Để tạo thuận lợi cho công tác thu hút các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, Nam Định đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết nội tỉnh và với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng, kết nối liên vùng. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng đầu tư, mở rộng các khu công nghiệp (KCN), tạo quỹ đất sạch, mặt bằng sản xuất đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: Hiện nay, tỉnh Nam Định có 6 KCN đã thành lập với tổng diện tích 1.288ha. Tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 50%, trong đó có 2 KCN là Hoà Xá (thành phố Nam Định) và Bảo Minh (huyện Vụ Bản) đã lấp đầy 100%. Các KCN Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) rộng 503ha đã lấp đầy 14%; KCN Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc) rộng hơn 148ha mới lấp đầy 30%; KCN Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc) rộng gần 159ha đã lấp đầy 20% diện tích. Riêng KCN Bảo Minh đang tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng và mở rộng quy mô thêm gần 45ha. Có 2 KCN đã lập xong quy hoạch xây dựng và đang thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đó là KCN Trung Thành (huyện Vụ Bản) rộng 200ha và KCN Hồng Tiến (huyện Ý Yên) quy mô 114ha. Với việc duy trì, đầu tư mở rộng và quy hoạch xây dựng mới các KCN tập trung đã giúp Nam Định có nhiều thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp mạnh về tìm hiểu, quyết định đầu tư vào Nam Định.
Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến lễ ký thỏa thuận phát triển dự án giữa Công ty Sunrise Material (Singapore) và Công ty Đại Phong để phát lĩnh vực màng bọc polyme tại Nam Định.
Từ năm 2020 đến nay, Nam Ðịnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 156 dự án, với tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 246,7 triệu USD và 107.596 tỷ đồng.
Trong đó, có 108 dự án (14 dự án FDI và 94 dự án đầu tư trong nước) được cấp mới với tổng số vốn đăng ký là 180 triệu USD và 76.855 tỷ đồng; 48 dự án (17 dự án FDI và 31 dự án đầu tư trong nước) được điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn bổ sung là 66,7 triệu USD và 30.714 tỷ đồng.
Đánh giá về những nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng khẳng định: Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 18-6-2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến và thu hút đầu tư, thời gian qua UBND tỉnh đã tập trung quán triệt đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức viên chức về tinh thần cải cách hành chính nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đầu tư tại địa bàn tỉnh. Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết những vấn đề khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong quá trình đầu tư cho các doanh nghiệp. Đối với các nhà đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Tổ công tác 874 khi cần thiết có thể triệu tập các sở, ngành, địa phương có liên quan để giải đáp, tháo gỡ, cùng đồng hành với doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, phát triển tại Nam Định. Nhờ đó các mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2020-2025 về nguồn vốn thu hút đầu tư đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Bảy tháng đầu năm 2023 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 147 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 8 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 143,9 triệu USD và tăng vốn 3,4 triệu USD cho 1 dự án FDI.
Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ được hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho việc giao thương hóa hóa bằng đường thủy, giúp Nam Định thu hút thêm các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, công nghệ thân thiện với môi trường.
Cùng với việc tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, chính quyền cùng đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh Nam Định chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng và các trung tâm kinh tế của khu vực và miền Bắc. Các tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Hải Phòng quy mô 4 làn xe với tốc độ lưu thông đạt 120 km/h; tuyến đường trục ven biển đi qua địa bàn tỉnh đoạn qua tỉnh Nam Định có tổng chiều dài 50,98km với tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, 2 làn xe cơ giới, mặt đường rộng 11m đi qua 24 xã, thị trấn thuộc 3 huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thuỷ; đang triển khai xây dựng tuyến đường kết nối thành phố Nam Định với tuyến đường ven biển, quy mô 8 làn xe. Đặc biệt, với sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ Giao thông – Vận tải, Nam Định đã được đầu cụm công trình kênh đào nối 2 con sông là sông Đào và sông Ninh Cơ với số vốn đầu tư 107,19 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD. Đến nay cụm công trình đã cơ bản được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ là một phần của Dự án WB6 được thực hiện trên địa bàn xã Nghĩa Sơn và xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng. Đây là cụm công trình có ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn đối với sự phát triển kinh tế của các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Cụm công trình hoàn thành đưa vào khai thác sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng cảng Ninh Phúc (Ninh Bình), từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm gánh nặng cho đường bộ, tạo sự chuyển dịch nhanh, mạnh trong cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy… Với sự đầu tư mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng giao thông đã “phá vỡ” những hạn chế về tính kết nối đã tồn tại bấy lâu nay của tỉnh.
Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông – Aurora IP, huyện Nghĩa Hưng được định hướng trở thành khu công nghiệp “xanh” tiên phong tại tỉnh Nam Định đang được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.
Cùng với sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông và cải cách thủ tục hành chính, các đồng chí lãnh đạo Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nam Định còn tích cực, chủ động làm việc với Đại sứ quán, lãnh sự các nước, các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp mạnh… để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các chủ trương, cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh nhằm thu hút các đầu tư có tiềm năng. Nhờ đó trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 65 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 32.464 tỷ đồng và 185,52 triệu USD. Nhiều dự án lớn đã được khởi công xây dựng như: Nhà máy sản xuất cấu kiện bê-tông đúc sẵn thuộc tổ hợp thép xanh Nam Định của Tập đoàn Thép xanh Xuân Thiện (Ninh Bình); dự án sản xuất máy tính tại KCN Mỹ Thuận với Tập đoàn Quanta là tập đoàn cuối cùng trong 5 tập đoàn điện tử lớn nhất Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam…
Theo ông Phạm Gia Túc - Bí thư tỉnh uỷ Nam Định, Nam Định có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng. Nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, điện lực, viễn thông, giao thông ngày càng được nâng cấp thông suốt, kết nối thuận lợi với hệ thống sân bay, cảng biển lớn của quốc gia. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư ở các lĩnh vực: Giáo dục chất lượng cao; sản xuất công nghiệp công nghệ cao; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf ở khu vực kinh tế biển.
Nam Định đang dần trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư phát triển trong mắt các nhà đầu tư nội địa và quốc tế, là điểm đến của các tập đoàn kinh tế lớn. Đây là tiền đề quan trọng để Nam Định bứt phá vươn lên trở thành tỉnh khá của cả nước./.
Bài và ảnh: Trần Quốc Khải