19/01/2025 lúc 07:24 (GMT+7)
Breaking News

Nghệ thuật kiến trúc trên hành trình đi tìm bản sắc Việt

Bao giờ Kiến trúc Việt thoát khỏi cảnh “nồi lẩu thập cẩm”? Là câu hỏi đã được đặt ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2020- 2025 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 9/2020.

Bao giờ Kiến trúc Việt thoát khỏi cảnh “nồi lẩu thập cẩm”? Là câu hỏi đã được đặt ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2020- 2025 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 9/2020. Tại Đại hội, những bất cập trong suốt quá trình hình thành, phát triển của kiến trúc Việt Nam đã được các đại biểu đưa ra bàn thảo, trên tinh thần trách nhiệm và cầu thị để sớm có được một diện mạo kiến trúc mang đậm bản sắc Việt Nam.

Ảnh minh họa

VẪN BÀI TOÁN GIỮA BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN

Trước thời điểm Đại hội Hội Kiến trúc sư Việt Nam được tổ chức, Viện Bảo tồn di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã khai mạc triển lãm “Kiến trúc làng Việt truyền thống”, giới thiệu về 6 ngôi làng Việt cổ, bắt đầu từ làng Thổ Hà ven sông Cầu, làng Cự Đà ven sông Nhuệ đến làng Nôm ở tỉnh Hưng Yên, làng Hành Thiện tỉnh Nam Định, làng Phước Tích và làng An Chuyện, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cùng với đợt trưng bày triển lãm này, ấn phẩm Kiến trúc làng cổ Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích - tập 1, viết về 6 ngôi làng tiêu biểu trên cũng được giới thiệu tới các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc yêu di sản, yêu làng Việt truyền thống. Dự kiến tập 2 cũng sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc 6 ngôi làng Việt tiêu biểu khác.

Chưa bàn đến những nét đẹp, sự cổ kính của những ngôi làng có mặt tại triển lãm, mà chỉ cần bàn đến những cơ chế chính sách, những tác động của đô thị hóa đến những ngôi làng Việt cổ để thấy sự bấp bênh trong công tác bảo tồn đang dần giết chết những ngôi làng Việt cổ. Theo Ts.KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, hiện nay có 3.500 di tích quốc gia, trong đó chỉ có 4 ngôi làng cổ được công nhận là di tích quốc gia. Số còn lại chông chênh nửa cổ, nửa kim do vướng cơ chế và những nguyên tắc bảo tồn trong Luật Di sản. Ngoài những lý do mà KTS Hoàng Đạo Cương đề cập, thì nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, công tác quy hoạch nông thôn và tốc độ đô thị hóa, thành phố hóa khu vực ven đô... đã không quan tâm đến công tác bảo tồn, thậm chí nội dung này chưa được luật hóa, nên nhiều làng Việt cổ đang đứng trước nguy cơ nếu không bị xóa sổ thì cũng trở thành “nồi lẩu thập cẩm”...

Nông thôn không còn thuần khiết với lũy tre, nhà cấp bốn lợp ngói âm dương mà thay vào đó là đủ loại kiến trúc Âu, Mỹ... theo thị hiếu và khả năng kinh tế của chủ nhân những ngôi nhà đó. Còn thành phố, các khu đô thị lại hỗn độn những tòa tháp thương mại, chung cư cao tầng, những biệt thự liền kề xen lẫn nhưng ngôi nhà tập thể cũ nát. Tại Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho thấy, hơn 70 năm qua, đội ngũ kiến trúc sư đã ghi dấu ấn đậm nét vào từng chặng đường phát triển của đất nước. Gần 850 thành phố, đô thị lớn nhỏ được hình thành. Hàng trăm khu đô thị mới được xây dựng với công nghệ tiên tiến, tiếp cận trình độ quốc tế. Bên cạnh đó, kiến trúc nông thôn cũng có nhiều nét tươi mới. Song, ngoài bề nổi của kiến trúc, thì những bất cập giữa bảo tồn và phát triển đang trở thành thứ không dễ vượt qua của kiến trúc đương đại.

HÀI HÒA GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI

Khoảng hai năm trở lại đây, kiến trúc đô thị Việt Nam nói chung, từng địa phương nói riêng phát triển khá mạnh mẽ do có sự tăng trưởng kinh tế làm hậu thuẫn. Thành phố, hoặc các trung tâm được xem là vùng lõi của tỉnh đều có những công trình kiến trúc tầm cỡ. Nhưng bên cạnh đó cũng lại có những căn nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên như một minh chứng cho sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch. Hạ tầng trở nên quá tải khi phải oằn mình cõng trên lưng các khối nhà cao tầng, chung cư thương mại và hàng loạt những tổ hợp nhà ở xã hội... được thiết kế theo các phong cách khác nhau, thậm chí là theo phong thủy của chủ dự án. Mặc dù trước khi lập đề án, các chủ đầu tư được khuyến cáo phải tuân thủ các quy định về kiến trúc, nhưng tất cả chỉ nằm trên giấy. Công trình hoàn thành, những tỷ lệ được yêu cầu nói trên đều không đạt, thậm chí bị tước bỏ hoàn toàn, trở thành những công trình kiến trúc phô trương, xa lạ với văn hóa dân tộc, thậm chí buộc phải tháo dỡ, như công trình 8B phố Lê Trực, Hà Nội… Theo PGs.Ts.KTS Nguyễn Hồng Thục, Kiến trúc Việt Nam đổi thay mạnh mẽ. Đô thị hoá rộng khắp và các dự án mọc lên như nấm (sau 1996). Nhưng về phong cách và tính thẩm mỹ, thậm chí về công năng lại tụt hậu đáng kể so với thời kỳ trước… Còn KTS Hoàng Thúc Hào không giấu được tâm trạng hụt hẫng khi đi trên những phố mới với nhiều chung cư cao tầng, từng thốt lên: “đôi khi tôi thấy Hà Nội giông giống Bangkok, lại giông giống Kuala Lumpur, rồi lại giông giống Quảng Châu...”. Phải chăng chúng ta làm đô thị cứ lung tung, manh mún, thiếu nhất quán! Một hình thái đô thị vừa tôn trọng hình thái tự nhiên cũ của Hà Nội, vừa kế thừa kiến trúc Pháp chưa được phát huy. Thay vào đó là nhà ống, nhà chia lô lổn nhổn, những chung cư hình hộp rập khuôn liên tiếp trồi lên, “ngoạm” đi những khoảng xanh, những không gian sinh hoạt cộng đồng đã đi vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ... (báo Nhân Dân)

Chưa dừng lại ở những ngôi nhà cao tầng “ngoạm” đi những mảng xanh, giờ đây những tuyến đường sắt trên cao, xuyên tâm thành phố cũng đang tiếp tục “nuốt” dần những khoảng xanh hiếm hoi còn lại. Hà Nội không còn là đô thị cổ với hơn nghìn năm tuổi.

Không chỉ có Hà Nội đối mặt với sự lộn xộn trong kiến trúc, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác cũng có chung một diện mạo kiến trúc như vậy. Tháng 6 năm 2019, Luật Kiến trúc chính thức được Quốc hội thông qua đã trở thành cơ sở để cử tri, người dân cả nước nhen nhóm lên khát vọng được sở hữu một nền kiến trúc mang đậm dấu ấn Việt. Khát vọng ấy có trở thành hiện thực hay không thì cần phải có thời gian để thực hiện. Nhưng cái mà chúng ta có thể nhìn thấy ngay được, đó là Luật Kiến trúc sẽ chấm dứt việc chủ đầu tư “thích làm gì thì làm” để thay vào đó là những yêu cầu khắt khe về mặt thẩm mỹ, yếu tố cộng đồng của công trình. Bởi đó là “tài sản” của cộng đồng. Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến những đổi thay to lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi mỗi KTS và Hội Kiến trúc sư Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới, nâng cao năng lực hành nghề, chủ động thích ứng với thử thách và cơ hội mới. Theo đó, cần phát triển và cổ súy cho Kiến trúc xanh, Kiến trúc vì cộng đồng, Kiến trúc thông minh; tích cực triển khai thực hiện Luật Kiến trúc để xây dựng môi trường hành nghề kiến trúc chuyên nghiệp, lành mạnh. “Đó là những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong thời gian tới để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại công nghiệp 4.0.”

Việt Nam đã có một nền kiến trúc kéo dài 70 năm. Đây là cả một quá trình tích lũy những giá trị văn hóa dân tộc với hiện đại. Thể hiện qua những kiến trúc nhà đơn lập, biệt thự… không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa Á Đông mà còn mang nét hiện đại của nền văn hóa châu Âu (Pháp). Vì vậy, không có lý do gì có thể làm cho kiến trúc Việt Nam trở nên tụt hậu, thiếu bản sắc. KTS Lawrie Wilson (Australia) đã nói: “Đối với ngành kiến trúc, nếu chúng ta không làm bài bản và không có hệ thống, chúng ta sẽ để lại cho con cháu của mình những công trình kiến trúc tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta đang có”. Thiết nghĩ, đây là kết quả mà tất cả chúng ta đều không mong muốn.