03/10/2024 lúc 23:05 (GMT+7)
Breaking News

Một số thành tựu lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ khi đổi mới đến nay

Thực tiễn đầy biến động của những năm cuối thế kỷ XX đã đặt ra nhiều vấn đề cho việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác phù hợp với điều kiện lịch sử mới của thế giới và thực tiễn của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa như Việt Nam.

Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, công cuộc đổi mới của Việt Nam cùng với sự sụp đổ của Liên Xô đã đặt ra cho các nhà lãnh đạo và những người nghiên cứu lý luận ở Việt Nam nhiều vấn đề về công cuộc đổi mới và về chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện nhiều nước từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa và khẳng định sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô không phải là sự sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội khoa học mà là sự sụp đổ của mô hình cụ thể của chủ nghĩa xã hội. Khẳng định đó có ý nghĩa phương pháp luận hết sức quan trọng; một mặt, góp phần củng cố niềm tin cho Đảng cộng sản và nhân dân Việt Nam vào chủ nghĩa xã hội khoa học, vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, đòi hỏi Đảng và những người làm công tác lý luận phải hoàn thiện, bổ sung những quan điểm lý luận mới, tìm ra một mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

Lý luận của C. Mác về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận quan trọng cho việc vận dụng sáng tạo lý luận trong thực tiễn không ngừng đổi mới của Việt Nam. Công cuộc tìm kiếm mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp thực tiễn phát triển đất nước là công việc lâu dài và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện. Trải qua 36 năm đổi mới, với thực tiễn sinh động, Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định, mục tiêu bao trùm và thể hiện bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ và hợp tác với các nước trên thế giới[1]”. Đây cũng chính là những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội mang bản chất Việt Nam. Những đặc trưng đó không chỉ kế thừa những quan điểm của Mác mà còn là sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng mang những giá trị phổ quát của nhân loại như sự phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, ấm no, tự do, hạnh phúc, tiến bộ, vì sự phát triển của con người, v.v. Như vậy, xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng năm trong tiến trình phát triển tiến bộ của nhân loại, có sự kế thừa và phát triển các giá trị nhân loại.

Để có được xã hội với những đặc trưng như vậy, cần có những quan điểm mang tính đột phá về mặt lý luận. Quan niệm duy vật lịch sử của nghĩa Mác quan niệm rằng, sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên. Quá trình lịch sử tự nhiên được hiểu là sự phát triển tuân theo quy luật khách quan của sự vận động lịch sử, bao hàm cả sự phát triển tuần tự và sự nhảy vọt, bỏ qua một giai đoạn phát triển nào đó với những điều kiện nhất định. Nhưng dù có phát triển nhảy vọt hay rút ngắn đi chăng nữa thì sự phát triển của xã hội vẫn phải kế thừa những thành tựu quan trọng mà xã hội loài người đã đạt được. Thấm nhuần quan điểm đó, thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới của Việt Nam đã minh chứng cho lý luận về sự quá độ lên Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam bỏ qua chế độ phát triển tư bản chủ nghĩa là đúng đắn và sáng tạo. Lý luận về sự bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; có thể nói, là sự bổ sung cho sự phát triển rút ngắn lên Chủ nghĩa hội ở Việt Nam. Theo lý luận đó, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội[2].

Trong lĩnh vực kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng và phát triển quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với những nội dung đầy đủ của nó. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, vận hành đầy đủ theo quy luật của nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phục vụ nhân dân lao động, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực tế đã chứng minh, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không những mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng trình độ phát triển kinh tế. Nhờ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã vượt qua được khủng hoảng về kinh tế trước đổi mới, đạt được mức tăng trưởng kỷ lục không những của Việt Nam mà còn của khu vực và thế giới trong hàng chục năm trước đây và hiện nay. Nếu không có được mức tăng trưởng cao như vậy thì Việt Nam không thể giải quyết tốt các vấn đề kinh tế và xã hội. Có thể nói, kinh tế thị trường là thành tựu văn minh của nhân loại mà trải qua hàng ngàn năm mới có được. Kinh tế thị trường được phát triển mạnh mẽ nhất trong chủ nghĩa tư bản và bản thân chủ nghĩa tư bản sử dụng có hiệu quả của kinh tế thị trường để phát triển kinh tế. Nhưng, ngay trong chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường cũng có nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của từng nước. Bên cạnh những ưu điểm, bản thân kinh tế thị trường cũng mang lại những mặt trái về mặt xã hội. Vì vậy, các nước tư bản luôn điều chỉnh để thích ứng với những đòi hỏi của thực tiễn.

Nếu các nước tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội thì đã có cơ sở vật chất do kinh tế thị trường chuẩn bị và việc đi lên chủ nghĩa xã hội là xuất phát từ tất yếu kinh tế, còn các nước tiền tư bản chủ nghĩa muốn đi lên chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa, một phương thức phát triển cao hơn và một xã hội tốt đẹp chủ nghĩa tư bản, thì không có con đường nào khác là phải phát triển kinh tế thị trường. Có thể nói, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội với một tất yếu chính trị, xã hội và là khát vọng về sự tồn vong và độc lập của dân tộc, trong khi cơ sở kinh tế chuẩn bị cho một xã hội mới chưa có.

Đối với một nước như Việt Nam muốn phát triển rút ngắn lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa thì phát triển kinh tế thị trường là một đòi hỏi tất yếu. Tất nhiên, kinh tế thị trường đã có lịch sử hàng trăm năm và đã bộc lộ đầy đủ những mặt mạnh và mặt yếu của nó. Ý muốn chính trị của các nước đi sau là muốn sử dụng mặt mạnh của kinh tế thị trường. Vì vậy, Việt Nam lựa chọn mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu sử dụng những ưu điểm của kinh tế thị trường và khắc phục những khiếm khuyết vốn có của nó. Như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”[3]. Sự thành công của mô hình kinh tế tổng quát Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phụ thuộc vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý khoa học của Nhà nước và sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân.

Theo đánh giá của một số học giả quốc tế, đây là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử của kinh tế thị trường, cùng với các kiểu kinh tế thị trường đã tồn tại trong lịch sử như kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội hoặc kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Có thể coi, quan niệm về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đúng như Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, việc đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới[4].

Cùng với đột phá đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng và từng bước hoàn thiện mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát của mô hình đó là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo cho sự phát triển đất nước theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đa số nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Có thể nói, nhà nước pháp quyền cùng với kinh tế thị trường là thành tựu của nhân loại mà các nước đều phải vận dụng cho phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội để phát triển. Nhưng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: thực chất của pháp quyền tư sản là công cụ phục vụ và bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, còn nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công cụ thể hiện, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ và đảm bảo lợi ích của đa số nhân dân lao động. Đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân, coi lợi ích của nhân dân là trước hết và trên hết.

Trong mô hình chính trị đó, dân chủ được xem là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu và động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã đi vào thực chất, thực sự trở thành mục tiêu và động lực của công cuộc xây dựng xã hội mới. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và ngoài xã hội là một trong những phương thức để kiểm soát quyền lực.

Như vậy, trong xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng, chúng ta thấy 3 trụ cột hết sức quan trọng, đó là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cả ba trụ cột này đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản. Nếu đối chiếu với các học thuyết của phương Tây về các trụ cột của xã hội thì ta có thể nhận thấy sự kế thừa và sáng tạo cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Chủ nghĩa Mác khẳng định rằng, quần chúng nhân dân là người quyết định và sáng tạo ra lịch sử; xây dựng xã hội chủ nghĩa là xây dựng một xã hội trong đó mình vì mọi người, mọi người vì mình; sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người. Tinh thần nhân văn, nhân bản đó đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển từ khi đổi mới đến nay, đặc biệt trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Điều đó cũng được thể hiện trong 3 trụ cột của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đó là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân,vì nhân dân và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh và động lực của công cuộc đổi mới đất nước. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phát triển văn hóa được định hướng đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng và dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn. Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Phát triển văn hóa, xã hội, con người đồng thời với phát triển kinh tế; không vì mục tiêu phát triển kinh tế mà hy sinh môi trường. Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa và bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường là định hướng chiến lược trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Không chờ đến khi kinh tế phát triển đến trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[5]

Cùng với những đột phá mang tính lý luận như trên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khái quát thành 10 mối quan hệ lớn, mang tính quy luật trong xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đó là các mối quan hệ: (1) quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; (2) giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; (3) giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; (4) giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; (5) giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; (6) giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; (7) giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; (8) giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; (9) giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; (1) giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Tuy nhiên, ngoài 10 mối quan hệ phản ánh mối quan hệ giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như mối quan hệ giữa các mặt của một lĩnh vực xã hội, còn mối quan hệ vô cùng quan trọng, đó là mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung, của công cuộc đổi mới nói riêng.

Mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện là mối quan hệ cần được xác định hết sức rõ trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Lý luận về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã chỉ ra rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng lãnh đạo phải xác định rõ mục tiêu của từng giai đoạn cách mạng, các phương tiện và lực lượng thực hiện mục tiêu đó. Việc nhầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện có thể dẫn đến hậu quả nghiệm trọng hoặc gặp phải những kết quả không mong muốn. Chúng ta có thể đưa ra nhiều ví dụ để chứng minh cho điều đó. Chẳng hạn, nếu cảnh sát giao thông coi mục tiêu của hoạt động người cảnh sát là nâng cao ý thức chấp hành luật của người dân là mục tiêu hoạt động của mình thì việc hướng dẫn, giải thích và đặc biệt là phạt tiền chỉ là những phương tiện. Nhưng nếu coi việc phạt là mục đích thì phạt được càng nhiều và càng tốt mà chẳng cần quan tâm đến việc phạt đó có làm cho người dân chấp hành tốt luật giao thông hay không. Hoặc trong lĩnh vực sản xuất cũng vậy, giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất cũng có mối quan hệ của mục tiêu và phương tiện.

Nếu coi phát triển lực lượng sản xuất là mục tiêu và còn quan hệ sản xuất là phương tiện thì để phát triển lực lượng sản xuất chúng ta có thể lựa chọn các loại quan hệ sản xuất khác nhau ở mỗi thời điểm (có thể sử dụng quan hệ sản xuất tư hữu hoặc công hữu) miễn là phát triển được lực lượng sản xuất chứ không dứt khoát phải sử dụng một loại quan hệ sản xuất nhất định nào đó. Còn nếu coi phát triển quan hệ sản xuất là mục đích thì lại là một việc hoàn toàn khác.

Thêm vào đó, đến Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu đó được cụ thể hóa một cách chi tiết hơn, rõ ràng hơn với những dấu mốc quan trọng của đất nước từ nay cho đến năm 2045. Những mục tiêu cụ thể đó được xác định với các dấu mốc: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển thu nhập cao”[6]. Đây là bước cụ thể hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà nhiều năm qua chúng ta chưa cụ thể hóa được.

Nhờ kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng mà Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua đã đạt được những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế đến văn hóa xã hội, quốc phòng – an ninh và vị thế trên trường quốc tế. Có được vị thế như vậy là vì Việt Nam đã biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện đầy biến động của những năm đầu thế kỷ XXI. Với những thành tựu đã đạt được, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc bảo vệ nền tảng đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng của công tác lý luận.

Lý luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng đã chỉ ra rằng, thực tiễn hay chính xác hơn là kết quả của hoạt động thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, nhưng bản thân thực tiễn lịch sử cũng luôn vận động, biến đổi và phát triển không ngừng theo những quy luật tất yếu, khách quan. Do đó, lý luận về chủ nghĩa xã hội cần thiết phải được bổ sung, hoàn thiện và phát triển cùng với thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ ở một nước mà trên toàn thế giới. Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy một tất yếu mang tính quy luật rằng, sự nghiệp đổi mới toàn diện và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với tính cách một cuộc cách mạng ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu thì sẽ càng đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn mới liên quan đến quan niệm về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đòi hỏi phải được nhận thức, giải quyết một cách kịp thời và thấu đáo. Có như vậy, lý luận mới làm tốt vai trò soi đường, hướng dẫn hoạt động thực tiễn; đồng thời, thực tiễn thường xuyên được tổng kết, đúc rút sẽ góp phần bổ sung, phát triển lý luận khoa học, đó là biện chứng trong mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo chúng tôi, lý luận chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần được tiếp tục tìm hiểu và làm sáng tỏ về mặt lý luận và thực tiễn. Đây là một điều hết sức cần thiết, bởi nhận thức là một quá trình. Chính việc phát hiện những vấn đề mới nảy sinh và tìm cách giải quyết chúng một cách thỏa đáng sẽ góp phần quan trọng vào việc định hình ngày càng chính xác mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, từ đó định hướng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta đi tới thành công. Xây dựng và hoàn thiện quan niệm về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không chỉ là định hình rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ mục tiêu hướng tới, mà còn là căn cứ để xác định các biện pháp, phương thức để hiện thực hóa những mục tiêu đó một cách vững chắc.

GS.TS Phạm Văn Đức

Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam



[1] Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022, tr. 24

[2] Xem: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.128.

[4] Xem: Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.25.

[5] Xem: Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 27.

[6] Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hôi ở Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 53.

...