Ngày từ khi triển khai, tỉnh Nam Định đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc làm trưởng ban; các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy làm phó trưởng ban. Ở cấp huyện cũng thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Hội nghị Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nam Định – 8/8/2023
Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Nam Định, Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Phạm Gia Túc cho biết, do quy mô kinh tế của tỉnh còn thấp, vì vậy nhiệm kỳ này, tỉnh phải bứt tốc huy động đầu tư phát triển giao thông để khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng các khu dân cư tập trung, dẫn đến khối lượng phải giải phóng mặt bằng lớn. Do đó, Ban Chỉ đạo phải quyết tâm hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả để các cấp chính quyền, ngành chức năng thực hiện đạt chất lượng cao nhất công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án trọng điểm.
Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định chú trọng tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm bắt rõ chủ trương, chính sách, các quy định liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn; lợi ích, ý nghĩa của việc thực hiện công trình, dự án đối với sự phát triển của đất nước, của tỉnh. Do đó nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của đa số người dân trên địa bàn, đặc biệt là các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án. Trong chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo tỉnh quyết liệt, sát sao. Đối với các công trình, dự án trọng điểm, lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ của từng dự án, công trình, kịp thời có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện...
Một minh chứng cụ thể và sinh động đó là: Dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Nam Định có chiều dài gần 40km, khối lượng giải phóng mặt bằng phải thực hiện là 17ha, với 700 hộ dân bị ảnh hưởng; trong khi đó yêu cầu tiến độ rất gấp. “Thách thức” đặt ra là dự án được thực hiện theo hướng triển khai cùng lúc, đồng bộ các bước liên quan, tiến độ khởi công, thi công và giải phóng mặt bằng gần như cùng thời điểm. Trước thực tế đó, Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tuyên truyền, vận động để người dân nắm bắt được đây là dự án trọng điểm, đặc biệt quan trọng của quốc gia, góp phần bảo đảm cung cấp điện cho miền bắc ở thời điểm hiện tại và trong những năm tới. Nhờ đó, việc giải phóng mặt bằng được người dân đồng thuận, ủng hộ cao, tỉnh đã bàn giao mặt bằng sạch để thi công dự án đúng thời gian yêu cầu.
Quan trọng hơn, không chỉ quan tâm chú trọng việc tuyên truyền, tỉnh thực hiện tốt việc công khai chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với từng dự án cụ thể; chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan rà soát thực trạng đất đai, kê khai, phân loại, họp dân, công khai kết quả đo đạc để các hộ dân có liên quan đến dự án trực tiếp đối chiếu, phản ánh, đi đến thống nhất và chốt số liệu. Đối với các dự án còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung bàn bạc, thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn theo tinh thần quyết liệt thực hiện, trên nguyên tắc bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và tối đa lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo đúng quy định của pháp luật.
Trong Dự án đường bộ ven biển: Đoạn từ xã Hải Chính hướng đến cầu Hà Lạn (huyện Hải Hậu), đường bộ ven biển cơ bản đi sát tuyến đường đê biển hiện hữu
Thực tế cho thấy, sau một thời gian đồng loạt thực hiện, các dự án lớn như Dự án tuyến đường bộ ven biển và Dự án xây dựng đường trục kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (giai đoạn 2) có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, tổng diện tích thu hồi của 2 dự án này là 110ha, với 1.900 hộ dân bị ảnh hưởng, đều đã được bàn giao mặt bằng đúng thời hạn. Hay như Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-Đường bộ ven biển, qua địa bàn 5 huyện, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 230ha, số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 3.800 hộ, đến nay cũng cơ bản đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến.
Để người dân đồng thuận cùng tỉnh thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể cần sát dân, gần dân hơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Để công tác giải phóng mặt bằng đạt kết quả như mong đợi, Nam Định đã và đang tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự. Các địa phương tích cực tập trung tìm các điểm tái định cư phân tán phù hợp, phối hợp với các sở, ngành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành công khai, minh bạch, tuân thủ chính sách pháp luật trong quá trình lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Thời gian qua, tỉnh Nam Định luôn quan tâm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ toàn diện, triệt để các khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án của các nhà đầu tư. Từ đó, các dự án trọng điểm của địa phương đang dần về đích đúng tiến độ. Trong tương lai gần, Nam Định sẽ được khoác lên mình tấm áo mới với nhiều không gian ấm no hạnh phúc.