Nơi sẻ chia tình người với những phận đời đặc biệt trong cuộc sống
Giữa tháng 7, PV ghé thăm Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam tại thôn Đồng Hành, xã Tam Ngọc, TP. Tam Kỳ nơi đang cưu mang gần 300 mảnh đời không may mắn từ khắp các nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Những năm qua, trung tâm điều dưỡng Tâm thần tỉnh Quảng Nam đã và đang nuôi dưỡng chăm sóc nhiều mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống
Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần Quảng Nam đang tiếp nhận, điều trị đa phần là những bệnh nhân tâm thần mãn tính. Có nhiều bệnh nhân không nơi nương tựa, đã điều trị trong Trung tâm hơn 10 năm nay. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ trong Trung tâm luôn tận tâm với công việc, cảm thông và sẻ chia với hoàn cảnh của bệnh nhân. Không có khoảng cách, chỉ có tình thương, sự cảm thông của đội ngũ cán bộ y bác sỹ đối với bệnh nhân trong Trung tâm qua từng cử chỉ ân cần, từng bữa cơm, từng viên thuốc.
Trong khuôn viên hơn 2ha với các phân khu gồm hành chính, nhà ăn, hội trường đa năng, những mảnh đời nương tựa vào nhau, yêu thương đùm bọc nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Cũng nơi đây, họ không gọi nhau bằng những câu từ xã giao mà gọi nhau bằng bố, mẹ, con, ông bà….
Người bệnh tâm thần luôn được các cấp, các ngành quan tâm chia sẻ, góp phần giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng
6h sáng, không khí tại khu nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần không kém phần rộn ràng. Tiếng nhắc nhở nhau uống thuốc, cán bộ điều dưỡng hỏi thăm sức khoẻ các đối tượng, tiếng rủ nhau đi lao động, dọn dẹp khuôn viên râm ran cả một góc trung tâm.
Cách đó không xa, những cụ già cũng đang cùng nhau tập trung vào chiếc tivi xem chương trình buổi sáng. Một số đối tượng nặng không có khả năng vận động cũng được những nhân viên ở đây tận tình chăm sóc.
Mỗi độ tết đến, xuân về các cán bộ công nhân viên tại Trung tâm phát động chương trình “Tết trồng cây- Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”
Tại đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Đ., vào thăm con trai tại Trung tâm. Bà tâm sự, chồng mất, con bị tâm thần, bao bất hạnh vất vả cứ đeo bám bà. Mỗi lần con trai lên cơn động kinh là chừng đấy lần bà Đ., bị chính người con dứt ruột đẻ ra chửi bới, đánh đập, nhiều khi còn nguy hiểm tới tính mạng. Hàng xóm láng giềng cũng lo sợ xa lánh gia đình bà. Từ ngày vào Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam, được cán bộ, nhân viên ở đây chăm sóc tận tình, chu đáo, sức khỏe của con trai bà đã khỏe lên nhiều, không còn phát bệnh động kinh như trước, đây như là ngôi nhà thứ hai của con tôi.
Công an thành phố Tam Kỳ hỗ trợ cấp CCCD cho đối tượng đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm.
Mỗi người đến đây đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có một đặc điểm chung là không còn nơi nương tựa. Chính vì thế, chúng tôi xem họ như những người thân của mình để tận tình, chăm sóc. Công việc hàng ngày, lần lượt giúp các bệnh nhân ăn uống, dọn dẹp vệ sinh, rèn luyện sức khoẻ, có những người lên cơn chửi bới, nặng lời…. nhưng mình không trách mà ngược lại còn thấy thương hơn, chị N., nhân viên điều dưỡng tại Trung tâm chia sẻ.
Những bệnh nhân đưa vào Trung tâm điều trị phần lớn bị rối loạn tâm thần nặng hoặc mãn tính, sa sút trí tuệ, không còn khả năng tự phục vụ bản thân; nhiều trường hợp không làm chủ được hành vi; có trường hợp lên cơn kích động đập phá tài sản, đánh nhau. Các trường hợp tâm thần trên nếu không được chăm sóc, quản lý thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh xã hội ở ngoài cộng đồng cho chính gia đình người tâm thần.
Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam tổ chức sinh hoạt văn nghệ cho đối tượng nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật (03/12).
Đồng hành với các mảnh đời yếu thế, cùng vượt qua những tháng ngày vất vả, góp phần giúp người bệnh tâm thần sớm tái hòa nhập cộng đồng, đây cũng chính là niềm vui của cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần tỉnh.
Sưởi ấm những tâm hồn
Theo giám đốc Trung tâm, mỗi bệnh nhân đều là những người bất hạnh trong xã hội, những mảnh đời nửa tỉnh nửa mê cần được sự chăm sóc, yêu thương. Sự tận tâm, tận tình trong công việc của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ trong Trung tâm Tâm thần tỉnh đã giúp cho những bệnh nhân nơi đây một mái ấm thực sự và là nơi hồi sinh của những mảnh đời bất hạnh.
Chi đoàn Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam tổ chức sinh hoạt, giao lưu nhân kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam. Buổi sinh hoạt với nhiều hoạt động ý nghĩa: tuyên truyền về hội LHTN Việt Nam, về cuộc đời và sự nghiệp của anh Nguyễn Văn Trỗi; tổ chức tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ về chuyên đề:"Chuyển đổi số trong đoàn viên chi đoàn: thanh toán không dùng tiền mặt", thông qua đó, phát động toàn thể đoàn viên tích cực hưởng ứng nội dung trên.
Không những thế, để làm tốt công tác chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần, Trung tâm chia thành các khu, gồm: Tâm thần nhẹ, tâm thần nặng phân công nhân viên chia ca trực 24/24 giờ.
Có đến Trung tâm tỉnh mới cảm nhận được tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên nơi đây. Bởi tiền lương thì không nhiều nhưng làm việc rất vất vả, bất kể ngày, đêm. Chị T.X.T (nhân viên Trung tâm) bộc bạch: “Tôi vào Trung tâm làm việc đã gần 10 năm. Những ngày đầu, tôi cứ nghĩ mình sẽ không cầm cự nổi, bởi thấy cảnh người bệnh la hét, chửi bới rất mệt và áp lực. Nhưng khi bình tâm suy nghĩ lại, tôi đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thông cảm, thấy những bệnh nhân này đáng thương hơn đáng trách. Lâu dần, tôi xem họ như người nhà của mình mà tận tâm chăm sóc”.
Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam tổ chức các hoạt động cho đối tượng (tuyên truyền, tặng quà, hái hoa dân chủ và sinh hoạt văn nghệ) nhân ngày Sức khoẻ tâm thần thế giới (10/10) và Tháng hành động vì người cao tuổi.
Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Quảng Nam không chỉ là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần một cách chu đáo, tận tình mà còn tạo nhiều điều kiện cho người tâm thần nhẹ sớm tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, hiện nay, Trung tâm có một phòng lao động, dạy nghề trị liệu, giúp người tâm thần vừa tăng cường vận động, thể dục - thể thao, vừa có thêm kỹ năng sống. Nhờ vậy, bình quân, hàng năm, Trung tâm có khoảng 10% người bệnh tâm thần khỏi bệnh, trở về với gia đình.
Ông N.T.T. (người bệnh) nói: “Nhờ sự quan tâm chăm sóc của nhân viên ở Trung tâm, hiện tâm trạng của tôi rất thoải mái, tất cả sinh hoạt cá nhân đều tự làm được. Còn trước đây, tôi không ý thức được hành vi nên nhân viên Trung tâm phải làm giùm. Hy vọng tôi sớm hết bệnh để trở về với gia đình”.
Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam tổ chức Hội nghị Thân nhân đối tượng. Đây là dịp để Trung tâm và thân nhân đối tượng gặp gỡ, trao đổi thông tin, đánh giá và đề ra giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nuôi dưỡng, quản lý, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho đối tượng tại Trung tâm; tăng cường công tác hồi gia tái hoà nhập cộng đồng.
Bệnh tâm thần là bệnh lý do rối loạn hoạt động não bộ gây ra những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, tình cảm, hành vi, ý tưởng,... Bệnh tâm thần ngày càng gia tăng là do áp lực cuộc sống, công việc cùng những thay đổi về mặt xã hội như sự phân hóa xã hội, nạn thất nghiệp, các tệ nạn xã hội, bất cập của nền giáo dục, y tế,...
Bác sĩ chuyên khoa Võ Văn Nhàn cho biết thêm: “Đa số người bệnh tâm thần trong Trung tâm đều mắc bệnh tâm thần mãn tính nên rất khó điều trị. Chúng tôi chỉ hy vọng, người bệnh tâm thần ý thức được hành vi của mình, hòa đồng, không đánh nhau. Để làm được điều này, ngoài việc cho uống thuốc đầy đủ, đúng thời gian còn phải nhẹ nhàng chăm sóc, không được lớn tiếng, từ đó giúp người bệnh tâm thần được thoải mái tinh thần. Ở gia đình và ngoài xã hội, người bệnh tâm thần thường bị kỳ thị, xa lánh nên bệnh càng thêm nặng, nếu gia đình biết cách điều trị ngay từ đầu thì sẽ không xuất hiện nhiều bệnh nhân tâm thần mãn tính”.
Nhân kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2023), Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam tổ chức sinh hoạt cho 19 đối tượng đã từng tham gia trong quân ngũ.
Hơn 300 người bệnh tâm thần đang cùng chung sống trong một mái nhà là Trung tâm tỉnh. Ở đó, họ bỏ qua những ồn ào, thị phi, áp lực của cuộc sống bên ngoài để được sống trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của những tấm lòng tử tế. Và dù những tấm lòng ấy không là máu mủ ruột rà nhưng họ sẵn sàng đồng hành với các mảnh đời yếu thế, cùng vượt qua những tháng ngày vất vả, góp phần giúp người bệnh tâm thần sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Tấn Lợi