24/01/2025 lúc 12:28 (GMT+7)
Breaking News

Luật pháp và việc thực thi pháp luật

VNHN-Để xây dựng một Nhà nước pháp quyền, có hai điều cốt yếu: Soạn thảo các văn bản pháp luật (các bộ luật, luật, pháp lệnh,...) có chất lượng và việc thực thi pháp luật kịp thời, nghiêm minh. Tuy là "hai trong một” ("một” - tức tính chất Nhà nước pháp quyền), nhưng trên thực tế, hai điều này không phải lúc nào cũng thống nhất.

VNHN-Để xây dựng một Nhà nước pháp quyền, có hai điều cốt yếu: Soạn thảo các văn bản pháp luật (các bộ luật, luật, pháp lệnh,...) có chất lượng và việc thực thi pháp luật kịp thời, nghiêm minh. Tuy là "hai trong một” ("một” - tức tính chất Nhà nước pháp quyền), nhưng trên thực tế, hai điều này không phải lúc nào cũng thống nhất.

Ảnh minh họa

Để xây dựng một Nhà nước pháp quyền, có hai điều cốt yếu: Soạn thảo các văn bản pháp luật (các bộ luật, luật, pháp lệnh,...) có chất lượng và việc thực thi pháp luật kịp thời, nghiêm minh. Tuy là "hai trong một” ("một” - tức tính chất Nhà nước pháp quyền), nhưng trên thực tế, hai điều này không phải lúc nào cũng thống nhất.

Về việc soạn thảo các văn bản pháp luật: Kể từ khóa I đến nay, Quốc hội (QH) nước ta đã xây dựng nhiều bộ luật. Mỗi kỳ họp của các khóa QH gần đây, thường thảo luận và thông qua 8 - 10 bộ luật và luật, trong đó có một số luật được sửa đổi, bổ sung. QH khóa XIII, kỳ họp thứ 2, với 31 ngày họp, QH dành tới 17 ngày cho công tác xây dựng pháp luật; trong đó sẽ thảo luận và thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến sửa đổi, bổ sung 13 dự án luật. Việc tổ chức soạn thảo, quy trình xây dựng các luật và việc thảo luận, thông qua các dự án luật tại các kỳ họp QH ngày càng được đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn. Đấy là điều đáng mừng. Tuy nhiên, chất lượng của các công việc ấy, lại là một điều khác. Việc soạn thảo các văn bản pháp luật của ta lâu nay bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết, biểu hiện ở mấy vấn đề nổi bật: dưới đây.

1. Thiếu tính khoa học, tính thực tiễn. Soạn thảo luật ít căn cứ xác đáng vào tình hình cụ thể về kinh tế - xã hội của đất nước và thực trạng dân đức, dân trí, tâm lý, tính cách, các hành vi của người Việt hiện nay và thiếu tầm nhìn xa; ít có sự tham khảo và so sánh với các bộ luật cùng loại của các nước phát triển trên thế giới. Tính thực thi của nhiều bộ luật và luật còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nói cách khác: Hầu hết các bộ luật và luật (cũ và mới) của ta có rất nhiều sơ hở, thiếu chặt chẽ, không rõ ràng về các khái niệm, các điều luật

2. Nhiều điều khoản xét xử chưa sát hợp với tình hình thực tế, định khung các hình phạt còn quá "nương nhẹ” (nhất là đối với các tội: tham nhũng; cướp của giết người, hiếp dâm; sản xuất và buôn bán hàng xấu, hàng giả, nâng giá; các tội phạm vị thành niên; vi pham luật giao thông...), không đủ sức răn đe kẻ phạm tội, dẫn đến hiện trang coi thường ("nhờn”) pháp luật.

3. Hiện tượng quá nhiều luật gây ra sự cồng kềnh, chồng chéo các điều luật hoặc mâu thuẫn giữa luật này với luật kia (cũng như cả nước có tới 6 nghìn bộ thủ tục hành chính; trước mắt phải giảm bớt 30%.). Một số luật chỉ tương đương với pháp lệnh, hoặc các văn bản quy phạm pháp luật.

4. Một số luật biên soạn "chưa ra ngô ra khoai”, hết sức sơ sài, đã vội trình QH, để thảo luận. Ví dụ như Luật Giáo dục đại học, Luật Giá... Lại có cả dự án luật "khó hiểu” và đáng ngạc nhiên đến mức... khôi hài như dự án "Luật Nhà văn” cũng được ĐBQH nêu ra để xin ý kiến QH kỳ họp thứ 2!

Nguyên nhân cơ bản của vấn đề nêu trên là trình độ văn hóa - pháp luật và tư duy khoa học của nhiều người tham gia soạn thảo luật còn hạn chế, non yếu. Nói cách khác, việc soạn thảo các văn bản pháp luật của ta còn phải rất lâu và rất lâu nữa, có khi phải tới vài thập niên nữa, mới theo kịp trình độ soạn thảo pháp luật của các nước tiên tiến Á, Âu, Mỹ ở thời điểm hiện nay!

Cần phải nói thêm điều này: Việc thảo luận và thông qua các bộ luật ở các kỳ họp QH còn thiếu chất lượng, gây băn khoăn, lo ngại trong cử tri cả nước. Trước mỗi kỳ họp, đúng ra, các ĐBQH phải nghiên cứu kỹ các dự án luật mới và các luật bổ sung, sửa đổi; phải có các bản nhận xét kỹ lưỡng về các luật sẽ được thảo luận. Thế nhưng, hầu hết ĐBQH chỉ đến khi kỳ họp đang diễn ra, mới đọc một cách vội vàng các dự án luật, thậm chí một số ĐBQH còn... chưa có thì giờ (?) để đọc, để nghiên cứu (?!), nên họ không có các ý kiến phản biện đúng đắn và sâu sắc các dự án luật. Đấy là chưa kể, không ít ĐBQH trong nhiều kỳ họp không hề phát biểu một ý kiến nào, ngay cả khi thảo luận ở tổ. Đến lúc biểu quyết thì cứ "hồn nhiên”, "mãn nguyện” và "vô tư” (?) bấm nút để... "thông qua”! Như thế thì làm sao có chất lượng tốt khi thảo luận và thông qua các bộ luật?

Về việc thực thi pháp luật: Không phải cứ có nhiều văn bản pháp luật là có sự thực thi pháp luật tốt. Thực thi pháp luật là một hệ vấn đề rất phức tạp và cũng là một yếu kém, nhức nhối lớn của xã hội ta trong việc thể hiện, chứng minh là một Nhà nước pháp quyền. Đây là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bao gồm viện kiểm sát, tòa án, công an,... với các tổ chức của nó. Từ văn bản pháp luật, đến việc điều tra, tố tụng, xét xử các vụ việc, đòi hỏi các cán bộ điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải thật sự có năng lực giỏi, tinh tường, nhạy cảm, quyết liệt để điều tra, xét đoán, luận tội sao cho không để lọt tội phạm và xét xử đúng người, đúng tội; đồng thời phải có tinh thần trách nhiệm cao, vô tư, trong sáng, nghiêm cẩn, tận tâm làm nhiệm vụ. Đấy là những yếu tố không thể thiếu của cán bộ, công chức các cơ quan chức năng. Nói như nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An: "Các cán bộ viện kiểm sát, tòa án, công an phải có cái tâm trong sáng như Bao Thanh Thiên, có con mắt tinh tường như Tôn Ngộ Không và không có những thói xấu của Trư Bát Giới”! Tình trạng điều tra, lập hồ sơ, khởi tố, xét xử, luận tội trong khá nhiều vụ việc theo sự chỉ đạo "ngầm”, theo ô dù , "vùng cấm”... đang làm nhức nhối lương tri, gây bất bình xã hội một cách nghiêm trọng! Nhiều vụ án để "chìm xuồng”, hoặc dây dưa kéo dài. Rồi từ kết luận của tòa án, đến việc thi hành án, cũng xảy ra nhiều hiện tượng đánh trống bỏ dùi; thậm chí có cả một số vụ việc đã tuyên án, nhưng cơ quan thi hành án đã ... "quên” (?) !

Từ hai vấn đề yếu kém cơ bản trên đây, ta thấy chưa thể đảm bảo hai tiêu chí cốt lõi của một "Nhà nước pháp quyền”!

"Thượng tôn pháp luật” là linh hồn, là nguyên tắc cao nhất, là biểu hiện rõ rệt nhất của một Nhà nước pháp quyền! "Thượng tôn pháp luật” - 4 chữ hàm súc, ý nghĩa sâu xa - hiểu được và làm cho đúng 4 chữ ấy, đâu phải dễ! Có thực sự "thượng tôn pháp luật”, đất nước mới bình yên và phát triển bền vững, lòng người mới an. Sâu sắc thay lời Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Yên dân, đâu phải chỉ lo đánh ngoại xâm, mà còn phải chống "nội xâm” cho giỏi, có hiệu quả cao. Muốn vậy, phải có hệ thống các bộ luật và luật thật sự khoa học, hoàn chỉnh, có tính thực tiễn và tính thực thi cao; đồng thời phải nghiêm trị, không được lơ là, không thể nương tay đối với các tội phạm - đặc biệt là với những kẻ phạm các trọng tội. Tội phạm kinh tế - xã hội chính là giặc "nội xâm”, cần phải kịp thời nghiêm trị, để an dân và giữ lấy kỷ cương, phép nước.

Đào Ngọc Đệ