02/05/2024 lúc 07:13 (GMT+7)
Breaking News

Nghệ An: Khẩn cấp ứng phó với bão số 4

VNHN – Cấm biển từ 5h sáng nay (29/8). Sẵn sàng phương án di dời 26.000 dân – Đó là chỉ đạo của tỉnh Nghệ An nhằm ứng phó và giảm thiểu nhẹ nhất hậu quả do bão số 4 có thê gây ra trên địa bàn tỉnh.

VNHN – Cấm biển từ 5h sáng nay (29/8). Sẵn sàng phương án di dời 26.000 dân – Đó là chỉ đạo của tỉnh Nghệ An nhằm ứng phó và giảm thiểu nhẹ nhất hậu quả do bão số 4 có thể gây ra trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tất cả các địa phương ven biển tỉnh Nghệ An đều thực hiện nghiêm việc cấm biển theo Công điện của UBND tỉnh,  triển khai các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân trước khi bão số 4 ảnh hưởng đến đất liền.

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo cáo công tác chuẩn bị đối phó với bão số 4.

Đến 15 giờ chiều nay (29/8) tỉnh Nghệ An đã tổ chức kêu gọi được tất cả các tàu thuyền vào neo đậu khu vực an toàn. Riêng các thuyền còn xa bờ đã nhận được thông tin và di chuyển tránh trú an toàn trong tối hôm nay. Các hộ kinh doanh ven biển đã hoàn tất  thu dọn các tài sản kinh doanh.

Bão số 4 là cơn bão mạnh, diễn ra nhanh, phạm vi rộng, hoàn lưu bão gây mưa lớn. Vì vậy, công tác ứng phó với cơn bão số 4 đã được các địa phương, đơn vị trong tỉnh chủ động triển khai với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. 

Đường đi của bão chiều 288. Ảnh Đài Khí tượng thủy văn.

“ Chúng tôi chỉ đạo sớm các ngư dân rời khỏi tàu thuyền lên bờ an toàn, kể cả trên vùng nuôi trồng thủy sản" - ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết.

 Tàu thuyền được neo chặt tại âu thuyền tránh bão ở xã Nghi Thiết và Nghi Quang, huyện Nghi Lộc

Ông Võ Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND TX. Cửa Lò cho hay: “ Tập trung chèn chống nhà cửa, đặc biệt là đối với 300 ki ốt ở gần biển để đảm bảo an toàn, đồng thời khơi thông các tuyến mương đảm bảo không bị ngập lụt khi mưa bão xảy ra. Thứ hai là tập trung phương án di dời dân trong trường hợp bão với triều cường dâng".

Lạch Cửa Lò chiều 29 tháng 8

Xác định đây là cơn bão mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, hoàn lưu bão gây mưa lớn. Để hạn chế những thiệt hại về người,  UBND tỉnh Nghệ An đã sớm chỉ đạo các địa phương ven biển sẵn sàng phương án di 26 nghìn dân. Ngành nông  nghiệp cũng chỉ đạo nông dân thu hoạch trên 10 nghìn ha lúa hè thu chủ yếu khu vực vùng trũng. Kiểm tra các công trình thủy lợi đảm bảo khả năng vận hành tiêu úng hiệu quả. Đáng lưu ý hiện nay 625 hồ đập, trong đó các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý đưa vào sử dụng đã lâu, xuống cấp nhiều nên các đơn vị đang túc trực, kiểm tra thường xuyên, phát hiện và xử lý sự cố kịp thời.

Đ/c Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBD tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu: "Với tinh thần chúng ta không được chủ quan, không được lơ là và tập trung cao nhất để hạn chế những thiệt hại do bão số 4 gây ra. Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu từ tỉnh đến cơ sở phải trực ban 24/24h để nắm rõ nhất một cách cụ thể nhất về diễn biến của cơn bão số 4 để chúng ta chủ động phòng tránh".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Đinh Viết Hồng đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 4.

Cơn bão số 4 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị không được chủ quan, cần tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động triển khai các phương án, đặc biệt phương  án 4 tại chỗ nhằm  giảm thiểu thiệt hại tính mang, tài sản cho nhân dân./.