Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ với tổng giá trị khoảng 5.838 tỷ USD, tương đương khoảng 28% GDP của Mỹ năm 2020 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng bởi Covid-19.
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến kinh tế thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Năm 2020, bên cạnh nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước đã đưa ra nhiều chính sách, gói hỗ trợ chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế.
Theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF, tháng 7-2021, thống kê từ 197 quốc gia, lãnh thổ), tính đến hết quý 2-2021, thế giới đã cam kết chi 17.910 tỷ USD, tương đương 15,9% GDP toàn cầu năm 2020, trong đó khoảng 10.905 tỷ USD (9,7% GDP, chiếm 61% tổng các gói hỗ trợ) là các gói hỗ trợ tài khóa, còn lại 7.005 tỷ USD (6,2% GDP, chiếm 39%) là các giải pháp tiền tệ. Riêng Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ với tổng giá trị khoảng 5.838 tỷ USD, tương đương khoảng 28% GDP của Mỹ năm 2020.
Quy mô các gói hỗ trợ của các nước từ đầu năm 2020 đến hết quý 2-2021. Nguồn: IMF (tháng 7-2021) - Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp.
Trong tham luận tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội được tổ chức mới đây, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết: Chính phủ các nước đã công bố và triển khai các gói tài khóa với quy mô khác nhau, tùy thuộc vào thể chế, khả năng ngân sách và mức độ thiệt hại do dịch gây ra. Các nền kinh tế lớn như Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada... đã công bố các gói hỗ trợ với quy mô trung bình tương đương 9,7% GDP. Đặc biệt, Mỹ công bố các gói hỗ trợ tài khóa lên tới 28% GDP và Úc với 18,4% GDP.
Còn tại châu Á, các quốc gia cũng đã có các gói hỗ trợ với quy mô nhỏ hơn, như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia ở mức khoảng 10-14% GDP; Trung Quốc 6,5% GDP; Việt Nam, Phillippines, Indonesia có quy mô chỉ ở mức từ 2-6% GDP (IMF, tháng 7-2021).
Về mục đích sử dụng các gói hỗ trợ tài khóa, TS Cấn Văn Lực cho biết, nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ, Philippines… tập trung đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất vaccine và thiết bị y tế. Nhiều nước thì thực hiện trợ cấp cho người lao động phải tạm nghỉ việc hoặc thất nghiệp, như: Mỹ trợ cấp 3.000 USD/người lớn, Đức trợ cấp mỗi gia đình 300 Eur/trẻ em, Anh trả 80% lương cho người thất nghiệp tối đa 2.500 Bảng/tháng, Hàn Quốc hỗ trợ mỗi lao động khoảng 407 USD/tháng trong 3 tháng, Việt Nam hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng… Một số nước thì chia tiền mặt cho người dân thu nhập trung bình và thấp: Úc hỗ trợ người thu nhập thấp 750 AUD/người, Mỹ phát tiền mặt cho người dân…
Ảnh minh họa
Cùng với đó, các nước cũng thực hiện cho vay lãi suất thấp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, khó khăn thanh khoản: Mỹ dành 510 tỷ USD để cung cấp các khoản vay, bảo lãnh nhằm ngăn doanh nghiệp phá sản, trong đó dùng 25 tỷ USD cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không, Đức cung cấp gói 100 tỷ EUR và Singapore với gói 4 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính… Một số nước lại cho phép giãn, hoãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, như Mỹ, châu Âu, Pháp, Trung Quốc, Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ, Singapore giảm 25% thuế thu nhập doanh nghiệp và Việt Nam giảm thuế 30% đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình và hợp tác xã trong năm 2020-2021...
Mặt khác, một số nước lại kích cầu tiêu dùng, du lịch và hỗ trợ xuất khẩu: Thái Lan có gói kích thích du lịch nội địa trị giá 5 tỷ Bath tương đương 160 triệu USD; Malaysia miễn thuế dịch vụ cho lĩnh vực khách sạn; Indonesia với gói 10,3 nghìn tỷ Rupiah tương đương 725 triệu USD để kích cầu tiêu dùng và du lịch; Philippines với gói tài khóa 14 tỷ Peso để tài trợ các dự án du lịch năm 2020…