16/01/2025 lúc 06:49 (GMT+7)
Breaking News

Một số giải pháp chống gian lận trong giáo dục

VNHN - Đã gần một năm trôi qua kể từ khi phát hiện những gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018, mặc dù các cơ quan chức năng đã có một số hình thức xử lý đối với những người sai phạm, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa đến hồi kết và vẫn cần phải nhắc đến để cho kỳ thi 2019 được tốt hơn.

VNHN - Đã gần một năm trôi qua kể từ khi phát hiện những gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018, mặc dù các cơ quan chức năng đã có một số hình thức xử lý đối với những người sai phạm, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa đến hồi kết và vẫn cần phải nhắc đến để cho kỳ thi 2019 được tốt hơn.

Kết quả điều tra bước đầu tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã phát hiện hơn 200 thí sinh được nâng điểm, nhiều em trong số này đã được vào các trường đại học, có em còn vào trường đại học có danh tiếng. Chỉ sau khi bị phát giác, thì hầu hết các em mới phải rời khỏi mái trường đại học.

Trước đó, một số thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục dính líu đến sự gian lận nâng “điểm” trong kỳ thi vừa qua cũng đã bị xử lý kỷ luật hay bị truy tố. Mặc dù các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm khắc đối với họ, nhưng dư luận vẫn còn bức xúc, đang đòi hỏi các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ thêm những người có liên quan đến sai phạm và yêu cầu các cơ quan phải xử lý nghiêm hơn nữa.

Ai cũng biết rằng từ xưa đến nay, thi cử là một công việc hệ trọng không chỉ cử ngành Giáo dục - Đào tạo mà của toàn xã hội. Trước đây, việc thi cử ở các triều đại phong kiến được thực hiện hết sức nghiêm túc, kỷ luật trường thi rất nghiêm khắc, nếu thí sinh gian lận trong thi cử bị cấm thi vĩnh viễn, bị đòn, có khi còn bị lưu đày; nếu quan coi, chấm thi vi phạm quy chế thi, thì tùy theo mức độ sai phạm mà xử lý từ cách chức, lưu đày, có khi còn phải xử tội chết. Ngày nay, tuy không xử lý nặng nề như thế, nhưng việc thi cử cũng được xã hội coi trọng, đòi hỏi phải có sự công bằng, nếu ai gian lận trong thi cử đều bị xử lý, tùy theo mức độ sai phạm khác nhau mà khiển trách, cảnh cáo, đến cho ra khỏi ngành, có khi phải đi tù. Tuy nhiên, những năm qua hình như việc xử lý gian lận trong giáo dục vẫn chưa đủ độ răn đe, nên mới nảy sinh tình trạng sai phạm nặng nề như kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 vừa qua.

Thi tốt nghiệp THPT - Ảnh minh họa 

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự gian lận trong giáo dục, nhất là trong thi cử, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất có thể là do bệnh thành tích, tệ sính bằng cấp, tuyển dụng người vào các cơ quan công quyền hay đề bạt cán bộ vào các vị trí lãnh đạo còn quá nặng về bằng cấp. Vì thế, mới có tình trạng ở bậc phổ thông nhiều lớp có tới 90% thậm chí nhiều hơn thể là học sinh giỏi; sinh viên tốt nghiệp các các trường đại học, cao đẳng, nhất là những ngành xã hội, kinh tế, tỷ lệ sinh khá giỏi cũng ngày càng nhiều thêm; bảo vệ luận văn thạc sĩ mà bị điểm tám coi như là thất bại… Rồi chuyện “học giả mà bằng thật”, trang bị cho mình đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ ngày càng phổ biến trong xã hội, tất cả đã dẫn đến tệ gian lận trong giáo dục. Và thực tế nhiều năm nay, gian lận trong giáo dục đã trở thành căn bệnh xã hội, ngày càng nặng nề.

Để biện minh cho sự gian lận trong giáo dục, một số người cho rằng “cho điểm, nâng điểm chẳng mất gì, chỉ đem lại niềm vui cho nhau… có người còn cho rằng, đó là sự động viên học sinh”. Tất cả lý do nêu trên chỉ là ngụy biện cho những việc làm sai trái, đó chính là mầm mống, là sự dung dưỡng cho sự gian lận trong giáo dục.

Việc xử lý kỷ luật trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, chắc nhiều người mới có dịp để bình tĩnh suy nghĩ, rút ra một điều vô cùng giản dị, đó là: sống trên cuộc đời này có rất nhiều thứ để trao tặng cho nhau, có thể là vật chất, có thể là tinh thần, nhưng điều quan trọng của sự “cho và nhận” phải thể hiện cho được tấm lòng yêu thương của người cho dành cho người nhận. Nhưng không phải cái gì cũng có thể “cho và nhận” được, bởi vì phải là cái của mình thì mới có thể cho.

Vậy, trong giáo dục “điểm” có phải của thầy cô giáo hay không để mà cho học sinh, sinh viên? Xin thưa, “điểm” là sự đánh giá mức độ tiến bộ, mức độ hiểu biết của học sinh, sinh viên sau một bài học, hay nói rộng ra là mức độ hiểu biết của học sinh, sinh viên sau một quá trình được giáo dục, đào tạo, nên “điểm” không phải của thầy cô giáo.

Như vậy, nếu thầy cô giáo coi “điểm” là của mình để cho học sinh, sinh viên là lấy cái không phải của mình cho người khác, thì thầy cô giáo đã làm hành động sai trái, còn nếu việc cho “điểm” mà ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, “cướp” mất cơ hội học tập của người khác, thì đó là hành động phi pháp. Học trò nhận điểm của thầy cô giáo “cho” là nhận “món quà” sai trái, nếu “món quà” ấy lại ảnh hưởng đến lợi ích của người khác thì đó là “món quà” phi pháp. Thầy cô giáo cho “điểm” không chính đáng là đang thực hiện hành vi tiếp tay, dung dưỡng cho sự dối trá và bản thân thầy cô giáo cũng đang thực hiện một hành vi dối trá; học sinh nhận “điểm” không chính đáng của thầy cô giáo cho mình chính là đang thực hiện hành vi dối trá, tự lừa dối mình, ảo tưởng về năng lực của mình.

Sự bất hạnh mang đến cho những học sinh, sinh viên nhận “điểm” không chính đáng, không chỉ thầy cô giáo tạo nên sự dối trá cho học sinh, sinh viên mà có khi là do thói háo danh, cửa quyền, cậy thế của một vài bậc cha mẹ nào đó, hoặc gây sức ép hoặc mua chuộc thầy cô giáo để nâng “điểm” cho con mình. Sự gian lận trong giáo dục thông qua hành vi cho và nhận “điểm” một cách sai trái và phi pháp, sẽ dẫn đến hậu quả sau này học sinh, sinh viên sẽ lười học, không chịu phấn đấu, họ dùng những mánh lới “mua” đủ loại bằng cấp để “trang bị” cho mình đủ các “tiêu chí”, rồi  bằng con đường nào đó, những học sinh, sinh viên đã quen với thói gian lận trong học tập và

Hậu quả là, bản thân những người dốt nát này sẽ trở thành kẻ phá hoại, kéo lùi sự phát triển của đất nước, có khi gây ra “tội ác” với nhân dân. Với những “sản phẩm” của giáo dục như vậy, thì những thầy cô giáo đã từng “nâng điểm” cho những cán bộ dốt nát ấy có vô can không? Cha mẹ học sinh, sinh viên dùng các tiểu xảo để con mình được thầy cô giáo “nâng điểm” không chính đáng liệu có vô can? Kết cục của hành vi "cho và nhận điểm không chính đáng” của thầy cô giáo và học trò chỉ còn lại sự giả dối và bất hạnh.

 Nếu trong nhà trường và nói rộng ra là xã hội mà còn dung dưỡng cho những thầy cô giáo “nâng điểm không xứng đáng”, thì đó là sự tiếp tay cho sự giả dối, tiêu cực sẽ có điều kiện để nảy nở, xã hội sẽ phải nhận những con người dốt nát và không có đạo đức, đó là mầm mống cho sự bất an và khủng hoảng xã hội

Vì vậy, thầy cô giáo “cho điểm” và học sinh, sinh viên “nhận điểm”; bố mẹ dùng những tiểu xảo để con mình được thầy cô “nâng điểm” không đúng với năng lực của con mình thì thầy cô giáo và bố mẹ học sinh, sinh viên cũng góp phần gây ra sự bất an xã hội, kéo lùi sự phát triển đất nước.

Để có thể chống tệ nạn gian lận trong giáo dục cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, muốn chống tệ nạn gian lận trong giáo dục, trước hết chống tệ nạn xin và cho “điểm”; phải chống bệnh thành tích, phải chấn chỉnh một cách nghiêm khắc phong trào thi đua hình thức trong giáo dục, tuyệt đối không bắt giáo viên đăng ký chỉ tiêu thi đua ngay đầu năm học, trước hết không tổ chức những cuộc thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay.

Hai là, đổi mới căn bản việc tổ chức kiểm tra, đánh giá, nhất là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật nghiêm túc theo hướng, nhà trường chỉ đạo giáo viên tiến hành kiểm tra, đánh giá thường xuyên (kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 45 phút) nghiêm túc, đánh giá thực chất năng lực của người học. Việc tổ chức kiểm tra cuối mỗi kỳ học các trường được thống nhất nhận đề thi được lấy trong ngân hàng đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và chấm điểm nghiêm túc.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cho phép thành lập hệ thống cơ quan kiểm định độc lập, thực hiện nhiệm vụ đánh giá, sát hạch chất lượng học sinh sau cuối mỗi cấp học, với đề thi được lấy từ ngân hàng đề của Bộ GD&ĐT.

Trước mắt, cần đổi mới kỳ thi tốt nghiệp thi THPT hiện nay cả về nội dung và hình thức theo hướng đánh giá năng lực của học sinh, bảo đảm công bằng, phát huy năng lực sáng tạo của người học, người dạy. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phải tổ chức chặt chẽ, kết hợp với công cụ hỗ trợ giám sát, như lắp đặt camera an ninh ở phòng thi và phòng chấm thi; giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày. Thực hiện nghiêm những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 như Bộ GD&ĐT đã công bố. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.

Mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm.

Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT và của các trường đại học, cao đẳng đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do Sở GD&ĐT chủ trì.

Bốn là, không sử dụng điểm học bạ để xét tuyển và các trường đại học, cao đẳng; không xét tuyển học sinh có điểm tốt nghiệp cao; tỷ lệ điểm quá trình trong 3 năm học THPT để tính điểm tốt nghiệp chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số điểm xét tốt nghiệp THPT của thí sinh. 

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tổ chức kiểm tra, đánh giá, nhất là các khâu tổ chức kỳ thi; yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn, phân công cán bộ tham gia tổ chức thi theo đúng quy định của quy chế, bảo đảm không có gian lận trong kỳ thi; Phối hợp với cơ quan công an tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận trong thi cử có sử dụng công nghệ cao. Đặc biệt, cần kỷ luật nghiêm với người “xin điểm” (học sinh hoặc phụ huynh học sinh), giáo viên “cho điểm”, nâng điểm không chính đáng trong quá trình giáo dục, nhất là trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Sáu là, cần làm tốt công tác tuyên truyền để xã hội, nhất là giáo viên phải hiểu “điểm” không phải của thầy cô giáo, mà “điểm” là thước đo đánh giá năng lực của học sinh, nên giáo viên không có quyền cho “điểm” và học sinh và phụ huynh học sinh không thể xin “điểm”. Đồng thời, cho phép thành lập hệ thống cơ quan kiểm định giáo dục và đạo tạo; khuyến khích các hiệp hội ngành nghề xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng độc lập chuyên ngành và tham gia đánh giá, kiểm định chất lượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh, sinh viên cuối bậc học.

Bảy là, Chính phủ quy định người lao động qua đào tạo ở tất cả các ngành, nghề khi tham gia vào thị trường lao động phải có giấy phép hành nghề do các quan kiểm định chất lượng được nhà nước cho phép cấp; quy định với tất cả các cơ quan, đơn vị, cơ sở khi tuyển dụng lao động có giấy phép hành nghề phải sử dụng đúng những quy định trong giấy phép và có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền phạt, hoặc thu giấy phép hoạt động của cơ sở kiểm định chất lượng nếu phát hiện thấy việc xác nhận không đúng với năng lực của người lao động được ghi trong giấy phép. Kết quả kiểm định chất lượng GD&ĐT được công bố trên website của Bộ GD&ĐT, của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội.

Kết quả của việc thay đổi cách đánh giá, kiểm định chất lượng học sinh, sinh viên và cấp giấy phép hành nghề cho người lao động qua đào tạo sẽ có tác động tích đến việc dạy và học trong các nhà trường. Nếu các cơ sở giáo dục mà cho điểm cao khi kiểm định chất lượng cho kết quả thấp thì chứng tỏ cơ sở giáo dục đó không trung thực; hoặc khi kiểm định chất lượng mà số lượng sinh viên được cấp giấy phép hành nghề ít chứng tỏ cơ sở đào tạo đó chất lượng thấp, hậu quả sẽ dẫn tới tuyển sinh được ít, trường sẽ không thể phát triển, thậm chí phải đóng cửa; ngược lại, những cơ sở đào tạo mà tỷ lệ người học qua kiểm định có giấy phép hành nghề đạt cao thì cơ sở đó chất lượng đào tạo tốt, sẽ tuyển sinh được nhiều, nhà trường sẽ phát triển.

Trên đây là những giải pháp góp phần chấn chỉnh việc dạy – học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, khắc phục tệ nạn chạy theo điểm số, không nghiêm túc trong việc đánh giá kết quả của người học, hạn chế những gian lận trong giáo dục; đồng thời cũng buộc các cơ sở kiểm định chất lượng cũng phải nghiêm túc khi đánh giá, kiểm định năng lực của học sinh, sinh viên, nhất là những người tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.