VNHN - Ở Việt Nam, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, đây cũng là quy định của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới quy định Quốc hội (hoặc Nghị viện) là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp hoặc cơ quan thực hiện quyền lập pháp. Do tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của các văn bản luật nên các nước đều quy định quy trình lập pháp rất chặt chẽ, gồm nhiều công đoạn và được tiến hành trong một thời gian dài. Tuy nhiên, quy trình lập pháp chặt chẽ sẽ không phù hợp với các trường hợp văn bản không có tính ổn định cao, do đó, nhiều nước quy định về ủy quyền lập pháp cho cơ quan hành pháp.
Ảnh minh họa
Liên bang Úc
Ở Úc, Nghị viện có thể ủy quyền lập pháp cho Chính phủ, theo đó, cho phép Chính phủ hoặc các bộ trưởng ban hành các quy chế, văn bản pháp quy (Legislative Instruments) để chi tiết hóa và tổ chức thực hiện quy định của luật. Các văn bản pháp quy này có hiệu lực tương tự luật (nghĩa là có hiệu lực pháp lý giống như luật của Nghị viện). Tuy nhiên, việc ủy quyền phải được quy định rõ trong luật. Có trường hợp, luật có quy định về ủy quyền lập pháp yêu cầu Chính phủ khi ban hành quy chế theo ủy quyền phải nhận được sự chấp thuận của cả hai viện mới có hiệu lực. Mỗi năm, Nghị viện Úc thông qua khoảng 166 dự luật. Trong khi đó, cơ quan hành pháp ban hành khoảng 1600 văn bản pháp quy mà không được phép. Vì vậy, tất cả các văn bản pháp quy ban hành với tính chất ủy quyền lập pháp đều phải được trình lên Thượng nghị viện và Hạ nghị viện và có thể không được ủy quyền nếu một trong hai viện bỏ phiếu không cho phép. Thông thường, văn bản pháp quy được ủy quyền này sẽ tự động hết hiệu lực sau 10 năm. Danh sách các văn bản hết hiệu lực tự động sẽ được trình lên hai viện và bất kỳ viện nào cũng có thể biểu quyết cho tiếp tục có hiệu lực. Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát pháp luật của Thượng nghị viện, Ủy ban thường trực của Thượng nghị viện thường xuyên kiểm tra tất cả các văn bản pháp quy không được phép ban hành và nêu các vấn đề của các văn bản đó cho các bộ trưởng liên quan. Nếu vấn đề không được giải quyết thì Ủy ban có quyền đề nghị Thượng nghị viện không cho phép ủy quyền.
Cộng hòa Liên bang Đức
Ở Đức, vấn đề ủy quyền lập pháp cũng được ghi nhận trực tiếp trong Hiến pháp. Theo quy định tại Điều 80 của Hiến pháp, cơ quan lập pháp (Nghị viện liên bang) có thể ủy quyền cho cơ quan hành pháp ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm bổ sung và thực hiện một đạo luật gốc. Điều này có ý nghĩa là có thể giảm thiểu các quy định chi tiết trong các đạo luật liên bang hoặc có thể làm cho các quy định pháp luật thích ứng nhanh với những thay đổi của xã hội. Về chủ thể được ủy quyền lập pháp: Theo quy định tại khoản 1 Điều 80 của Hiến pháp, chủ thể được ủy quyền lập pháp gồm: (1) Chính phủ liên bang; (2) Bộ trưởng liên bang; (3) Chính phủ tiểu bang. Việc ủy quyền lập pháp phải được quy định trong đạo luật liên bang. Nội dung, mục đích và phạm vi ủy quyền phải được xác định rõ trong đạo luật đó. Các văn bản được ủy quyền lập pháp phải chứa đựng nội dung về cơ sở pháp lý (đạo luật ủy quyền). Hiến pháp quy định, trường hợp đạo luật ủy quyền quy định cho phép ủy quyền tiếp, thì việc ủy quyền tiếp phải được quy định trong văn bản ủy quyền.
Cộng hòa Kyrgyzstan
Theo Điều 68 Hiến pháp Cộng hòa Kyrgyzstan, Thượng Nghị viện, Hạ Nghị viện có thể ủy quyền lập pháp cho Tổng thống trong khoảng thời gian không quá một năm. Tổng thống của Cộng hòa Kyrgyzstan, Chính phủ Cộng hòa Kyrgyzstan có thể ủy quyền một phần quyền lập pháp của mình cho các cơ quan cấp dưới, nếu không trái với Hiến pháp và pháp luật của Cộng hòa Kyrgyzstan. Luật ủy quyền quy định cụ thể cơ quan được ủy quyền, quyền hạn và thời hạn được ủy quyền. Cơ quan được ủy quyền không được ủy quyền lại cho cơ quan khác.
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Luật lập pháp của Trung Quốc quy định, Quốc hội (tên chính thức là Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc) hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể ủy quyền cho Chính phủ tùy yêu cầu của tình hình thực tế mà ban hành văn bản pháp quy hành chính về các vấn đề đó, trừ các vấn đề liên quan đến tội phạm và hình phạt, biện pháp cưỡng chế và chế tài tước quyền lợi chính trị hoặc hạn chế quyền tự do của công dân và hệ thống tư pháp. Quyết định ủy quyền phải nêu rõ mục đích, nội dung, phạm vi và thời hạn ủy quyền, các nguyên tắc mà cơ quan được ủy quyền phải tuân thủ và các vấn đề khác. Cơ quan được ủy quyền phải thực hiện quyền hạn theo đúng mục đích và phạm vi ủy quyền. Thời hạn ủy quyền không quá 5 năm, trừ trường hợp có quy định khác trong quyết định ủy quyền. Trước khi hết thời hạn ủy quyền 6 tháng, cơ quan được ủy quyền phải báo cáo việc thực hiện quyết định ủy quyền cho cơ quan ủy quyền và kiến nghị về việc có ban hành luật có liên quan hay không; nếu việc gia hạn ủy quyền là cần thiết thì có thể đề nghị gia hạn ủy quyền để Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Cơ quan được ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan khác. Sau khi văn bản pháp quy hành chính được ban hành theo ủy quyền đã được kiểm nghiệm trong thực tế và khi đủ điều kiện để ban hành luật để quy định về vấn đề đó thì Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải kịp thời ban hành luật. Quyết định ủy quyền nói trên hết hiệu lực ngay sau khi luật được ban hành.
Có thể nói rằng việc nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia trên thế giới là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tháo gỡ một số vướng mắc trong việc thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thời gian qua; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng./.