VNHN - Khi tôi vô tình xem được một đoạn clip trên mạng xã hội về ngày đầu tiên đến lớp với kiểu khóc "hội đồng" của các bé học mầm non, cô giáo dỗ bạn này nín thì bạn khác khóc, rồi lần lượt thi nhau quay vòng, tôi như vỡ lẽ ra một điều: À! thì ra các cô giáo mầm non có sức chịu đựng ghê gớm như vậy.
Tôi cũng là một phụ huynh đang có con học lớp nhà trẻ tại một trường mầm non tư thục, khi đưa con đi học hay đón con về tôi quan sát thấy hầu hết các bậc phụ huynh đều rặn dò các cô là hôm nay con như thế này, thế kia lúc đón về sẽ hỏi con hôm nay học như thế nào rồi vội vã mang con rời lớp học. Và đại đa số không thấy phụ huynh nào gửi lời cảm ơn đến cô giáo ngày hôm nay đã vất vả với các con như thế nào? Vẫn biết xã hội đã phân định rất rõ ràng nghề nghiệp nếu đã chọn thì phải tâm huyết, sống và cống hiến cho nghề, một phần cũng vì cuộc sống, nhưng chắc có lẽ phải trong nghề mới biết được hết những sự khó khăn vất vả với nghề giáo - nhất là giáo viên Mầm non. Bởi nhẽ các bé còn quá nhỏ sinh hoạt ăn uống kể cả giấc ngủ cũng phải có cô chăm bẵm. Người trong nghề phải có đạo đức tốt, sức chịu đựng cao và phải thật yêu trẻ mới làm được.
Một buổi dạy nề nếp của các bé trường Mầm non Bình Minh
Lại nói đến từ "cảm ơn" lời đó tưởng chừng như đơn giản nhưng để nói ra thì lại khó đến thế, có thể nói ra rất ngượng ngùng vì không quen, có thể mọi người ấn định công việc của giáo viên mầm non là thế thì cần gì phải cảm ơn. Cũng đơn giản như chưa ai làm được một việc trong ngày sinh nhật của mình quay sang nói câu cảm ơn với mẹ - người mang nặng đẻ đau, cho ta hình hài nuôi ta khôn lớn, dành hết tất cả sự yêu thương hi sinh cho ta, có thể bạn cảm ơn ai đó đã tặng quà, cảm ơn ai đó đã nhớ tới sinh nhật mình, nhưng câu cảm ơn đơn giản tới mẹ - người đã sinh ra mình, đánh dấu sự có mặt của mình trên cõi đời này thì lại không thốt ra được, dù câu nói cảm ơn chỉ gồm hai từ ngắn gọn. Có ai biết rằng người nhận được câu cảm ơn thì vui biết nhường nào, cho họ động lực bao nhiêu, vì việc mình làm, mình cống hiến đã được người khác công nhận. Không ai có đủ dũng cảm bỏ con mình đi nuôi con người như các cô giáo mầm non, âm thầm hi sinh âm thầm cống hiến, vậy mà chỉ vì "một con sâu làm rầu nồi canh", mà công sức của các cô bị bác bỏ hết. Dù là nghề nào cũng vậy, bạn yêu thích đến mấy nhưng một ngày từ 9 đến 11 tiếng xoay quanh với vài chục đứa trẻ, từ ăn - uống, học - chơi, vệ sinh - ngủ thì mới thấy được các cô thật can trường. Cả ngày vất vả đến giờ các bé ngủ thì các cô mới được vài phút nghỉ ngơi nếu không có bé nào thức giữa giấc ngủ. Dạy các bé lúc khỏe mạnh đã khó, lúc các bé mệt hay đau ốm quấy khóc lại càng vất vả hơn nữa. Nếu không vậy thì sao các cô được ví như "mẹ hiền" thứ 2 của các bé.
Cô đón bé vào lớp và lời cảm ơn chân thành từ các bậc phụ huynh
Xoay lại tựa đề, tôi rất thích cách giáo dục trẻ em của người Nhật, khi con đến trường dù là mẫu giáo các bé tự đi bộ và mang vác đồ của mình, trong chương trình giáo dục bậc mầm non họ không chú trọng việc dạy tri thức mà là dạy trẻ "mỉm cười và nói cảm ơn". Dạy con tự lập từ bậc mầm non, nên các cô giáo mầm non ở Nhật nhàn hơn ở Việt Nam rất nhiều. Và đó là ở Nhật còn ở Việt Nam bố mẹ cho rằng con còn nhỏ phải bế vào lớp, xách hộ ba lô, giao con tận tay cô để còn kịp rặn dò vài điều, nên trẻ em Việt Nam rất ỉ lại hậu quả đến trường các cô giáo gánh gần hết.
Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Thì tại sao chúng ta không nói câu cảm ơn tới những người làm nghề cao quý ấy, người đã dạy giỗ con mình, một hai câu thăm hỏi động viên để họ có động lực, có tâm huyết gắn bó với nghề. Hàng ngày nên có câu cảm ơn và động viên trong văn hóa ứng xử giữa phụ huynh và giáo viên.
Đưa bé đến lớp bên tai tôi vang lên câu hát: "Mùa xuân ai đi hái hoa, mà em đi nuôi dạy trẻ, sao em muốn đàn em mau khỏe, sao em muốn đàn em mau ngoan, hay bởi vì em quá yêu thương những đôi môi đỏ, những đôi má tròn, cô yêu từng đôi mắt sáng, long lanh như những giọt sương..." đó cũng là câu trả lời mà các cô giáo trường Mầm non Bình Minh - TP Thanh Hóa muốn nói khi có ai hỏi tại sao lại chọn nghề giáo viên mầm non./.