27/12/2024 lúc 14:10 (GMT+7)
Breaking News

Mobile Money - giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

VNHN - Sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán (Mobile Money) được xem là giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Hình thức thanh toán này đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư ở khu vực nông thôn, hải đảo, nơi ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

VNHN - Sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán (Mobile Money) được xem là giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Hình thức thanh toán này đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư ở khu vực nông thôn, hải đảo, nơi ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Là lĩnh vực mới nên Mobile Money cũng như đơn vị cung cấp Mobile Money chưa có cơ sở pháp lý chính thức. Với những lợi ích mà hình thức này đem lại, Việt Nam cần nghiên cứu, thử nghiệm, cấp phép Mobile Money trong thời gian sớm nhất.

Nhân viên Tập đoàn VNPT hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng VNPT PAY - ngân hàng số phát triển bởi VNPT. Ảnh: Phong Phạm

Hiệu quả rõ rệt từ các nước đi trước

Theo định nghĩa trong dự thảo về nguyên tắc quản lý dịch vụ Mobile Money mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang hoàn tất để trình Chính phủ, Mobile Money bản chất là ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng. Sự khác biệt lớn nhất giữa Mobile Money và ví điện tử thông thường (ví Momo, ví Việt…) nằm ở chỗ ví điện tử có liên kết với tài khoản ngân hàng nên ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Còn với Mobile Money, việc xác thực, lưu trữ dữ liệu và các vấn đề liên quan đến an toàn, bảo mật cho khách hàng do công ty viễn thông chịu trách nhiệm. Người dân có thể sử dụng dịch vụ này để thanh toán, chuyển tiền, rút tiền, nạp tiền, mua sắm… các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

Hết năm 2018, thế giới đã có 90 nước chấp nhận Mobile Money, gần 900 triệu người dùng, giao dịch mỗi ngày 1,3 tỷ USD, tăng trưởng 20% trên toàn thế giới, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Tại Philippines, kể từ khi triển khai, Mobile Money mang tới sự thay đổi lớn trong phương thức tài chính của người dân, giúp dòng tiền tại các đô thị có thể chuyển về vùng nông thôn một cách dễ dàng. Tại Kenya, việc sử dụng sáng tạo công nghệ điện thoại di động cũng thúc đẩy tài chính toàn diện khi mà sau 3 năm triển khai Mobile Money, tỷ lệ người dân sử dụng ngân hàng của nước này tăng 19%.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: 90 nước triển khai Mobile Money cho thấy hiệu quả rõ rệt. Khung pháp lý về Mobile Money của các nước đi trước đã hình thành, những tổ chức quốc tế lớn, như Hệ thống thông tin di động toàn cầu thường niên nghiên cứu, tổng kết và đưa ra những khuyến nghị cho sự phát triển của Mobile Money thì không có lý do gì Việt Nam chậm trễ triển khai dịch vụ này trong năm 2019.

Tại Việt Nam, 99% giao dịch dưới 100.000 đồng của nước ta sử dụng tiền mặt. Cùng với đó, thương mại điện tử, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang được triển khai; nhưng các hình thức thanh toán hiện chưa đáp ứng đầy đủ và cần có nền tảng thanh toán rộng khắp, tiện ích. Tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp nhưng mật độ thuê bao di động đã đạt 100% từ nhiều năm nay. Do đó, Mobile Money được xem là giải pháp phù hợp. Khi sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán, người dân chuyển tiền chỉ bằng thao tác tương tự như nhắn tin, thuận tiện hơn so với việc phải đến các điểm giao dịch của ngân hàng vốn chỉ đặt tại những trung tâm và làm việc trong giờ hành chính.

Thách thức trong bảo đảm xác thực khách hàng

Theo khuyến nghị của NHNN Việt Nam, để triển khai Mobile Money, các doanh nghiệp viễn thông phải lưu ý đến việc sử dụng sim điện thoại là tài khoản Mobile Money. Thách thức lớn nhất là việc xác thực khách hàng do công ty viễn thông thực hiện. Tuy nhiên, số người dùng sim rác ở Việt Nam khá đông, nên rất khó kiểm soát. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN Việt Nam) nhấn mạnh: “Nhà mạng phải suy nghĩ thêm về việc định danh tài khoản Mobile Money như thế nào, số tài khoản có thể trùng với số sim hoặc không phải là số sim điện thoại nhưng phải xác thực được danh tính người dùng là ai”.

Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra với dịch vụ Mobile Money là việc quản lý các đại lý của nhà mạng. Các ví điện tử hiện nay đang được nạp tiền từ tài khoản ngân hàng thông qua các chi nhánh ngân hàng, còn đối với ví Mobile Money, việc nạp hay rút tiền là từ đại lý của các công ty viễn thông dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề, như: Hạn mức của đại lý là bao nhiêu, quản lý đại lý thế nào để không biến đại lý trở thành điểm giao dịch tiền mặt bất hợp pháp?… Đồng thời, các nhà mạng phải bảo đảm an toàn thông tin khi triển khai Mobile Money.

Bảo đảm nguyên tắc “1-1” khi triển khai Mobile Money

Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng: “Với những vấn đề chưa có tính pháp lý như Mobile Money, Việt Nam phải có cách làm phù hợp; đó là chuyển sang phương pháp quản lý theo mục tiêu thay vì các quy trình, quy định; tuy vậy, vẫn cần bảo đảm được tính thanh khoản”.

Trong dự thảo của NHNN Việt Nam về Mobile Money, một trong những nguyên tắc quan trọng liên quan đến quản lý dịch vụ này là Mobile Money không được làm phát sinh lượng tiền tệ, tiền nạp vào phải theo nguyên tắc “1-1”. Tức là, nếu khách hàng đến đại lý nạp 100.000 đồng vào Mobile Money thì trong ví phải có 100.000 đồng, không thể mua thẻ cào với giá khuyến mãi 90.000 đồng nhưng khi nạp vào ví có 100.000 đồng. Bản chất khi nạp tiền vào tài khoản Mobile Money là tiền Việt Nam được thể hiện trên một phương tiện khác.

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money được sử dụng số tiền này để mua trái phiếu Chính phủ hay đầu tư vào những hoạt động có khả năng rủi ro thấp. Tuy nhiên, NHNN Việt Nam đề xuất, tổng số dư của Mobile Money phải tương ứng với số tiền của công ty viễn thông gửi tại tài khoản ngân hàng nhằm bảo đảm dù công ty cung cấp dịch vụ này có thể làm ăn thua lỗ nhưng tiền trong tài khoản khách hàng vẫn không mất đi.

Đại diện NHNN Việt Nam cũng cho hay, bước đầu hạn mức giao dịch của Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng. Con số này sau đó có thể điều chỉnh phù hợp hơn khi thị trường phát triển. Ngoài ra, nhà mạng di động chưa được phép chuyển tiền quốc tế và liên kết chéo giữa các công ty cung cấp dịch vụ Mobile Money.

Về đối tượng tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông, theo như dự thảo mà NHNN Việt Nam dự kiến trình Chính phủ, đó là các công ty viễn thông đã được cấp phép trung gian thanh toán. Hiện chỉ có Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thỏa mãn điều kiện trên, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đang nộp đề án xin cấp giấy phép. Liên quan tới vấn đề này, theo đại diện Viettel: Với mục tiêu của Viettel là phổ cập dịch vụ tài chính cá nhân cho người dân, Viettel đưa ra mục tiêu sẽ triển khai 300.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, phủ được 100% các quận, huyện và 80% phường, xã nhằm đáp ứng nhu cầu nạp/rút tiền/chuyển tiền, thanh toán các dịch vụ...”.

Trong xu hướng dịch vụ tài chính số bùng nổ hiện nay, Mobile Money là giải pháp mới hỗ trợ chuyển đổi số. Các nhà mạng viễn thông với tiềm lực mạnh về khoa học, công nghệ, hạ tầng, tài chính… hoàn toàn có thể tận dụng thế mạnh của mình để phát triển Mobile Money.