22/11/2024 lúc 15:22 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng thị trường lao động

Nam Định là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng về phát triển kinh tế, các loại hình du lịch sinh thái, lịch sử, tâm linh với hơn 1.330 di tích, trong đó Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận và có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử, văn hóa đền Trần, chùa Tháp và chùa Keo Hành Thiện; trên 142 làng nghề và hơn 100 lễ hội truyền thống.

Đặc biệt nguồn lực con người Nam Định với truyền thống văn hóa, lịch sử, khoa bảng, truyền thống yêu nước cách mạng anh hùng, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, luôn nỗ lực vươn lên phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và đạt được những kết quả tích cực.

Học viên học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Giao Thủy

Nói đến Nam Định là nói đến vùng “đất học” với gần 30 năm nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc ở các lĩnh vực. Từ năm học 2010-2012 đến năm học 2022-2023, Nam Định có 938 học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia (trong đó có 45 giải Nhất, 315 giải Nhì, 356 giải Ba, 267 giải Khuyến khích); 23 học sinh đoạt giải Olympic quốc tế (4 huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc, 14 huy chương Đồng, 1 Bằng khen). Trong 8 năm vừa qua, trong các kỳ thi THPT quốc gia, thi tốt nghiệp THPT có 6 năm điểm trung bình của tỉnh Nam Định đứng đầu toàn quốc, 2 năm đứng thứ hai toàn quốc (tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khối THPT hàng năm trung bình từ 99,11%  trở lên). Có được thành tích đó, tỉnh luôn chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI (ban hành ngày 4/11/2013 về “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”) được ngành giáo dục - đào tạo Nam Định, các cơ sở giáo dục trong tỉnh chú trọng, tập trung thực hiện. Theo đó, việc dạy học được đổi mới theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ  yếu trang  bị  kiến  thức  sang  phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; lấy người học làm trung  tâm; xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc và trường học theo phương châm 4 tốt  (môi  trường  giáo  dục  tốt,  quản  lý  tốt,  dạy  tốt,  học  tốt); ứng  dụng  tiến  bộ của khoa học, công nghệ trong quản lý và giảng dạy, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục…Hệ thống trường học các cấp đã cơ bản được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học được bổ sung cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Học viên học nghề sửa chữa ô tô tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Trực Ninh

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động luôn được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và đã tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Toàn tỉnh hiện có 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 Trung tâm GDNN và 6 cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các cơ sở, doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN về tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất hoặc nâng cao chất lượng đào tạo; ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật; vay vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án trong nước và nước ngoài; tham gia đấu thầu, nhận đặt hàng đào tạo của Nhà nước theo quy định… Ngoài ra, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDNN trên địa bàn thực hiện các hoạt động đào tạo, phổ biến tiến bộ khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Trong đó, tỉnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế, về kinh phí đào tạo đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Đối với người học được thực hiện các chính sách như được tuyển thẳng, ưu tiên khi xét tuyển hoặc thi tuyển khi đăng ký học nghề theo hình thức đào tạo chính quy hoặc đào tạo thường xuyên ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp); được học liên thông các cấp trình độ đào tạo; miễn học phí đối với người học là người có công với cách mạng hoặc thân nhân người có công với cách mạng; giảm 70% học phí đối với học sinh, sinh viên học các nghề nặng nhọc, độc hại; giảm 50% học phí đối với học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động… Năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề được 35.200 người, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp lên 48%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5% (đạt 100% kế hoạch năm. Năm 2023, Sở LĐ-TB và XH Nam Định phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu cơ bản: Tạo việc làm cho khoảng 32 nghìn lượt người. Tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 35.200 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49% vào cuối năm 2023.

Lao động có tay nghề tại công ty Shinhwa Vina (Xuân Trường)

Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp các nhà trường đã tập trung gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động. Đẩy mạnh thực thi cơ chế hợp tác “3 nhà”: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Nam Định có trên 1 triệu lao động. Trong đó, có 356,3 nghìn người làm việc trong ngành nông, lâm, thuỷ sản (chiếm 34,15%); 396,7 nghìn người làm việc trong ngành công nghiệp, xây dựng (chiếm 38,02%) và 290,3 nghìn người làm việc trong ngành dịch vụ (chiếm 27,83%). Nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã dần đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật và tác phong lao động. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh vẫn thiếu khoảng 18.000 - 20.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông ngành may mặc, giày da, điện tử. Với mục tiêu phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 131/KH-UBND ngày 29-9-2022 về thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm. Phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới. Đến năm 2025, thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia đạt 80%. Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng đào tạo của một số trường tiệm cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiệm cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.

Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, nơi đào tạo nguồn nhân lực cao cho tỉnh Nam Định và cả nước

Bên cạnh công tác đào tạo, thời gian qua tỉnh đã tăng cường các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) nhằm thúc đẩy, lan tỏa ở tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Với gần 11 nghìn doanh nghiệp, hệ thống giáo dục chuyên nghiệp có 4 trường đại học và 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Đây là những lợi thế, tiềm năng cơ bản của tỉnh để các ý tưởng đổi mới sản phẩm, mô hình kinh doanh được tiếp tục phát triển; cơ hội rộng rãi cho hoạt động KNĐMST trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục…Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách và triển khai công tác KNĐMST tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 4-2023 đến nay, Sở KH và CN đã tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về KNĐMST cho 50 người là các cá nhân được lựa chọn theo năng lực, có nhu cầu và ưu tiên có trình độ chuyên môn, đam mê hoạt động KNĐMST từ các cơ quan quản lý có liên quan đến hoạt động KNĐMST, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề... để vận hành, trải nghiệm tại các điểm hỗ trợ KNĐMST. Tổ chức 3 lớp tập huấn cho 150 sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về KNĐMST cho nhóm các đối tượng tham gia vào quá trình xây dựng hệ sinh thái. Tuyên truyền, phổ biến các thông tin, kiến thức về hệ sinh thái KNĐMST nhằm nâng cao nhận thức cho nhóm đối tượng tham gia vào quá trình xây dựng hệ sinh thái, góp phần hình thành văn hóa khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở KH và CN đã tiến hành khảo sát lựa chọn và đầu tư trang thiết bị cho điểm hỗ trợ KNĐMST đặt tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (UNETI) để kết nối, trao đổi, giao lưu, hỗ trợ, tư vấn cho các cá nhân, nhóm cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm, ý tưởng, dự án của mình. Hiện nay, Sở KH và CN đang tiếp tục xây dựng điểm hỗ trợ KNĐMST tại Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN, tận dụng các trang thiết bị đã được đầu tư cho Sàn giao dịch công nghệ như: khu không gian làm việc chung, không gian kết nối nhà đầu tư, không gian tổ chức các sự kiện, không gian gặp mặt, giao lưu cộng đồng khởi nghiệp và cộng đồng nhà đầu tư, khu hỗ trợ đào tạo, tập huấn được thiết kế sẵn… Đây cũng là mô hình điểm để các đơn vị tham quan học tập, từng bước nhân rộng tạo thành mạng lưới trong hệ sinh thái KNĐMST, tiến tới hình thành Trung tâm KNĐMST của tỉnh, góp phần thực hiện thành công Đề án 844 của Chính phủ về KNĐMST. Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động tổ chức cho công nhân lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đặc biệt là khuyến khích, vận động lực lượng lao động trực tiếp nghiên cứu, sáng tạo tìm các biện pháp để tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Trong điều kiện tỉnh đang quan tâm thu hút và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp có chuyên môn và tiềm lực thực sự về tài chính, đầu tư hạ tầng; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là những nhà đầu tư dự án lớn, có công nghệ cao thân thiện môi trường... Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang tiếp cận, xúc tiến cơ hội đầu tư tại địa bàn tỉnh. Điều đó cũng đặt ra thách thức về nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới. Hy vọng, với sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường KNĐMST thời gian qua sẽ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Trần Quốc Khải

...