25/12/2024 lúc 07:19 (GMT+7)
Breaking News

Mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Quản lý phát triển xã hội là mối quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các quốc gia. Ở Việt Nam, khái niệm Quản lý phát triển xã hội lần đầu tiên được đưa vào trong văn kiện Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong 15 nội dung quan trọng của Báo cáo Chính trị Đại hội XII, với tiêu đề “Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.
Lễ cưới tập thể dành cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại các khu công nghiệp ở TP.HCM do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức. Ảnh: Tư liệu 

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định:” Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”[1].

Bài viết này sẽ phân tích những nội hàm của quản lý xã hội nhằm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, trên cơ sở đó đề xuất chính sách quản lý phát triển xã hội cho giai đoạn tới.

1. Các nhân tố trong quản lý sự phát triển xã hội ở Việt Nam

  • 1.1.Mục tiêu phát triển của đất nước

Mục tiêu xuyên suốt đối với sự phát triển đất nước là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, được nêu trong Văn kiện Đại hội X cũng như được khẳng định trong Cương lĩnh 2011 của Đảng. Mục tiêu này mang tính bao trùm, liên quan đến sự phát triển của quốc gia, xã hội và người dân. Dựa trên cơ sở mục tiêu xuyên suốt này, những mục tiêu tổng quát được đặt ra cho phù hợp với ưu tiên phát triển của Việt Nam trong từng giai đoạn. Mục tiêu tổng quát của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 được đặt ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững “…Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa…; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[2].

Nếu như tăng trưởng nhanh có thể được đo bằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thì tăng trưởng bền vững là một khái niệm rộng hơn, bao hàm các chiều cạnh khác nhau là bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội.

Bền vững về kinh tế trên cơ sở tạo lập và duy trì ổn định vĩ mô đóng vai trò hết sức quan trọng. Kinh nghiệm quốc tế do nhiều nghiên cứu thực hiện đã chỉ ra rằng, nhiều quốc gia cho dù sớm gia nhập danh sách các nước có thu nhập trung bình, song mắc vào “bẫy thu nhập trung bình” thậm chí ở nấc thấp do không duy trì được tăng trưởng bền vững bởi những bất ổn vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế kiểu “giật cục” (có những năm tăng cao song có những năm lại bị sụt giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng) do môi trường vĩ mô không ổn định là một trong những nguyên nhân quan trọng làm chậm lại quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cản trở việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, với hệ quả là những nước này bị mắc trong bẫy thu nhập trung bình ở mức thấp[3]. Sự ổn định trong tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng là một phần của nội dung bền vững của tăng trưởng kinh tế, là một nội dung quan trọng của các chương trình cải cách cơ cấu ở trên thế giới.

Bền vững về môi trường là mục tiêu rất quan trọng, đặc biệt khi biến đổi khí hậu hiện nay đang là một trong những vấn đề nóng bỏng trong chương trình nghị sự toàn cầu. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII là “(6) Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân là mục tiêu hang đầu”[4].

Bền vững về xã hội giúp đảm bảo tăng trưởng sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai nhờ góp phần vào duy trì ổn định xã hội. Những sự kiện diễn ra trong giai đoạn gần đây trên thế giới như “Mùa xuân A rập”, phong trào “Chiếm phố Uôn”, những sự bất ổn định xã hội ở Hy Lạp hay nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng như những kinh nghiệm quốc tế trong quá khứ cho thấy ổn định xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng trên quĩ đạo nhanh trong dài hạn[5].

Dưới góc độ quản lý sự phát triển của xã hội, những mục tiêu trên có thể được khái quát là thúc đẩy tăng trưởng bao trùm (inclusive growth)[6], tức là không những chỉ là duy trì tốc độ tăng trưởng cao mà còn đảm bảo để mọi người dân được tham gia và hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau[7]. Tăng trưởng bao trùm được nhiều chuyên gia diễn giải như là mô thức tăng trưởng không những chỉ giúp giảm nghèo như trong mô thức tăng trưởng vì người nghèo (pro-poor growth) mà còn giúp cho những nhóm dân cư khác vươn lên cải thiện cuộc sống đồng thời đảm bảo an ninh kinh tế cho tất cả mọi người[8].Trên thế giới, mô thức tăng trưởng và phát triển này được đề cập rộng rãi trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giúp làm nổi bật các vấn đề về công bằng kinh tế khi xây dựng các chiến lược tăng trưởng mới ở nhiều quốc gia. Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 đã cụ thể hóa mục tiêu của tăng trưởng bao trùm thông qua ba trụ cột: (i) tạo cơ hội việc làm có năng suất (productive employment) nhằm nâng cao thu nhập của người dân; (ii) nâng cao năng lực nắm bắt cơ hội của mọi người dân thông qua mở rộng độ bao phủ và cải thiện chất lượng của các dịch vụ xã hội; và (iii) nâng cao khả năng chống chọi đối phó với rủi ro của mọi người dân thông qua việc củng cố hệ thống an sinh xã hội[9].

Với những diễn biến ở khu vực Trung Đông trong những năm gần đây, nơi mà bạo động và hỗn loạn xã hội đang ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và cuộc sống của người dân, mục tiêu đảm bảo an ninh được mở rộng vượt ra khỏi an ninh kinh tế và môi trường mà bao gồm an ninh con người cũng như các khía cạnh phi truyền thống khác như an ninh trên không gian số (cyber security, thường được gọi là an ninh mạng) trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên số. An ninh, tăng trưởng và công bằng tạo nên ba chiều quan trọng của mục tiêu phát triển[10].

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII là “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diên đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[11].Như vậy quản lý sự phát triển xã hội một cách hiệu quả vừa là một nội dung trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đồng thời cũng là một công cụ để thúc đẩy việc thực hiện các nội dung khác để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII của Đảng.

  • 1.2.Sự thay đổi của cơ cấu xã hội ở Việt Nam

Cơ cấu xã hội có thể được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau: (i) giai cấp (công nhân, nông dân, trí thức); (ii) giới tính (nam hay nữ); (iii) dân tộc… Tuy nhiên, trong nhiều nghiên cứu hàn lâm và báo cáo của các tổ chức phát triển có xu hướng chia xã hội ra các nhóm theo mức thu nhập: nghèo, trung lưu, giàu để phục vụ cho việc xây dựng các chiến lược tăng trưởng và phát triển bao trùm, giúp không để ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là cách tiếp cận được sử dụng trong phân tích về quản lý sự phát triển xã hội ở trong báo cáo này. Trong quá trình phân tích, các chiều cạnh khác như dân tộc, trình độ học vấn… sẽ được lồng ghép đối với từng nhóm thu nhập.

Nhóm nghèo và cận nghèo giảm mạnh, nhóm trung lưu đang hình thành và phát triển nhanh chóng

 Ở Việt Nam, giảm nghèo nhanh được công nhận rộng rãi là một trong những thành tựu lớn sau 35 năm Đổi Mới. Đây là kết quả của tăng trưởng nhanh cũng như của việc chia sẻ rộng rãi kết quả tăng trưởng đến mọi người dân. Cùng với giảm nghèo, một kết quả quan trọng khác của tăng trưởng bao trùm được duy trì trong giai đoạn vừa qua[12] ở Việt Nam là sự xuất hiện và phát triển khá nhanh của tầng lớp trung lưu - điều cho đến những năm gần đây vẫn còn ít được đề cập trong giới chuyên môn cũng như bởi mạng lưới truyền thông. Trong khi đó, sự mở rộng của tầng lớp trung lưu ngày càng được nhiều chuyên gia trên thế giới sử dụng như một thước đo về sự công bằng và tăng trưởng bao trùm.

Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm ”Tăng trưởng vì mọi người” áp dụng các ngưỡng thu nhập được nhiều nghiên cứu quốc tế sử dụng để chia toàn bộ dân cư thành 5 nhóm theo mức thu nhập:  Nhóm nghèo, với thu nhập bình quân đầu người dưới USD 2/ngày; nhóm cận nghèo, với thu nhập USD 2-4/người/ngày; nhóm trung lưu lớp dưới, với thu nhập USD 4-10/người/ngày; nhóm trung lưu lớp trên, với thu nhập USD 10-13/người/ngày; và nhóm có mức thu nhập cao, với trên USD 13/người/ngày (tất cả đều tính theo ngang giá sức mua năm 2005 của Ngân hàng Thế giới - USD 2005 PPP). Nhóm trung lưu lớp dưới được một số nghiên cứu quốc tế gọi là “nhóm trung lưu của các nước đang phát triển”[13], trong khi đó nhóm trung lưu lớp trên được các chuyên gia gọi là “tầng lớp trung lưu toàn cầu – global middle class”[14]

Phân tích số liệu Điều tra hộ gia đình được thực hiện trong Báo cáo này cho thấy tỷ trọng dân cư thuộc nhóm trung lưu lớp dưới tăng nhanh chóng từ 28,4% năm 2004 lên 47,8% năm 2012. Tầng lớp này từ nhóm dân cư lớn thứ ba năm 2004 đã trở thành nhóm dân cư lớn nhất năm 2012. Tỷ trọng của nhóm dân cư nghèo và cận nghèo giảm dần, tương ứng từ 26,7% và 38,8% năm 2004 xuống còn 12,4% và 26,1% năm 2012. Tỷ trọng của nhóm dân cư trung lưu lớp trên và nhóm dân cư có mức thu nhập cao gộp lại cũng tăng gấp đôi, từ 6,1% năm 2004 lên 13,1% năm 2012[15].

Phân tích số liệu cập nhật nhất của cuộc điều tra hộ gia đình năm 2016 dựa trên chuẩn nghèo quốc gia[16] cũng khẳng định việc Việt Nam duy trì được tốc độ giảm nghèo ấn tượng: tỷ lệ nghèo tính theo thu nhập giảm từ 12,6% năm 2012 xuống chỉ còn 7% năm 2016. Các con số này đối với nghèo tính theo chi tiêu và nghèo đa chiều tương ứng là 17,2% và 18,1% năm 2012, xuống còn 9,8% và 10,9% năm 2016.

Như vậy, dù sử dụng các phương pháp tính toán khác nhau song các kết quả đều cho thấy những thay đổi quan trọng trong cơ cấu xã hội ở Việt Nam: từ một nước nghèo với nhóm người nghèo và cận nghèo chiếm đa số, cùng với việc Việt Nam ra khỏi danh sách các nước nghèo để gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp (lower middle-income country) vào cuối những năm 2000,  trong xã hội Việt Nam, nhóm trung lưu lớp dưới (lower middle class) đang dần chiếm đa số, và tầng lớp trung lưu lớp trên đã xuất hiện, chiếm tỷ trọng trên 10% tổng dân số.

Bên cạnh thông tin quan trọng về sự thay đổi cơ cấu xã hội như được nêu ở trên, có hai thông tin khác cũng thực sự hữu ích để hiểu được sự thay đổi trong xã hội Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đó là (i) đặc tính của các nhóm xã hội; và (ii) ai là những người vươn lên trong nấc thang thu nhập và ai là những người chuyển động theo chiều ngược lại, tức là vấn đề được các chuyên gia gọi là cơ động xã hội[17] (social mobility). Thúc đẩy sự cơ động xã hội theo hướng đi lên (upward social mobility) đối với mọi nhóm xã hội và mọi người dân là một nội dung quan trọng của tăng trưởng bao trùm và cũng là một trong những mục tiêu của quản lý sự phát triển xã hội.

Liên quan đến câu hỏi thứ nhất, trên cơ sở phân tích số liệu điều tra hộ gia đình của Tổng cục Thống kê, Báo cáo phát triển con người 2015 đưa ra mô tả chi tiết về các đặc điểm chính của các nhóm thu nhập khác nhau - chia theo khu vực địa lý, thành thị và nông thôn, dân tộc, trình độ học vấn, loại việc làm, thu nhập từ việc làm và tiếp cận hệ thống an sinh xã hội chính thức. Mô tả chi tiết này cho thấy dân số đô thị chỉ chiếm 29,6% tổng dân số, nhưng chiếm 35,6%, 53,2% và 51,9% trong số các nhóm trung lưu lớp dưới, trung lưu lớp trên và nhóm có thu nhập cao. Theo vùng địa lý, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ chiếm tỷ lệ lớn trong ba nhóm thu nhập này, trong khi đó đồng bằng sông Cửu Long lại chiếm tỉ trọng cao trong nhóm người cận nghèo. Đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao trong nhóm người nghèo, và do đó, họ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong nhóm trung lưu và các nhóm thu nhập cao. Trên 50% người có thu nhập cao nhất trong các hộ nghèo và cận nghèo chỉ học hết tiểu học hoặc thấp hơn, và trên 68% những người này làm nông nghiệp[18].

Liên quan đến câu hỏi thứ hai, Báo cáo này cho thấy trong giai đoạn 2010-2012, có 41,4% người cận nghèo chuyển lên nhóm trung lưu lớp dưới và 11,2% đã rơi trở lại nhóm nghèo. Sự chuyển dịch đi lên đối với nhóm trung lưu lớp dưới khó khăn hơn so với việc rơi xuống nhóm cận nghèo: 8,6% thành công để chuyển dịch đi lên, so với 12,2% trở thành người cận nghèo. Nói cách khác, cho dù đạt được nhiều thành tích trong giảm tỷ lệ nghèo cũng như tỷ lệ cận nghèo, ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cản trở sự vươn lên của nhóm trung lưu lớp dưới để trở thành những người thuộc nhóm trung lưu lớp trên hoặc thu nhập cao24.

Hướng tới tương lai, Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam đưa ra dự báo là Việt Nam sẽ gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập trung bình cao (upper middle income country) và đi cùng với đó sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu lớp trên (upper middle class) trong xã hội, từ 11% tổng dân số năm 2015 lên trên 50%, tức là hơn một nửa dân số vào năm 2035[19]. Trong khi đó, nhóm nghèo giảm từ khoảng 8% năm 2015 xuống chỉ còn khoảng dưới 0,5%  vào năm 2035, nhóm cận nghèo và nhóm tiêu dùng mới nổi (emerging consumer) có tỷ lệ tương ứng khoảng 25% và 56% xuống còn tương ứng khoảng 4% và 45% vào năm 2035[20].Báo cáo này cũng dự đoán rằng nhóm nghèo và cận nghèo sẽ tập trung chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số, có những điều kiện hạn chế trong việc kết nối với thị trường trong nước và thế giới cũng như với phần còn lại của dân số do những điều kiện khó khăn về vị trí địa lý, hàng rào ngôn ngữ v.v… Đây là những sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu xã hội, có tác động lớn đến mô hình quán lý phát triển xã hội ở Việt Nam.

Song song với sự chuyển dịch cơ cấu xã hội theo các nhóm thu nhập, già hóa dân số như là một sự chuyển dịch cơ cấu về tuổi tác cũng nổi lên như là một thách thức đáng kể của Việt Nam trong giai đoạn tới. Lợi tức dân số vàng (demographic dividend) của Việt Nam đang qua đi nhanh chóng, vấn đề già hóa dân số đang cận kề: theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng lực lượng lao động trong 3 năm 2014-2016 chỉ là 0,75%/1 năm, như vậy chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức tăng trung bình trên 2% trong những năm của thập niên trước. Nhìn về tương lai, vào năm 2035, tỷ lệ những người già sống phụ thuộc (tức là những người 65 tuổi trở lên),ở độ tuổi 15-64 sẽ tăng lên 21.8%, từ con số  9.6% hiện nay và dân số trong độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm tính theo con số tuyệt đối[21]. Điều này sẽ tạo nên những ràng buộc chặt trên thị trường lao động cũng như những áp lực lớn đối với hệ thống an sinh xã hội. Vấn đề “chưa giàu đã già” đang tạo nên một thách thức lớn đối với việc quản lý sự phát triển xã hội ở Việt Nam.

Các nhóm khác nhau trong xã hội có những cơ hội, thách thức khác nhau và nhu cầu đa dạng

  • Nhóm nghèo và cận nghèo

Nhóm này có xu hướng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc phi chính thức có năng suất và giá trị gia tăng thấp và chủ yếu sống ở khu vực nông thôn[22]. Nhóm nghèo và cận nghèo cũng tập trung ở nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ nghèo rất cao như H-mông (65,9% năm 2016). Một số nhóm đồng bào thiểu số khác có mức sống cao hơn và tỷ lệ nghèo thấp hơn (Khmer: 7,9%; Mường: 13,6%; Tày: 14,5% vào năm 2016), song các tỷ lệ nghèo này vẫn còn cao hơn đáng kể so với đồng bào người Kinh, ở mức tương đối thấp là 2,9% năm 2016. Sự dai dẳng của nghèo đói ở nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số là do tác động của một loạt các yếu tố: rào cản về xã hội, văn hoá và ngôn ngữ; cô lập về địa lý và tính di động thấp; tiếp cận với đất đai có chất lượng còn hạn chế; trình độ học vấn thấp; sức khoẻ và dinh dưỡng kém, tiếp cận các dịch vụ xã hội còn hạn chế. Định kiến về sự lạc hậu đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng tạo ra rào cản:  ví dụ, một cuộc điều tra của Viện Dân tộc phát hiện ra rằng các nhân viên của ngân hàng ở Đăk Lăk cho rằng người Êđê có mức độ tín nhiệm tín dụng thấp, qua đó tạo thêm rào cản đối với việc tiếp cận tín dụng của đồng bào dân tộc[23].

Với cách tiếp cận nghèo đa chiều, phân tích số liệu điều tra hộ gia đình năm 2016 cho thấy những chiều cạnh thiếu hụt lớn nhất của người nghèo nói chung và nhóm đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là điều kiện sống (nhà tiêu hợp vệ sinh, đun nấu bằng rơm, rạ) và chất lượng nhà ở thấp, với thiếu hụt theo các chiều cạnh này đóng góp trên 50% sự gia tăng của chỉ số nghèo đa chiều chung[24].  Đây là những lĩnh vực mà Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ để đảm bảo thực thi hiệu quả quản lý phát triển xã hội.

  • Nhóm trung lưu lớp dưới

Trên thế giới, nhóm trung lưu lớp dưới đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định (hay bất ổn định) về chính trị và xã hội ở nhiều quốc gia. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy không phải nhóm nghèo và cận nghèo mà chính sự bất mãn của nhóm trung lưu lớp dưới đã kích hoạt các sự kiện trong “Mùa xuân A rập”, làm rung chuyển nền chính trị ở vùng Trung Đông[25].Nghiên cứu này cũng chỉ ra  một trong những lý do là các khoản trợ cấp cũng như chương trình an sinh xã hội tuy mang lại nhiều lợi ích cho nhóm 40% người có thu nhập thấp nhất (tức là những người nghèo và cận nghèo) song những người thuộc nhóm 40% thu nhập tiếp theo lại không được hưởng lợi nhiều từ các chương trình này. Trong khi đó khả năng tiếp cận việc làm, dịch vụ xã hội của họ bị suy giảm, cộng với trách nhiệm giải trình thấp của chính quyền các nước trong khu vực này đã dẫn đến việc các nhóm này kích hoạt các cuộc nổi dậy của nhân dân.

Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy nhóm trung lưu lớp dưới cũng đóng vai trò quan trọng trong sự kiện Brexit[26] làm rung chuyển nền chính trị ở châu Âu, cũng như là lực lượng có đóng góp đáng kể vào thắng lợi của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016[27] làm rung chuyển nền chính trị của quốc gia giàu có nhất thế giới này. Trong cuộc bầu cử tổng thống đó, nhóm trung lưu lớp dưới ở Mỹ đã thể hiện sự bất bình của mình với giới tinh hoa bằng việc không bỏ phiếu cho ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hilary Clinton do họ bị bỏ lại phía sau trong quá trình toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ[28]. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả bầu cử gây nhiều bất ngờ vì chính phủ của tổng tống Obama thuộc đảng Dân chủ đã có công lớn giúp nước Mỹ vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhanh nhất trong số các quốc gia phát triển bị ảnh hưởng, với tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh từ mức cao gần 10% trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng xuống dưới 5% - một mức được coi là toàn dụng lao động.

Ở Việt Nam, tầng lớp trung lưu lớp dưới chiếm khoảng 50% dân số, và tuy nhóm này có thu nhập đã vượt qua các ngưỡng nghèo và cận nghèo song vẫn còn gặp nhiều thách thức. Trong nhóm này, 64,5% sống ở khu vực nông thôn. Về nghề nghiệp,61,4% những người thuộc nhóm này làm việc trong nông nghiệp hoặc trong lĩnh vực phi chính thức có năng suất và thu nhập thấp (trong đó có 19,2% làm trong nông nghiệp)[29]. Chính tỷ lệ đáng kể này đã tạo nên một số lượng không nhỏ những người được xếp vào “nhóm ở giữa bị bỏ sót” (“the missing middle”)[30], tức là đứng ở vị trí giữa trong xã hội nếu xét theo thu nhập đầu người song lại bị bỏ sót trong hệ thống an sinh xã hội chính thức: họ không có bảo hiểm xã hội do không làm việc trong khu vực chính thức; họ cũng không thuộc diện nghèo hay cận nghèo để có thể được nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước (như tín dụng ưu đãi, trợ cấp giá điện v.v…), trong khi đó lại không đủ giàu để có thể tự mình đối phó với các rủi ro.

Nhìn về tương lai, những người này không có bảo hiểm xã hội nên sẽ không có lương hưu trong khi tuyệt đại đa số trong nhóm này sẽ “già nhưng chưa giàu”, tạo nên những rủi ro đáng kể cho cá nhân họ cũng như cho xã hội. Trong hiện tại, trong nhóm này có không ít những người di cư với khả năng tiếp cận việc làm, đăng ký xe máy, con cái tiếp cận giáo dục… còn nhiều hạn chế. Nhiều người trong số họ làm việc tại khu vực phi chính thức ở đô thị như xem ôm, thợ hồ, làm công trong các hộ kinh doanh không có đăng ký… gặp nhiều rủi ro về sức khỏe, cũng như việc làm khi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam đang phá vỡ (disrupt) một số ngành, lĩnh vực cũng như thị trường lao động. Đối với 1/3 người thuộc nhóm này hiện đang làm việc ở khu vực chính thức, công việc của họ chủ yếu đòi hỏi kỹ năng thấp và do đó có thu nhập thấp như trong các nhà máy gia công, lắp ráp thuộc các ngành dệt may, giày da, điện tử… Trong tương lai, quá trình số hóa và tự động hóa đang tăng tốc, cũng như tuổi tác sẽ tạo ra những rủi ro đáng kể đối với việc làm của họ. Trong hiện tại, những cuộc biểu tình, bãi công tự phát của công nhân kể từ giữa những năm 2000 đã gia tăng về số lượng cũng như qui mô, với số lượng lớn các cuộc đình công trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài[31]. Gần đây, những mâu thuẫn giữa lái xe taxi hay xe ôm truyền thống với các lái xe của Uber, Grab sử dụng công nghệ ở trên đường phố, giữa lái xe với chủ đầu tư tại các trạm BOT… ở trên các quốc lộ, đang nổi lên như những thách thức liên quan đến quản lý phát triển xã hội trong bối cảnh tầng lớp trung lưu lớp dưới còn có nhiều bức xúc.

  • Nhóm trung lưu lớp trên

Trên thế giới, nhóm trung lưu lớp trên (upper middle class) là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và phát triển ở nhiều quốc gia. Các nghiên cứu chỉ ra một loạt các kênh mà nhóm trung lưu lớp trên ảnh hưởng đến sự phát triển của các quốc gia. Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy nhóm trung lưu lớp trên đóng góp nhiều cho những ý tưởng kinh doanh mới[32]. Các hộ gia đình trung lưu thường có xu hướng đầu tư tích luỹ vốn con người (trình độ, kỹ năng) nhiều hơn và có mức tiết kiệm cao hơn so với các nhóm khác[33], trong khi đó đây là những các đầu vào quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tầng lớp trung lưu lớp trên cũng có đóng góp đáng kể vào việc tạo ra thị trường tiêu thụ các sản phẩm lâu bền nói riêng[34], cũng như đóng góp vào tăng trưởng tiêu dùng trong nước nói chung. Nhóm trung lưu lớp trên cũng tích cực tham gia vào đời sống chính trị và xã hội của quốc gia[35]. Nhóm này, cùng với nhóm trung lưu lớp dưới thường được coi là xương sống của bất kỳ xã hội nào.

Theo chiều ngược lại, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy tầng lớp trung lưu lớp trên cũng có những yêu cầu khắt khe hơn so với những nhóm khác, đòi hỏi Nhà nước với tư cách là chủ thể quản lý phải có trách nhiệm giải trình cao hơn và cung cấp cơ hội việc làm cũng như dịch vụ công với chất lượng tốt hơn. Khác với nhóm giàu có, nhóm trung lưu trên vẫn còn có khá nhiều bức xúc liên quan đến chất lượng việc làm, thu nhập, chất lượng giáo dục, y tế, sự tham gia vào đời sống chính trị - xã hội… Khác với nhóm nghèo và cận nghèo, thậm chí là nhóm trung lưu lớp dưới, với việc kiếm sống, kế sinh nhai hàng ngày là ưu tiên hàng đầu, và cũng không có nhiều kỹ năng để thể hiện những bức xúc của mình, nhóm trung lưu lớp trên – những người đã vượt qua những nỗi lo “cơm áo” hàng ngày, có mối quan tâm đến những vấn đề “cao cấp hơn” liên quan đến chất lượng cuộc sống được đo trên nhiều chiều cạnh. Họ cũng có có nhiều kỹ năng và công cụ hơn để thể hiện những bức xúc nói riêng và những mối quan tâm của mình nói chung.

Ở Việt Nam, như đã nêu trên, nhóm trung lưu lớp trên hiện chiếm tỷ trọng trên 10% dân số xã hội. Trên 50% số người trong nhóm này sống ở khu vực đô thị, trên 60% có trình độ từ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, trong đó có trên 30% đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng. Có trên 45% số người trong nhóm này làm việc trong khu vực chính thức, có thu nhập tốt và có bảo hiểm xã hội[36]. Mối quan tâm của nhóm này khá rộng, bao gồm nhiều vấn đề như chất lượng việc làm, chất lượng y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, tham nhũng, bất bình đẳng…

Tuy chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong xã hội song nhóm này có tiếng nói có tầm ảnh hưởng đáng kể và có xu hướng ngày càng gia tăng trong xã hội. Điều này có được là nhờ nhóm này có những kỹ năng cũng như công cụ để thể hiện mối quan tâm, bức xúc của mình. Về công cụ thể hiện, bằng sự ngẫu nhiên, sự xuất hiện của nhóm trung lưu lớp trên trong xã hội Việt Nam cũng diễn ra đồng thời với sự xuất hiện của mạng truyền thông xã hội (social media), một trong những sản phẩm điển hình của Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (CMCN 4.0). Mạng truyền thông xã hội đang ngày một lấn lướt truyền thông truyền thống (báo chí, truyền hình…) ở nhiều nước trên thế giới[37]. Ở Việt Nam, trong không ít trường hợp truyền thông chính thống đi sau mạng truyền thông xã hội. Những xung đột giữa nhóm trung lưu lớp trên với các chủ đầu tư dự án đô thị, những thông tin liên quan đến bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn mà dựa vào thân quen, hậu duệ… cũng chủ yếu được xuất phát các bài viết, phản ánh, bình luận… của những người thuộc nhóm trung lưu lớp trên trong các trang của mạng truyền thông xã hội.

Một nhóm khác, nhỏ về số lượng, là nhóm người giàu và siêu giàu. Không ít trong số họ giàu lên nhờ những bất cập về thể chế và chính sách, có những tài sản lớn một cách bất thường. Tuy nhiên một phần đáng kể những người trong nhóm này có đóng góp cho sự phát triển đất nước nhờ sự sáng tạo, tinh thần doanh nhân, tạo ra các doanh nghiệp thương hiệu Việt nên cần được khuyến khích phát triển mạnh mẽ.

Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Trong nền kinh tế, khu vực FDI, và đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia càng ngày càng quan trọng trong cả tăng trưởng, xuất khẩu cũng như đối với quá trình hoạch định chính sách ở Việt Nam. Sự hiện diện này không chỉ tạo ra những tác động tích cực mà còn có những hiệu ứng tiêu cực như chuyển giá, ảnh hưởng môi trường, hay tác động lên chính sách có thể tạo ra bất lợi đối với các doanh nghiệp trong nước. Đây là điều cần tính đến trong việc xây dựng các chính sách để thúc đẩy sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam.

2. Hoàn thiện quản lý sự phát triển xã hội ở Việt Nam

Sau hơn 35 năm Đổi Mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế xã hội to lớn. Việt Nam cũng đã đi được một chặng đường dài trong việc phát triển mô hình quản lý phát triển xã hội, bao gồm các thể chế kinh tế thị trường, hệ thống chính sách, thể chế nhằm củng cố và phát triển hệ thống an sinh xã hội, tăng cường tính minh bạch, chống tham nhũng, củng cố hệ thống chính trị, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào mọi mặt của đời sống chính trị xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, những thách thức mới xuất hiện. Trong những năm gần đây cả tốc độ tăng trưởng kinh tế và cũng như tốc độ cải thiện chỉ số phát triển con người đã suy giảm đáng kể. Về kinh tế, các động lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm – tốc độ cao và kết quả tăng trưởng được chia sẻ rộng rãi, của giai đoạn vừa qua đang tiến tới ngưỡng giới hạn do chủ yếu nhờ vào các thể chế, chính sách huy động tối đa các yếu tố đầu vào cho sản xuất như vốn, đất đai, lao động, tài nguyên thiên nhiên… Trong khi đó, dư địa tăng trưởng theo chiều rộng không còn nhiều: (i) tỷ lệ đầu tư đã ở mức tương đối cao là trên 30% GDP nên khó tăng nhiều; (ii) vấn đề già hóa dân số đang cận kề tạo nên những ràng buộc chặt trên thị trường lao động như đã được nêu ở trên; (iii) nhiều loại tài nguyên đang cạn kiệt. Về xã hội, như được phân tích ở mục 3.2. ở trên, cơ cấu xã hội có những thay đổi đáng kể: (i) tỷ lệ nhóm nghèo và cận nghèo giảm mạnh, song tập trung chủ yếu vào nhóm đồng bào dân tộc thiểu số với những hạn chế về địa lý, ngôn ngữ, trình độ học vấn, các mối quan hệ xã hội; (ii) nhóm trung lưu lớp dưới phát triển mạnh trở thành nhóm đa số song xã hội, tuy về thu nhập xếp hạng đứng ở giữa trong tổng dân số, song lại không tham gia vào hệ thống an sinh xã hội (bị bỏ sót) do chủ yếu làm trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc phi chinh thức; (iii) nhóm trung lưu lớp trên đã xuất hiện, có yêu cầu cao hơn về chất lượng việc làm, giáo dục, y tế, giáo dục, môi trường…, đồng thời có tiếng nói và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn hơn trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước nhờ trình độ, kỹ năng (trong đó có kỹ năng số - digital skills) khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên số.

Nhìn về tương lai, Việt Nam cần đạt được mục tiêu phát triển kép:

      1.Làm thế nào để đất nước không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghệ, được nhiều chuyên gia gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

      2. Làm thế nào để ở Việt Nam không có ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình này.

Trong dài hạn, hai mục tiêu này có tương tác cùng chiều: việc đạt mục tiêu đầu (tăng trưởng nhanh) giúp đạt được mục tiêu thứ hai (công bằng xã hội) và ngược lại, công bằng và gắn kết xã hội là điều kiện quan trọng để đảm bảo ổn định chính trị - xã hội – điều kiện tiên quyết để duy trì được tăng trưởng nhanh trong dài hạn. Song trong ngắn hạn, giữa hai mục tiêu có thể có một sự đánh đổi: tăng trưởng nhanh để giúp Việt Nam bắt kịp với thế giới có thể làm gia tăng bất bình đẳng và ngược lại, việc hỗ trợ nhóm người yếu thế có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Có mối quan hệ tương tự giữa tăng trưởng nhanh và tăng trưởng bền vững về môi trưởng: thúc đẩy lẫn nhau trong dài hạn, có thể có sự đánh đổi trong ngắn hạn.

Chính vì có những sự tương tác chặt chẽ với nhau như vậy nên mô hình quản lý phát triển xã hội cần có một nội dung rộng lớn, bao gồm hoàn thiện các thể chế và thực thi quản trị quốc gia đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững như được Đại hội XIII của Đảng đặt ra. Có thể diễn giải mô hình này là đưa tăng trưởng bao trùm lên tầm cao mới, với việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn đi kèm với sự tham gia và hưởng lợi của mọi người dân.

Để đạt được mục tiêu lớn này, về mặt kinh tế, Việt Nam có một chương trình nghị sự kép, đó là:

       1. duy trì ổn định vĩ mô, thực hiện các cuộc cải cách cơ cấu (DNNN, hệ thống ngân hàng, đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh, chống tham nhũng) để giúp cắt giảm chi phí giao dịch và cải thiện tiếp cận các nguồn lực đối với các doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển nông nghiệp – đặc biệt là các phân ngành liên quan đến kế sinh nhai của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

       2. thúc đẩy ứng dụng công nghệ và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo thông qua việc phát triển hạ tầng công nghệ xương sống như viễn thông, Internet, v.v…, phát triển các cụm liên kết ngành, các đô thị đáng sống, thị trường vốn dài hạn, vốn đầu tư mạo hiểm, hệ sinh thái cho sáng tạo, khởi nghiệp, sự kết nối giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo với các doanh nghiệp với Nhà nước tích cực đóng vai trò xúc tác quan trọng

Về mặt xã hội, Việt Nam cũng có chương trình nghị sự kép:

- Tiếp tục thực hiện hỗ trợ giảm nghèo và cận nghèo, đặc biệt là hướng vào nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số; song cần nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án trong bối cảnh dư địa tài khóa đang bị thu hẹp lại đáng kể.

- Đáp ứng những nhu cầu mới của một xã hội trung lưu đang hình thành và phát triển bằng việc:

  1. có những cơ chế mở rộng diện bao phủ của hệ thống an sinh xã hội đối với nhóm trung lưu lớp dưới, giảm bớt rào cản đối với lao động nhập cư, giải quyết tranh chấp giữa người lao động với các doanh nghiệp (trong không ít trường hợp là doanh nghiệp nước ngoài)

  2. đáp ứng tốt hơn nhu cầu cũng như giải quyết tốt hơn những bức xúc của nhóm trung lưu lớp trên liên quan đến chất lượng cuộc sống, nhất là ở khu vực đô thị (an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, chất lượng y tế, giáo dục), tham nhũng, bất bình đẳng về cơ hội

Những kiến nghị này dưới các hình thức và dung lượng khác nhau đã được đưa ra tại nhiều cuộc thảo luận hay trong nhiều báo cáo[38]. Những kiến nghị này hướng tới việc tạo lập và củng cố các nền tảng để thúc đẩy các quá trình thay đổi trong cơ cấu kinh tế, đó là:

  • hoàn tất việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại với khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng;
  • đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ

Về mặt xã hội, hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xã hội trung lưu. Về mặt môi trường, tạo điều kiện để hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng nâu sang tăng trưởng xanh.

Hướng về tương lai, mô hình quản lý phát triển xã hội còn cần tận dụng các cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (digital transformation) để giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến trong kỷ nguyên số. Quá trình chuyển đổi số đi song hành và có tác động tích cực đến 4 quá trình chuyển đổi về kinh tế, xã hội và và môi trường như được nêu trên.

Mặc dù có những thách thức liên quan đến an ninh quốc phòng, tội phạm trên không gian mạng, quyền riêng tư bị xâm phạm, kích động chống đối Nhà nước…, cùng những thách thức liên quan đến những khoảng trống thể chế, đặc biệt là đối với những phương thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ (Uber, Grab trong lĩnh vực vận tải hay Airbnb trong lĩnh vực lưu trú), khối chuỗi (Bitcoin) mà Việt Nam cần giải quyết, những lợi ích của quá trình số hóa là hết sức to lớn.

Từ góc độ quản lý phát triển xã hội, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ giúp tăng cường hiệu quả bộ máy, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tăng cường sự tham gia của người dân vào mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Đây là lý do mà rất nhiều quốc gia, kể cả các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia mới nổi đang đẩy mạnh quá trình số hóa để tạo ra kết nối trong nội bộ Chính phủ (G2G), Chính phủ kết nối với doanh nghiệp (G2B), Chính phủ kết nối với người dân (G2C)[39]. Các quốc gia láng giềng của Việt Nam như Singapore hay Trung Quốc đang thuộc nhóm dẫn đầu thế giới trong việc thúc đẩy quá trình số hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Đặc biệt là gần đây Thái Lan, một nước ở trình độ phát triển không cao hơn Việt Nam nhiều, đang tích cực thực hiện sử dụng dữ liệu lớn vào quản lý quốc gia[40], thể hiện quyết tâm đi tiên phong của Chính phủ quốc gia này trong kỷ nguyên số.

Đẩy mạnh số hóa, ứng dụng mạnh mẽ điện toán đám mây, các nền tảng công nghệ số (platform) trong đó có các mạng truyền thông xã hội, phân tích dữ liệu lớn trong quản lý phát triển xã hội… không những chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn cung cấp những công cụ sắc bén giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả công cuộc chống tham nhũng cũng như chủ trương lớn của Đảng là “nhốt quyền lực vào lồng pháp luật”[41] đang được đẩy mạnh thực hiện, do những công cụ này giúp nâng cao năng lực giám sát của toàn thể xã hội ở nhiều cấp độ, qua đó giúp giảm thiểu tình trạng “trên nóng dưới lạnh”[42]. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số cũng giúp cắt giảm biên chế, tinh giản và nâng cao hiệu quả của bộ máy, giúp thực hiện một Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”[43].

Phương thức quản lý phát triển xã hội với các nội dung nêu trên sẽ giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển của mình. Đó là tăng trưởng nhanh, bền vững - cả về kinh tế, xã hội và môi trường, tạo lập những nền tảng vững chắc để Việt Nam gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam
  2. Acemoglu, D., & Zilibotti, F. (1997).“Was Prometheus unbound by chance? Risk, diversification, and growth - Có phải Prometheus không bị trói buộc bởi sự ngẫu nhiên? Rủi ro, đa dạng hóa và tăng trưởng”. Journal of Political Economy.
  3. Banerjee, A. V., & Duflo, E. (2007). “The economic lives of the poor - Cuộc sống kinh tế của người nghèo”. The Journal of Economic Perspectives: a Journal of the American Economic Association
  4. Chun (2010). “Middle Class in the Past, Present and Future: A Description of Trends in Asia - Tầng lớp trung lưu trong quá khứ, hiện tại và tương lai: Mô tả các xu hướng ở Châu Á”. ADB Economics Working Papers Series No. 217
  5. Doepke, M., & Zilibotti, F. (2007). “Occupational choice and the spirit of capitalism - Sự lựa chọn nghề nghiệp và tinh thần của chủ nghĩa tư bản” No. w12917.National Bureau of Economic Research
  6. Gill và Kharas. (2007). “An East Asian Renaissance: Ideas for Economic Growth - Sự phục hưng của Đông Á: Ý tưởng cho tăng trưởng triển kinh tế”).
  7. J. W. Gough. (1936). “The Social Contract - Khế ước xã hội”. (Oxford: Clarendon Press, 1936)
  8. Kharas, H. (2010). “The Emerging Middle Class in Developing Countries - Tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở các nước đang phát triển”
  9. OECD (2014).“Changing the Conversation on Growth: Going Inclusive - Thay đổi cuộc thảo luận về tăng trưởng: Cần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm”, February 2014. Ford Foundation. New York
  10. OECD (2014). “OECD Regional Outlook: Regions and Cities, where People and Policies Meet - Triển vọng khu vực của OECD: Các vùng và thành phố, nơi con người và chính sách gặp nhau”
  11. VASS-UNDP. 2016. “Growth that Works for All: Vietnam Human Development Report - Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm”
  12. World Bank (2009). “Country Social Analysis: Ethnicity and Development in Vietnam - Phân tích Xã hội Quốc gia: Dân tộc và Phát triển ở Việt Nam”. Washington, DC: World Bank
  13. World Bank. 2015. “Inequality, Uprisings, and Conflict in the Arab World - Bất bình đẳng, bạo động và xung đột trong Thế giới Ả Rập”
  14. World Bank. 2016. “Digital Dividends – Lợi tức số”
  15. World Bank. 2016. “Vietnam 2035: Toward Prosperity, Creativity, Equity, and Democracy - Hướng tới sự thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, và dân chủ”
  16. World Bank. 2017. “Governance and the Law: World Development Report 2017 - Quản trị và Luật pháp: Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2017”
  17. World Bank. 2018. “Riding the Wave: An East Asian Miracle for the 21st Century - Cưỡi sóng: Phép màu của Đông Á trong thế kỷ 21”

 



[1] Văn Kiện Đại hội XIII, tr 147

[2] Văn kiện Đại hội XIII, tr 112

[3] Các chỉ số để giám sát ổn định kinh tế vĩ mô chính bao gồm: (i) tỷ lệ lạm phát (được Tổng cục Thống kê thu thập và công bố hàng tháng); (ii) các cân đối lớn của nền kinh tế bao gồm thâm hụt thương mại (được Tổng cục Thống kê thu thập và công bố hàng tháng), thâm hụt ngân sách (được Bộ Tài chính công bố hàng năm), nợ công và nợ nước ngoài (được Bộ Tài chính công bố hành năm).

[4] Văn kiện Đại hội XIII, tr 116.

[5] Các chỉ số dùng để giám sát bao gồm các kết quả trên thị trường lao động (i) tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị (được Tổng cục Thống kê thu thập và công bố hàng năm); (ii) tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn (Tổng cục Thống kê công bố dựa theo kết quả Điều tra Hộ gia đình 2 năm môt lần); (iii) tiền lương danh nghĩa và thực tế (thông tin không thường xuyên và phải tập hợp từ nhiều số liệu sơ cấp và thứ cấp khác nhau), cũng như các chỉ số về nghèo và bất bình đẳng (được Tổng cục Thống kê tính toán trên cơ sở số liệu Điều tra hộ gia đình được tiến hành 2 năm một lần).

[6] Trong số 17 Mục tiêu phát triển (SDGs) được thông qua tại cuộc họp toàn thể của Liên Hợp Quốc với sự tham gia của 154 nguyên thủ quốc gia vào tháng 9 năm 2015, Mục tiêu 8 kêu gọi "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững, việc làm và công việc tốt cho tất cả mọi người ", và chỉ rõ "tăng trưởng bao trùm và bền vững" là phương thức để chấm dứt đói và nghèo trong mọi chiều cạnh của nó.

[7] Nguồn: OECD (2014).  “Changing the Conversation on Growth: Going Inclusive - Thay đổi cuộc thảo luận về tăng trưởng: Cần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm”, February 2014. Ford Foundation. New York.

[8] Nguồn: World Bank. 2018. “Riding the Wave: An East Asian Miracle for the 21st Century - Cưỡi sóng: Phép màu của Đông Á trong thế kỷ 21”, trang 1

[9] Nguồn: VASS-UNDP. 2016. “Growth that Works for All: Vietnam Human Development Report - Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm”, trang 15

[10] Nguồn: World Bank. 2017. “Governance and the Law: World Development Report 2017 - Quản trị và Luật pháp: Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2017”, trang 4

[11] Văn kiện Đại hội XIII, tr 116

[12] Chỉ số tăng trưởng bao trùm (chỉ số này tích hợp cả tốc độ tăng trưởng thu nhập cũng như mức độ bình đẳng trong phân phối thu nhập) ở Việt Nam trong giai đoạn 2004-2012 tăng 62,5%, 6,3% mỗi năm. Điều này đạt được là do thu nhập tăng trưởng cao ở 60,5% hay 6,1% mỗi năm, đồng thời mức độ bất bình đẳng không thay đổi nhiều (Nguồn: VASS-UNDP. 2016. “Growth that Works for All: Vietnam Human Development Report - Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm”, trang 45-46

[13] Nguồn: Chun (2010). “Middle Class in the Past, Present and Future: A Description of Trends in Asia -Tầng lớp trung lưu trong quá khứ, hiện tại và tương lai: Mô tả các xu hướng ở Châu Á”. ADB Economics Working Papers Series No. 217.

[14] Nguồn: Kharas, H. (2010). “The Emerging Middle Class in Developing Countries - Tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở các nước đang phát triển”

[15] Nguồn: VASS-UNDP. 2016. “Growth that Works for All: Vietnam Human Development Report - Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm”, trang 48.

[16] Theo quyết định của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020, nghèo ở Việt Nam được đo lường bằng cả thu nhập và chỉ số đa chiều. Theo đó, hộ nghèo bao gồm: (i) Có thu nhập bình quân từ chuẩn nghèo trở xuống (700 nghìn đồng khu vực nông thôn và 900 nghìn đồng khu vực thành thị); (ii) Có thu nhập bình quân trên chuẩn nghèo và tới chuẩn cận nghèo (700-1000 nghìn đồng/nông thôn và 900-1300 nghìn đồng/thành thị) và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trở lên (trên tổng số 10 chỉ số).

[17] Cơ động xã hội còn được hiểu theo những chiều cạnh khác như giáo dục, cũng như giữa các thế hệ. Ví dụ như bố mẹ nghèo song con cái lại khá giả, hay bố mẹ ít được học hành song con cái lại có trình độ học vấn cao là những ví dụ về sự cơ động xã hội theo hướng đi lên

[18] Nguồn: VASS-UNDP. 2016. “Growth that Works for All: Vietnam Human Development Report - Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm”, trang 48-49

[19] Nguồn: World Bank. 2016. “Vietnam 2035: Toward Prosperity, Creativity, Equity, and Democracy - Hướng tới sự thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, và dân chủ”, trang 12. Trong Báo cáo này nhóm trung lưu được định nghĩa là những người có thu nhập một ngày lớn hơn 15 USD tính theo ngang giá sức mua năm 2011 (USD 2011 PPP).

[20]Trong báo cáo này, nhóm nghèo được định nghĩa bao gồm những người có thu nhập một ngày dưới 3,1 USD, nhóm cận nghèo - từ 3,1 đến 5,5 USD, nhóm tiêu dùng mới nổi - 5,51 đến 15 USD, tất cả đều tính theo ngang giá sức mua năm 2011 (USD PPP 2011)

[21] Nguồn: World Bank. 2016. “Vietnam 2035: Toward Prosperity, Creativity, Equity, and Democracy - Hướng tới sự thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, và dân chủ”, trang 282.

[22] Tỷ lệ này đối với nhóm nghèo là 94,3% (trong đó 68,4% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, 92,7% sống ở khu vực nông thôn), đối với nhóm cận nghèo là 83% (trong đó 35,8% làm việc trong nông nghiệp, 82,9% sống ở khu vực nông thôn) (Nguồn: VASS-UNDP. 2016. “Growth that Works for All: Vietnam Human Development Report - Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm”, trang 50.

[23] Nguồn: World Bank (2009). “Country Social Analysis: Ethnicity and Development in Vietnam - Phân tích Xã hội Quốc gia: Dân tộc và Phát triển ở Việt Nam”. Washington, DC: World Bank.

[24] Nguồn: Báo cáo "Nghèo đa chiều ở Việt Nam trong bối cảnh mới” (dự thảo) của nhóm chuyên gia độc lập xây dựng với sự hỗ trợ của UNDP, sẽ công bố vào đầu năm 2018.

[25] Nguồn: World Bank. 2015. “Inequality, Uprisings, and Conflict in the Arab World - Bất bình đẳng, bạo động và xung đột trong Thế giới Ả Rập”, trang 34.

[28]Số liệu của Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Mỹ cho thấy, trong suốt hơn bốn thập niên từ năm 1973 đến năm 2015, tiền lương thực tế (real wages, tức là đã tính đến yếu tố lạm phát) trung bình ở Mỹ hầu như không tăng, trong khi tài sản của nhóm tinh hoa tăng mạnh. Hiện nay nhóm 1% người giàu nhất có tài sản bằng với nhóm 99% những người còn lại. Số liệu cũng cho thấy nhóm được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ là nhóm 0,01% người giàu nhất, có tài sản tăng mạnh từ mức hơn 3% tổng tài sản của nước Mỹ vào năm 1960 lên đến gần 12% vào năm 2105 (Nguồn: http://www.cnbc.com/2014/03/31/the-other-wealth-gapthe-1-vs-the-001.html)

[29] Nguồn: VASS-UNDP. 2016. “Growth that Works for All: Vietnam Human Development Report - Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm”, trang 49-50

[30] Nguồn: như trên (trang 112)

[31] Nguồn: World Bank. 2016. “Vietnam 2035: Toward Prosperity, Creativity, Equity, and Democracy - Hướng tới sự thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, và dân chủ”, trang 47

[32] Acemoglu, D., & Zilibotti, F. (1997).  “Was Prometheus unbound by chance? Risk, diversification, and growth - Có phải Prometheus không bị trói buộc bởi sự ngẫu nhiên? Rủi ro, đa dạng hóa và tăng trưởng”. Journal of Political Economy.

[33] Nguồn: Doepke, M., & Zilibotti, F. (2007). “Occupational choice and the spirit of capitalism - Sự lựa chọn nghề nghiệp và tinh thần của chủ nghĩa tư bản” No. w12917.  National Bureau of Economic Research.

[34] Nguồn: Kharas, H. (2010). “The emerging middle class in developing countries - Tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở các nước đang phát triển”

[35] Nguồn: Banerjee, A. V., & Duflo, E. (2007). “The economic lives of the poor - Cuộc sống kinh tế của người nghèo”. The Journal of Economic Perspectives: a Journal of the American Economic Association

[36] Nguồn: VASS-UNDP. 2016. “Growth that Works for All: Vietnam Human Development Report - Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm”, trang 49-50

[37] Một trong những lý do giúp ông Trump - người thường xuyên có những mâu thuẫn xung đột với truyền thông truyền thống, thắng cử ở Mỹ là nhờ những thông điệp thường xuyên được truyền tải qua Twitter đến người dân, trong đó có hơn 11 triệu người thường xuyên theo dõi tài khoản của ông. Hay trong cuộc đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/7/2016, việc Tổng thống Erdogan xuất hiện trên truyền hình CNN-Turk (thông qua ứng dụng Face Time trên điện thoại iPhone mà không phải có mặt tại trường quay) đã gây tác động tâm lý mạnh lên dân chúng, giúp đảo ngược lại tình thế (Nguồn: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/diem-yeu-chet-nguoi-cua-phe-dao-chinh-o-tho-nhi-ky-534671.vov)

[38] Ví dụ về một khung khổ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bao trùm được nêu chi tiết trong báo cáo của VASS-UNDP. 2016. “Growth that Works for All: Vietnam Human Development Report - Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm”, trang 126-147

[39] Cho đến năm 2014, trong số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc thì 101 nước cho phép công dân tạo ra các tài khoản cá nhân trực tuyến, 73 nước có kê khai thuế thu nhập trực tuyến, 60 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh kinh doanh trực tuyến, 179 nước thực hiện tự động hóa hải quan, và 159 nước thực hiện hệ thống thuế tự động; 148 quốc gia có các chương trình nhận dạng số, trong đó có 20 nước sử dụng nhận dạng số đa mục đích để phục vụ cho các dịch vụ như bầu cử, tài chính, y tế, giao thông và an sinh xã hội (Nguồn: World Bank. 2016. “Digital Dividends – Lợi tức số”)

[42] Nguồn: như trên