22/01/2025 lúc 20:53 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong đường lối chiến lược của Đảng, là nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu “xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.

Quan điểm nhất quán đó được Đảng ta tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cần được quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, giai tầng xã hội, địa phương và vùng miền.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư các bản thuộc xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, năm 2023 _ Ảnh: dangcongsan.org.vn

1. Mở đầu

Đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó là giành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.

Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó là kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

2. Quan điểm về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn nhấn mạnh đến vai trò của đại đoàn kết - một giá trị truyền thống quý báu của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc. Xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương xuyên suốt, thống nhất của Đảng ta trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”(1) nhằm đáp ứng những đòi hỏi thực tiễn phát triển đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “nếu biết khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thì con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ vượt qua mọi thác ghềnh, phong ba bão táp, để cập bến bờ vinh quang”(2).

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế, nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/ TW ngày 12-3-2003 của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng ta trong Văn kiện Đại hội XIII về phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra Nghị quyết số 43- NQ/TW, ngày 24-11-2023 “về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” với những quan điểm, mục tiêu cụ thể như sau:

Một là, đại đoàn kết dân tộc là sợi chỉ đỏ, truyền thống quý báu, chủ trương, đường lối quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn góp phần quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở khối liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; có mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân; là cầu nối của nhân dân đối với Đảng; giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc không phải là của một giai cấp, tầng lớp trong xã hội mà là của tất cả người dân Việt Nam không có sự phân biệt giữa các dân tộc, tôn giáo nhằm tạo nên sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội vì sự tiến bộ, hòa bình của nhân loại; từ đó, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; tạo sự thống nhất, đồng thuận giữa “Ý Đảng và lòng dân” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…” nhằm đáp ứng những đòi hỏi thực tiễn phát triển đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hai là, lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; động viên được ý chí, tinh thần chủ động, tích cực của quần chúng nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ba là, thực hiện đại đoàn kết dân tộc phải gắn liền với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, người dân có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển. Nghị quyết đưa ra quan điểm phát huy khối đại đoàn kết dân tộc phải luôn gắn liền với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, nâng cao vai trò, vị thế làm chủ của nhân dân; bảo đảm cho người dân quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng(3); hướng tới thực hiện công bằng, bình đẳng trong xã hội, người dân được thụ hưởng tất cả những thành quả của việc thực thi chính sách trên thực tế.

Bốn là, thực hiện đại đoàn kết dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo và sức mạnh của nhân dân góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng và hệ thống chính trị trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy đoàn kết trong Đảng là trọng tâm nhằm khơi dậy nguồn lực, tiềm năng, sức mạnh, tính sáng tạo của mỗi người Việt Nam góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày một phồn vinh, hạnh phúc.

Trước những đòi hỏi của thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước ta trong điều kiện mới, Nghị quyết đã đưa ra những quan điểm, mục tiêu về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng CNXH.

3. Thực trạng phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 12-2-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã đạt được những kết quả quan trọng:

Một là, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại được thực hiện có hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, người dân được phát huy quyền làm chủ trên thực tế, tích cực tham gia, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Đảng, Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của nhân dân; tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Qua đó, nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy được truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta thời gian qua vẫn còn một số hạn chế nhất định:

Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở một số nơi, việc cụ thể hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa đạt hiệu quả cao, còn mang tính hình thức; chưa phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, chưa thực sự gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân; quyền và lợi ích chính đáng của người dân ở một số nơi chưa được giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Quyền làm chủ của nhân dân ở một số địa phương chưa được bảo đảm; việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chưa được triển khai một cách hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, dẫn đến sự chênh lệch vùng miền lớn. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn. Việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức.

4. Một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là điều kiện quan trọng, tiên quyết góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”(4). Tuy nhiên, quá trình thực hiện, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới: sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, xung đột lợi ích và tác động của những thông tin sai lệch làm xói mòn sự đoàn kết trong cộng đồng. Bên cạnh đó, những tư tưởng cực đoan, kích động, chia rẽ cũng là mối đe dọa ảnh hưởng đến việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Để tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Nghị quyết số 43 - NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Từ đó, thấy được trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện đại đoàn kết dân tộc, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết và ý thức công dân cho quần chúng nhân dân. Thực hiện có hiệu quả các hình thức tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm tác động mạnh mẽ tới đông đảo quần chúng nhân dân lao động về thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, tăng cường thực hiện xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong toàn hệ thống chính trị; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; kịp thời nhận diện và có các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ hai, hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Để xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn đất nước, xuất phát từ nhu cầu, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tạo cơ hội phát triển cho mọi người, giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội. Mỗi giai cấp, tầng lớp đều có những đặc điểm, thế mạnh riêng và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, cần xây dựng và hoàn thiện những chủ trương, chính sách phù hợp đối với mỗi giai cấp, tầng lớp cụ thể như: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân, thế hệ trẻ, người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng phát huy sức mạnh toàn dân tộc.

Thứ ba, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập dân tộc và đi lên xây dựng CNXH. Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội, cần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên; luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường mối gắn bó mật thiết với nhân dân, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự thống nhất giữa “ý Đảng và lòng dân”.

Thứ tư, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo cơ chế khuyến khích, phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước. Tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; bảo đảm người dân có quyền tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, giám sát các hoạt động của chính quyền, từ đó tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận xã hội.

Thứ năm, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn với công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Xây dựng cơ chế công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật, từ đó tạo hành lang pháp lý, điều kiện để nhân dân thực hiện phương châm. Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xã hội; tăng cường đồng thuận xã hội gắn với đề cao ý thức trách nhiệm của công dân. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân; phát huy tinh thần tự lực tự cường dân tộc. Chú trọng đào tạo, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên cho các lĩnh vực then chốt; tập trung nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng chính sách mới có tính đột phá, đặc biệt là trong việc sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài nhằm thu hút nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Mặt trận phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân và đề xuất giải quyết kịp thời những kiến nghị của nhân dân; tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động các nguồn lực của nhân dân tham gia xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ bảy, tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả. Thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phát động người dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, làm tốt công tác tổng kết thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, những điển hình tiên tiến nhằm động viên, khích lệ quần chúng nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng; tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong xã hội; khơi dậy, phát huy tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tám, đấu tranh chống các âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc. Các thế lực thù địch tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những thủ đoạn thâm độc nhằm phá hoại ta từ bên trong. Một trong những thủ đoạn mà chúng thường sử dụng là kích động nhân dân, thổi phồng, khuếch đại các vấn đề nhạy cảm trong xã hội; lợi dụng những yếu kém trong quản lý của một số cấp ủy, chính quyền rồi quy thành bản chất của Đảng và chế độ..., làm cho người dân từ nghi ngờ đến mất lòng tin vào Đảng, chế độ. Chúng còn xuyên tạc một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo để gây dư luận xấu trong nhân dân. Chúng lợi dụng tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung để kích động, lừa bịp thông qua các hoạt động “tôn giáo”, “dân tộc”, tà đạo, đạo lạ..., hòng khiến người dân từ nghi ngờ, dẫn đến mất lòng tin vào Đảng, chế độ, làm suy giảm sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, cần đặc biệt chú trọng nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm công dân, sự đồng thuận xã hội, ý thức, trách nhiệm cộng đồng, tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chống mọi biểu hiện tư tưởng hẹp hòi, cục bộ, chủ nghĩa cá nhân,... không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

5. Kết luận

Như vậy, Nghị quyết số 43- NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” khẳng định Đảng ta ngày càng nhận sức sâu sắc và toàn diện hơn về vai trò của phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại đoàn kết toàn dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là sức mạnh nội sinh quan trọng để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ XHCN để khơi dậy ý chí, tiềm năng, sức mạnh của nhân dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường đồng thuận xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước là điều kiện cơ bản nhằm xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

ThS NGUYỄN HỒNG THẬT
Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh

_________________

(1), (3), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110, 27, 27, 172.

(2), (4) Nguyễn Phú Trọng: Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 17, 15.