Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Victorovich Volodin đến Việt Nam kể từ sau đại dịch COVID-19, diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga thời gian qua luôn được coi trọng và đạt nhiều thành tựu trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng, văn hóa, khoa học, giáo dục…
Mối quan hệ truyền thống với độ tin cậy cao
Lịch sử cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và với Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của thời đại. Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 30/1/1950, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước sau này.
Quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới sau khi ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày 16/6/1994. Khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga trong thế kỷ XXI đã được chính thức hóa bằng việc ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược nhân dịp Tổng thống Vladimir Putin thăm Việt Nam (từ ngày 28/2 đến 2/3/2001). Năm 2012, với mục đích và mong muốn đưa quan hệ Việt-Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, khuôn khổ quan hệ cao nhất của Việt Nam. Đây là dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.
Trong khuôn khổ quan hệ đó, hợp tác Việt Nam-Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Với nền tảng là tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ chính trị Việt Nam-Nga có độ tin cậy cao, với trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, trong đó có cấp cao, diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác toàn diện giữa hai nước. Điển hình là chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2014; năm 2018); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2016; năm 2019); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (năm 2017); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (năm 2019); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (tháng 11/2021); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự Đại hội sinh thái quốc tế lần thứ 10 tại Saint Peterburg (tháng 5/2023); Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm dự Hội nghị quốc tế lần thứ XI Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh tại Moskva (tháng 5/2023)…
Về phía Nga có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin (năm 2001; năm 2006; năm 2013); Tổng thống Dmitry Medvedev (năm 2010); Thủ tướng Dmitry Medvedev (năm 2012; năm 2015; năm 2018); Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Nga Vyacheslav Volodin (năm 2018); Phó Thủ tướng Chính phủ Nga Dmitry Chernyshenko thăm Việt Nam và đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật (tháng 4/2023); Chủ tịch Đảng "Nước Nga Thống nhất", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev (tháng 5/2023)…
Ngoài các cuộc tiếp xúc trực tiếp, trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo chủ chốt của hai nước vẫn duy trì trao đổi thường xuyên thông qua điện đàm, hội nghị trực tuyến, như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin (tháng 4/2021), Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, Chủ tịch Đảng “Nước Nga Thống nhất” Dmitry Medvedev (tháng 2/2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin (tháng 9/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko (tháng 6/2021)...
Bên cạnh đó, hai bên duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại như Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng... Hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, như: Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN...
Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Hợp tác trên nhiều lĩnh vực đa dạng, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga ngày càng có chiều sâu và đi vào thực chất. Hợp tác kinh tế-thương mại hai nước thời gian qua phát triển năng động. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đã tăng nhanh, đặc biệt từ sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực tháng 10/2016. Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, thành lập từ năm 1992 và được nâng cấp lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011. Gần đây nhất, Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4/2023.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Nga giai đoạn 2018-2020 vào khoảng 4,5 tỷ USD/năm. Riêng năm 2020 đạt 5,7 tỷ USD với cơ cấu trao đổi hàng hóa ngày càng đa dạng và phong phú; năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD; năm 2022 đạt hơn 3,5 tỷ USD và 2,5 tỷ USD trong 9 tháng năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: Điện thoại, thiết bị điện tử, dệt may, giày dép, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: Than đá, lúa mỳ, sắt thép, phân bón, ô tô, máy móc, thiết bị các loại…
Ở lĩnh vực đầu tư, tính lũy kế đến 20/9/2023, Nga đứng thứ 27 trong số 144 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 184 dự án và tổng số vốn đăng ký khoảng 971,78 triệu USD. Đầu tư của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, các Tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Gazprom và Rosneft đang triển khai nhiều dự án tại thềm lục địa Việt Nam, bao gồm tại các khu vực xa bờ, mang lại lợi ích chung cho cả hai nước.
Về hợp tác giáo dục, hàng năm Chính phủ Nga đều gia tăng số lượng học bổng miễn phí dành cho Việt Nam. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang nghiên cứu, học tập tại Nga. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt-Nga tại Việt Nam trên cơ sở tín dụng Nhà nước của Nga. Hai bên thống nhất sớm ký Hiệp định trong lĩnh vực giáo dục trên cơ sở Hiệp định năm 2005, tổ chức Diễn đàn các hiệu trưởng đại học Việt Nam và Nga lần II, phối hợp trong công tác giảng dạy tiếng Việt và tiếng Nga trong thời gian tới.
Ngoài ra, các hoạt động giao lưu văn hóa cũng được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Nga. Hai bên thống nhất triển khai hiệu quả hơn nữa Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2022-2024, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thể thao thành tích cao…
Hợp tác giữa các địa phương tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đặc biệt giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Moskva, Saint Peterburg.
Cộng đồng người Việt Nam với khoảng 60.000-80.000 người hiện đang sinh sống tại Nga, luôn gắn bó và coi Nga là quê hương thứ hai của mình. Tại Liên bang Nga đã thành lập các tổ chức của người Việt như Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội doanh nghiệp, Hội Cựu chiến binh, Hội sinh viên tại Moskva, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Y Dược, Hội võ thuật, các Hội đồng hương…
Tăng cường hợp tác giữa Quốc hội hai nước
Hợp tác giữa Quốc hội hai nước luôn không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp. Quốc hội Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga từ tháng 4/2009 (ký lại vào tháng 3/2013), với Hội đồng Liên bang Nga từ tháng 11/2012.
Năm 2018, trong chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin đã cùng Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân ký Thỏa thuận về việc thành lập Ủy ban hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga. Đây là mô hình hợp tác nghị viện cao nhất, đầu tiên và là duy nhất cho đến nay giữa Quốc hội Việt Nam với một cơ quan lập pháp nước ngoài do Chủ tịch Quốc hội nước ta và Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga là đồng Chủ tịch Ủy ban. Hai bên đã tiến hành Phiên họp thứ nhất Ủy ban hợp tác liên Nghị viện vào tháng 12/2019 tại Nga. Phiên họp thứ hai dự kiến ban đầu diễn ra năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin.
Về hợp tác giữa các nhóm nghị sỹ giữa hai quốc hội, Quốc hội Việt Nam khóa XV đã thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Chủ tịch Nhóm. Hội đồng Liên bang Nga cũng đã thành lập Nhóm hợp tác với Quốc hội Việt Nam do ông A.V.Yatskin, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga làm Chủ tịch Nhóm. Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga cũng đã thành lập Nhóm hợp tác với Quốc hội Việt Nam do ông L.I.Kalashikov, Chủ nhiệm Ủy ban phụ trách về Khối thịnh vượng chung các Quốc gia độc lập (CIS), Hội nhập Á-Âu và Quan hệ Kiều bào, Đảng viên Đảng cộng sản Liên bang Nga làm Chủ tịch Nhóm…
Với truyền thống hữu nghị tốt đẹp, sự tôn trọng, tin cậy sâu sắc và tương trợ lẫn nhau, Việt Nam-Liên bang Nga đã vượt qua nhiều thử thách, đưa quan hệ giữa hai nước vươn đến những bước phát triển mới.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Victorovich Volodin vào ngày 15 và 16/10/2023 sẽ tiếp tục củng cố và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga nói riêng, củng cố sự tin cậy chính trị và thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nói chung; thể hiện sự coi trọng của lãnh đạo hai nước đối với nhau cũng như là điểm nhấn quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga trong bối cảnh hai nước Triển khai Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga đến năm 2030./.
Thông tấn xã Việt Nam