22/11/2024 lúc 23:05 (GMT+7)
Breaking News

Ngành đường sắt kiến nghị chi 1.700 tỷ đồng để cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có kiến nghị gửi Bộ GTVT về việc ưu tiên bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn 2022 - 2023 đối với các cầu yếu và tách giao thông đường bộ - đường sắt ở cầu chung, với tổng vốn 1.700 tỷ đồng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có kiến nghị gửi Bộ GTVT về việc ưu tiên bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn 2022 - 2023 đối với các cầu yếu và tách giao thông đường bộ - đường sắt ở cầu chung, với tổng vốn 1.700 tỷ đồng.

Ngành đường sắt kiến nghị chi 1.700 tỷ đồng để cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm

Theo thống kê của VNR, trên hệ thống đường sắt quốc gia hiện vẫn còn 3 cầu chung đường bộ - đường sắt là các cầu Lục Nam, Long Đại, Phố Lu và còn 428 cầu yếu, hết niên hạn sử dụng hoặc không phù hợp quy chuẩn tiêu chuẩn.

Cụ thể, tuyến đường sắt Bắc Nam có 87 cầu có dấu hiệu nguy hiểm, gồm: 55 cầu khu đoạn Đà Nẵng - Quy Nhơn cần thay thế kết cấu và 32 cầu khu đoạn Quy Nhơn - Sài Gòn cần thay thế cầu, gia cố. Nhiều cầu xây dựng từ cách đây 50 năm, thậm chí cả thế kỷ. 

Riêng đối với 3 cầu Lục Nam, Long Đại, Phố Lu; thì cầu Lục Nam (km 24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long) hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang là cầu duy nhất trên hệ thống đường sắt Việt Nam đang đi chung đường bộ - đường sắt trên cùng lòng cầu.

Trong khi đó, cầu Phố Lu (còn gọi cầu Chung Lu, km 3+167 trên tuyến đường sắt Phố Lu - Pom Hán, Lào Cai), Cầu Long Đại (tuyến đường sắt Bắc Nam, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hiện đã có cầu đường bộ bên cạnh nhưng người dân vẫn có thói quen qua cầu chung do giao thông đến cầu đường bộ chưa thuận lợi, tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn. 

Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị bố trí khoảng 1.700 tỷ để cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm và xây dựng các công trình tách giao thông đường bộ, đường sắt chung tại 3 cầu trên.

Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị bố trí vốn giai đoạn 2022-2023 để làm cầu vượt xử lý các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt tại 9 vị trí; xử lý nguy cơ đá lăn, đá rơi đảm bảo an toàn tại 14 vị trí; cải tạo, sửa chữa 13 hầm tuyến Hà Nội - TP. HCM.

Trong thời gian qua, ngành đường sắt được bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM, với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng nhằm giúp tăng năng lực thông qua đoàn tàu và cải thiện chất lượng dịch vụ đối với khách đi tàu.

Theo đó, Dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM được chia làm 4 gói, gồm Dự án cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM, với tổng mức đầu tư hơn 1.949 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM có tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM có tổng mức đầu tư hơn 1.849 tỷ đồng.

1.800 tỷ đồng còn lại đưa vào đầu tư tại Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM.