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hay các ứng dụng giám sát môi trường đô thị. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể nâng cao trách nhiệm tuân thủ, người dân cũng được khuyến khích chủ động tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.
Việc ứng dụng công nghệ xanh trong khai thác tài nguyên và sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đã và đang được thực hiện tích cực. Các giải pháp tiên tiến như công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí CO2 và sử dụng nguyên liệu tái chế ngày càng được triển khai rộng rãi. Theo Bộ Công Thương, đến cuối năm 2023, hơn 30% doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã áp dụng công nghệ xanh, giúp tiết kiệm từ 10% đến 15% năng lượng so với trước đây. Những bước tiến này không chỉ góp phần giảm ô nhiễm mà còn thúc đẩy một nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, mô hình kinh tế tuần hoàn đang trở thành một hướng đi quan trọng trong bảo vệ môi trường, giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên bằng cách tái chế và tái sử dụng nguyên liệu, từ đó giảm thiểu chất thải ra môi trường. Cùng với đó, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm ít nhất 25% tổng công suất điện năng của cả nước, góp phần quan trọng vào việc giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ sinh thái.
Những bước tiến này không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận các thị trường quốc tế có tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Việc kết hợp giữa đổi mới công nghệ và chiến lược phát triển xanh đang tạo ra động lực để Việt Nam vững bước trên con đường trở thành một nền kinh tế hiện đại, thân thiện với môi trường.
Trước thực trạng tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và môi trường sống đang đối mặt với nhiều thách thức, việc khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trở thành nhiệm vụ cấp bách của mỗi quốc gia và cộng đồng. Sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân là yếu tố quyết định để xây dựng một môi trường bền vững cho thế hệ tương lai. Mỗi cá nhân, với những hành động nhỏ nhưng thiết thực, có thể góp phần tạo nên sự thay đổi lớn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và cải thiện chất lượng cuộc sống, xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững cho các thế hệ mai sau./.
Ths Lê Thị Hoàng Mai