22/01/2025 lúc 20:09 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng vào sản xuất

Thời gian qua đã có rất nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã giúp nhiều nông dân thay đổi tư duy, cách làm để tiệm cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh, từng bước tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các nông sản địa phương, cải thiện thu nhập và đời sống, làm giàu từ chính đồng đất quê hương.

Năm 2020, Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao tại Nam Định” được áp dụng tại Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Trên diện tích 1.000m2, hợp tác xã đã xây dựng nhà màng có lắp đặt hệ thống điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tự động và bán tự động theo nhu cầu sinh trưởng ở từng giai đoạn của cây, giúp cây ra hoa như ý. Áp dụng kỹ thuật nhân giống hoa lan hồ điệp từ nuôi cấy mô, hiện tại hợp tác xã thực hiện nhân giống, trồng và chăm sóc khoảng 30 nghìn cây hoa lan hồ điệp cung cấp ra thị trường chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán từ 120 nghìn đến 150 nghìn đồng/cây, doanh thu từ hoa lan hồ điệp của hợp tác xã khoảng trên 3 tỷ đồng/năm. Bà Phạm Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong cho biết: “Thời gian qua, HTX sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế vượt trội hơn so với canh tác truyền thống. Khi áp dụng khoa học công nghệ, số lượng hoa hữu hiệu và chất lượng sản phẩm cao, vì vậy giá thành sản phẩm được nâng lên, các công đoạn sản xuất được rút ngắn, kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trà củ sen tại Công ty cổ phần nông nghiệp Viagri xã Trực Chính (Trực Ninh)

Thực hiện chương trình cơ giới hóa đồng bộ, từ năm 2022 HTX Quyết Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy) đã phối hợp với HTX Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc (xã Giao Tân) xây dựng mô hình ứng dụng thiết bị bay XAG P80 phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Đây là thiết bị bay công suất lớn, tích hợp hệ thống xả lúa, điều khiển tự động, có nhiều tính năng thông minh có thể xác định tình trạng cây trồng, tính toán chính xác lượng thuốc cần phun để tránh lãng phí thuốc và giảm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi thu hoạch. Bình quân mỗi ngày, thiết bị XAG P90 có thể phun được khoảng 30-50ha, rút ngắn thời gian phun, giảm thiểu độc hại cho con người. toàn bộ vỏ bao bì thuốc trừ sâu bệnh được HTX thu gom, xử lý tập trung và tăng khả năng phòng trừ sâu bệnh. Qua đánh giá, ứng dụng phương pháp này đã giúp người dân tiết kiệm 10-12 nghìn đồng/sào.

Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của ông Phạm Tiến Dũng ở thôn Cốc Thành xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) là trang trại hiện đại với quy mô trên 2.000 con lợn thịt xuất khẩu, mỗi năm xuất bán khoảng 700 tấn lợn thịt, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Để có được kết quả đó, trang trại đã áp dụng hệ thống chuồng khép kín, điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, có thiết bị cho ăn bán tự động, vòi uống tự động cho lợn. Ngoài ra, HTX đã đầu tư công nghệ xử lý chất thải khép kín gồm: máy ép phân, hầm biogas. Đặc biệt, hiện trang trại đang sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo là máy phát điện khí sinh học EGreen. giải quyết phần lớn khí biogas dư thừa và tiết kiệm chi phí tiền điện 15-20 triệu đồng mỗi tháng.

Ông Nguyễn Văn Khuynh ở xã Hải Đông (Hải Hậu) đã áp dụng KHCN vào chăn nuôi gà thịt cho hiệu quả kinh tế cao

Với mục tiêu đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống góp phần thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phát triển kinh tế biển, ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã chú trọng lựa chọn các nhiệm vụ thực sự trọng tâm, ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong đó đã có nhiều nghiên cứu, dự án ứng dụng được triển khai có hiệu quả với kết quả nổi bật như: sản xuất một số giống lúa thơm, lúa thuần, lúa lai chất lượng cao, giá thành giảm (Thiên Trường 900, ĐH11; TBR 225, TBR279, KOJI, CS6-NĐ, Hương Cốm 4…). Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và phương pháp khí canh…Nhiều dự án có tính ứng dụng cao như: Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng Litopenaus vannamei theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ sinh học thay thế thuốc kháng sinh và hóa chất; Điều tra đánh giá hiện trạng ô nhiễm kim loại nặng trong đất sản xuất nông nghiệp; Nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Nam Định... đã góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương.

Ông Bùi Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định cho biết:  Để khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống, thời gian qua ngành đã hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm gắn với chương trình Sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh để hỗ trợ xuất khẩu. Đồng thời, ngành chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở khoa học và công nghệ gắn với việc hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, từng địa phương.”

Nhờ áp dụng KHKT vào trồng lan, gia đình chị Đỗ Thị Thuỳ ở xã Điền Xá (Nam Trực) cho doanh thu trung bình khoảng 1 tỷ đồng/năm

Thời gian tới, với mục tiêu đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống góp phần thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phát triển kinh tế biển, ngành khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định chú trọng lựa chọn các nhiệm vụ thực sự trọng tâm, ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Theo đó, ngành khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua việc khảo sát, báo cáo đánh giá năng lực, điều kiện khi lựa chọn đơn vị chủ trì thực hiện. Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang quản lý và triển khai thực hiện 64 đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện trên các lĩnh vực: Khoa học xã hội nhân văn, công nghệ thông tin, nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi, giáo dục đào tạo...

Những định hướng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ theo hướng ứng dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nam Định mong muốn đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống, từng bước đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh./.

Trần Quốc Khải

...