Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 và Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng còn lại của năm.
Ảnh minh họa - Internet
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ báo cáo số 5876/BC-BKHĐT về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022, trong đó có một số giải pháp trọng tâm sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, trước ngày 15/9/2021, phải hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2021 cho các dự án dự kiến khởi công mới và các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Các cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định đầu tư, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời gian, chất lượng, khả thi.
Thứ ba, thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỉ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn NSTƯ được giao từ đầu năm để điều chuyển cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ theo quy định tại Nghị quyết số 63/NQ-CP.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.
Tổng mức vốn NSNN năm 2022 dự kiến tăng 8,3% so với kế hoạch năm 2021
Về hoạch đầu tư công năm 2022, mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án đường cao tốc, cảng biển, hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu quan trọng, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án liên vùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm tới sẽ tập trung vào các tuyến đường ven biển chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025. Khởi công mới một số dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, dự án khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công.
Dự kiến tổng mức vốn NSNN năm 2022 là 516.700 tỷ đồng, tăng 8,3% so với kế hoạch năm 2021, trong đó: Vốn NSTW là 222.000 tỷ đồng (vốn trong nước 187.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 35.000 tỷ đồng), bằng với kế hoạch năm 2021; vốn ngân sách địa phương 294.700 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kế hoạch năm 2021.
Nguyên tắc phân bổ đối với vốn NSTƯ trong nước phải đảm bảo: Bố trí vốn để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bố trí vốn để thu hồi tối thiểu 25% số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm các dự án chuyển tiếp nhóm C của các địa phương chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025; bố trí đủ vốn theo giá trị quyết toán cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2022, các dự án dự kiến hoàn thành năm 2022.
Đồng thời, bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Bố trí vốn cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với khả năng thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, vốn nước ngoài nguồn NSTƯ sẽ được bố trí cho các dự án đủ thủ tục đầu tư (dự án chuyển tiếp đã được gia hạn Hiệp định, dự án khởi công mới đã ký Hiệp định).
Vốn ngân sách địa phương tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022, giảm tối đa thời gian bố trí vốn của các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, ưu tiên bố trí đủ vốn theo cam kết cho các dự án liên vùng, dự án đường ven biển./.