23/04/2024 lúc 16:22 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đối với tỉnh Nam Định, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, được xác định là một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên trong lộ trình CĐS của tỉnh đến giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tạo bước đột phá trong quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường.

Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đối với tỉnh Nam Định, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, được xác định là một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên trong lộ trình CĐS của tỉnh đến giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tạo bước đột phá trong quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường.

Thời gian qua, nhằm tạo tiền đề hình thành CĐS, kinh tế số trong nông nghiệp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Nam Định từng bước thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Nam Định chiếm tỷ trọng khoảng 19% trong GDP toàn tỉnh. Tuy nhiên, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là điểm yếu của sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó, CĐS được xem là “chìa khóa” phát triển nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao; giúp giảm thiểu tối đa tổn thất trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Thời gian qua, thực hiện lộ trình CĐS ngành NN và PTNT đã cụ thể hóa bằng việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ Web-GIS trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi, dữ liệu xây dựng NTM và đang triển khai Đề án CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trong giai đoạn 2021-2025…

Trong phát triển sản xuất, ngành NN và PTNT quan tâm thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và phát triển nông nghiệp, nông thôn, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng thương hiệu; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát triển thương mại điện tử… Do đó, đến nay đã có 52 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh (QR code) để truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho gần 150 dòng sản phẩm, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mại cho các sản phẩm nông sản thực phẩm. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các khâu không chỉ ở các doanh nghiệp lớn mà hàng trăm trang trại, cơ sở sản xuất, chế biến tư nhân cũng thực hiện như sử dụng phần mềm nhật ký điện tử để theo dõi nhật ký sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Để lĩnh vực nông nghiệp bắt nhịp công cuộc chuyển đổi số, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ, trong thời kỳ hội nhập, họ là người nông dân thời đại 4.0 dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS phù hợp thực tiễn sản xuất nông nghiệp, có tính thực tiễn cao nhằm huy động nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0./.