19/04/2024 lúc 10:52 (GMT+7)
Breaking News

Ngành ngân hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

VNHN - Đẩy mạnh tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là chủ trương của Chính phủ mà còn là xu hướng mang tính thời đại, đặc biệt có tác dụng hữu ích trong việc ngăn chặn các hành vi tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền...

VNHN - Đẩy mạnh tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là chủ trương của Chính phủ mà còn là xu hướng mang tính thời đại, đặc biệt có tác dụng hữu ích trong việc ngăn chặn các hành vi tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền...

Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế tiền mặt hỗ trợ rất nhiều cho vấn nạn tham nhũng, rửa tiền… Tiền phạm pháp đều được lưu chuyển bằng tiền mặt vì tiền mặt không để lại dấu vết, không mang tính chất pháp lý; tiền là mua bán và giao nhận, không ai ghi lại mã của từng đồng tiền để báo cho cơ quan an ninh là cơ sở điều tra.

Việt Nam có nhiều dư địa để tăng cường áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt

Chính vì vậy, nếu nền kinh tế chuyển sang không dùng tiền mặt thì tất cả vấn đề mua bán như nhà cửa, chi tiêu tiêu dùng, chuyển khoản… đều phải thông qua hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng hiện nay với máy móc, trang thiết bị hiện đại đều có thể truy xuất nguồn gốc, hóa đơn cũng như thông tin giao dịch của người chuyển tiền và người nhận tiền, tạo thành dấu vết rất rõ ràng cho các cơ quan điều tra. Vì thế, nền kinh tế phi tiền mặt dù không thể hoàn toàn triệt tiêu nhưng sẽ giảm thiểu tối đa, hiệu quả các vấn đề tiêu cực liên quan đến tài chính, tiền tệ.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, cơ quan này đã triển khai mạnh Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt  giai đoạn 2016-2020 ban hành tại Quyết định 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và mới đây là Quyết định số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thanh toán trong dịch vụ công. 

Ông Phạm Tiến Dũng đưa ra con số thống kê, theo dõi các hệ thống thanh toán lớn, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch đều đạt trên 30% thanh toán không dùng tiền mặt; thanh toán qua Internet tăng trưởng 81% và mobile tăng gần 70%. Năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp tỉ lệ rút tiền mặt giảm so với năm trước, từ 15% về 10%.

Chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã tác động khá tốt tới lĩnh vực thanh toán như dễ dàng thanh toán tiền điện, điện thoại trên website của các ngân hàng. 

NHNN đã quan tâm tới việc xây dựng các hạ tầng, bao gồm phần chuyển mạch, thanh toán liên ngân hàng và xây dựng các tiêu chuẩn cho phép sử dụng các dịch vụ.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng điện tử, đặc biệt là phải giải tỏa tâm lý lo ngại của người dân đối với an toàn của thanh toán điện tử. 

Hơn nữa, các cơ quan quản lý cần tăng cường, có hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan, của người dân, doanh nghiệp khách hàng cũng như bản thân các định chế tài chính khi cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; cần hạ tầng công nghệ thông tin ổn định, đảm bảo để trong quá trình tác nghiệp không có sự cố xảy ra.

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt  cũng đề cập tới việc đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số… Đề án nêu rõ, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. Cụ thể, hoàn thiện, tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong ngành Tài chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) với hệ thống ngân hàng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử…

"Tuy nhiên, việc thay đổi phương thức thành toán từ tiền mặt sang phi tiền mặt ở Việt Nam vấp phải không ít khó khăn.  Thách thức không chỉ đến từ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mà còn từ thói quen dùng tiền mặt của người tiêu dùng đã rất sâu sắc", ông Phạm Tiến Dũng nói.

Về vấn đề các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng: "Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững", ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) cho biết thanh toán trực tuyến là nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại, giúp mang lại những giá trị to lớn qua việc xóa bỏ những giới hạn về không gian và thời gian, rút ngắn thời gian giao dịch, tăng vòng quay của dòng vốn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, thanh toán trực tuyến cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn từ các gian lận và tội phạm công nghệ cao có tính tổ chức, xuyên biên giới. Trong đó mục tiêu của tội phạm không chỉ đơn thuần vì lợi ích kinh tế, mà còn có cả yếu tố phá hoại, mang động cơ chính trị, thậm chí được một số tổ chức, quốc gia hậu thuẫn để phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của quốc gia có xung đột, mâu thuẫn về lợi ích. Do đó, việc đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến không còn là trách nhiệm của riêng cơ quan, tổ chức, cá nhân nào mà là của toàn xã hội.

Ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin chia sẻ thông tin, theo thống kê của công ty an ninh mạng Panda Security, tài chính là mục tiêu lớn nhất thúc đẩy tin tặc hành động, với 73% số lượng các cuộc tấn công mạng; chính trị, tình báo là mục tiêu lớn thứ hai, với 21% các cuộc tấn công. Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, theo thống kê của các tổ chức thanh toán quốc tế như Visa-Mastercard, năm 2017 Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mất an toàn qua thanh toán thuộc loại thấp, chỉ khoảng 1/3 so với tỉ lệ bình quân trên thế giới.

Ngành ngân hàng cũng có lộ trình triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) cũng như các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ (ISO 27001, PCI/DSS).

Rà soát chặt chẽ các quy trình đăng ký, kích hoạt sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử đảm bảo cung cấp dịch vụ cho đúng khách hàng.

Về các giải pháp về công nghệ, ngành ngân hàng đang triển khai các nội dung về rà soát, đánh giá rủi ro và triển khai các giải pháp an ninh bảo mật cho toàn bộ vòng đời của một hệ thống thông tin; trang bị các hệ thống hỗ trợ giám sát giao dịch điện tử, điều tra gian lận, từng bước tổng hợp, phân tích dữ liệu của khách hàng và xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm các gian lận; xây dựng các tiêu chí và phần mềm để xác định các giao dịch bất thường dựa vào thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần đăng nhập sai quá quy định hoặc các dấu hiệu bất thường khác; xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng để theo dõi, giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập, tấn công mạng…/.

Theo Văn Phòng Chính Phủ