Gói thầu RAP/CP23 Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Km284+600 - Km285+995 đi qua địa phận huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang thuộc hạng mục đầu tư bổ sung từ nguồn vốn dư – Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) được khởi công ngày 10/1/2022.
Gói thầu có giá dự toán 201,254 tỷ đồng, sử dụng vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước, do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư, PMU3 làm bên mời thầu.
Nhà thầu trúng Gói thầu RAP/CP23 là Liên danh Công ty CP 208 - Công ty TNHH Hiệp Phú. Giá dự thầu ban đầu của Liên danh là 200,945 tỷ đồng, sau đó, Nhà thầu tự nguyện xin giảm giá 12,556 tỷ đồng, kết luận giá trúng thầu 188,389 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 14 tháng, loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Lý giải về nguyên nhân xảy ra sự cố trên, ông Vũ Hải Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, do địa hình thi công chủ yếu là đồi núi nên quá trình đánh giá địa chất tại dự án đã không lường hết được tính phức tạp.
Ông Tùng cho hay, theo hồ sơ địa chất đã được phê duyệt cho thấy kết quả khoan địa chất đoạn núi cần đào chủ yếu là đá. Tuy nhiên quá trình thi công thì lại chủ yếu là đất. Do vậy khi tiến hành đào mái taluy dương đã dẫn đến sụt trượt.
Về biện pháp thi công sau sự cố sụt trượt này, ông Vũ Hải Tùng đánh giá, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu thay đổi biện pháp thi công từ cọc neo sang đào hạ thấp mái, kết hợp với phương pháp cọc neo.
Kinh phí phát sinh do sự cố sụt trượt sẽ được đơn vị nhận bảo hiểm công trình của dự án đang tiến hành khảo sát, tính toán. Tuy nhiên, theo tính toán khả năng sự cố làm tăng tổng mức đầu tư là rất nhỏ.
Theo ghi nhận của PV tại khu vực thi công dự án, công tác bảo đảm an toàn giao thông như bố trí biển báo, cọc tiêu, người hướng dẫn giao thông tại nhiều vị trí của dự án chưa được chú trọng. Công tác quản lý thi công trên công trường khá lộn xộn, nhiều đoạn tuyến không có hàng rào, dây phản quang cảnh báo người dân và phương tiên qua lại,…
Liên quan đến sự cố trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí Việt Nam Hội Nhập, các chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng sự cố trên đã bộc lộ ra nhiều điểm bất cập ngay từ khâu thiết kế của dự án.
Vị chuyên gia này phân tích, xảy ra sự cố trên trước tiên là do thiết kế không tính toán ổn định mái dốc. Quá trình khảo sát địa chất, nhất là những dự án tại khu vực đồi núi thì khâu khoan địa chất rất quan trọng. Quá trình này, đáng ra đơn vị khảo sát phải chia ra thành nhiều cơ thì lại chỉ đào 1 cơ để tạo lý do đưa lưới thép vào, dẫn đến quá trình đánh giá hồ sơ địa chất không đầy đủ và sai sót. Bên cạnh đó, việc toàn bộ dự án đều thiết kế lưới chắn đá lăn cũng là không đúng.
Đặc biệt là quá trình thi công không đúng quy trình đã trực tiếp gây ra vụ sụt trượt trên. Cụ thể, quá trình đào mở mái đơn vị thi công đã không triển khai thi công mái dốc theo yêu cầu kỹ thuật là đào tới đâu thi công tới đó.
Cũng theo báo cáo của Chủ đầu tư, quá trình thi công dự án này ngoài sự cố sụt trượt trên còn tồn tại một hộ dân đã thuê máy móc đào vào mái taluy đã thi công xong của dự án (tại vị trí km 285+100 - km 285+180), phạm vi đào khoảng 80m dài dọc tuyến và đã xảy ra sụt trượt.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Ban Quản lý dự án 3, tư vấn giám sát, nhà thầu tổ chức kiểm tra, xác định trách nhiệm của các bên liên quan quá trình thi công.