23/12/2024 lúc 11:52 (GMT+7)
Breaking News

Mô hình phát triển bền vững địa phương và giá trị tham khảo cho Bình Dương

Để thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển trong bối cảnh mới, tỉnh Bình Dương đang có những yếu tố và điều kiện quan trọng để áp dụng mô hình phát triển đô thị thông minh.

1. Khái quát về mô hình phát triển bền vững địa phương 

Phát triển bền vững ngày nay đã trở thành yêu cầu, mục tiêu của hầu hết các hệ thống kinh tế - xã hội hiện đại ở các cấp độ, từ cấp độ quốc tế, quốc gia đến địa phương cấp tỉnh, thành phố... Cơ sở phát triển của xã hội hiện đại theo hướng bền vững là yêu cầu khách quan về sự cân bằng lợi ích trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Những thách thức mất cân bằng đã nảy sinh trong phát triển kinh tế, bất bình đẳng trong lĩnh vực xã hội và tình trạng suy thoái môi trường ngày càng gia tăng đã và đang đặt ra sự cần thiết phải có những nguyên tắc mới cho sự phát triển của hệ thống kinh tế - sinh thái xã hội hiện đại theo hướng phát triển bền vững.

Phát triển bền vững địa phương cấp tỉnh ngày nay đòi hỏi phải áp dụng các mô hình quản lý lãnh thổ mới dựa trên ứng dụng công nghệ số hiện đại. Mặc dù trên thế giới ngày nay đã có những nỗ lực đáng kể đang được thực hiện nhằm đạt được sự tiến bộ hướng tới phát triển bền vững, nhưng tiến bộ đạt được vẫn chưa lớn. Ở cấp độ địa phương cấp tỉnh, không hiếm khi việc đạt được thành công trong giải quyết một số vấn đề nhất định, lại thường dẫn đến sự xuất hiện của các vấn đề khác. Ngày nay, tại nhiều quốc gia, các địa phương cấp tỉnh đang nỗ lực giải quyết các thách thức phát triển bền vững thông qua xây dựng và thực thi chiến lược phát triển toàn diện, trong đó tập trung xác định các ưu tiên và tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu và mục tiêu phát triển bền vững dựa trên sự tham gia và phối hợp lợi ích của các bên liên quan trong lập kế hoạch cho các dự án cụ thể[1].

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững ở địa phương cấp tỉnh phải kết hợp được nguyện vọng và khả năng của các cấp quản lý, xã hội và khu vực tư nhân, nhất là về những định hướng cần tập trung phát triển dựa trên những hạn chế về nguồn lực hiện có. Hệ thống giám sát tính bền vững của phát triển địa phương cấp tỉnh (chất lượng và phạm vi tham gia vào hệ thống thông tin; kết quả và các xu hướng phát triển đang thay đổi...) là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công phát triển bền vững ở địa phương cấp tỉnh.

Một trong những cách tiếp cận đầy triển vọng để giải quyết vấn đề mô hình phát triển bền vững của địa phương cấp tỉnh hiện nay là cách tiếp cận dựa trên việc sử dụng những đổi mới tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ số ở các khía cạnh khác nhau của sự phát triển của địa phương cấp tỉnh. Điều kiện để thực hiện mô hình phát triển bền vững địa phương cấp tỉnh là: (1) phải tập trung nhận diện và giải quyết các nguyên nhân gây suy thoái môi trường, các thách thức xã hội, khủng hoảng kinh tế chứ không phải chỉ hướng vào khắc phục hậu quả của chúng; (2) hình thành và phát triển các mô hình chính sách kinh tế - xã hội mới, thoát khỏi những mô hình bế tắc liên tục của sự mở rộng sản xuất và tiêu dùng; (3) giải quyết hiệu quả các vấn đề về nhân khẩu học; (4) sử dụng công nghệ sản xuất sạch, thân thiện môi trường trong hoạt động kinh doanh để giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường; (5) tiếp cận có hệ thống đến sự phát triển, nhận thức đầy đủ về mối liên hệ giữa môi trường tự nhiên, kinh tế và xã hội; (6) sử dụng hệ thống đánh giá rủi ro khi đưa ra quyết định trong các lĩnh vực môi trường, kinh tế và xã hội; (7) phát triển văn hóa môi trường của người dân, hình thành hành vi có trách nhiệm trong lĩnh vực môi trường.

Những công cụ của yếu có thể áp dụng để thực hiện mô hình phát triển bền vững địa phương cấp tỉnh bao gồm: (1) tổ chức các sự kiện nhằm thúc đẩy các ý tưởng phát triển bền vững, cho phép thực hiện các nguyên tắc chung sống cân bằng giữa môi trường tự nhiên, kinh tế và xã hội; (2) những công cụ hoạch định chiến lược cho phép phát triển các phương pháp tiếp cận chung để giải quyết các vấn đề phát triển bền vững ở cấp tỉnh; (3) các công cụ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; (4) những nguyên tắc và tiêu chuẩn mà các bên liên quan phải áp dụng để thực hiện phát triển bền vững; (5) triển khai các dự án thí điểm nhằm thúc đẩy sự tham gia của nhiều người dân vào việc giải quyết các vấn đề phát triển bền vững và giáo dục. Điều kiện cần thiết để thực hiện thành công các sáng kiến trong lĩnh vực phát triển cân bằng môi trường, kinh tế và xã hội là tạo ra một cơ quan quản lý tổng thể quá trình với sự hình thành và áp dụng một hệ thống đẩy đủ, đồng bộ các chuẩn mực và quy tắc để thực hiện các sáng kiến phát triển bền vững và thể chế hóa các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Cơ quan quản lý như vậy đóng vai trò là chủ thể điều phối các cơ chế thực hiện các sáng kiến trong lĩnh vực phát triển bền vững, đồng thời thực thi quyền quản lý các quy trình và nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Từ đó, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững địa phương cấp tỉnh cần có những thay đổi cơ cấu sâu sắc và cách thức làm việc mới trong đời sống xã hội. Trong chuyển đổi về kinh tế, điều quan trọng là phải thúc đẩy phân phối thu nhập công bằng, cải cách chính sách tài khóa và giảm bất bình đẳng kinh tế giữa các tầng lớp nhân dân. Việc thực hiện phát triển bền vững địa phương cấp tỉnh đòi hỏi phải cải cách thể chế, hình thành các thể chế chính thức để hỗ trợ phát triển bền vững, cũng như tạo ra các nguyên tắc không chính thức cho sự phát triển của xã hội, có tính đến việc cân bằng lợi ích trong các lĩnh vực môi trường, xã hội và kinh tế.

2. Mô hình phát triển bền vững địa phương cấp tỉnh theo hướng đô thị thông minh

Sự hình thành mô hình phát triển bền vững địa phương cấp tỉnh theo hướng đô thị thông minh dựa trên cách tiếp cận về phát triển bền vững các hệ thống kinh tế xã hội cụ thể, các tổ hợp lãnh thổ và các quần thể lớn. Trong phát triển kinh tế địa phương cấp tỉnh, các cụm đô thị và thành phố lớn ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành nơi tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, là điểm thu hút mọi loại nguồn lực và là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo. Theo xu hướng tăng cường đô thị hóa trong phát triển trên địa bàn không gian lãnh thổ, các đô thị trong tương lai gần sẽ đóng vai trò then chốt trong sự phát triển nền kinh tế của các quốc gia, địa phương trong cạnh tranh về tài nguyên và xác định các hướng phát triển văn hóa và xã hội. Mặt khác, các đô thị hiện đại cũng đang đối mặt nhiều hơn với các thách thức về xã hội, kinh tế và môi trường với tư cách là các yếu tố cản trở sự phát triển. Do đó, phát triển bền vững ngày càng được coi là kim chỉ nam để thực hiện chuyển đổi và phát triển ở các đô thị. Để đạt được hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững, cần đánh giá đầy đủ tình hình kinh tế, xã hội và môi trường của đô thị, tiềm năng tài nguyên của đô thị và xác định điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình phát triển của lãnh thổ địa phương cấp tỉnh, từ đó đưa ra các quyết định quản lý hiệu quả.

Một công cụ hiệu quả để đưa ra quyết định trong lĩnh vực phát triển bền vững các khu đô thị là thực tiễn thu hút người dân địa phương tham gia vào quá trình quản lý sự phát triển của lãnh thổ dựa trên các ý tưởng về sự cân bằng và bền vững. Sự tham gia của người dân như một công cụ hỗ trợ việc đưa ra quyết định sáng suốt mang lại một số lợi ích: (1) nó có tính chất phòng ngừa, tức là, thay vì giải quyết hậu quả, sự tham gia của người đan sẽ góp phần tốt hơn vào giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề bằng cách thay đổi cơ chế ra quyết định; (2) sự tham gia của người dân có tính chất xuyên suốt, thống nhất đối với các lĩnh vực và các vấn đề hoàn toàn khác nhau, tức là các cơ chế, kỹ thuật và mô hình tham gia của người dân sẽ gần giống nhau trong giải quyết những vấn đề khác nhau của phát triển bền vững đô thị; (3) sự tham gia của cộng đồng vào phát triển trong một lĩnh vực này sẽ đặt ra các mục tiêu có thể đạt được ở các lĩnh vực khác.  Việc sử dụng công cụ thu hút sự tham gia của người dân cho phép tạo ra sự phản hồi chính sách, giúp chính quyền nhanh chóng phản hồi và đánh giá đúng những thay đổi trong quá trình phát triển môi trường đô thị do một số quyết định quản lý nhất định gây ra. Đồng thời, các phương pháp tiếp cận hiện đại trong quản lý đô thị đang tập trung vào việc đo lường kết quả và đánh giá hiệu quả của hệ thống ra quyết định. Do đó, các phương pháp đánh giá kết quả định lượng có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý đô thị: cả thông qua đánh giá hiệu quả bằng cách so sánh kết quả và chi phí, lẫn hiệu quả được xác định bằng cách so sánh kết quả thực tế đạt được với kế hoạch đã đề ra.

Các vấn đề hiện đại của đô thị đặt ra yêu cầu phải tìm được những ý tưởng mới để phát triển bền vững các vùng lãnh thổ, trong đó các địa phương cấp tỉnh. Một trong những xu hướng giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với phát triển đô thị trong bối cảnh hình thành xã hội số là mô hình đô thị thông minh. Sự hình thành và phát triển đô thị thông minh là giải pháp giải quyết hiệu quả những thách thức của thời đại, là sự cộng sinh giữa không gian vật chất và xã hội của đô thị với các công nghệ thông minh mới, do đó mô hình đô thị thông minh là một trong những hướng đi quan trọng để phát triển bền vững địa phương cấp tỉnh, trong đó công nghệ số là công cụ cần được sử dụng để đạt được mục tiêu phát triển cân bằng.

Các mục tiêu chính của phát triển bền vững địa phương cấp tỉnh theo hướng đô thị thông minh bao gồm: (1) Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; (2) Đảm bảo tăng trưởng kinh tế với cơ hội việc làm tốt hơn; (3) Cải thiện phúc lợi của người dân bằng cách đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội và công cộng; (4) Thực hiện cách tiếp cận phát triển bền vững và có trách nhiệm với môi trường; (5) Đảm bảo cung cấp hiệu quả các dịch vụ và kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông công cộng, cấp nước và vệ sinh, viễn thông và các dịch vụ công cộng khác; (6) Khả năng giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và môi trường; cung cấp cơ chế quản lý địa phương và quản lý hiệu quả nhằm đảm bảo các chính sách công bằng.

Điểm đặc biệt của mô hình phát triển bền vững địa phương cấp tỉnh theo hướng đô thị thông minh là mô hình này kết hợp được các khía cạnh chính của sự phát triển bền vững của lãnh thổ trong khuôn khổ ý tưởng đô thị thông minh. Mặc dù ý tưởng chung về phát triển bền vững dựa trên thực tế đòi hỏi phải tính đến và phối hợp các lợi ích trong các bình diện kinh tế, môi trường và xã hội, nhưng trong một số vùng lãnh thổ địa phương cấp tỉnh thường có sự khác nhau về tỷ lệ mức độ phát triển theo các hướng này, do đó, có trường hợp ở một số vùng lãnh thổ địa phương cấp tỉnh, các vấn đề về bản chất môi trường hoặc xã hội chiếm ưu thế, trong khi ở một số khu vực khác, các vấn đề về bản chất kinh tế lại khá gay gắt. Vì vậy, khi hoạch định mô hình phát triển bền vững của một lãnh thổ địa phương cấp tỉnh cụ thể, điều quan trọng là phải tính đến các vấn đề phát triển của lãnh thổ đó và theo đó, dựa trên các vấn đề đã được xác định, xây dựng mục tiêu để giải quyết chúng.

Một giai đoạn quan trọng trong việc mô hình hóa sự phát triển của một lãnh thổ địa phương cấp tỉnh trong bối cảnh chuyển đổi số là phải tạo lập và phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Công nghệ số ngay nay đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển lãnh thổ, hình thành lợi thế cạnh tranh, tạo điều kiện tăng tính bền vững và cân bằng trong phát triển lãnh thổ. Việc sử dụng các công nghệ như vậy giúp cải thiện chất lượng của các quyết định được đưa ra, xác định và phân tích các mẫu không thể nghiên cứu nếu không sử dụng các đổi mới trong lĩnh vực kỹ thuật số. Khi thực hiện các sáng kiến phát triển bền vững dựa trên mô hình đô thị thông minh, điều quan trọng là phải tăng cường tiềm năng môi trường, kinh tế và xã hội của lãnh thổ và tạo ra các công cụ mới để phát triển lãnh thổ. Các yếu tố chính góp phần phát triển tiềm năng của lãnh thổ, bao gồm: 

Thứ nhất, kết cấu hạ tầng. Việc hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đầy đủ, tạo ra một hệ sinh thái đô thị thông minh thống nhất cho phép trao đổi dữ liệu, điều phối nỗ lực của những người tham gia, phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định hiệu quả trên cơ sở này, giúp chuyển giao một phần đáng kể các hoạt động kinh tế xã hội sang định dạng kỹ thuật số, giúp giảm chi phí tương tác và tăng hiệu quả hoạt động của các thành phố đối tượng thông minh.

Thứ hai, hệ thống quy hoạch phát triển cho phép xác định và xây dựng các mục tiêu, mục tiêu chính và kết quả dự kiến của hệ thống phát triển bền vững lãnh thổ.

Thứ ba, các kết nối hợp tác và cấu trúc mạng lưới, bao gồm đại diện các công ty đổi mới, cơ quan quản lý, cộng đồng khoa học và người dân địa phương, đoàn kết các ý tưởng phát triển lãnh thổ dựa trên phát triển bền vững.

Thứ tư, hệ thống quản lý. Hệ thống quản lý của các đô thị hiện đại đòi hỏi phải tái cơ cấu, tổ chức lại một cách nghiêm túc để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Vấn đề chính liên quan đến việc quản lý các đô thị hiện đại là chính quyền địa phương  cấp tỉnh không có đủ nguồn lực để thực hiện các dự án nhằm nâng cao chất lượng của người dân địa phương. Ở mức độ lớn hơn, các nguồn lực đó được thu hút thông qua việc thực hiện các dự án vùng và quốc gia. Trong khi đó, việc cung cấp nguồn lực và khả năng thực hiện các dự án ở cấp địa phương cấp tỉnh là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao tiềm năng lãnh thổ và chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Ngoài ra, một phần đáng kể các dự án ở cấp quốc gia hoặc vùng khá hạn chế về thời gian, điều này gây khó khăn cho việc lập kế hoạch phát triển đô thị trong dài hạn do không chắc chắn về nguồn lực hỗ trợ cho quy hoạch đó. Một vấn đề khác trong việc quản lý các đô thị hiện đại là sự thiếu nhất quán giữa các mục tiêu phát triển, cũng như mong muốn đạt được kết quả ngắn hạn mà không ưu tiên đạt được các mục tiêu dài hạn nhưng quan trọng hơn. Đồng thời, việc đạt được các mục tiêu ngắn hạn thường gắn liền với việc thực hiện các dự án trong lĩnh vực kinh tế. Vì mục đích này, các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn tài chính và công nghiệp được thu hút với mục tiêu chính là kiếm lợi nhuận chứ không phải đạt được mục tiêu phát triển lãnh thổ địa phương cấp tỉnh theo hướng bền vững. Thực tiễn cho thấy khi thực hiện các dự án ngắn hạn nhằm mục đích kiếm lợi nhuận, sự cân bằng phát triển dài hạn thường bị phá vỡ.

Thứ năm, phát triển vốn con người là yếu tố quan trọng nhất tạo nên những chuyển biến trong xã hội và chuyển sang con đường phát triển bền vững. Thứ sáu, cơ sở thông tin gắn liền với việc hình thành tập hợp thông tin cập nhật về các quá trình kinh tế, xã hội, môi trường trên một lãnh thổ nhất định.

Thực tiễn cho thấy, việc lập mô hình phát triển bền vững một vùng lãnh thổ địa phương cấp tỉnh dựa trên ý tưởng về đô thị thông minh đòi hỏi phải cải tiến các công cụ để đánh giá sự phát triển bền vững của môi trường đô thị. Về vấn đề này, điều quan trọng là phải phát triển một hệ thống đầy đủ các chỉ số về tính bền vững của phát triển đô thị. Một hệ thống như vậy phải bao gồm các chỉ số chính mô tả mức độ phát triển của lãnh thổ trong bối cảnh phát triển môi trường, kinh tế và xã hội. Đồng thời, cần lưu ý rằng, việc phát triển một hệ thống chung các chỉ số mô tả mức độ phát triển bền vững của các vùng lãnh thổ khác nhau là khá khó khăn. Điều này trước hết được giải thích là do các thành phố khác nhau có các mục tiêu và ưu tiên khác nhau để phát triển bền vững, thứ hai là do chúng có những đặc điểm khác nhau nên khó có thể so sánh về lâu dài. Vì vậy, rất có thể, là một phần của sự phát triển của một thành phố cụ thể, cần phải tạo ra hệ thống chỉ số phát triển bền vững của riêng mình, phản ánh các mục tiêu chính của một lãnh thổ nhất định. Ngoài ra, như một phần của mô hình phát triển bền vững của một khu đô thị, cần tạo ra và cải tiến một phương pháp đánh giá sự phát triển bền vững, nhằm xác định các mô hình về bản chất kinh tế - xã hội và môi trường. Là một phần của sự phát triển bền vững môi trường đô thị dựa trên ý tưởng của một đô thị thông minh, điều quan trọng là phải đánh giá tác động của việc thực hiện các dự án số hóa môi trường đô thị đối với sự phát triển bền vững của lãnh thổ.

3. Triển vọng áp dụng mô hình phát triển đô thị thông minh đối với tỉnh Bình Dương

Bình Dương là địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam với diện tích tự nhiên không lớn – 269,5 nghìn ha (chiếm 0,81% diện tích toàn quốc)[2], dân số trung bình năm 2022 - 2.763.124  người[3]. Sau gần 40 năm đổi mới, cùng với sự phát triển vượt bậc của đất nước, Bình Dương đã trở thành địa phương tiên phong với những lựa chọn và cách làm đặc thù để trở thành một trong những địa phương thành công nhất Việt Nam về mở cửa, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Ngày nay, Bình Dương đang là tỉnh công nghiệp hóa, thu nhập bình quân đầu người trong nhóm cao nhất cả nước[4]. Cùng với những thành tựu lớn trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Bình Dương còn đạt được những kết quả quan trọng trong các lĩnh vực văn hoá - xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… Sự thành công của Bình Dương xuất phát từ cách làm sáng tạo và riêng có của mình, trong đó, sự “chung lưng đấu cật” giữa chính quyền và các doanh nghiệp đóng vai then chốt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới, bên cạnh những thời cơ, tỉnh BÌnh Dương cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Việc theo đuổi phát triển trong những năm qua theo mô hình công nghiệp tập trung đã mang lại nhiều thành tựu lớn trong phát triển kinh tế những cũng kéo theo những hệ quả không mong muốn đi kèm như phát triển đô thị tự phát xung quanh các khu công nghiệp, dẫn đến điều kiện an sinh xã hội không đảm bảo cho một lượng lớn lao động nhập cư. Do đó, mặc dù hướng đi của tỉnh vẫn được xác định vẫn lấy công nghiệp làm ngành kinh tế chủ lực nhưng phải chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp tập trung hiện hữu sang mô hình “công nghiệp - đô thị - dịch vụ” nhằm tạo nên một hệ thống đô thị công nghiệp hiện đại, văn minh, giải quyết các hệ quả nảy sinh, đồng thời bổ sung thành tố mới cho dư địa tăng trưởng dài hạn của Tỉnh. Nếu như mô hình công nghiệp tập trung giúp tỉnh Bình Dương thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu thì ở mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ sẽ tạo thế vững chắc trong tiến trình hội nhập sâu rộng và từng bước phát triển theo chiều sâu, bước đầu lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng.

Để thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển trong bối cảnh mới, tỉnh Bình Dương đang có những yếu tố và điều kiện quan trọng để áp dụng mô hình phát triển đô thị thông minh. Thực tiễn phát triển của tỉnh Bình Dương những năm qua đã phản ánh nỗ lực thực hiện các mục tiêu chính của phát triển bền vững địa phương cấp tỉnh theo hướng đô thị thông minh như chú trọng gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Trong những năm qua cùng mới sự gia tăng đáng kể tiềm lực kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng nội tỉnh đã không ngừng được hoàn thiện, có bước phát triển lớn trong cả lĩnh vực hạ tầng công nghệ số; mối quan hệ giữa chính quyền, doang nghiệp và người dân về cơ bản đã được thực hiện hài hòa; Tỉnh đã không ngừng nỗ lực phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước chú trọng thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý cũng như sản xuất kinh doanh… Đó là những yếu tố quan trọng góp phần phát triển tiềm năng của địa phương để phát triển theo hướng đô thị thông minh.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa hướng đi này, Tỉnh Bình Dương cần chú trọng nghiên cứu lý luận và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm thực tiễn mô hình phát triển bền vững địa phương, nhất là mô hình đô thị thông minh. Những định hướng cơ bản cần thực hiện để phát triển Bình Dương theo hướng đô thị thông minh thời gian tới bao gồm: (1) tiếp tục tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đầy đủ, hiện đại và đồng bộ, tạo ra một hệ sinh thái đô thị thông minh thống nhất trong tỉnh, kết nối hiệu quả với các địa phương khác, đặc biệt là trong vùng; (2) tạo lập cơ chế hiệu quả thực hiện quy hoạch phát triển; (3) tăng cường kết nối các chủ thể phát triển gồm các cơ quan chính quyền, công ty đổi mới, cộng đồng khoa học, người dân địa phương; (4) tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý đô thị hiện đại; thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Để thực hiện hiệu quả những định hướng giải pháp kể trên, bên cạnh những nỗ lực của Tỉnh, rất cần tới sự hỗ trợ, quan tâm chia sẻ từ phía Trung ương theo hướng tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, đảm bảo mức độ tự chủ cần thiết của địa phương trong phát triển cùng các nguồn lực phù hợp…/.

PGS.TS Đoàn Xuân Thủy*

Tài liệu tham khảo

  1. Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, Niên giám thông kê tỉnh Bình Dương 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2023.
  2. Tổng cục Thống kê, Niên giám thông kê 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2023
  3. UBND tỉnh Bình Dương, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
  4. HĐLLTW, Tỉnh ủy Bình Dương, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 2023: Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước.
  5. Шамаев Юлий Анатольевич (2017), Обзор теоретической базы кластерной модели экономического развития регионов, https://cyberleninka.ru/article/n/obzor-teoreticheskoy-bazy-klasternoy-modeli-ekonomicheskogo-razvitiya-regionov
  6. Семячков К.А. (2021), моделирование устойчивого развития территории на основе концепции умного города, https://cyberleninka.ru/article/n/modelirovanie-ustoychivogo-razvitiya-territorii-na-osnove-kontseptsii-umnogo-goroda


* Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương.

[1] Семячков К.А. (2021), моделирование устойчивого развития территории на основе концепции умного города, https://cyberleninka.ru/article/n/modelirovanie-ustoychivogo-razvitiya-territorii-na-osnove-kontseptsii-umnogo-goroda

[2] Tổng cục Thống kê, Niên giám thông kê 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2023, tr.44-45

[3] Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, Niên giám thông kê tỉnh Bình Dương 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2023, tr.75

[4] Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương là 166 triệu đồng/năm; năm 2023 - 172 triệu đồng/năm; cơ cấu: Nông, Lâm nghiệp, Thủy sản: 2,64%; Công nghiệp và xây dựng: 66,26% và Dịch vụ 23,71%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: 7,39% (UBND tỉnh Bình Dương, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, tr.1)

... Theo hdll.vn