17/05/2024 lúc 11:55 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định: Tiểu thương kêu cứu vì phường yêu cầu thu tiền trái quy định?

VNHNO – Mặc dù các Tiểu thương có hợp động thuê ki ốt dài hạn và kinh doanh đã lâu, thế nhưng sau 8 tháng tu sửa thì UBND phường Hạ Long, TP. Nam Định lại yêu cầu các hộ kinh doanh phải tham gia đấu thầu với mức 97-100 triệu để có lại vị trí buôn bán trước đây của mình.

VNHNO – Mặc dù các Tiểu thương có hợp động thuê ki ốt dài hạn và kinh doanh đã lâu, thế nhưng sau 8 tháng tu sửa thì UBND phường Hạ Long, TP. Nam Định lại yêu cầu các hộ kinh doanh phải tham gia đấu thầu với mức 97-100 triệu để có lại vị trí buôn bán trước đây của mình.

Tòa soạn Việt Nam Hội nhập nhận được phản ánh của các tiểu thương tại chợ Hạ Long về những sai sót của chính quyền địa phương trong việc gia hạn hợp đồng cho các hộ kinh doanh.

Nội dung đơn kêu cứu của tiểu thương chợ Hạ Long

Dân bức xúc vì phường yêu cầu truy thu tiền và … tiếp tục đấu thầu

Ngày 09/8/2018, UBND phường Hạ Long ban hành 02 Thông báo số 26/TB-UBND và Thông báo số 27/TB-UBND về việc gia hạn hợp đồng cho các hộ kinh doanh có hợp đồng thuê ki ốt, quán bán hàng có thời hạn tại chợ Hạ Long. Tuy nhiên, 2 văn bản này đã gặp phải phản ứng rất gay gắt từ phía tới các tiểu thương đang hoạt động kinh doanh buôn bán tại đây.

Thông báo của UBND phường làm "giọt nước tràn ly"

Trong đơn thư các tiểu thương nêu rõ: Năm 2000 chợ Hạ Long được xây dựng, UBND phường đã lựa chọn các đối tượng chính sách có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để cho thuê các vị trí đất xây dựng ki ốt tại chợ. Các hộ kinh doanh đã tiến hành xây dựng ki ốt, triển khai các hoạt động buôn bán và đều chấp hành tốt các chính sách về thuế kinh doanh.

Đến năm 2012, UBND phường Hạ Long có kế hoạch cải tạo lại chợ và động viên các hộ kinh doanh rời khỏi vị trí để phục vụ công tác thi công. Thế nhưng, sau 8 tháng tu sửa, các hộ kinh doanh được thông báo phải tham gia đấu giá để có lại vị trí ki ốt trước đây với số tiền từ 97-100 triệu đồng cho 11m2.

Quá bức xúc, bà Nguyễn Thị Vê, là tiểu thương tại chợ Hạ Long, cho biết: “Chúng tôi không đồng tình với cách làm đó của chính quyền và muốn biết rõ số tiền đó phường dùng vào việc gì. Nhưng vì kế sinh nhai, chúng tôi phải cố gắng thu xếp số tiền 97-100 triệu để nộp”.

Một tiểu thương khác, cho biết:“Năm 2018 (theo thông báo số 26 và 27) phường Hạ Long ban hành văn bản muốn truy thu số tiền quá 5 năm và gia hạn hợp đồng thêm 33 tháng, chúng tôi thắc mắc vì sao là 33 tháng thì có thông tin cho rằng đó là thời điểm đồng chí Chủ tịch phường hết nhiệm kỳ”.

Cũng là người có ki ốt tại chợ Hạ Long, ông Nguyễn Văn Kiểu, than thở: “Tất cả các công trình của kiôt đều rất kém chất lượng, sau 2 tháng bàn giao các ki ốt đã bong tróc tường, mưa thì dột mặc dù có mái bê tông và mái tôn phía trên. Quy hoạch chợ không hợp lý, chúng tôi không thể kinh doanh mặt quay ra chợ, bà con gặp rất nhiều khó khăn sau cải tạo chợ. Việc đấu giá trước đây là hoàn toàn do phường thu xếp và ấn định, chúng tôi không thể có ý kiến gì và cũng không thể không theo”.

Ki ốt chợ Hạ Long không thể kinh doanh phía mặt trong chợ

Phường nhận sai vì chủ quan, không nghiên cứu kỹ văn bản

Trước sức ép đơn kêu cứu của người dân gửi các cơ quan, cấp trên chỉ đạo giải quyết, UBND phường Hạ Long đã có buổi làm việc với từng nhóm hộ dân nhằm xoa dịu và lắng nghe ý kiến. 

Ông Đoàn Xuân Thuần (áo xanh) cùng cán bộ UBND phường Hạ Long trong buổi làm việc với cơ quan báo chí

Trao đổi với ông Đoàn Xuân Thuần, Chủ tịch UBND phường Hạ Long, ông cho biết: “Thật sự chúng tôi sai rồi, do quá tin tưởng sự tham mưu của cấp dưới lại không đọc kỹ văn bản liên quan nên tôi đã ký ban hành văn bản sai, gây bức xúc trong nhân dân. Về cơ bản thì nhiều hộ dân đồng ý ký biên bản làm việc, có những hộ dân chưa đồng tình nên họ chưa ký văn bản…”

"Về thông tin chợ Hạ Long là chợ hạng 2 từ ngày 01/6/2017 chúng tôi cũng mới biết nên cứ cho rằng chợ Hạ Long vẫn thuộc quyền quản lý của phường, chúng tôi đang chờ hướng dẫn của cấp trên để có phương án quản lý chợ nhưng khi Hạ Long đã là chợ hạng 2 thì bà con không phải đấu giá nữa, chỉ phải nộp thuế và kinh doanh bình thường,…” – Ông Thuần cho biết thêm.

Điều mà người dân đặc biệt quan tâm nhưng không biết kêu ai là việc UBND phường Hạ Long sử dụng số tiền đấu giá thu được vào việc gì? Trong khi công trình ki ốt và các quầy hàng trong chợ xuống cấp nhanh chóng, gây ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động kinh doanh buôn bán của tiểu thương. Bên cạnh đó quy hoạch cải tạo lại chợ có nhiều bất cập, ki ốt không phát huy được tác dụng kinh doanh.

Về vấn đề trên, ông Đoàn Xuân Thuần, thông tin thêm: “Chúng tôi phải cảm ơn bà con vì họ bức xúc phản ánh thì chúng tôi mới biết mình đã sai. Từ khi xây dựng năm 2000, chợ Hạ Long đã trải qua 6 lần cải tạo với kinh phí nhà nước được hỗ trợ là 1,185 tỷ đồng. Việc cải tạo chợ lần thứ 6 (năm 2012), phường Hạ Long mới tổ chức đấu giá nội bộ, thu tiền các vị trí ki ốt kinh doanh và các vị trí quầy bán hàng trong chợ trên chính vị trí mà các hộ vẫn kinh doanh trước đó”.

Qua tìm hiểu và trao đổi thêm với một số tiểu thương, được biết từ năm 2012, phường có chủ tịch mới (ông Đoàn Xuân Thuần - PV) thì mới có việc đấu giá thu tiền nói trên.

Vậy việc tổ chức đấu giá năm 2012 của UBND phường Hạ Long có đúng quy định? Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu người dân không gửi đơn kêu cứu đi khắp nơi, liệu rằng phường Hạ Long còn tiếp tục đấu giá đến khi nào? Trách nhiệm của UBND TP Nam Định đến đâu trước những sai sót nêu trên?

Việt Nam Hội nhập điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc này./.