22/12/2024 lúc 16:09 (GMT+7)
Breaking News

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng triển lãm ảnh về trẻ tự kỷ tại Vườn cổ tích Liam

Ngày 27/10/2024, tại không gian Vườn cổ tích Liam, Hoàng Lê Gia Garden ở xã Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng – nguyên Trưởng ban biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh sẽ tổ chức triển lãm ảnh riêng với chủ đề đặc biệt về trẻ tự kỷ.

Đã có hơn 40 năm cống hiến trong lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí ở cả trong và ngoài nước, ông Dũng đã để lại dấu ấn với nhiều triển lãm ảnh và kinh nghiệm đào tạo cho các thế hệ nhiếp ảnh gia. Ông luôn tâm niệm: “Nhiếp ảnh đòi hỏi phải có trí tuệ, kỹ năng và cảm xúc thì mới làm cho bức ảnh có thần, có hồn và có chiều sâu.”

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng

Triển lãm có tên gọi "Tia sáng lạ kỳ", bao gồm 75 bức ảnh chụp về trẻ tự kỷ trong suốt một thập kỷ qua. Điểm khởi đầu của dự án này đến từ mối duyên với người bạn học, Tiến sĩ Phan Quốc Việt, một nhà giáo dục kỳ cựu trong lĩnh vực đào tạo trẻ tự kỷ. Cả hai từng là bạn học tại Đại học Lomonosov ở Moscow, Liên Xô cũ. Tiến sĩ Việt đã dành hơn mười năm nghiên cứu và phát triển phương pháp giáo dục "dịch chuyển tật thành tài" nhằm hỗ trợ trẻ tự kỷ phát triển khả năng và tự lập trong cuộc sống.

Khắc Hưng biểu diễn ghi kỷ lục Guinness 2024

Một lần, nghệ sĩ Phạm Tiến Dũng được Tiến sĩ Việt mời đến thăm trung tâm giáo dục đặc biệt của mình, nơi ông đào tạo và chăm sóc các trẻ tự kỷ. Chính trải nghiệm này đã thôi thúc ông Dũng bắt tay vào hành trình ghi lại những khoảnh khắc đời thường của các em nhỏ nơi đây. Từ đó, ông tìm thấy niềm đam mê và cảm xúc mãnh liệt với số phận, sự phát triển của mỗi đứa trẻ, đồng thời nhận ra tiềm năng của các em khi được giáo dục đúng cách. Đối với ông, mỗi bức ảnh là một cách kể lại câu chuyện của từng em – một thế giới đầy thử thách nhưng cũng tràn ngập hy vọng và cơ hội.

Triển lãm "Tia sáng lạ kỳ" được sắp xếp thành ba không gian. Phòng 1 là nơi trưng bày những bức ảnh ghi lại các hoạt động sinh hoạt thường nhật của các trẻ tự kỷ trong trung tâm, từ những khoảnh khắc giao lưu, học tập đến những lần đón tiếp khách nước ngoài. Phòng 2 là không gian về các hoạt động cộng đồng, ghi lại hình ảnh các em tham gia giao lưu và biểu diễn phục vụ cộng đồng nhằm khẳng định giá trị bản thân. Phòng 3 là phần đặc biệt dành cho Khắc Hưng – một cậu bé tự kỷ đã vượt qua những giới hạn cá nhân để đạt đến đỉnh cao với 9 kỷ lục Guinness thế giới tính đến tháng 10/2024. Phòng này ghi lại khoảnh khắc tập luyện vất vả cũng như niềm vui vỡ òa khi Hưng lập được kỷ lục, biểu tượng của ý chí và khát khao vượt lên số phận.

Triển lãm lần này mang ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời nghệ sĩ của ông, không chỉ vì đây là triển lãm về trẻ tự kỷ, mà còn bởi nó diễn ra khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng đã hơn 70 tuổi. Đó là một cột mốc đánh dấu hành trình nghệ thuật hơn 40 năm của ông, đồng thời cũng là thông điệp mà ông muốn gửi gắm: rằng nhiếp ảnh giúp ghi lại ký ức sống, và là sứ mệnh của người nghệ sĩ trong việc truyền tải cảm xúc và ý nghĩa, làm cho từng bức ảnh có thể chạm đến trái tim người xem, mang đến thay đổi tốt hơn cho mỗi người.

Một số hình ảnh biểu diễn và luyện tập của các cháu tự kỷ:

Kiều Mai

...