21/11/2024 lúc 22:31 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định: Đồng thuận trong giải phóng mặt bằng tại các dự án, công trình trọng điểm

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án, công trình trọng điểm, trong đó có Tổ hợp 3 dự án thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng) và các dự án của các nhà đầu tư tại KCN Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc), KCN dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng).

Phối cảnh tổ hợp 3 dự án thép xanh tại khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)

Việc giải phóng mặt bằng thực hiện Tổ hợp 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư, thuộc khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng (bao gồm: Nhà máy sản xuất cấu kiện bê-tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định và Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng; tổng mức đầu tư 98.900 tỷ đồng). Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nam Định từ trước đến nay. Quá trình triển khai công tác GPMB dự án, tỉnh đã thực hiện đúng quy định trình tự, thủ tục theo pháp luật. Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, việc thu hút đầu tư các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh là đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh; có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tăng thu ngân sách nhà nước và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn. Việc triển khai các dự án đã được xem xét, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng; quyết định triển khai các bước của dự án theo đúng quy hoạch, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, trong đó có việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng khu vực Cồn Xanh, tỉnh đã nhiều lần tổ chức đối thoại trực tiếp, công khai với người dân nuôi trồng thủy sản; trong đó có 2 lần đối thoại có đại diện các bộ, ngành chức năng của Trung ương; đều có thông báo kết luận của lãnh đạo tỉnh sau buổi tiếp, đối thoại. Việc giải quyết đơn thư kiến nghị của các hộ nuôi trồng thủy sản đã được các cấp chính quyền thực hiện văn bản trả lời theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu hỗ trợ chính đáng của người dân, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền tạo điều kiện hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống; bảo đảm an sinh xã hội, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thu hồi đất. Bằng các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, đến nay, đa số người dân khu vực Cồn Xanh đã nắm bắt rõ chủ trương thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực này; nhiều hộ dân đã đồng thuận, nhận tiền hỗ trợ, bàn giao lại đất cho chính quyền để triển khai các dự án.

Đến thời điểm 9/2024, công tác thu hồi đất tại khu vực này, đặc biệt là đối với Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện đã hoàn tất, Tập đoàn Xuân Thiện và các đơn vị liên quan đã và đang triển khai quy trình để sớm đưa dự án vào hoạt động. Có được kết quả trên, tất cả nhờ "lòng dân đồng thuận", mà quá trình GPMB xây dựng nhà máy được đẩy nhanh tiến độ, dự án sớm được triển khai, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế cho tỉnh, tạo sinh kế bền vững, lâu dài cho người dân.

Được biết, tổ hợp 3 dự án thép xanh gồm: Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định và Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 16.200 lao động trực tiếp, chủ yếu là lao động kỹ thuật và khoảng 2.000 lao động phổ thông, cùng nhiều việc làm gián tiếp từ phát triển mở rộng các ngành nghề dịch vụ, công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, tổ hợp 3 dự án thép xanh cũng hứa hẹn sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của huyện Nghĩa Hưng, là tiền đề, động lực để thành lập Khu kinh tế (KKT) Ninh Cơ (có tổng diện tích gần 14.000ha trên địa bàn huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, từng bước đưa Nghĩa Hưng trở thành một trong 4 cực tăng trưởng theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như định hướng, chủ trương phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và quốc gia.

Khu Công nghiệp Mỹ Thuận 

Đối với Khu công nghiệp Mỹ Thuận chính thức được thành lập theo Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 05/03/2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định. Theo đó, dự án có địa điểm thực hiện thuộc địa bàn các xã Mỹ Thuận, Mỹ Thịnh huyện Mỹ Lộc và xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, có thời hạn hoạt động là 50 năm (Từ năm 2021-2071). Về tiến độ thi công KCN Mỹ Thuận, các hạng mục đã hoàn tất gồm: san lấp 100% diện tích mặt bằng đã được bàn giao; thi công cơ bản các tuyến đường nội bộ; hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, trạm xử lý nước thải 5.000 m³/ngày đêm. Đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục cây xanh, hạ tầng mạng viễn thông... Đã hoàn thiện thi công toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống cấp điện (cột và dây dẫn) đã hoàn thành sẵn sàng tới hàng rào nhà máy thứ cấp. Với vị trí khu công nghiệp nằm tại cửa ngõ phía Bắc tỉnh Nam Định, liền kề với Quốc lộ 21, dễ dàng giao thương với các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải phòng, Ninh Bình, Hà Nam. Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, cùng với những chính sách cởi mở, thông thoáng của chính quyền tỉnh Nam Định, hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nằm trong Khu kinh tế Ninh Cơ, Khu công nghiệp Dệt May Rạng Đông được phát triển trên tổng diện tích gần 2.200 ha, gồm 3 giai đoạn. KCN Dệt may Rạng Đông giai đoạn 1 có diện tích gần 520 ha, kết nối trực tiếp với nhiều tuyến đường thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. KCN này kêu gọi đầu tư với định hướng xây dựng KCN thành khu liên hợp dệt may công nghệ cao, khép kín từ khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm, nguyên phụ liệu ngành may đến hoàn tất sản phẩm. Đến nay, KCN Dệt may Rạng Đông đã thu hút nhiều dự án đầu tư FDI lớn, nâng tỷ lệ lấp đầy diện tích lên tới gần 40%, với quy mô tổng giá trị vốn đầu tư gần 400 triệu USD; dự kiến tạo việc làm cho gần 10 nghìn lao động.

Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông

Được xây dựng theo mô hình đô thị công nghiệp sinh thái mà các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng, Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông được trở thành KCN “xanh” đầu tiên tại tỉnh Nam Định, là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn, sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam. Được quy hoạch xây dựng trở thành trung tâm sản xuất, thương mại, dịch vụ về dệt may và thời trang hàng đầu Việt Nam, KCN Dệt may Rạng Đông trở thành sự lựa chọn hàng đầu khi đầu tư vào lĩnh vực dệt may tại Việt Nam gồm 3 giai đoạn phát triển. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư sản xuất 1 tỷ mét vải trên diện tích 519,6 ha. Giai đoạn 2, nâng sản lượng vải lên 1,5 tỷ mét, hoàn thiện chuỗi cung ứng trên diện tích 850 ha. iai đoạn 3, hình thành đô thị thương mại, dịch vụ dệt may - thời trang hiện đại trên diện tích 675 ha.

KCN Dệt may Rạng Đông được kỳ vọng sẽ từng bước tháo gỡ điểm nghẽn của ngành trong khâu dệt nhuộm, góp phần phát triển nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào bền vững cho ngành dệt may Việt Nam trong dài hạn.

Trong công tác GPMB với các dự án trọng điểm trên địa bàn, để người dân đồng thuận cùng tỉnh thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể cần sát dân, gần dân hơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Để công tác giải phóng mặt bằng đạt kết quả như mong đợi, rõ ràng cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự. Các địa phương cần tập trung tìm các điểm tái định cư phân tán phù hợp, phối hợp với các sở, ngành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành cần công khai, minh bạch, tuân thủ chính sách pháp luật trong quá trình lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Phạm Thủy