Theo báo cáo của Viện Khoa học Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Thành phố Hà Nội hiện nay được mở rộng có diện tích hơn 3.344 km2, gấp gần 4 lần diện tích thành phố Hà Nội cũ. Các khu đô thị đang ngày càng được mở rộng tuy nhiên hạ tầng tiêu thoát nước chưa được đầu tư tương xứng nên việc ngập lụt, đặc biệt là các khu mới, khu đang phát triển. Các công trình đầu mối tiêu thoát nước mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo các quy hoạch. Các trục tiêu thoát nước chính như sông Nhuệ, Tích, Đáy, Ngũ Huyện Khê, Cầu Bây và các kênh tiêu nhánh chưa được nạo vét, mở rộng theo yêu cầu, chưa đảm bảo năng lực tiêu thoát nước theo thiết kế.
Hình ảnh đường phố Triều Khúc (Hà Nội) bị ngập lụt sau trận mưa đêm 23/7/2024
Nguyên nhân
Các chuyên gia, nhà khoa học thuỷ nông của Viện Khoa học Thuỷ lợi cho rằng, biến đổi khí hậu được coi là nguyên nhân dẫn đến các trận mưa cực đoan. Hiện nay lượng mưa ngày càng gia tăng, mưa có cường độ lớn, thời gian mưa dài trên một diện rộng và có những ngày có những cơn mưa có vũ lượng cao gấp đôi thậm chí gấp 3-4 lần vượt cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước và những trận mưa này xuất hiện ngày càng nhiều hơn làm cho mức độ ngập lụt ngày càng sâu hơn, cứ mưa là ngập.
Tầm nhìn của quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn hạn chế; quy hoạch không đồng bộ thiếu liên kết vùng; công tác dự báo chưa tính đến biến đổi khí hậu nên thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế khiến một số tuyến thoát nước dù mới được đầu tư cũng trở nên quá tải… Đô thị hóa thiếu kiểm soát, phát triển đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng không đồng bộ đang là những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của tình trạng ngập lụt đô thị.
Việc xây dựng đô thị với mật độ cao tại vùng ven đô, vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp hoặc là những vùng thấp trũng chứa nước có chức năng điều hòa nước tự nhiên, là nguyên nhân chính dẫn tới ngập lụt. Trong đô thị diện tích hồ, ao và kênh, rạch bị san lấp tăng lên khiến cho khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực này giảm xuống. Quá trình đô thị hóa với nhu cầu xây dựng tăng cao đã và đang dẫn tới các sự biến mất của nhiều kênh, rạch, các hồ, ao trong đô thị. Theo số liệu từ Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị của Thủ đô đã giảm 203,6 ha.
Việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê tông hóa tại các khu vực đô thị không chỉ làm gia tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm tăng hệ số tiêu gây áp lực cho hệ thống thoát nước.
Các đô thị Việt Nam nói chung và đô thị ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng hiện nay đang trong quá trình phát triển, nhiều nơi đang là “đại công trường xây dựng” việc vận chuyển các vật liệu xây dựng như cát sỏi gây vương vãi, khi mưa đến tập trung vào các hố ga, miệng cống làm giảm tiết diện tải nước cũng như làm tăng độ nhám của hệ thống, cản trở quá trình di chuyển của dòng chảy làm cho tình trạng ngập lụt trầm trọng hơn. Mặt khác nhiều kênh rạch bị cống hóa và bị san lấp làm giảm hoặc mất thể tích trữ nước.
Hệ số tiêu trong thời gian qua tăng khá lớn nhưng nguồn lực cho đầu tư công trình tiêu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hệ số tiêu hỗn hợp cho cả các khu dân cư, đô thị, công nghiệp và các đối tượng phi nông nghiệp khác trong hệ thống thủy lợi hiện tại khoảng 13,5 ÷ 15,0 l/s/ha, tăng lên đến 16,0 ÷ 18,0 l/s/ha năm 2030 và 18,0 ÷ 20,0 l/s/ha năm 2050 đối với các kịch bản kịch bản phát triển nhanh, bền vững; trong trường hợp cực đoan có thể tăng lên đến 25,0 ÷ 30,0 l/s/ha vào năm 2050.
Hệ thống tiêu thoát nước của thành phố (hầu hết được xây dựng trên nền các đô thị cũ) chưa hoàn chỉnh và còn nhiều hạn chế. Trong quá trình phát triển nhưng do trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, tầm nhìn và vốn đầu tư khác nhau, nên đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và tiêu thoát nước nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước. Thêm vào đó việc xây dựng hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ, việc kết nối giữa hệ thống thoát nước mới và hệ thống thoát nước cũ còn nhiều bất cập, kết nối liên thông giữa hệ thống thoát nước đô thị với hệ thống tiêu thoát nước của thủy lợi còn nhiều hạn chế, trong khi hệ thống tiêu thoát nước cho nông nghiệp đã được đầu tư từ lâu, hiện cũng đang bị xuống cấp và không đảm bảo tiêu thoát nước.
Ngoài ra, công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước chưa đạt hiệu quả. Nạo vét bùn thải từ sông, kênh, từ mạng lưới còn nhiều hạn chế. Kinh phí dành cho các hoạt động này còn chưa đáp ứng. Nguồn vốn để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước là rất lớn và cần được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn vốn rất hạn chế và chủ yếu dựa vào vốn vay ODA. Sự phối hợp giữa đầu tư xây các công trình hạ tầng kỹ thuật với các công trình thoát nước chưa chặt chẽ cũng là những nguyên nhân gây phức tạp hơn trong giải quyết vấn đề tiêu thoát nước.
Nhiều quy định về quản lý thoát nước chậm đổi mới; nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá..đã ban hành đã lạc hậu, chưa phù hợp với sự thay đổi về công nghệ, quản lý… đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu chậm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Năng lực quản lý tiêu thoát nước chưa hiệu quả, còn nhiều lúng túng trong việc xây dựng các phương án tiêu thoát nước. Do ý thức của cộng đồng dân cư xây dựng nhà trái phép, san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch, ao hồ. Khai thác nước ngầm quá mức. Xả rác bừa bãi xuống hố ga, kênh, cống và ra đường dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước làm cho tình trạng tiêu thoát nước càng kém hiệu quả.
Hội thảo về tài nguyên nước tại Việt Nam do Bộ TN&MT tổ chức
Giải pháp
Theo nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Thuỷ lợi, hiện nay để ứng phó với vấn đề ngập lụt đô thị, nhiều thành phố trên thế giới đã và đang áp dụng các biện pháp bao gồm: Tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước, giảm mức độ bê-tông hóa bề mặt, tăng cường khả năng tham gia tự điều tiết của hệ thống sinh thái tự nhiên, thích nghi để sống chung hòa bình và thân thiện với tự nhiên. Ở Hà Lan, Room for the River là một kế hoạch thiết kế của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề lũ, ngập lụt, tạo cảnh quan tổng thể và cải thiện điều kiện môi trường ở các khu vực xung quanh các con sông của Hà Lan. Dự án hoạt động từ năm 2006–2015. Nhằm giúp Thủ đô Tokyo không bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một trong những hệ thống ngầm chống ngập lớn nhất thế giới. Hệ thống đường hầm có tên Kênh xả ngầm bên ngoài khu vực đô thị (G-cans) của Nhật Bản được ví như một chiếc phễu, hứng nước từ các khu vực chung quanh rồi đổ ra sông Edogawa qua một đường hầm dài 6,3km, nằm sâu 50m dưới lòng đất. Ngoài các giải pháp công trình thì hiện nay trên thế giới đang áp dụng nhiều giải pháp phi công trình khác trong giải quyết bài toán ngập lụt, úng đô thị.
Ở Hà Nội, cần rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước; quy hoạch thoát nước đô thị cần kết hợp với quy hoạch tiêu thoát nước nông nghiệp theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Phân lưu vực tiêu thoát nước hợp lý có tính đến yếu tố liên kết vùng, đề xuất các khu vực không ngập lụt để có các giải pháp bảo vệ, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước; các khu vực nhấp nhận việc sống chung với ngập lụt để có giải pháp cảnh báo cho người dân khu vực này phòng tránh an toàn và hiệu quả. Xây dựng bản đồ hiện trạng ngập lụt, bản đồ dự báo ngập lụt đô thị tương ứng với giai đoạn quy hoạch. Lập bản đồ cao độ nền toàn đô thị để quản lý xây dựng. Không quy hoạch phát triển đô thị ở những khu vực trũng thấp, các rốn nước của thành phố. Nâng cao năng lực của chính quyền đô thị, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý trong việc vận hành công trình tiêu thoát có năng lực chuyên môn, có tầm nhìn, có khả năng dự báo và có khả năng giải quyết hiệu quả các công việc cụ thể xẩy ra. Rà soát, sửa đổi bổ sung, thay thế, ban hành mới các quy định có liên quan đến quản lý thoát nước; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các định mức, dự toán … có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và quản lý hệ thống tiêu thoát nước. Cần tăng cường công tác quản lý hệ thống tiêu thoát nước, đặc biệt là kênh mương để đảm bảo năng lực tiêu thoát, áp dụng quản lý hệ thống tiêu thoát nước thông minh, hiện đại.
Giải quyết một cánh căn cơ được những giải pháp trên, chắc chắn Hà Nội sẽ giảm thiểu đáng kể tình hình ngập lụt sau mưa lớn như hiện nay./.
L.H