23/01/2025 lúc 12:39 (GMT+7)
Breaking News

Một số vấn đề đặt ra với báo chí trong môi trường hội tụ truyền thông

VNHN - Công nghệ số và mạng Internet đã khiến “môi trường sinh thái” của các phương tiện truyền thông truyền thống thay đổi mạnh mẽ, và hội tụ truyền thông đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của báo chí, truyền thông hiện đại.

VNHN - Công nghệ số và mạng Internet đã khiến “môi trường sinh thái” của các phương tiện truyền thông truyền thống thay đổi mạnh mẽ, và hội tụ truyền thông đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của báo chí, truyền thông hiện đại.

Thực tiễn cho thấy, hội tụ truyền thông là một hiện tượng mang tính toàn cầu, là điểm đến của các cơ quan báo chí ở nhiều nước, tiến trình này đến sớm hay muộn sẽ phụ thuộc vào từng quốc gia. Vậy, trong môi trường hội tụ truyền thông, báo chí Việt Nam phải thay đổi theo chiều hướng nào để phù hợp với xu thế phát triển tất yếu này? Bàn về sự sinh tồn của báo in trong môi trường hội tụ truyền thông.

PGS,TS Nguyễn Thành Lợi 

Hàm ý của hội tụ truyền thông

Năm 1978, giáo sư công nghệ truyền thông nổi tiếng người Mỹ Nicholas Negroponte đã đưa ra khái niệm hội tụ (covergence). Năm 1983, trong cuốn Tự do công nghệ (Technologies of Freedom), giáo sư Học viện Công nghệ  Hoa Kỳ (MIT) Ithiel de Sola Pool  đã mô tả một loại mạng mang hình thái vật lý sẽ “phục vụ” tốt cho tất cả các loại hình báo chí. Và, khái niệm hội tụ truyền thông (media covergence) chính thức ra đời từ đó. Nói một cách đơn giản, một xu hướng mới không có ngăn cách giữa các loại hình báo chí (như báo in với truyền hình) chính là một trong những hình thức biểu hiện của hội tụ truyền thông ngày nay.

Tư tưởng hạt nhân của hội tụ truyền thông là với sự phát triển của công nghệ truyền thông và sự phá bỏ “hàng rào” kiểm soát thông tin, các loại hình báo chí như báo in, phát thanh, truyền hình, mạng điện tử và các thiết bị di động hội tụ với nhau về mặt công nghệ.

Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số đã thúc đẩy tiến trình hội tụ truyền thông diễn ra gấp rút hơn bao giờ hết. Xét trên giác độ nội hàm, khái niệm hội tụ truyền thông bao hàm hai ý nghĩa: “hội tụ” và “kết hợp”. Xét từ nghĩa hẹp, hội tụ truyền thông là sự tích hợp các loại hình báo chí, tạo ra sự biến đổi về chất, hình thành một loạt phương tiện truyền thông mới như sách điện tử, blog, mạng xã hội,...

Về nghĩa rộng, hội tụ truyền thông có phạm vi rộng hơn, bao gồm sự kết hợp tất cả các phương tiện truyền thông, không chỉ về loại hình truyền thông, mà còn là sự hội tụ cả về chức năng, phương thức đưa tin, quyền sở hữu, hình thái tổ chức của các cơ quan báo chí, truyền thông… Nói cách khác, xét từ giác độ truyền thông, hội tụ truyền thông là quá trình phát triển tiệm tiến từ thấp đến cao.

Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, hội tụ truyền thông chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều hình thức mới hơn, chúng ta khó có thể dự báo được các xu hướng phát triển của nó, giống như hơn 10 năm trước, con người rất khó dự đoán xu thế phát triển của blog (trang nhật ký cá nhân) sẽ diễn ra như thế nào, vậy mà, ngày nay, nó đã trở thành một phương tiện truyền thông mới, đang từng bước xóa nhòa “biên giới cứng” trong hoạt động truyền thông của nhân loại.

Qua đó có thể thấy, thực tiễn chỉ đường cho lý luận và phát triển ngày càng phong phú, khiến nội hàm của lý luận cũng phát triển theo, và hội tụ truyền thông không nằm ngoài quy luật phát triển đó. Với hội tụ truyền thông, chúng ta có thể có nhiều kênh truyền hình, nhưng vẫn có thêm các trang web, blog và phóng viên của báo in xuất hiện trên truyền hình và tạo các trang nhật ký cá nhân trên mạng xã hội.

Mô hình lý thuyết của hội tụ truyền thông

Những thảo luận sôi nổi về hội tụ truyền thông của các học giả trên thế giới diễn ra trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chủ yếu ở các nước phương Tây. Giáo sư Ithiel De Sola Pool - người đưa ra khái niệm hội tụ truyền thông cho rằng, sự phát triển của kỹ thuật điện tử số chính là nguyên nhân khiến các loại hình truyền thông vốn được phân chia rạch ròi, nay hội tụ với nhau. Sau đó, trong sự biến hóa của hàng loạt sản nghiệp truyền thông, kỹ thuật số đã cung cấp nền tảng kỹ thuật cho sự hội tụ của các ngành điện tử viễn thông, xuất bản và phát thanh, truyền hình, “hội tụ” trở thành thuật ngữ thường dùng trong lĩnh vực truyền thông, thông tin điện tử.

Tuy nhiên, khái niệm “hội tụ” được sử dụng trong báo chí, truyền thông lại rất mơ hồ. Các học giả phương Tây đã có những góc nhìn rất đa dạng trong công tác nghiên cứu loại hình truyền thông mới này. Nhiều nghiên cứu được triển khai từ giác độ hội tụ kỹ thuật, hội tụ quyền sở hữu truyền thông, và cũng có những công trình lại xuất phát từ hội tụ về cơ cấu tổ chức truyền thông hay hội tụ trong kỹ năng biên tập, sản xuất tin, bài. Có thể nói, những công trình nghiên cứu của các học giả phương Tây trải rộng trên mọi phương diện liên quan đến các phương tiện truyền thông, như môi trường bên ngoài, cơ chế nội bộ và hoạt động kinh doanh của các phương tiện truyền thông. Cũng chính vì thế, cho đến nay, khái niệm “hội tụ truyền thông” vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn xác được công nhận. Chính vì các học giả xuất phát từ các giác độ và ngữ cảnh khác nhau để lý giải về “hội tụ truyền thông”, mới gây ra sự khác biệt trong nhận thức xung quanh khái niệm này.

Kết hợp với những công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước, chúng tôi cho rằng, nhìn tổng thể, sự nhận thức về hội tụ truyền thông được triển khai trên hai giác độ chính là: hội tụ kỹ thuật và hội tụ kinh tế… Từ thực tiễn đời sống truyền thông hiện nay, có thể lý giải không gian hai chiều của “hội tụ truyền thông” như sau:

Hội tụ kỹ thuật

Hội tụ kỹ thuật chủ yếu được thể hiện ở sự hội tụ về loại hình truyền thông, bao gồm sự hội tụ của các phương tiện truyền thông mới và truyền thống cùng sự hội tụ của ba mạng: điện thoại viễn thông, phát thanh truyền hình và mạng Internet.

Thứ nhất, hội tụ trong phương thức truyền thông. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu truyền thông, thuộc Hiệp hội Báo chí Mỹ Andrew Nachison đưa ra định nghĩa “hội tụ truyền thông” là “sự liên kết mang tính chiến lược, tính thao tác và tính văn hóa giữa các doanh nghiệp (đơn vị) truyền thông như báo in, truyền hình, phát thanh, báo mạng v.v..”[1]. Sự liên kết mang tính chiến lược, tính thao tác và tính văn hóa này chủ yếu liên quan đến cách thức hội tụ giữa các phương tiện truyền thông truyền thống và phương tiện truyền thông mới.

Từ môi trường truyền thông hiện nay, tác giả cho rằng, nếu xét trong phạm vi hẹp, hội tụ trong phương thức truyền thông là việc ứng dụng kỹ thuật mới để “cải tạo” các phương tiện truyền thông truyền thống; còn nếu xét từ phạm vi rộng hơn, hội tụ trong phương thức truyền thông là sự kết hợp các phương thức truyền thông của các loại hình truyền thông trong một cơ quan báo chí đa loại hình, nhằm thực hiện việc cùng sử dụng, chia sẻ “nguồn tài nguyên” có sẵn như nội dung thông tin và các hình thức kinh doanh giữa báo in, phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử. Thực tế cho thấy, cơ quan báo chí đa loại hình  thông qua việc ứng dụng kỹ thuật số để hội tụ tất cả quy trình từ sản xuất nội dung đến tiêu thụ, phân phối nội dung trong tòa soạn, nói một cách đơn giản, cơ quan báo chí đa phương tiện có thể sử dụng chung nội dung cho các loại hình khác nhau trong cùng tòa soạn, tạo nên một hệ thống truyền thông thống nhất có đầy đủ các loại hình báo chí: phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử, trong đó truyền hình và báo in có thể phối hợp làm chương trình cùng nhau, hình thành một hệ thống tương tác với nhau.

Thứ hai, hội tụ thiết bị đầu cuối. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số, mạng Internet không chỉ giúp phát thanh, truyền hình ứng dụng được phương thức truyền thông tương tác, mà còn khiến một thiết bị điện tử trở thành thiết bị đa chức năng, vừa có thể xem truyền hình, nghe radio, đọc sách, báo trực tuyến, lướt web v.v.. Ví dụ, tháng 1/ 2007, hãng Apple cho ra đời chiếc iphone, không chỉ có thể cung cấp các chức năng lướt web, gửi, nhận thư điện tử, đọc sách điện tử, nghe, xem phim…, mà chiếc điện thoại thông minh này đã nâng cao tính tiện dụng của thiết bị đầu cuối, đánh dấu sự ra đời của kỷ nguyên kỹ thuật số thông minh.

Mặt khác, chức năng hiện đại của điện thoại di động như: quay, chụp, nghe nhạc, nghe radio, xem tivi, nhận, gửi thư điện tử… không ngừng được nâng cao, đặc biệt là tốc độ và chất lượng hình ảnh mà máy điện thoại di động chụp ngày càng cao và sắc nét. Điều này đồng nghĩa với việc kỹ thuật xử lý và sản xuất thông tin trên máy điện thoại di động ngày càng tinh vi, khiến những người sử dụng đều có thể trở thành “người truyền thông”. Ví dụ, mô thức phát triển chủ yếu của mạng xã hội Twitter là sự tương tác giữa mạng Internet với điện thoại di động, tạo ra mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa những người sử dụng điện thoại di động với nhau, bởi điện thoại di động có nhiều chức năng giống máy tính cá nhân, giúp người sử dụng có thể tự sản xuất ra nội dung thông tin và chia sẻ với cộng đồng những thông tin mà họ cùng sở thích.

Thứ ba, hội tụ giữa 3 “mạng”: viễn thông, phát thanh truyền hình và xuất bản. Những khảo sát về môi trường truyền thông của một số nước chứng minh được rằng, khái niệm hội tụ truyền thông không chỉ là sự hội tụ giữa các phương tiện truyền thông, giữa nội bộ các sản nghiệp truyền thông, mà còn sự hội tụ trong các lĩnh vực truyền thông khác nhau. Ví dụ, sự hội tụ giữa các phương tiện báo chí truyền thông với ngành công nghiệp thông tin và khoa học kỹ thuật tiên tiến… Thực tế cho thấy, những nghiên cứu đầu tiên về hội tụ truyền thông không phải chỉ bắt nguồn từ sự hội tụ trong ngành truyền thông, mà từ cuối thế kỷ XX, các nước phương Tây đã bắt đầu đề cập hiện tượng hội tụ của ngành truyền thông và viễn thông, trong đó phải kể đến bộ Luật viễn thông mà Chính phủ Mỹ thông qua năm 1996. Bộ luật này đã tạo hành lang pháp lý mới cho ngành viễn thông của Mỹ, cho phép các công ty viễn thông kinh doanh lĩnh vực truyền hình hữu tuyến. Đặc biệt, với sự phát triển của Internet và sự phổ cập mạng cáp quang, dịch vụ truyền hình mà các công ty viễn thông Mỹ cung cấp ngày càng được nâng cấp, và phạm vi kinh doanh của các công ty này chuyển từ truyền hình hữu tuyến sang các lĩnh vực khác như truyền hình vô tuyến, phát thanh, điện ảnh, xuất bản và các lĩnh vực truyền thông khác. Do đó, sự hội tụ giữa 3 mạng: viễn thông, phát thanh truyền hình và xuất bản, đương nhiên cũng được liệt vào nội hàm của hội tụ truyền thông.

Ở một khía cạnh khác, có quan điểm cho rằng, xu hướng hội tụ hiện nay là sự hội tụ của 3 màn hình: màn hình máy tính, màn hình tivi và màn hình điện thoại di động. Sự kết hợp hay đồng nhất một cách tương đối 3 màn hình này tạo cơ hội thụ hưởng và tiếp cận thông tin đa dạng, phong phú của công chúng trong môi trường hội tụ truyền thông.

Hội tụ kinh tế

Thực tế cho thấy, trong không gian hai chiều của hội tụ truyền thông được thể hiện qua sự hội tụ về kinh tế, thể hiện trên các cấp độ: hội tụ thị trường, hội tụ tư bản và hội tụ sản nghiệp.

Thứ nhất, hội tụ thị trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hội tụ trong ngành truyền thông là bắt nguồn từ những thay đổi mới mới trong việc công chúng tiếp nhận các sản phẩm truyền thông. Khi nhu cầu của công chúng ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, chắc chắn sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất thông tin của các loại hình truyền thông truyền thống. Thực tế cho thấy, thị trường công chúng vốn được phân chia theo loại hình truyền thông, do đó, trước sự thay đổi về nhu cầu của công chúng, sẽ dẫn đến sự hội tụ thị trường truyền thông.

Thứ hai, hội tụ tư bản. Trong kinh tế học, hàm nghĩa của hội tụ tư bản là ngoài việc sáp nhập hoặc mua lại cổ phần của doanh nghiệp, còn bao gồm phương thức, các tập đoàn báo chí hoặc công ty truyền thông chung vốn để cùng kinh doanh một lĩnh vực nào đó. Vụ sáp nhập giữa Công ty cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu American Online (AOL) và Time Warner - hãng truyền thông quản lý cả một đế chế xuất bản tạp chí, âm nhạc, phim ảnh và sản xuất chương trình truyền hình năm 2001 là một ví dụ điển hình. Mặc dù sự hội tụ về tư bản không đồng nghĩa với sự hội tụ các lĩnh vực giữa các hãng truyền thông, nhưng hội tụ tư bản là phương thức và tiền đề tất yếu để tiến hành hội tụ truyền thông.

Thứ ba, hội tụ sản nghiệp. Hội tụ sản nghiệp dùng để chỉ hiện tượng hai hoặc nhiều sản nghiệp truyền thông vốn hoạt động riêng biệt, nhờ có sự phát triển của kỹ thuật, thị trường, dịch vụ và phương thức quản lý đã khiến ranh giới sản nghiệp giữa chúng ngày càng mơ hồ và dần dần biến mất, do đó, thị trường và dịch vụ của chúng ngày càng có khuynh hướng hội tụ. Đây là hình thức hội tụ cao nhất, đa tầng nhất nhìn từ góc độ kinh tế của hội tụ truyền thông. 

Báo chí Việt Nam trước xu thế hội truyền thông

Có thể thấy, hội tụ truyền thông không chỉ làm thay đổi về mặt công nghệ truyền thông mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế, kết cấu xã hội và hình thái văn hóa của nhân loại. Do đó, trong môi trường hội tụ truyền thông, báo chí Việt Nam cần phải có những giải pháp phù hợp để thích ứng với xu thế phát triển tất yếu này, có thể rút ra một số vấn đề sau:

Thứ nhất, hội tụ công nghệ - truyền thông - viễn thông, đây được coi là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Đó là hệ quả của sự phát triển ngành công nghệ thông tin - truyền thông. Đặc biệt, khi hạ tầng, kỹ thuật, mạng lưới trở nên gần gũi và thân thiện, người sử dụng dễ dàng đạt được các tiện ích mà không cần phải đầu tư nhiều về tài chính, tri thức cũng như thời gian. Chính sự hội tụ truyền thông đã tạo ra khả năng phát triển kinh doanh không giới hạn cho các cơ quan báo chí, truyền thông trong môi trường toàn cầu hóa thông tin hiện nay. Do đó, các cơ quan báo chí cần nhanh chóng tiếp cận với những tri thức, kỹ thuật mới nhất của báo chí hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng về nội dung cũng như phục vụ tốt nhất cho công chúng, đáp ứng đầy đủ những thông tin công chúng cần chứ không phải chỉ cung cấp những gì mà báo chí có.

Thứ hai, xu hướng cá nhân hóa ngày càng rõ rệt, khi mạng Internet phát triển, khả năng tiếp cận thông tin của công chúng trở nên phong phú và đa dạng. Đặc biệt với sự ra đời mạng xã hội đã khiến con người dễ dàng tạo ra sự liên kết rộng rãi trên toàn cầu. Từ đó, làm cho quá trình tạo ra thông tin và tiếp nhận thông tin diễn ra liên tục trên quy mô rộng, từng bước xóa nhòa “biên giới” cứng trong môi trường hội tụ truyền thông. Ranh giới về địa lý, hành chính quốc gia trở thành “biên giới mềm” trong không gian Internet. Và trong bối cảnh đó, nhu cầu cá nhân hóa trở nên mạnh mẽ, phù hợp với nhu cầu riêng của từng cá thể trong cộng đồng mạng. Đặc biệt, xu hướng cá nhân hóa giao diện, quảng cáo hướng tới công chúng mục tiêu rõ ràng, truyền hình theo yêu cầu, nội dung do người sử dụng có thể sản xuất… sẽ tạo ra một sân chơi mới cho các phương tiện báo chí, truyền thông. Nếu không nắm bắt được xu hướng này, các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ lúng túng với những diễn biến của thị trường, bỏ qua cơ hội “chiếm lĩnh” đối tượng công chúng đặc biệt này.

Thứ ba, truyền hình qua dịch vụ Internet bùng nổ, bởi sự phát triển của công nghệ thông tin, khiến hoạt động sản xuất truyền hình phi tuyến tính trở nên nhanh, tiện và rẻ hơn. Hiện nay, một cá nhân cũng có thể làm truyền hình qua mạng Internet, chỉ cần máy quay Dvcam, Internet, máy vi tính có cài phần mềm dựng băng hình phi tuyến tính, kết hợp với một giải băng thông rộng của nhà cung cấp Internet, có thể tự sản xuất và phát sóng được chương trình truyền hình. Trên thế giới, nhiều hãng truyền thông đã đầu tư IPTV (truyền hình qua dịch vụ Internet) và truyền hình tương tác vì những tiềm năng và lợi nhuận khổng lồ thu được từ nó. Chính IPTV là một điển hình của sự hội tụ giữa viễn thông và phương tiện truyền thông truyền hình, hữu tuyến và vô tuyến. Thực tiễn đã chứng minh, khả năng của IPTV gần như là vô hạn, đem đến cho công chúng những nội dung kỹ thuật số có chất lượng cao. Kỹ thuật này thích hợp cho các dịch vụ như video theo yêu cầu, truyền hình tương tác, trò chơi, tin nhắn qua tivi, Videocast, Podcast... Do đó, có thể thấy, hội tụ các loại hình báo chí khác nhau làm đa dạng hóa phương thức dịch vụ phân phối nội dung. Trước đây, một nội dung có thể qua nhiều hình thức, ngày nay sẽ có nhiều hình thức để phân phối đến công chúng. Đây cũng là vấn đề đang đặt ra cho các cơ quan báo chí của Việt Nam làm thế nào để tìm cách “hội nhập” với xu hướng phát triển mới của báo chí hiện đại do những tiện ích mà công nghệ truyền thông mang lại.

Thứ tư, sự phát triển tất yếu của tòa soạn hội tụ. Trong xu thế hội tụ truyền thông hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng khá thành công mô hình tòa soạn hội tụ. Tuy nhiên, hiện nay, thế nào là tòa soạn hội tụ, tương lai của báo chí Việt Nam có bắt nhịp với xu thế hội tụ truyền thông hay không vẫn là câu hỏi đang chờ lời giải. Thực tế cho thấy, trong môi trường hội tụ truyền thông đã tạo cho báo chí Việt Nam những thuận lợi và thách mới, do đó, trong tương lai gần, không một cơ quan báo chí, truyền thông nào có thể đứng ngoài sự tác động mang tính quy luật này. Do vậy, thiết nghĩ, từ các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo báo chí đến lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông, những người làm báo Việt Nam  phải  thay đổi tư duy, nhận thức đúng đắn và đón bắt xu hướng phát triển này, tận dụng nó như một cơ hội để tồn tại và phát triển./.