Mệ Tuyết - người phụ nữ nhỏ nhắn đã dành cả cuộc đời cho công việc làm hương. (Ảnh Phương Anh)
Những năm gần đây, làng hương ở Thủy Xuân (TP. Huế) là điểm đến thu hút khách du lịch khi đến Huế. Không chỉ tham quan và chụp ảnh, nhiều người đến làng hương còn để tìm “mệ” Tuyết khi nghe câu chuyện gần 10 năm dành phần lớn tiền lãi bán hàng để giúp đỡ bệnh nhân ung thư. Mệ gây ấn tượng với người nghe bởi chất giọng nhẹ nhàng, được mọi người ví như là “nàng thơ xứ Huế” chính hiệu. Tên thật của bà là Tôn Nữ Ánh Tuyết hay được biết đến với cái tên mệ Tuyết ("mệ" là từ địa phương đồng nghĩa với từ "bà")
Mệ Tuyết sinh ra và lớn lên tại làng làm hương truyền thống Thủy Xuân, Thành phố Huế. Khi lên 9 tuổi, mệ theo nghề của bà ngoại và đã bắt đầu biết làm hương. “Thấy người ta se hương mình cứ vào bắt chước se rồi chặp biết làm hết. Cả làng ni đứa con nít mô cũng biết làm hương hết”, mệ chia sẻ. (Thấy người ta làm hương mình cứ bắt chước làm theo rồi sẽ biết làm hết. Cả làng này đứa con nít nào cũng biết làm hương hết). Tuổi đã ngoài 70, nhưng ngày nào mệ cũng tất bật với công việc bán hương, quà lưu niệm, nón… “Mệ ăn không kịp ăn nữa chứ mệ có ngủ trưa được đâu con”.
Để lưu giữ cách làm hương truyền thống, mệ Tuyết và đa phần người trong làng đều làm thủ công thay vì se bằng máy. Mặc dù có nhiều sự vất vả, những cây hương có thể sẽ không đều tăm tắp như làm bằng máy, nhưng cách làm này mang tính độc đáo và khiến cho du khách thu hút và yêu thích hơn. Dù là ngày nắng hay mưa, mệ đều chăm chỉ dọn hàng ra, xếp những cây chân hương nhiều màu sắc lên giá để khách du lịch tham quan và chụp ảnh. Mặc dù tất bật từ sáng sớm cho tới khi trời tắt nắng, đôi bàn tay thoăn thoắt xoè những bó chân hương rực rỡ sắc màu lên kệ, treo những chiếc nón lá lên trên cao; mỗi khi có khách đi qua, mệ Tuyết nhiệt tình mời khách bằng giọng Huế: "Con ơi, cứ chụp ảnh đi con. Con không mua thì mệ cũng cho mượn, cứ tự nhiên chụp ảnh đi con”. Dù dáng người nhỏ nhắn, lưng còng, nhưng đôi tay mệ rất nhanh, thoắt cái đã kê ghế rồi đưa nón lá cho khách che cho bớt nắng.
Mệ Tuyết với bàn tay thoăn thoắt vừa trộn bột hương, vừa tâm sự chuyện đời, chuyện nghề hương. (Ảnh: Phương Anh)
Trò chuyện với tôi, bàn tay mệ vẫn không quên thoăn thoắt se từng cây hương. Mệ Tuyết yêu nghề làm hương đã ngấm vào máu thịt mệ, yêu từng cây hương đã giúp mệ sát cánh cùng bệnh nhi nghèo. Bởi thế, mệ luôn cần mẫn, góp nhặt từng chút. Trước đây, với việc se hương bằng tay truyền thống, mỗi ngày mệ se gần 10 ngàn cây. Nhưng ở tuổi ngoài 70, dáng người nhỏ nhắn chưa tới 40 cân, mệ chỉ còn se được từ 1 ngàn đến 3 ngàn cây mỗi ngày.
“Nhiều khi buổi trưa nắng mà phải nhồi bột làm hương, xung quanh ai cũng nghỉ hết, một mình mệ ngồi làm, hương là mồ hôi trộn với nước mắt. Nhưng mệ không bao giờ kêu ca, mệ hài lòng với những gì mệ có”.
Vất vả là thế nhưng hễ có khách đến là mệ vồn vã, xởi lởi. Mệ kể: “6 giờ tối nhưng vẫn khách đến, mệ thấy trời sắp mưa mà mệ chưa kịp dọn hàng, mệ lo, mà người ta tới xem, chụp hình mệ vẫn để cho chụp hình. Có những ngày như rứa, mệ mới thấy cuộc sống vất vả, nhưng mệ vẫn cố gắng vì mệ vui”. Ai muốn trải nghiệm làm hương, mệ sẽ chẳng tiếc bột trầm, bột hương. “Để đó, mệ vào nhồi bột rồi cho mấy đứa xem làm hương!”- mệ nhiệt tình - “Mệ không bao giờ tính toán chi li chi đâu con à”.
Những vị khách ghé qua làng hương Thủy Xuân (Huế) để thăm quan và thăm chuyện mệ Tuyết. (Ảnh: Phương Anh)
Giờ đây làng hương có nhiều du khách đến tham quan, quầy hàng bán và trưng bày hương cũng mở ra ngày càng nhiều để phục vụ du lịch. Quán mệ Tuyết vẫn nhỏ nhắn đơn sơ như chính con người mệ. Nhưng người ta vẫn tìm đến mệ, bởi những điều giản dị ấy, để được trò chuyện cùng mệ, và đóng góp chút phần nhỏ bé, cùng mẹ giúp đỡ bệnh nhi nghèo.
Cũng ẩn đằng sau tấm lòng mến khách ấy của mệ là những trăn trở, hằn lên khuôn mặt một đôi mắt sầu muộn. Trong một lần vào bệnh viện thăm người thân bị ung thư, mệ chứng kiến nhiều trẻ em mắc căn bệnh hiểm ác này, với những hoàn cảnh đáng thương. Mệ trải qua nỗi đau vô tận vì người thân cũng bị mắc bệnh ung thư, lại chẳng qua khỏi, phần nào mệ cũng hiểu được những khó khăn của các gia đình có bệnh nhân ung thư. Đặc biệt với các em nhỏ, khi mới những năm đầu đời đã phải chịu những đau đớn trong trị liệu, những điều kém may mắn trong cuộc đời. Mệ rất thương các trẻ và nguyện tâm sẻ chia cùng người bệnh.
Mười mấy năm trước, dù hàng quán nhỏ, khách đến mua chưa nhiều, mệ vẫn luôn cố gắng mang quà vào viện trao cho các em. Có lần phát quà, mệ nhớ ra có một em chưa được nhận, mệ đi tìm. Một người phụ nữ mới nói rằng “nó ung thư trước sau chi không chết mà đi tìm cho cực”. Mệ giận lắm, mệ nói: “Chị đừng nói vậy với tui. Mai cháu mất thì hôm nay tôi vẫn trao quà”. Mệ tiếp tục đi tìm thì mới hay tin cháu bé đã được “cho về nhà” từ chiều hôm trước.
Cũng tại buổi gặp gỡ, mệ Tuyết kể với rằng: “Hôm qua mệ mới đi ủng hộ cho một bé. Đầu tiên bé không phải bị ung thư mà nó bị bạch cầu tấn công hồng cầu. Phải lo truyền máu, phải truyền liên tục một tháng mấy lần rồi máu trở lại bình thường. Có lẽ gia đình tưởng vậy là khỏi, đưa nó về. Đáng lẽ tháng nào cũng phải truyền. Gan nó bị hư rồi, giờ cứ phải truyền máu vô. Nhưng không truyền cả mấy tháng, nên giờ nó chuyển qua thành ung thư gan. Giờ mệ lạy trời cho nó trở lại là bệnh bạch cầu cũng được, nó chỉ cần thay máu thì nó vẫn còn sống được bình thường”.
“Mệ gửi tiền vào ủng hộ các bé trong viện mỗi tháng một lần ạ?”
“Không tới một tháng, khoảng 20 ngày hoặc 22, 24 ngày. Ung thư không đứng đợi, nó không đợi đứa bé nào hết. Cho nên là cứ có tiền thì mệ cố gắng gửi vào cho các bé nó được ăn, có cái trang trải”.
Đậu Anh Văn, sinh viên năm ba của Trường Du lịch - Đại học Huế là một trong nhiều sinh viên đang đồng hành cùng mệ trong những chuyến thiện nguyện. Anh cho biết, mối lương duyên gặp được mệ Tuyết là khi tới thăm làng hương theo lời giới thiệu của bạn bè. Sau nhiều lần ghé thăm, biết mệ thường thiện nguyện ở bệnh viện nên anh xin tham gia cùng. Anh Văn cho biết, dù đi cùng nhưng tất cả chi phí quà tặng đều do mệ Tuyết chuẩn bị, nhóm sinh viên chỉ phụ bê vác hoặc gửi tới viện trong những ngày vẫn còn dịch Covid 19. "Có những ngày mình xuống thăm mà thấy mệ chỉ ăn chiếc bánh mì khô cùng sữa cho xong bữa. Mệ cứ thanh minh rằng mình già rồi nên chỉ ăn uống đơn giản", Văn chia sẻ. Sinh viên ở các trường biết việc thiện mệ làm, thường giúp đỡ bằng cách giới thiệu du khách, bạn bè tới thăm, trò chuyện và mua hàng cho quán của mệ.
Những vị khách biết đến quán mệ Tuyết qua bạn bè giới thiệu, mong muốn được giúp đỡ mệ làm thiện nguyện. (Ảnh: Phương Anh)
Trong đợt dịch COVID-19, mệ Tuyết có liên lạc với y tá Trương Thị Kim Yến, điều dưỡng trưởng - khoa nhi tổng hợp 2 (Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế) để hỏi xem có bao nhiêu bệnh nhi để mệ đến phát quà. Y tá Yến bảo có 3, mệ nói: "Ít quá mà đi lại khó khăn, để đợt sau mệ đi". Nhưng rồi y tá Yến nói: "Mệ ơi, các con đang chờ mệ" khiến mệ nhói lòng. Từ đó, dù ít hay nhiều mệ đều đi. Y tá Yến nói rằng: "Mệ Tuyết như Bồ Tát sống. Tôi thương mệ nhất là lúc mệ ôm chầm lấy bệnh nhi và khóc nức nở khi tiễn đưa một chiến binh nhí dừng bước để về nhà. Có tình yêu thương rất lớn với bệnh nhi ung thư mới làm được như vậy”. Chị Yến chia sẻ thêm, sự hiện diện của mệ ở bệnh viện là liều thuốc chữa lành cho bệnh nhi. Các bé coi mệ như người thân, lúc nào cũng quấn mệ.
Ngồi nghe mệ kể chuyện, thời gian trôi đi lúc nào không hay, còn nắng Huế thì vẫn xé da như vậy, mệ gạt đi những giọt mồ hôi, gạt đi cái nắng xứ Huế, vẫn niềm nở mời chào khách. Với mệ, cứ ai có tấm lòng mà ghé thăm mệ đều là khách quý. Các bạn trẻ đến để chụp ảnh hay đơn giản chỉ đến để trò chuyện với mệ dăm ba câu, “học lỏm” mệ cách làm hương, mệ đều rất sẵn lòng. Dù bận rộn làm hương nhưng cứ có khách đến chơi mệ đều gác lại công việc, tay làm, miệng đon đả: “Mệ có nón này, vào lấy mà chụp ảnh cho đẹp, mệ cho mượn thôi, chứ nón này mắc lắm, con đừng có mua”, “Con cứ chụp thoải mái nghe con”. Hình ảnh này, từng câu nói chân phương, giản dị này khiến tôi bị ấn tượng đậm sâu và chắc cả các vị khách của mệ nữa cũng vậy.
Chẳng thế mà “hữu xạ tự nhiên hương”, người tìm đến với mệ, tìm đến một chút bình dị, thơm thảo tình người… ngày càng đông. Mệ Tuyết, với những câu chuyện thấm tình như thế, ấy là người vừa “se hương” mà tấm lòng vừa “ngát hương”.
Phương Anh