19/01/2025 lúc 10:24 (GMT+7)
Breaking News

Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương: Gìn giữ 'chứng minh thư' văn hóa của đồng bào Khmer

VNHNO - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng có rất đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ngoài phong tục, tập quán, người Khmer có một nền văn hóa đặc sắc mang những nét đặc trưng, lâu đời, trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật xuất sắc được giữ gìn từ đời này sang đời khác.

VNHNO - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng có rất đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ngoài phong tục, tập quán, người Khmer có một nền văn hóa đặc sắc mang những nét đặc trưng, lâu đời, trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật xuất sắc được giữ gìn từ đời này sang đời khác.

Để tìm hiểu sâu về những nét văn hóa đặc trưng đó, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết cốt lõi bản sắc văn hóa đồng bào Khmer trong dòng chảy đa dạng của văn hóa Việt Nam?

Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương: Giá trị cốt lõi về bản sắc văn hóa của người Khmer trong dòng chảy văn hóa đa sắc màu của văn hóa Việt Nam được ví như là “chứng minh thư” văn hóa của đồng bào Khmer. Dù trải qua cuộc sống xen cư với người Kinh, người Hoa từ bao đời nay, nhưng văn hóa của người Khmer Nam Bộ nói chung hay người Khmer Sóc Trăng nói riêng vẫn giữ vững được đặc điểm, tính cách văn hóa riêng của mình, luôn có sự gắn kết hài hòa với sắc thái văn hóa của các tộc người anh em cùng sinh sống trong vùng, tạo nên những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, sự phong phú, thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương

Chính từ đặc điểm, tính cách văn hóa ấy đã tạo nên giá trị bản sắc văn hóa bền vững của người Khmer, đó là: Tính báo hiếu là một chuẩn mực sống, một giá trị sống của cộng đồng mà tất cả mọi người đều ý thức được một cách tự giác. Tính tôn sùng Phật giáo là một đặc điểm tâm lý đã ăn sâu vào tiềm thức và cả đời sống tư tưởng của người Khmer: Cộng đồng gắn với ngôi chùa, ngôi chùa gắn bó với phum sóc, ngôi chùa là biểu tượng cao đẹp về văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer. Tính nhân văn trong truyền thống văn hóa của người Khmer luôn được thể hiện sâu sắc qua sinh hoạt, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội. Tính cộng đồng thể hiện qua sự thấu hiểu, tinh thần đoàn kết, gắn bó trong đời sống hằng ngày và trong lễ hội, giữa các thành viên trong tộc người và cả với các tộc người anh em là vô cùng quan trọng, tạo nên sự cố kết cho tính cộng đồng của tộc người Khmer.

Đúng như câu nói dân gian Khmer “Men kê-men dơn” (có người ta, có mình) nên mỗi cá nhân sống trong cộng đồng đều có tình cảm gắn bó với nhau. Tính trọng nghĩa, trong lối sống ứng xử, chữ “nghĩa” đối với họ đôi khi còn quan trọng hơn chữ “tình”. Hay là tính bao dung, xuất phát từ triết lý của Phật giáo là “Mêt ta-Kă rô na” (từ bi-hỷ xả) cùng với nền tảng từ cuộc sống đan xen, thừa nhận và tôn trọng phong tục, tập quán, tôn giáo của nhau, biết dung nạp những tính cách trái ngược nhau đã hình thành nên tính bao dung của người Khmer ở vùng đất này.

PV: Đề nghị ông cho bạn đọc hiểu rõ thêm về kho tàng văn hóa đa dạng của người Khmer?

Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương: Đã từ lâu, người Khmer có một kho tàng văn hóa rất phong phú, đa dạng, cả văn hóa vật thể và phi vật thể, từ hơn 450 ngôi chùa Khmer to đẹp, khang trang ở khắp các tỉnh Nam Bộ, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống cho đến ngôn ngữ, chữ viết có tự bao đời nay cùng với các loại hình nghệ thuật thơ ca, điêu khắc, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn đặc sắc như: Dân ca, dân vũ và nhất là nghệ thuật sân khấu dân tộc với các loại hình sân khấu Rô băm, Dù kê Khmer đã đạt đến trình độ điêu luyện và giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt hơn là văn hóa lễ hội của người Khmer. Từ các nghi lễ vòng đời người đến các nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo, các nghi lễ truyền thống hằng năm của dân tộc là cả một hệ thống lễ hội để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tâm linh của bà con dân tộc Khmer, mang nhiều yếu tố giá trị văn hóa, xã hội và ý nghĩa giáo dục đầy tính nhân văn sâu sắc. Không chỉ vậy, các loại hình văn hóa, nghệ thuật và lễ hội của người Khmer luôn thể hiện tính đặc trưng, nổi bật là tính truyền thống-dân gian, gắn bó với cuộc sống hiện thực của quê hương phum sóc đậm sắc thái của tộc người Khmer là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

PV: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm như thế nào để các địa phương phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, thưa ông?

Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương: Trong những năm qua, trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng thực hiện tốt chính sách dân tộc. Riêng các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã vận dụng ban hành nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực của địa phương đối với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách đồng bộ và có hiệu quả đối với đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng ngày càng được nâng cao, nhất là vai trò quan trọng của các vị sư sãi, Achar, các ngôi chùa Khmer đã có nhiều đóng góp lớn trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển các di sản văn hóa, nghệ thuật, lễ hội truyền thống.

Đặc biệt, những đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán và lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer được quan tâm bảo tồn, phát huy và phát triển, ví dụ như Lễ hội Ok Om Bok-đua ghe ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng cấp thành Lễ hội cấp quốc gia ở khu vực ĐBSCL từ năm 2013 đến nay. Cùng với đó, nhiều giá trị văn hóa vật thể như hàng chục ngôi chùa ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang… đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các giá trị văn hóa, truyền thống như: Lễ cúng trăng, các loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê, Rô băm, Chầm riêng Chà pây, múa trống Sa dăm… đã được xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Rõ ràng từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Khmer đã hun đúc và sáng tạo nên một kho tàng văn hóa vô cùng đặc sắc. Tuy nhiên, trước sự xâm nhập của những luồng văn hóa mới, vấn đề bảo tồn chưa được quan tâm đúng mức, nên không ít nét đẹp truyền thống, phong tục tập quán và lễ hội của người Khmer đang đứng trước nguy cơ mai một. Do đó, rất cần có sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân phum sóc chung tay, góp sức giữ gìn, khôi phục những giá trị văn hóa quý báu này.

Đua ghe ngo trong Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hồng Hiếu

PV: Được biết Sóc Trăng là địa phương đã có nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa Khmer trong dòng chảy văn hóa đương đại. Ông có thể chia sẻ về điều này?

Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương: Sóc Trăng là địa phương đầu tiên mạnh dạn lấy mô hình điểm chùa trong tỉnh xây dựng thành các tụ điểm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Khmer từ sau thập niên 1980 đến nay. Hiện nay, trong toàn tỉnh đã có 67/92 chùa Khmer trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa. Chùa Khmer đã và đang hoạt động có hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vừa tạo nên môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng cho đời sống tinh thần của nhân dân, lại vừa góp phần làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc. Ngoài đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, Sóc Trăng còn có Nhà truyền thống dân tộc Khmer với gần 1.000 hiện vật văn hóa-nghệ thuật, có 4 đoàn nghệ thuật quần chúng Khmer (3 đoàn Dù kê và 1 đoàn Rô băm) đang hoạt động có hiệu quả cùng với gần 100 đội, câu lạc bộ văn nghệ, múa trống Sa dăm, dàn nhạc ngũ âm ở các chùa Khmer và phum sóc trong tỉnh. Bên cạnh đó, các lễ hội theo phong tục, tập quán và truyền thống trong năm được duy trì, bảo tồn và phát huy, như: Chôl Chnăm Thmây, Đôn Ta, Dâng y cà sa, Lễ kiết giới chánh điện, Lễ cầu an… Đặc biệt, Lễ hội Ok Om Bok-đua ghe ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng được tổ chức hằng năm với quy mô cấp tỉnh, cấp khu vực đã trở thành một lễ hội tiêu biểu của tình đoàn kết, sáng tạo văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, trong vùng.

PV: Để văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer Nam Bộ mãi trường tồn theo thời gian, theo ông, Đảng, Nhà nước cần có chính sách gì để giúp các địa phương gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ?

Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương: Trong bối cảnh xã hội hiện nay, giữa dòng chảy của cuộc sống văn minh, hiện đại, để bảo tồn và phát huy các giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc thật sự là một thách thức không nhỏ đối với đồng bào Khmer.

Khi nói đến văn hóa Khmer, không thể không nói đến phong tục, tập quán và lễ hội là những nét văn hóa nổi bật, là thành tố quan trọng trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Thế nhưng, một bộ phận giới trẻ hiện nay lại không mấy mặn mà, lơ là với những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Một phần do tác động của những loại hình văn hóa ngoại nhập, phần vì việc lưu truyền giữa các thế hệ không được chú trọng nên nhiều thanh niên không hiểu được giá trị di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Đặc biệt, điều đáng báo động nhất là thực trạng không ít người Khmer không biết nói, đọc, viết ngôn ngữ dân tộc mình. Có lẽ do gánh nặng mưu sinh và nhiều nguyên nhân khác nên nhiều gia đình không quan tâm đến việc cho con em mình học tiếng mẹ đẻ, đó chính là điều đáng quan tâm nhất hiện nay.

Vấn đề đặt ra trước mắt là: Cần phải xác định rõ công việc bảo tồn và phát huy, cái gì cần bảo tồn và bảo tồn cái gì? Cái nào cần phát huy, kế thừa và phát triển? Việc gìn giữ và phát huy kho tàng văn hóa dân tộc Khmer phải được định hướng căn cơ, có mục tiêu rõ ràng để công tác bảo tồn và phát huy mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng dân tộc Khmer nói riêng và các cư dân sống trên địa bàn nói chung. Mặt khác, điều quan trọng hơn nữa là cần thống nhất trong nhận thức: Việc thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer không chỉ đơn thuần mang tính văn hóa mà là chiến lược hàng đầu trong việc ứng xử, nhằm ngăn chặn từ xa những khả năng bất lợi, gây bất ổn định chính trị, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc vốn là truyền thống quý báu và là chiến lược công tác quan trọng trong thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.!.

Theo Qdnd.vn