26/11/2024 lúc 01:26 (GMT+7)
Breaking News

Lớp học kỳ lạ ở 19 Hàng Buồm

Khi cả nước vừa kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam, lại nhớ về một lớp học kỳ lạ dịp cuối thu cách nay 35 năm. Đó là lớp “Hướng dẫn sáng tác văn học” do Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội thường gọi là Hội Văn Nghệ Hà Nội (HVNHN) tổ chức.

Ý tưởng bắt đầu từ nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Bà nhận thấy lớp trẻ thời mở cửa hời hợt với văn chương nên muốn mở một lớp truyền cảm hứng để thu hút lớp trẻ đến với sáng tác. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã bàn với nhà thơ Bằng Việt để và cả hai nhất trí cao mở lớp. Nữ thi sĩ hơn 40 tuổi năm ấy hồi hộp không hình dung mình sẽ làm cô giáo thế nào. Ở đây, bà vừa là cô giáo chủ nhiệm trực đứng lớp, vừa mời các diễn giả.

Phần nhiều học viên độ tuổi 20 tới 30 vừa sinh viên vừa công chức và một vài học viên đã tuổi hưu trí. Nhỏ nhất lớp là 14 tuổi. Có vài học viên đã từng có mặt trong văn đàn từ trước, còn lại là người mới. Tuy vậy, sau khóa học đã có những tác giả thường xuyên đăng đàn, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, HVNHN và ra xuất bản hàng chục đầu sách.

Từ tháng 9/1989, lớp học khóa I tiến hành vào các buổi chiều cách nhật thứ hai, tư, sáu tại cơ quan Hội tại 19 Hàng Buồm. Dự kiến một tháng nhưng do học viên quá nhiệt tình nên Hội VNHN mở tiếp một tháng nữa rồi mở tiếp khóa II. Lần đầu tiên các học viên được gần gũi tác giả thần tượng, bước ra từ đài báo, sách giáo khoa như các nhà thơ Vũ Cao, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Tô Hà, Vương Trọng, Võ Thanh An, Anh Ngọc, Trần Ninh Hồ, Phạm Ngọc Cảnh Nguyễn Bùi Vợi… các nhà văn Tô Hoài, Hồ Phương, Chu Lai, Nguyễn Kiên, Vũ Bão, Hà Ân, Nguyễn Thị Vân Anh, Anh Biên… nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng… thật may mắn có một không hai.

Ngày khai giảng, nhà thơ Bằng Việt nêu bật ý nghĩa của lớp học nhưng không quên dặn “chứng chỉ khóa học này không dùng để xin việc được đâu nhé”. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khiêm nhường thổ lộ rằng “trong sáng tác thì không ai dạy được ai cả, các nhà văn nhà thơ chỉ giãi bày về kinh nghiệm của bản thân rồi các học viên tự rút ra những thu hoạch của riêng mình.

Mỗi buổi nói chuyện của mỗi nhà văn nhà thơ không khác nào một cuốn sách cô đọng cả đời viết. Một sự nghiệp cô đọng nén lại bằng một cuốn sách, một câu nói, thu gọn thì dăm chữ ba dòng, khai mở thì vô cùng vô tận. Học viên hào hứng nghe diễn giả phân tích cấu tứ như xác định “ADN” của tác phẩm rồi từ đó, biết lập tứ, triển khai. Nhà văn Tô Hoài khuyến khích đọc cả những nội dung ngoài sở thích bởi bất kỳ một mẩu báo, đoạn tin nào cũng là chất liệu văn học. Nhà thơ Vũ Cao lại truyền cho tinh thần hai chữ “chủ động”. Nhà văn Chu Lai thôi miên tất cả bằng hình ảnh bắp chân cô giao liên trong đêm Trường Sơn trở thành cảm xúc cốt lõi. Nhà văn Vũ Bão đời ba chìm bảy nổi cho học viên phương châm “Phút thứ 89”, nghĩa là không bao giờ từ bỏ, hãy đứng dậy trong phút cuối cùng. Nhà thơ Hữu Thỉnh giúp học trò hiểu hạt nhân của bài thơ phải là câu thơ hay. Ông sôi nổi “Anh nói về đề cương, ý tưởng hay lắm, nhưng tôi hỏi câu thơ của anh đâu?”. Tinh tế như vậy nên ông có những câu liên tưởng kỳ lạ như “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ cách “chụp cắt lớp”, “nội soi” tác phẩm và không quên dặn đọc thơ khác với đọc báo. Nhà thơ Phạm Tiến Duật luôn bay bổng từ nhân vật lái xe Trường Sơn đến bài thơ về anh chàng khó tính kén vợ…

Học trò lúc chìm đắm trong những áng thơ, khi ngả nghiêng cười trong những câu chuyện duyên dáng của diễn giả. Hai tháng trôi qua thật nhanh, thầy trò đến lúc phải tạm biệt nhau đầy quyến luyến. Anh chị em khóa I vẫn duy trì sinh hoạt văn chương suốt nhiều năm và tổ chức nhiều đêm thơ nhạc, ra mắt sách. Hai học viên được kết nạp vào Hội VNHN rất sớm, ngay sau khi nhận giải ba cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ là Nguyễn Minh Nga và Nguyễn Bích Huyền. Các hội viên Hội VNHN tiếp theo là Nguyễn Đăng Luận, Lê Tiến Vượng, Đinh Ngọc Quang, Trần Quang Huy, Bùi Phương Thảo…

Khóa I đóng góp cho Hội Nhà văn Việt Nam 4 hội viên là Nguyễn Trọng Văn, Đoàn Mạnh Phương, Trần Minh và Nguyễn Vinh Huỳnh. Nguyễn Trọng Văn đã ghi được dấu ấn trong lòng độc giả trong các loại hình truyện ngắn, ký, tiểu thuyết và thơ đã xuất bản 28 đầu sách. Trong đó có 7 tập thơ, 2 trường ca, 13 tập truyện ngắn và ký, 6 tiểu thuyết. Đoàn Mạnh Phương đã xuất bản 4 tập thơ với những câu thơ lạ: “Bao con đường bao hồn rêu vía ngõ/ Nếp nhăn nào khắc họa được nghìn năm/ Ngày chăn thả những hưng phấn mới/ Giấc mơ nào rụng rốn trong đêm”. Nguyễn Vinh Huỳnh khẳng định mình trong truyện ngắn, tiểu thuyết và đã xuất bản 3 cuốn “Người xa lạ, Đồng đẳng, NG”. Lớp trưởng là Nguyễn Đăng Luận có một số tập thơ tình được bạn trẻ yêu thích như “Lời thề lá sen”, “Ngày không em”, “Thơ tình Nguyễn Đăng Luận”, “Buổi ban đầu”. Anh có những câu thơ như “Nhiều chiều anh nhớ về em/ và chiều nay nữa là thêm một chiều”. Cách chơi chữ lấp lánh không chắc đây là buổi chiều hay là các chiều của không gian, thời gian.

Bùi Phương Thảo là một cô giáo 27 tuổi đang buồn vì bố (Nhà thơ Quang Dũng) mới qua đời thì người bạn tri kỷ của bố là nhà thơ Trần Lê Văn, đến nhà bảo “Ở 19 Hàng Buồm đăng báo mở lớp hướng dẫn sáng tác văn học đấy, Thảo đi học cho đỡ buồn rồi biết đâu viết được cái gì thì viết”. Đó là cái duyên mà Thảo đạp xe đến đăng ký lớp. Sau đó, cô cũng xuất bản 2 tập thơ là “Cỏ mật” và “giấc mơ phù sa”. Thơ của Thảo luôn có hình bóng người cha trong đó “Cha đặt tên cho con loài cỏ thơm/ Hương theo con suốt nửa đời quấn quýt/ Nhớ thương cha con trồng ô cỏ mật/ Cỏ hữu tình xanh ngát mãi ngàn thu”.

Bên kia sông Hồng, huyện Đông Anh, cậu học trò Nguyễn Đức Gia nghe tiếng loa đầu đê phát chiêu sinh viết văn, thích quá, vượt cầu Long Biên về Hàng Buồm ghi tên. Khá ngược đời, học viên Hoa Đức Quang muốn được học phải xin Cô Nhàn thay mặt Hội viết giấy đề nghị chính cơ quan mình tạo điện kiện đi học. Nguyễn Thị Phượng tới lớp lặng lẽ như một nữ tu, dường như chỉ làm thơ cho mình nhưng rồi cũng in hai tập “Hiện hữu” và “Điều rất khác”. Trần Quang Huy trình làng 4 tập thơ “Nong cau”, “Mơ về kiếp sau” “Tan tác” và “Tình tang”.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng đọc báo “Hà Nội mới” thấy chiêu sinh thì rủ luôn hai đồng đội lính sư đoàn cũ là Dương Lâm và Nguyễn Lê Tâm đến đăng ký. Thế là họa sĩ Lê Tiến Vượng biến thành thi sĩ với 7 tập thơ như “Khách muộn mùa thu”, “Lục bát bên đời”, “Lục bát khóc - cười”, “Lục bát Phố”, “Lục bát đùa chơi” và “Lục bát thế thời”. Thơ Vượng vừa nghiêm túc vừa tự trào: “Ví đời như giọt mắt em/Anh kẻ chết đuối vớt lên lại chìm”.

Sau vài chục năm thì khóa I, khóa II tụ lại hình thành câu lạc bộ mang tên “Cánh Buồm” với sự điều hành của Lê Tiến Vượng. Anh là người “vác tù và” nên vừa song hành với văn chương vừa dẫn dắt CLB thiện nguyện Trái Tim Hồng liên tục lên vùng cao giúp đỡ đồng bào khó khăn. Tới nay, họ đã xây cho bản làng hơn 20 điểm trường tại Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Thái nguyên, Lạng Sơn…

Học viên Nguyễn Lê Tâm đến với lớp chỉ muốn học cân chữ đong nghĩa phục vụ viết ca từ. Sau này anh được biết đến với vai trò người sáng tác nhạc có một số ca khúc đi vào đời sống như “Tiếng Việt”, “Nhắn tuổi hai mươi”, “Phép lạ hàng ngày”… cùng một số ghi nhận như giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam.

Những học viên như Lê Xuân Sinh, Nguyễn Đức Mẫn, Lâm Văn Lĩnh, Gia Ninh, Dương Lâm, Phạm Thị Loan, Lê Thị Thọ, Trần Văn Trương, Trần Duy Phúc… vẫn sáng tác nhưng kín tiếng. Một số ít học viên cao tuổi đã chia tay dương gian như lớp trưởng Nguyễn Đăng Luận, bác bác Trào, bác Minh… nhưng tình yêu văn chương khiến họ luôn ở lại trong tim bạn bè. CLB Cánh Buồm vừa là diễn đàn viết lách, vừa là ký ức thời thanh xuân. Điều này như được nói hộ trong bài hát Pháp “La boheme” của Charles Aznavour hoài niệm về Paris xưa: “Tôi nói với em về thời mình chưa tròn hai mươi/ Đồi Montmartre ngập tràn hoa tử đinh hương/ Trong những quán cà phê thanh xuân/ Chúng tôi đã đọc thơ, tụ tập quanh bếp lửa, lãng quên cả mùa đông/ Dù không một xu dính túi cùng cái bụng trống rỗng/ Chúng tôi chưa bao giờ ngừng chờ đợi một ngày vinh quang”.

Lớp học ấy vẫn tổ chức các cuộc hội ngộ, tri ân những người thầy năm xưa. Thầy Bằng Việt năm xưa nay đã U 90 gặp lại học trò luôn bày tỏ sự tâm đắc với mùa thu hoạch từ khu vườn văn chương do ông và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã gieo hạt ươm mầm.

Có lần, ban nhạc Air Supply được một ký giả hỏi “thành công lớn nhất của ban là gì?” Ca sĩ, cây sáng tác chính G. Russell trả lời: Đó là 30 năm nay chúng tôi vẫn chơi được với nhau”. Điều này cũng đúng với lớp học sáng tác văn học khóa I. Họ gặp vẫn cùng nhau vượt sóng trên con thuyền văn chương 35 không ngừng nghỉ. Họ rời bến 19 Hàng Buồm với tinh thần Nguyễn Đăng Luận vẫn nói “Dẫu chẳng bao giờ đi hết biển, cánh buồm mình vẫn căng lên”.

Tháng 11 - 2024

Mỹ An

...