VNHN - Đầu tư nước ngoài đang ngày càng trở thành kênh cấp vốn quan trọng, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có mặt ở hầu hết các địa phương, tham gia vào nhiều lĩnh vực trên phạm vi cả nước. Tiếp tục nâng cao hiệu quả bằng các giải pháp đồng bộ là mục tiêu đang được các cấp, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt.
Ảnh minh họa
Đóng góp tới 70% kim ngạch xuất khẩu, đến nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng, là “bức tranh” sáng màu của nền kinh tế. Kết quả này là sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, luôn bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Đóng góp 70% kim ngạch xuất khẩu
Trong thời gian qua, Hà Nội là một điểm sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Gần đây nhất, tháng 10-2019, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa của chủ đầu tư Charmvit (Hàn Quốc), với tổng vốn đăng ký 420 triệu USD. Dự án được triển khai ở huyện Sóc Sơn sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đây cũng là minh chứng cho việc hiện thực hóa mục tiêu thu hút các dự án FDI chất lượng cao, thân thiện với môi trường của Hà Nội.
Ngoài dự án trên, tính chung cả năm 2019, Hà Nội dự kiến thu hút 8,05 tỷ USD vốn FDI (bằng 1/4 của cả nước), là năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước. Hà Nội sẵn sàng đồng hành với nhà đầu tư nước ngoài, coi thành công của nhà đầu tư chính là thành công của mình. Để bảo đảm hiệu quả cao nhất, Hà Nội đã thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Cùng với Hà Nội, nhìn tổng thể cả nước, thu hút vốn FDI năm 2019 là một “bức tranh” sáng màu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần “chảy” vào Việt Nam đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 17,62 tỷ USD, tăng 6,8%. Khu vực có vốn FDI cũng góp 20% GDP và khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. "Tính lũy kế, đến nay, Việt Nam đang có 30.477 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 360,69 tỷ USD. Tổng số vốn giải ngân đạt 209,48 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Điểm đặc biệt là những doanh nghiệp nước ngoài, có thương hiệu nổi tiếng thế giới như Samsung, Toyota, LG... đã góp phần thay đổi hình ảnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, các đơn vị thuộc Samsung đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ, cơ quan chức năng Việt Nam. Samsung sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu đề ra, tiếp tục đầu tư cho phát triển trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá doanh nghiệp FDI thường xuyên đóng góp khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; qua đó nâng cao tầm vóc, sức mạnh xuất khẩu của nền kinh tế, thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập của Việt Nam cũng như lành mạnh hóa cán cân thương mại quốc gia.
"Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang sử dụng khoảng 4 triệu người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc một tỷ lệ không nhỏ nguồn nhân lực có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Môi trường đầu tư - kinh doanh liên tục cải thiện
Đạt được những thành quả to lớn trên là nhờ chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài của Đảng, Nhà nước ta. Trong nhiều năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dồn sức cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh. Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cho biết, nhờ môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được cải thiện nên hiện có tới 70% số doanh nghiệp Nhật Bản dự định tăng cường đầu tư trong tương lai gần.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Samsung Việt Nam.
Ở góc độ địa phương, mỗi tỉnh, thành phố đều tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài trên cơ sở xác định mục tiêu và cách làm bài bản. Ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Thời gian qua, tỉnh đã thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy và điện tử nhờ chủ động xúc tiến đầu tư, hướng tới những tập đoàn, công ty có tiềm năng về vốn, công nghệ...
Hoạt động xúc tiến đầu tư cũng được chú trọng, tập trung vào những địa bàn, đối tác giàu tiềm năng về vốn, công nghệ như Mỹ, Liên minh châu Âu - EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt, việc quảng bá hình ảnh, kêu gọi đầu tư còn được lồng ghép vào một số hoạt động ngoại giao và thu về những kết quả ấn tượng. Điển hình là trong chuyến thăm Hàn Quốc mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp, làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu của nước bạn, trực tiếp quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam và chứng kiến đối tác hai bên ký kết các bản ghi nhớ, cam kết và chấp thuận đầu tư của 33 dự án, với tổng vốn gần 20 tỷ USD. Thủ tướng cũng chủ trì hàng chục hội nghị xúc tiền đầu tư tại các tỉnh, thành phố trong năm 2019 để hỗ trợ các địa phương trong công tác thu hút các dự án FDI.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam đã có sự chuyển đổi trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó chủ động mời gọi những tập đoàn kinh tế đa quốc gia, sở hữu bí quyết công nghệ để tranh thủ thời cơ, tiếp nhận, tiến tới làm chủ công nghệ mới. Sự có mặt của một số doanh nghiệp nói trên góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.