25/11/2024 lúc 20:58 (GMT+7)
Breaking News

Từ ngày 01/01/2023, sẽ thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột

Tại Phiên họp chuyên đề về pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 và thực hiện trong vòng 5 năm, nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên…

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 1499/TB-TTKQH thông báo kết luận về nội dung này.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển Tp Buôn Ma Thuột - Ảnh: VNHN.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển Tp Buôn Ma Thuột

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết phải ban hành cơ chế đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cần tạo bước đột phá, thực sự là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên nhằm thực hiện các mục tiêu tại Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đề nghị của Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép tỉnh Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột được thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù sau:

Để tỉnh Đắk Lắk có điều kiện phát triển xứng tầm là trung tâm vùng Tây Nguyên, thay vì hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì đề xuất cho phép nâng mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh Đắk Lắk lên 40%, tạo điều kiện cho tỉnh huy động nguồn vốn. Đề xuất cho tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo định mức chi thường xuyên để bố trí cho TP Buôn Ma Thuột bảo đảm nguồn lực cần thiết thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, tập trung đẩy mạnh cho chi phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, thông tin, môi trường.

Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp để TP. Buôn Ma Thuột được hưởng và sử dụng thêm toàn bộ phần dư nợ vay tăng thêm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng chính sách ưu đãi thu thuế doanh nghiệp cho các dự án đầu tư trên TP. Buôn Ma Thuột trong điều kiện được áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi, mức độ ưu đãi, lĩnh vực ưu đãi như Chính phủ trình.

Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng, môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Đầu tư thêm nhiều dự án

Theo Chính phủ, tình hình thu hút đầu tư vào địa bàn TP Buôn Ma Thuột trong thời gian qua là hết sức khó khăn, các chính sách ưu đãi sẽ góp phần tạo động lực mới cho TP Buôn Ma Thuột, nhất là trong bối cảnh Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông kết nối liên vùng như các tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa thúc đẩy liên kết vùng và phát triển TP Buôn Ma Thuột với vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Đầu tư hệ thống giao thông kết nối liên vùng như các tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, cao tốc Bắc Nam phía Đông... Ảnh: VNHN.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị TP. Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị TP. Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh dự kiến thực hiện vay lại nguồn vốn ODA trong giai đoạn 2021-2025 với tổng hơn 1.300 tỉ đồng để thực hiện 11 chương trình, dự án. Các dự án gồm: Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, sửa chữa và nâng cao an toàn đập, hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên..

Bổ sung thêm một số chính sách ưu đãi để toàn diện hơn

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung các cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương đã được Quốc hội thông qua; đề xuất một số cơ chế đặc thù, vượt trội, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên.

Tạo động lực để Tp Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk phát triển xứng tầm là trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh: VNHN.

Trong đó, lưu ý nghiên cứu để thí điểm các chính sách phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cây cà phê với những ưu đãi cao nhất về thuế, tín dụng, về chính sách đầu tư, quảng bá sản phẩm và một số sản phẩm khác. Ưu đãi, ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư phát triển, lĩnh vực văn hóa, du lịch, phát huy bản chất bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên.

Ưu tiên tối đa trong việc đầu tư phát triển một số lĩnh vực về cơ sở hạ tầng, nhất là y tế, giáo dục và khoa học công nghệ; để lại kinh phí xử lý, sắp xếp các cơ sở nhà đất của các cơ quan trung ương để đầu tư trở lại cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột…

Đề xuất thí điểm 05 chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột

Chính sách 1: Về mức dư nợ vay của tỉnh Đắk Lắk

Chính sách 2: Về định mức phân bổ chi thường xuyên

Chính sách 3: Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột

Chính sách 4: Về quản lý quy hoạch

Chính sách 5: Về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt

Đây là những nội dung mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, vào tháng 5/2022.

Nguyễn Hương - Võ Hà