VNHN - Chính quyền địa phương và ban ngành các cấp liên tục phát đi thông báo kêu gọi người dân gấp rút chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú bão Podul (bão số 4), hiện tại địa phương này còn 151 tàu cá đang trong vùng nguy hiểm. Kiểm soát chặt chẽ không để tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản…
Ngày 29/8, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, các ban ngành liên quan chủ động các biện pháp phòng chống bão số 4. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Trần Công Thuật yêu cầu khẩn trương thu hoạch toàn bộ diện tích lúa hè thu, kiểm tra và bảo đảm an toàn hồ đập, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, công trình, tàu cá tại các khu neo đậu, chủ động phương án sơ tán người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở cao…nhằm giảm thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do bão gây ra.
Tàu thuyền ngư dân Quảng Bình sau khi vào bến trú bão được giằng néo chắc chắn tránh thiệt hại
Tất cả các sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão lũ, tổ chức ứng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 4, kiểm tra rà soát hoàn thiện phương án phòng chống bão, lũ, đặc biệt ở các vùng xung yếu, vùng sạt lở, vùng thường xuyên ngập sâu, hạ lưu các hồ chứa; kiểm tra, hoàn chỉnh và sẵn sàng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình giao thông, thủy lợi, công trình đê điều, hồ đập, các công trình đang thi công, hệ thống điện, thông tin liên lạc và các công trình phòng chống lụt, bão khác để chủ động xử lý khi bão lũ xảy ra...
Theo ghi nhận của phóng viên, vào sáng nay (29/8), tại nhiều khu neo đậu, các cảng cá ở Quảng Bình, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Quảng Bình và các tỉnh thành lân cận hối hả chạy vào bờ trú bão. Ngoài việc giằng néo tàu, thuyền, các chủ tàu cá còn dùng lốp ôtô buộc vào để tránh va đập trong trường hợp sóng to, gió lớn. Những tàu cá vừa cập bờ cũng tất tả vận chuyển hải sản vừa đánh bắt lên bờ bán cho thương lái trước khi bão đổ bộ.
Cùng với đó, trên các tuyến đường của TP Đồng Hới và nhiều địa phương khác của tỉnh Quảng Bình, công tác chặt tỉa cây xanh tránh gãy đổ trong bão cũng đã được triển khai, hàng loạt nhà hàng nổi trên sông Nhật Lệ cũng đang di dời về nơi tránh trú an toàn.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, đến sáng nay, còn 677 tàu cá, với 4.325 ngư dân của địa phương này vẫn đang hoạt động trên biển và đã nhận được thông tin về cơn bão số 4. Đặc biệt có 151 tàu cá đang ở vùng biển nguy hiểm (phía bắc vĩ tuyến 15). Thông tin về hướng di chuyển của cơn bão đang được thông báo liên tục cho các tàu cá để nắm bắt và chủ động di chuyển an toàn.
Ngư dân dùng lốp ô tô và các vật dụng khác chống thuyền va đập vào nhau khi có sóng to
Bão số 4 (tên quốc tế là Podul) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 đang tiếp tục di chuyển nhanh về vùng ven biển, đất liền nước ta và còn có khả năng mạnh thêm.
Dự báo, trưa chiều ngày 30 tháng 8 năm 2019, bão sẽ đổ bộ vào khu vực đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình; hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng thấp trũng và ven biển.